Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018


Trong một cuộc hội thảo với đông đảo người tham dự, vị diễn thuyết gia nổi tiếng chậm rãi bước lên bục, chẳng nói chẳng rằng mà rút ngay trong túi ra một tờ 20 USD (tương đương 460 nghìn đồng).

Ông mỉm cười hỏi hơn 200 người ngồi bên dưới: "Có ai muốn lấy tờ 20 USD này không?"

Vô số cánh tay đồng loạt giơ lên.

Vị diễn thuyết gia lại hỏi: "Tôi định tặng cho 1 người bất kỳ trong hội trường này tờ 20 USD trong tay mình, nhưng trước đó thì người được tặng sẽ phải làm giúp tôi một việc." Ông từ tốn nhìn lướt quanh một lượt: "Còn ai muốn lấy nữa không?"

Một số cánh tay vẫn đưa lên giữa không trung.

Diễn thuyết gia lớn tuổi mỉm cười: "Vậy nếu như tôi làm thế này thì sao?" Sau đó, ông ném tờ tiền xuống đất, dùng chân giẫm vào nó rồi bình thản nhặt tờ tiền lấm bẩn lên.

Ông tiếp tục hỏi: "Bây giờ còn ai muốn nó nữa nào?"

Vẫn có một vài người kiên trì giơ tay.

Lúc này, vị diễn thuyết gia chậm rãi phát biểu: "Các bạn vừa mới được học một tiết học vô cùng ý nghĩa. Bất luận tôi có làm gì với tờ tiền này, các bạn vẫn muốn có nó, bởi nó không hề bị mất đi giá trị của mình, vẫn luôn là 20 USD. Trong cuộc đời, mỗi chúng ta đều rất nhiều lần bị quyết định của bản thân hoặc vì những hoàn cảnh khó khăn bên ngoài tác động mà gục ngã, mà tổn thương. Chúng ta cho rằng mình không xứng đáng thế nọ thế kia, nhưng cho dù có chuyện gì xảy ra, trong mắt Thượng đế, giá trị của chúng ta cũng không bao giờ thay đổi. Kỳ thực, bạn có sạch sẽ hay bẩn thỉu, ăn mặc lấm lem hay sang trọng thì cũng vẫn luôn là báu vật vô giá."
(Nguồn Internet)

Câu chuyện giá trị tờ tiền 200 USD, gợi mở cho tôi về giá trị của bản thân, tôi có mặt ở thế gian này là do chính tình yêu của CHúa dựng nên tôi, tôi có một vị trí trong trái tim lòng thương xót của Chúa, và chắc chắn Chúa biết tôi cần gì và Chúa biết tôi đang cần Chúa. Bài học từ viên đại đội trưởng cầu xin Chúa cứu người nô lệ của ông gần chết.  Tôi tâm đắc câu tuyên xưng của ông khi Chúa đang trên đường đến nhà ông: "Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi! là nó đi; bảo người kia: "Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này! là nó làm."

Chúa đã khen lòng tin của ông, và người đầy tớ đã được chữa lành.
Mỗi người đều có giá trị riêng, điều quan trọng là ta tin và quyền năng của Chúa trên cuộc đời ta, cho dù ta có là gì và có tội lỗi như thế nào, Chúa vẫn chờ đợi ta.

Hôm nay tôi cầu nguyện cho những nạn nhân của trận bão  Mangkhut.

Thứ Hai Tuần thứ 24 Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 7,1-10
1 Sau khi đã nói hết những lời ấy cho dân chúng nghe, Đức Giêsu vào thành Caphácnaum.Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm.3 Khi nghe đồn về Đức Giêsu, ông cho mấy kỳ mục của người Do Thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.4 Họ đến gặp Đức Giêsu và khẩn khoản nài xin Người rằng: "Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho.5 Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta."6 Đức Giêsu liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: "Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi.7 Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh.8 Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi! là nó đi; bảo người kia: "Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này! là nó làm."9 Nghe vậy, Đức Giêsu thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: "Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ítsraen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế."10 Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.

Khi đang bước đi, hươu mẹ cảm thấy đã đến lúc hươu con đòi ra. Cùng lúc đó, mây đen kéo đến, sấm sét nổi lên khiến khu rừng gần đó bốc cháy.
Rẽ trái thì hươu mẹ sẽ gặp một tay thợ săn đang giương cung từ xa. Rẽ phải thì thấy một con sư tử đói đang tiến lại gần.
Hươu mẹ phải làm gì để có thể sinh hươu con an toàn?
Bạn nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra?
Hươu mẹ có sống được không?
Hươu mẹ có sinh ra con được không ?

Hay mọi thứ sẽ bị đốt cháy bởi đám cháy ở khu rừng?
Hươu mẹ sẽ rẽ trái, rẽ phải, tiến về phía trước hay lùi về phía sau?
Câu trả lời là: Hươu mẹ chẳng làm gì cả, mà chỉ tập trung vào việc sinh ra con an toàn nhất.
Chuỗi sự việc này xảy ra như sau:
Trong giây phút sấm sét nổi lên làm cháy khu rừng, người thợ săn cũng bị sét đánh trúng mắt. Anh ta đã bắn lệch mục tiêu là hươu mẹ, nhưng lại trúng vào sư tử ở đằng xa. Cũng vào lúc đó, trời bắt đầu mưa, dập tắt đám cháy ở khu rừng. Và hươu mẹ chỉ việc sinh ra con trên đồng cỏ an toàn.
(Sưu tầm)

Trong cuộc sống có rất nhiều vật cản làm ta dễ thoái lui, dễ bị chi phối nhưng cũng lắm lúc chính ta lại là bước cản trở người khác tiến lên.

Câu chuyện hươu mẹ chỉ tập trung và việc sinh con là việc Hươu mẹ phải thực hiện, cho dù đằng trước, đăng sau hay trên đầu mọi nguy hiểm đang rình rập, hươu mẹ đã thành công khi tập trung vào chính điều cần thiết nhất với giây phút hiện tại.

Trong thời đại hôm nay, tôi và các bạn chắc chắn có rất nhiều chi phối, làm sao để tập trung và sống giây phút hiện tại cho thật tốt, phải chăng chúng ta cần có một niềm tin, tin vào chính mình và tin vào ơn phù trợ của Đấng đã tạo dựng nên ta.

Tôi theo dõi bước hành trình của Thầy Giê-su cùng và học trò lên Giêrusalem trong bài Phúc Âm hôm nay, cho tôi trải nghiệm cuộc đời đi theo Chúa nếu không có niềm tin và thập giá thì không thể sống tốt giây phút hiện tại, tôi cũng sẽ như Phê-rô ra sức can ngăn Chúa. Và chính những lúc như thế Chúa sẽ quát mắng tôi: "Satan lui ra đăng sau".

Lạy Chúa, con xin dâng lên CHúa cuộc sống và những việc con đang thực hiện, và con tin vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa để con tiến lên phía trước, cho dẫu những nguy khó vẫn đang chờ, và thập giá vẫn trên vai con.

Chúa Nhật Tuần thứ 24 Thường Niên năm B

Lời Chúa: 
 Mc 8,27-35
27 Đức Giêsu và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai? "28 Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó."29Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phêrô trả lời: "Thầy là Đấng Kitô."30 Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. 31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.33 Nhưng khi Đức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô: "Xatan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."34 Rồi Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018



Anh Pierre Piront rất nghèo. Anh chỉ có tấm nệm rơm để ngủ. Từ lâu anh mơ ước chiếc giường êm nên để dành được 100 quan. Hôm nay dịp may đến. Anh mua cái giường của ông Gustave với giá 75 quan. Như vậy anh vẫn còn 25 quan. Khi anh lên nhận chiếc giường thì cùng lúc ấy, ủy viên bán đấu giá cúi xuống đất, nhặt lên Cây Thánh Giá nặng, bám đầy bùn đất dơ bẩn. Với giọng khàn khàn ông cất tiếng la to:- Ai trả bao nhiêu để mua vật này?

Trong phòng im lặng như tờ. Bỗng vang lên tiếng nói chế nhạo:
- Không trả xu nào hết! 

Mọi người cười rộ, ngầm đồng ý với tiếng nói.

Chàng họa sĩ trẻ Pierre Piront cảm thấy kinh ngạc trước thái độ vô thần hỗn xược của người đồng hương. Bằng một giọng run run vì cảm động, anh nói:

- Tôi xin trả 25 quan. Rất tiếc tôi chỉ có thế. Nếu có nhiều tiền, hẳn tôi sẽ trả với giá cao hơn!

Trước lời lẽ can đảm, đám đông lại ào ào chế nhạo. Một người đàn bà cao tuổi, chỉ ngón tay vào anh Pierre và nói: - Nó là tên ngu đần nhất trong tất cả các tên ngu đần!

Tức khắc, mọi người trong phòng cùng nói lớn: - Hoan hô bà già nói đúng!

Tiếp tục thủ tục đấu giá, ủy viên đứng bán nói: - 25 quan cho giá đầu tiên... giá thứ hai... giá thứ ba... Chấm dứt!

Không ai đấu giá. Thế là Cây Thánh Giá thuộc về anh Pierre Piront với giá 25 quan. Anh cảm động tiến lên nhận Cây Thánh Giá với trọn lòng kính cẩn yêu mến. Xong, anh ôm Thánh Giá rời phòng, trước các cặp mắt và lời nói chế diễu của mọi người hiện diện.

Về đến nhà, việc làm đầu tiên là vội vàng chùi rửa Cây Thánh Giá. Vừa lau, anh vừa âu yếm nói chuyện với Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng bị xúc phạm. Nhưng anh Pierre ngạc nhiên biết bao, khi vừa lau chùi xong, anh khám phá tên khắc bên dưới chân Thánh Giá. Với kính lúp, anh đọc:
- BENVENUTO CELLINI

Đây là tên của một thợ kim hoàn nổi tiếng người Ý. Lòng tràn đầy niềm vui, anh tiếp tục lau chùi thật kỹ lưỡng. Càng lau, càng chùi, anh càng khám phá ra Cây Thánh Giá và tượng Đức Chúa GIÊSU KITÔ bằng vàng ròng.

Anh Pierre Piront không còn bình tĩnh nữa. Anh lấy khăn bọc kỹ Cây Thánh Giá rồi chạy như bay tới tiệm kim hoàn gần đó. Anh nhờ chủ tiệm đánh giá cho phẩm vật của anh. Sau khi xem xét cẩn thận, chủ tiệm đánh giá toàn Cây Thánh Giá là 60.000 đồng vàng.

Cùng lúc, chủ tiệm xin chàng họa sĩ trẻ tuổi cho phép ông đăng tải trên báo chí câu chuyện khám phá bất ngờ, độc nhất vô nhị.

Câu chuyện đến tai vua Louis-Philippe I (1830-1848). Nhà vua cho gọi anh Pierre Piront đến và ca ngợi lòng dũng cảm, dám tuyên xưng Đức Tin Công Giáo của anh.

Nhà vua cũng cho mở cuộc điều tra, để biết tại sao Cây Thánh Giá quý báu lại lọt vào tay cụ già Gustave Busset. Qua cuộc điều tra, người ta biết:
- Vào năm 1531, vua Francois I nhờ nhà kim hoàn Benvenuto Cellini làm Cây Thánh Giá bằng vàng ròng. Sau đó, tác phẩm nghệ thuật tôn giáo được trưng bày tại điện Versailles. Khi cuộc cách mạng Pháp 1789 xảy ra, dân chúng tràn vào đập phá và ăn cắp của cải vật dụng trong điện Versailles. Có lẽ Cây Thánh Giá bị ăn cắp và bị bán đi với giá thật rẻ.

Sau cuộc điều tra, vua Louis-Philippe I mua lại Cây Thánh Giá với giá 60.000 đồng vàng và truyền gọi anh Pierre Piront vào làm việc trong hoàng cung. Nhờ cơ may, anh trau dồi, phát triển và tận dụng khả năng nghệ thuật của mình.

Để ghi nhớ biến cố ấy, anh Pierre Piront vẽ bức họa “Cây Thánh Giá bán đấu giá”. Bức họa là một tuyệt tác, tháp tùng anh suốt cuộc đời và an ủi anh ở giây phút cuối đời.

(Albert Pfleger, ”FIORETTI DE LA VIERGE MARIE”, Mambré Editeur, Paris 1992, trang 79-81)
(Sr Jean Berchmans Minh Nguyệt dịch – Nguồn: radiovatican)


Đọc câu chuyện 'Cây Thánh Giá bán đầu giá" trong ngày Giáo Hội cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá, tôi chiêm ngắm Thánh Giá để hiểu mầu nhiệm tình yêu Chúa dành cho nhân loại, mặc cho người ta chế giễu, anh Pierre Piront đã dám kính cẩn đón nhận Thánh Giá mà người ta đang trêu đùa.

 Với 25 quan tiền còn lại ít ỏi anh Pierre Piront đặt cược để chuộc cây Thánh Giá, vậy mà không có giá nào cao hơn giá anh đưa ra, Thánh Giá đã về anh, và chínhThánh Giá đã đem lại cho anh cuộc sống hạnh phúc và niềm vui.

Cuộc sống có rất rất nhiều Thánh Giá, nhưng Thánh giá chỉ nở hoa khi tôi đón nhận, vác và bước đi. là người Ki-tô hữu Thánh giá phải là đỉnh cao trong đời sống, buồn vui tôi đều nhìn lên Thánh Giá để học bài học yêu thương, phó thác và cậy trông.

Lạy Chúa, trong ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, xin cho con biết mỗi lần làm dấu Thánh Giá là một lần con ghi dấu ấn lòng thương xót Chúa trên cuộc đời con.


Thứ 6 tuần 23 TN, suy tôn Thánh Giá (lễ kính)
Lời Chúa: 
 Ga 3,13-17
13Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. 16Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.