Câu chuyện cô bé bán XÔI của Lm Piô Ngô Phúc Hậu
"Ngày mồng 5 tết Quí Tỵ, mình giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Giáo xứ Hoàng Xá. Sau bài giảng khai mạc, mình nói đùa với cha xứ:
- Ông mời tôi giảng tĩnh tâm cho giáo dân của ông. Giáo dân thì chẳng thấy đâu. Chỉ thấy toàn là kiến cỏ.
- Người ngồi trên ghế đã là một ngàn tư rồi. Nếu tính cả người ngồi dưới chiếu nữa, thì chừng một ngàn sáu trăm. Còn mấy trăm người đứng ở ngoài sân nữa. Tính cho tròn là hai nghìn.
- Người ta ngồi chen chúc nhau, không còn một kẽ hở. Đứng trên giảng đài nhìn xuống chỉ thấy toàn là đầu người, y như đại sảnh triển lãm củ chuối. Chỉ nhìn không thôi, cũng đủ ngộp thở rồi.
- Hôm nay thì đông như vậy đấy. Tĩnh tâm xong là biến đi gần hết.
- Biến đi đâu?
- Biến đi khắp nơi để bán xôi. Dân Hòang Xá nổi tiếng về nghề bán xôi. Bán xôi trên mọi nẻo đường của đất nước. Bán từ Lào Cai, Yên Bái đến Thanh Hóa và Vinh. Thậm chí vào tận Bình Dương nữa.
- Đi bán xôi, thì đồng thời có loan báo Tin Mừng không?
-Chả biết. Chắc chắn là có nhiều đứa bỏ cả lễ Chúa Nhật. Lo làm ăn, quên cả Chúa.
Tếu táo với cha xứ một hồi, mình về phòng riêng, tắt đèn, chui vào mùng, nằm suy nghĩ vẩn vơ. Mình nghĩ đến Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Hôm ấy mình ghé thăm ngài ở Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Ngài dành cho mình hai tiếng đồng hồ để tâm sự. Tâm sự thì lê thê. Tâm sự của mình là công việc truyền giáo ở Năm Căn và Cái Rắn. Tâm sự của ngài là các phong trào Focolare, Dấn thân và Cursillos. Tâm sự lê thê, mình sợ phiền ngài nên cáo từ:
-Đã trễ rồi, con xin phép, không làm phiền Đức Cha nữa.
-Không sao đâu. Chúng ta cứ tiếp tục.
Tâm sự lại lê thê, lê thê mãi cho tới cao điểm. Ngài ngỏ bày tâm sự một cách bức xúc bằng giọng nói mạnh mẽ, bằng ánh mắt bắn lửa, bằng hai bàn tay chặt chém. Mình lằng nghe, mình nhìn ngắm và ghi nhớ không sót một lời.
“Nếu không sớm đưa Phúc Âm vào các lớp Giáo lý ở miền Bắc, thì miền Bắc sẽ đánh mất Đức Tin trước miền Nam. Đạo miền Bắc chỉ là đạo kinh kệ, chỉ là tục lệ. Miền Bắc nổi tiếng là có đức Tin mạnh, giữ đạo kiên cường để tồn tại. Giai đoạn đó không còn nữa. Bây giờ đã bước sang thời của kinh tế thị trường. thời của tiền bạc. Nếu chỉ có kinh kệ, mà không có Phúc Âm thì không thể đương đầu được với tiền bạc đâu….”
Nghĩ về Đức Hồng Y Thuận xong, mình nghĩ về những cô gái bán xôi của Giáo xứ Hoàng Xá. Trước khi nhắm mắt để ngủ, mình quyết tâm thực hiện vài điều.
1/ Chiều tối hôm sau, trước giờ giảng…
Trong khi chờ đợi bà con tập trung, mình đi dạo dưới bóng những cây sấu “thất thập cổ lai hy”, để nhìn xem dòng người đi lễ. Xe gắn máy chảy vào nhà thờ như dòng thác. Một chiếc xe Dream. Một chiếc xe Wave. Một chiếc Attila… Trùng trùng, điệp điệp. Xe xịn nhiều hơn xe không xịn. Xe nào cũng đèo thêm một-hai người. Người lớn, trẻ con, đàn ông, đàn bà gọi nhau chí chóe. Bỗng có một chiếc xe xịn lướt qua: Hai cô gái chở nhau, không đội mũ bảo hiểm, không mang khẩu trang, tóc
vàng bay bay, miệng cười toe toét. Mình giơ tay chặn lại:
- Mỗi cô nộp phạt một trăm năm mươi nghìn
- Tại sao vậy ông cố?
- Không đội mũ bảo hiểm
- Hí, hí… Đường làng mà ông cố.
- Chưa đến giờ đâu. Cho cha phỏng vấn một tí… con này bao nhiêu tuổi?
- Thưa ông cố, con mười bảy tuổi.
- Con đang học phổ thông phải không?
- Con mới học hết lớp bảy rồi nghỉ, đi làm.
- Con làm nghề gì?
- Con bán xôi.
- Bán ở đâu?
- Con bán xôi ở thành phố Thanh Hóa.
- Con bán xôi đậu, xôi gấc hay xôi gì?
- Con bán xôi ruốc.
- Mỗi hộp xôi con bán bao nhiêu?
- Mười lăm nghìn.
- Bán mười lăm nghìn thì lời bao nhiêu?
- (cười trừ)
- Mỗi ngày con lời bao nhiêu?
- (lại cười trừ)
Cô bạn đỡ lời, khai vanh vách:
- Hắn giàu lắm ông cố ạ. Mỗi hộp xôi hắn lời bảy nghìn. Mỗi ngày hắn lời gần ba trăm nghìn. Mỗi tháng trả cho nhà trọ năm trăm nghìn. Ăn và điện nước hết năm trăm nghìn. Mỗi tháng hắn để dành được tám triệu đấy. Hắn sắp thành đại gia tới nơi rồi.
- Thế đại gia có đi lễ Chúa Nhật không?
Cô bạn lại trả lời hộ:
- Mỗi năm về quê vài lần. Về quê mới đi lễ, mới đi xưng tội. Ông cố bắt hắn đền tội nhiều vào.
2/ Chiều tối hôm sau, sau bài giảng…
Sau bài giảng, mình kể chuyện giáo dân thời Công Vụ Tông Đồ. Vợ chồng Aquila và Priskila đi đâu cũng mở xưởng dệt. Đi đâu cũng truyền giáo và trở nên chỗ dựa vững chắc cho Thánh Phaolô.
Khi Saolô bắt đạo một cách tàn nhẫn, thì giáo dân ở xứ Giuđê phải bỏ chạy tán loạn. Người giàu thì vượt biên đi đảo Sip, đảo Crét, xuống Kyrênê, hoặc lên Antiokia. Người nghèo thì lên xứ Samari. Đi đến đâu thì cũng kiếm cơm ăn áo mặc đồng thời loan báo Tin Mừng. Họ đã loan báo Tin Mừng mạnh mẽ không thua các Tông Đồ. Mà còn bạo dạn hơn các Tông Đồ. Chính giáo dân đã xây dựng được một Giáo Hội vừa phồn thịnh vừa bình an vô sự. Đó là Giáo Hội Samari. Chính giáo dân ở Antiokia đã dám loan báo Tin Mừng cho Dân Ngoại trước cả các Tông Đồ, trước cả Thánh Phaolô.
Thời Công Vụ Tông Đồ, giáo dân đã đi hàng đầu, thì nay giáo dân cũng phải đi hàng đầu. Giáo dân đông hơn giáo sĩ và tu sĩ. Cả nước Việt Nam chỉ có chừng 20.000 linh mục và tu sĩ. Nhưng số giáo dân thì đã có tới bảy triệu rồi, đông hơn linh mục và tu sĩ tới 350 lần. Đặc biệt là giáo dân có mặt trong mọi môi trường của xã hội. Giáo dân đi bộ đội, giáo dân đi bán xôi… Còn linh mục và tu sĩ thì xin thua.
Đi bán xôi mà biết truyền giáo thì qua mặt giáo sĩ và tu sĩ cái vù. Đi bán xôi mà không truyền giáo, thi mất đạo như chơi. Mình đề nghị:
- Mỗi cô bán xôi có một cuốn Tân Ước. Chỉ bán bảy hộp xôi là có đủ tiền mua một cuốn Tân Ước rồi.
- Mỗi ngày đọc một bài Phúc Âm. Đoạn nào khó hiểu và không thể hiểu, thì móc điện thoại di động ra gọi về cha xứ, xin cha xứ giải thích. Cha xứ mà được giáo dân dùng điện thoại học hỏi về Thánh Kinh, thì mát cái bụng, phổng cái mũi.
- Bán xôi mà biết truyền giáo thì vượt mặt cả Thánh Phaolô nữa, vì Thánh Phaolô không có xe máy, không có điện thoại di động.
- Khi đi bán xôi có thể dừng chân nói chuyện vài phút với một bà chủ nhà nào đó. Hỏi thăm bà ấy, xin bà cho biết em nào trong xóm nghèo đến mức độ phải bỏ học, để mình giúp đỡ. Mỗi tháng bỏ ra chừng 100.000 để giúp người nghèo, thì các cô bán xôi dư khả năng. Làm công tác xã hội như thế thì bà con địa phương sẽ quí mên cô bán xôi biết dường nào, có nhiều người hâm mộ hơn và… Chúa thì vui mừng quá…
- Các cô bán xôi đồng hương và đồng đạo lập thành nhóm để tương trợ nhau, để kinh kệ cùng nhau, để rủ nhau đi lễ, để rủ nhau chia sẻ Lời Chúa. Nên mời một tu sĩ địa phương làm linh hướng. Tu sĩ này là gạch nối để các cô bán xôi sống thân yêu với dân địa phương. Nhờ đó vừa sống đạo, vừa truyền đạo, vừa phát triển kinh tế cho bản thân. Nhất cử lưỡng tiện, tam tiện, tứ tiện…
3/ Hẹn gặp nhau trên đường bán xôi…
Mùa hè năm 2013, mình dự định đi vào vùng đất của ông Lê Lợi, để làm công tác loan báo Tin Mừng. Hẹn với các cô bán xôi Hoàng Xá một kế hoạch có vẻ khả thi.
- Các cô bán xôi sẽ đến Tòa Giám mục hỏi thăm khi nào mình tới.
- Mình sẽ đến thăm các em và xem các em nấu xôi.
- Mình sẽ tháp tùng các em trên các tuyến đường bán xôi: Tuyến gần, tuyến xa, tuyến thành phố, tuyến làng quê, tuyến đi bộ, tuyến đi xe máy…
- Mình học nghề với các em và hướng dẫn các em biết giao tiếp với khách hàng.
- Giới thiệu các em với các cha xứ, tu sĩ địa phương.
- Để chuẩn bị cho dự án, các em phải xây dựng hậu phương: xin các cụ già và trẻ em cầu nguyện và hy sinh cho công tác này.
Câu chuyện vừa bán xôi vừa truyền giáo được kết thúc bằng câu chuyện em bé mầm non đi lễ Chúa Nhật. Em cầu nguyện: “Xin Chúa cho cô con giỏi thiệt giỏi. Xin Chúa cho cô con đẹp thiệt đẹp”.
Sáng hôm sau, vừa tới lớp, bé khoe ngay với cô công tác ấy. Cô giáo vừa nghe xong vừa xoa bụng. Mát bụng quá thể.
Chỉ có thế thôi mà cô giáo đã nhận mẹ của bé làm chị kết nghĩa. Hai chị em rủ nhau đi lễ Chúa Nhật. Cô đi một lần, hai lần, ba lần rồi ghiền đi lễ và theo đạo luôn.
Các cô bán xôi có vẻ hứng khởi. Hy vọng tràn trề."
Câu chuyện của Lm Piô Ngô Phúc Hậu, thật tế, vui nhưng làm tôi suy nghĩ nhiều trong ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, tôi nhớ lại số 7 trong sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2017 :
"Truyền giáo nhắc nhở Hội Thánh rằng mình không phải là một mục đích tự tại, nhưng là một dụng cụ và trung gian khiêm tốn của Nước Trời. Một Hội Thánh quy chiếu về chính mình, một Hội Thánh bằng lòng với thành công trần thế, thì không phải là Hội Thánh của Đức Kitô, không phải là Thân Thể chịu đóng đinh và vinh hiển của Người. Đó là lý do tại sao chúng ta phải thích “một Hội Thánh bị bầm giập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình” (ibid., 49)."
Có người nghĩ rằng truyền giáo là việc của ai đó, của ông cha, bà phước, của mấy ông trùm, câu, biện...của những người "có ơn gọi" truyền giáo... còn tôi, tôi có biết bao công việc phải làm: học hành, kiếm tiền, lo tìm danh vọng, lo kinh tế gia đình...làm sao mà tôi có thể truyền giáo. Sống đức tin đã là một cố gắng lớn rồi.
Truyền giáo là chỉ đi lễ, đọc kinh cầu nguyện là xong bổn phận của người ki-tô hữu, đó là cái nhìn hẹp, quy chiếu về chính mình. Hay Truyền giáo chỉ là giữ các giới răn cho thật nghiêm túc, hay giảng thuyết thật hấp dẫn làm bao nhiêu con tim thổn thức, nước mắt rưng rưng nghĩ đem nhiều người về về cho Chúa, phải chăng đó chỉ là tiếp thị và quảng cáo.
Truyền giáo là phải mang đạo vào đời như muối như men ướp mặn trần gian. Truyền giáo bằng chính đời sống chứng tá Tin mừng giữa đời, làm chứng cho Chúa bằng chính tình yêu, bác ái công bình ngày chính trong gia đình, trong cộng đoàn, công sở. Truyền giáo như Đức Thánh Cha Phanxico “ra khỏi vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng”.
Lời mời gọi của Chúa ngày hôm nay phải luôn thúc giục tôi và bạn "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."
Nhìn lại chính công việc và đời sống của tôi qua công việc Truyền thông, một chân trời loan báo Tin mừng. Mỗi cái Click chuột tôi phải đem lại cho người khác ánh sáng của hy vọng, tiếng cười của an bình. Những bản tin tôi đưa lên có làm cho người xem cảm thấy hân hoan và hy vọng hay những bản tin của tôi mang màu u tối của chết chóc, chia sẻ, hận thù. Phải chăng tôi và các bạn cần nhìn lại tinh thần và lửa Truyền giáo chấp nhận đi ra để ra đi.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2017
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20170609/38875Chúa Nhật XXIX Thường Niên A, Chúa Nhật Truyền Giáo. Mt 28,16-20 Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."