Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015


Khi ta đối diện với núi đồi hùng vĩ, biển cả mênh mông, thế giới bao la, vũ trụ bí ẩn; ta thấy con người mình thật bé nhỏ, giới hạn trong một xó xỉnh nhỏ hẹp lọt thỏm trong cái mênh mông của vũ trụ lớn lao vô tận. Nói chi đến vũ trụ bao la, chỉ cần nhìn dòng người qua lại trên phố thị, ta cũng đã thấy mình rất bé, thật nhỏ, chẳng có gì để phải gây sự chú ý; đôi lúc nhìn lại chính bản thân mình, thật sự cũng không hiểu nổi, ngay cả khối óc tư duy để giúp mình suy nghĩ, phát biểu những điều này. Và tự hỏi:

Tại sao tôi có mặt trên cõi đời này?
Tại sao tôi có mặt tại nơi này mà không phải nơi khác, trong thế giới bao la mênh mông này?

Tại sao quãng đời ngắn ngủi của tôi lại diễn ra lúc này mà không phải lúc khác trong dòng thời gian vĩnh cửu?

Nhìn mọi phía, mình thấy thật vô tận và mình chỉ là một hạt bụi, một thoáng qua của sự bất tận, không bao giờ trở lại. Mình biết chắc chắn trước sau gì con người cũng phải chết; nhưng điều mà con người ít biết nhất đó chính là sự chết. Cái mà nhân loại vô phương né tránh.

Trên đường đời của một con người, chắc chắn lúc này hay lúc khác phải đối diện với những cô đơn, buồn chán; giống như cội cây trổ nhánh muôn hướng không định hình của kiếp thảo mộc. Từng ngày sống, mỗi ngày đi qua, cũng có lúc tự hỏi không biết mình nên làm điều gì, và điều gì không nên làm, tựa như cây rối rắm um tùm mọc lá (lá rối, lá mù).

Đối diện kiếp nhân sinh, tâm trạng nhiều người xung quanh, những trái tim đời nhiều lúc cũng lạnh lùng, trống trải, hoang tàn, phong trần kỷ niệm. Đời sống đầy u buồn vì nó tạm bợ. Tất cả - chim trời, hoa lá, niềm vui, những cuộc tình, và chính đời sống mỗi con người - chỉ là những điều tạm bợ, phù du như sương mù:

Trên đời người trổ nhánh hoang vu
Trên ngày đi mọc cành lá mù
Những tim đời đập lời hoang phế...
(Trịnh Công Sơn - Cỏ xót xa đưa)

Ngày nay không ít người chẳng biết mình từ đâu tới, nên họ cũng không biết rồi sẽ đi về đâu. Người ta chỉ đoán rằng khi lìa đời họ sẽ mãi mãi đi vào cõi hư vô, hoặc mãi mãi đi về một cõi vô hình nào đó. Đây là tình trạng bất tri của nhân loại, đầy dẫy yếu đuối và bấp bênh thách thức sự tiến bộ của khoa học thực nghiệm. Nếu cái chết là kết tủa của sự tái sinh, thì khi một người ra đi, cũng là lúc người đó đang trở về. Nhìn sự sống và cái chết từ khía cạnh này cũng giống như khi ta nhìn nước trong một dòng sông, và tự hỏi liệu ta nên nói nó đang trôi đi hay đang chảy đến vậy.

Mà thôi suy nghĩ làm gì cho mệt, tôi cứ sống từng ngày một, không cần biết gì về số phận của mình. Có thể tôi sẽ tìm ra giải đáp cho những điều mình nghi ngờ, việc gì phải bận tâm khám phá những điều ấy! Nhiều khi cuộc sống đầy ắp vui vẻ như mặt trời luôn tỏa ánh sáng sưởi ấm cho đời, nhưng riêng ta thì không cảm nhận được điều đó, chưa vui chi lại thấy buồn đến: đời người vừa mới sinh ra còn nằm dưới vòng nôi, đã thấy đến ngày phải lìa đời.

Rồi một ngày đời vừa chấm hết thì thân phận của ta tựa như cây kia cỏ nọ, cũng phải ngậm ngùi vì thấy mình chưa làm được điều gì cả, cuối đời chỉ còn ngậm ngùi xót xa, khóc cười chen lẫn tiễn biệt:

Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ
Dưới chân này cỏ xót xa đưa.
Người đã đến và người sẽ về bên kia núi
Từng câu nói là từng cánh buồm xa cuối trời
Còn lại tiếng cười khóc giữa đời...
(Trịnh Công Sơn - Cỏ xót xa đưa)


Ai đó cho rằng đối với Trịnh Công Sơn: Nhạc là thơ, thơ là nhạc. Quả không sai vậy! Một chất nhạc-thơ mang đậm triết lý hiện sinh hữu thần thiên hướng Phật giáo: nhân sinh là bể khổ.

Vậy đâu là câu giải đáp cho tình trạng khốn cùng của đời người? Để né tránh vấn nạn này nhiều người tìm cách lẩn tránh, trốn chạy tình trạng bất toàn của kiếp người như: tiêu phí thời giờ, công sức, suy tính, tìm tòi những giá trị tầm thường, những thú tiêu khiển chóng qua... Nói chung họ chỉ xoay quanh chính mình, với tiền của, danh lợi, tình cảm, nghệ thuật, âm nhạc, thể thao, du lịch... Cuối cùng chẳng thấy đâu là hạnh phúc, ý nghĩa đích thực của cuộc đời, chỉ thấy một thế giới kiêu ngạo, tham lam, ích kỷ, lừa dối, lo âu, buồn chán, tội ác, bệnh tật, chết chóc và trống rỗng!

Có thể bạn cho là vơ đũa cả nắm khi ghép chung những tay anh chị, những kẻ tư kỷ chỉ biết hưởng lạc với những người xả thân hy sinh cho tha nhân, cho xã hội, hay những bậc tu hành, những nhà đạo đức luôn tìm kiếm điều thiện thánh... Vâng, tôi có nghĩ đến điều đó và tự hỏi, phải chăng vì đã tìm thấy hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc đời nên họ đã sống như vậy, hay họ cũng vẫn loay hoay thích ứng chỉ mong đi tìm hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc đời "bằng và qua" những cách sống ấy?

Nếu họ đã tìm thấy, thì tôi ao ước biết được bí quyết để có một cuộc đời hạnh phúc và ý nghĩa. Nhưng nếu họ đang đi tìm thì họ cũng chỉ đang đi trên con đường dẫn đến đau khổ mà thôi. Vì khi càng cố sống cho phù hợp với những tiêu chuẩn khách quan của điều thiện bao nhiêu, con người càng ý thức một cách đau khổ rằng mình không có khả năng làm được điều mình ước muốn bấy nhiêu (x. Rm. 7,15-20).

Blaise Pascal đã nói rằng muốn tìm kiếm giải pháp cho những bế tắc, cho tình trạng khốn cùng của con người thì con người phải nhận biết Thượng đế. Đấng làm cho con người thật sự hạnh phúc khi được dựng nên giống hình ảnh Người, để nhận biết và thờ phượng Người. Có mấy ai thấy vấn nạn của đời sống mình có liên hệ với sự nhận biết Thượng đế?

Đáp lại câu hỏi: "Tôi là ai? Tôi có mặt trong cõi đời này để làm gì? Rồi tôi sẽ đi về đâu?"; Chủ thuyết hiện sinh vô thần cho rằng: "Con người là một sản phẩm tình cờ của thiên nhiên, một kết quả từ vật chất, cộng thời gian, cộng ngẫu nhiên". Vì là ngẫu nhiên, tình cờ nên sự hiện diện của con người không có lý do, không có mục đích. Đối diện sau cùng của con người là sự chết. Là dấu chấm hết đối với tất cả mọi sự sau khi tắt thở:

... Người đã đến và người sẽ về bên kia núi
Từng câu nói là từng cánh buồm xa cuối trời
Còn lại tiếng cười khóc giữa đời.
(Trịnh Công Sơn - Cỏ xót xa đưa)

Con người giống như những sinh vật khác phải chết. Không có hy vọng gì vào cõi trường sinh, cuộc sống chỉ hướng đến mồ mả. Đời người chẳng khác một tia sáng chợt loé lên trong bóng tối vô cùng tận, rồi tắt lịm mãi mãi. So với thời gian vô tận, thì đời người chỉ là một thoáng qua không đáng kể, sống vài năm hay vài mươi năm thật ra không khác gì nhau. Bây giờ tôi biết mình đang tồn tại trong cõi đời này, rồi một ngày kia tôi sẽ chết, không còn hiện hữu nữa (đó là ngày nào tôi không biết):

Có biết gì về ngày chưa tới
Những ngày ngồi rủ tóc âm u
Nghe tiền thân về chào tiếng lạ
Những mai hồng ... ngồi nhớ ... thiên thu.
(Trịnh Công Sơn - Cỏ xót xa đưa)

Nếu không có sự sống đời sau, thì không có sự bất diệt. Nếu chết là hết, con người không còn hiện hữu khi qua đời, thì ý nghĩa cuối cùng của đời người là gì?

Việc một người được sinh ra, hiện diện trên mặt đất này vài giờ hay vài chục năm có gì quan trọng, có gì giá trị không? Có thể cho rằng cuộc sống người ấy là quan trọng vì đã gây ảnh hưởng lớn đến người khác, và ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại nữa. Thật ra, nếu không có Thượng đế thì ảnh hưởng ấy có ý nghĩa gì? Khi mọi sự kiện chỉ là vật chất tình cờ xảy ra thì việc tác động trên các biến cố, trên các sự kiện ngẫu nhiên ấy có ý nghĩa gì? Phải chăng nhân loại cũng chỉ như một đám côn trùng ruồi muỗi hay một giống loài sinh vật nào đó, điểm tận cùng đều như nhau? Chết là hết, là chấm dứt. Quá trình cuộc sống ngẫu nhiên đã sản sinh thì cũng ngẫu nhiên biến mất:

Nào phàm nhân sống mãi được sao
Mà chẳng phải đến ngày tận số?...
... Dù sống trong danh vọng,
Con người cũng không thể trường tồn;
Thật nó chẳng khác chi,
Con vật một ngày kia phải chết.
(Tv. 48,10;13)

Nếu thật vậy thì những đóng góp của các nhà khoa học để gia tăng tri thức cho con người; những công trình nghiên cứu của y học để tiêu trừ bệnh tật, làm giảm bớt đau đớn thể lý cho bệnh nhân; những nỗ lực của các nhà ngoại giao để tìm kiếm hòa bình cho thế giới; những hy sinh của biết bao người để thăng tiến mức sống con người; những mồ hôi nước mắt của các nhà giáo dục... tất cả đều uổng công. Rốt cục họ cũng chẳng tạo được điều gì khác biệt. Vì cuộc đời con người cuối cùng chẳng còn lại gì sau khi chết đi; tất cả sẽ trở nên vô nghĩa, nên mọi hoạt động trong cuộc đời cũng vô nghĩa. Thời gian dùi mài kinh sách, làm việc, nghiên cứu, tình liên đới... phân tích cho cặn kẽ, mọi thứ đều vô nghĩa. Và vì tận cùng của con người không có gì cả, nên cuộc sống con người không là gì cả.

Nếu thử giả định rằng con người sẽ không chết, con người có khả năng tồn tại mãi mãi thì còn kinh khủng và tồi tệ hơn nữa. Vì nếu không có sự sống đời sau; nếu con người chỉ là sản phẩm của vật chất, của ngẫu nhiên; nếu cuộc sống không có mục đích, không có ý nghĩa thì sống mãi, tồn tại mãi để làm gì?

Xét về tính chất một sản phẩm vô tri của vật chất, cộng thời gian, cộng ngẫu nhiên thì con người có hơn gì loài giun dế vì cũng đều là kết quả của mối tương tác vô tri giữa ngẫu nhiên và nhu cầu. Nói thế thật khó nghe, nhưng nếu không có cuộc sống đời sau thì đó là sự thật. Nếu không có sự sống đời sau thì bạn và tôi chỉ là một kết hợp tình cờ của thiên nhiên, đột nhiên xuất hiện trong một vũ trụ không có mục đích, để sống một cuộc đời vô mục đích, thiếu ý nghĩa mà thôi!

Còn một vấn đề nữa. Nếu không có sự sống đời sau, thì không có sự bất diệt. Nếu chết là hết. Nếu cuộc đời con người chấm dứt ở nấm mồ; cuộc sống không có mục đích nào, thì nào có gì khác biệt khi người ấy sống như một kẻ gian ác hay như một vị thánh?

Văn hào F. M. Dostoyevsky đã viết: "Nếu không có sự bất diệt thì chúng ta đều được phép làm mọi sự". Và rất có lý khi ai đó ca tụng tính ích kỷ: hãy sống cho chính mình; hoặc chủ trương: vì cuộc đời quá ngắn ngủi nên đừng liều lĩnh thực hiện bất cứ điều gì không phải là tư lợi, hy sinh cho người khác là dại dột, ...

Nếu không có sự sống đời sau thì chẳng có tiêu chuẩn tuyệt đối nào để thẩm định đúng - sai, phải - trái, thiện - ác, lành - dữ. Ai có thể tuyên phán giá trị nào đúng, giá trị nào sai? Quan niệm đạo đức mất hết tất cả ý nghĩa trong một vũ trụ không có Thượng đế, không có sự sống đời sau. Có nghĩa là không thể lên án chiến tranh, áp bức, tội ác, ma tuý, đĩ điếm... và liệt kê các điều tương tự đó là điều ác được. Cũng không ai có thể ca ngợi tình huynh đệ, sự bình đẳng, tình yêu, sự hiệp nhất... và coi những điều giống vậy là điều thiện hảo.

Sống ở đời này mà không có sự sống ở đời sau thì thiện ác không tồn tại, mà chỉ như Jean Paul Sarte nói: "Tất cả những gì chúng ta đương đầu chỉ là những thực tế trơ trọi, vô giá trị". Nếu không có sự sống đời sau thì cuộc sống đời này chỉ là vô nghĩa, vô mục đích, vô giá trị!

Bạn có hiểu tầm mức quan trọng của sự lựa chọn bày ra trước mặt chúng ta hay không? Vì nếu sự sống đời sau hiện hữu thì còn có hy vọng cho con người, cho bạn, cho tôi. Nhưng nếu không có sự sống đời sau thì chúng ta thành những kẻ tuyệt vọng.

Ai cũng muốn chứng minh đời sống của mình có giá trị, cuộc sống của mình có ý nghĩa, có mục đích vì ai cũng muốn mình hạnh phúc. Thế nhưng khi tìm kiếm những điều này thì họ đã mâu thuẫn với niềm tin "không có Thượng đế", "không có đời sau", mọi sự chỉ là ngẫu nhiên kia mà!

Bạn có biết vì sao người ta luôn cố gắng chứng tỏ mình tài giỏi, mình thành công, mình đẹp... và nếu được thì còn hơn người khác nữa? Vì sao người ta cảm thấy khốn khổ khi không được người khác yêu thương, khen ngợi? Vì sao con người lại sợ cô đơn, sợ bệnh tật, sợ lừa dối, sợ chết...? Vì sao người ta cố gắng sống thiện lành, để ân để đức lại cho con cháu? Vì thật ra người ta không thể sống đúng với quan niệm cho rằng mình chỉ như con giun con dế, một sản phẩm của ngẫu nhiên, sự tình cờ, và rồi một ngày nào đó không còn là gì cả.

Tại sao người ta lên án chiến tranh, lên án chế độ nô lệ, lên án phân biệt chủng tộc, kỳ thị giai cấp? Tại sao người ta lên án sự lừa dối, sự phản bội, sự độc tài, sự độc đoán? Tại sao chấp nhận sử dụng chuột, thỏ... làm động vật thí nghiệm mà lại lên án khi đem con người làm động vật thí nghiệm? Tại sao người ta lên án những xung đột tranh chấp, những hành động cực đoan gây đổ máu, tạo thương vong, và làm chết nhiều người, đâu đó khắp nơi trên thế giới này?

Vì con người không thể sống thành thật với quan niệm cho rằng giá trị con người chỉ là kết quả của sự tác hợp vô tri giữa ngẫu nhiên và nhu cầu. Người ta không thể sống thành thật với quan niệm cho rằng vấn đề thiện ác, đạo đức chỉ là sở thích cá nhân... Nhưng như vậy là đã mâu thuẫn, là đã phản bác điều họ vẫn tin "không có sự sống đời sau" mất rồi!

Tại sao lại phải cố gắng đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ? Thiên nhiên thế nào cũng đúng cả mà, phụ nữ có khác gì một con gà mái hay một con dê cái? Có ai sống nỗi với quan niệm như vậy không?!

Tại sao chính những người vô thần, những người tuyên bố "không có đời sau" lại lên án những kẻ tự kỷ chỉ biết hưởng thụ vui chơi? Tại sao họ lại ca ngợi những người biết dốc lòng cho thế hệ mai sau? Vì tự thâm tâm họ hiểu điều họ nói - chết là hết - là không đúng. Con người chết chưa phải là hết, không thể nào kẻ gian ác hay người thiện lành, kết cuộc những năm tháng của mình sống trên đời một cách giản đơn như thế - chỉ là một nấm mồ - rồi sau đó không còn gì nữa cả. Không thể thế được. Không đúng thế.

Trong một thế giới mà công lý con người luôn luôn thay đổi, chỉ có tính tương đối và thường hay lầm lẫn, bạn có thể sống nổi với quan niệm rằng sự tàn ác, sự gian dối của con người rồi sẽ qua đi mà không hề bị trừng phạt, cũng như không có sự ban thưởng cho người ngay kẻ lành? Chân phước Hồng y John Henry Newman nói rằng: "Nếu tôi tin rằng mọi điều ác và bất công trên đời này qua suốt cả lịch sử không được trình ra trước mặt Thượng đế ở đời sau, thì thà tôi làm người điên còn hơn".

Thế giới quan vô thần không thể hội đủ điều kiện để sống cuộc đời hạnh phúc. Không ai có thể sống với niềm tin "không có sự sống đời sau"; vì cuộc đời từ chối sự sống đời sau sẽ vô nghĩa, sẽ không có mục đích, sẽ không có giá trị. Khi chối từ sự sống đời sau người ta nghĩ rằng mình được giải phóng khỏi các luật lệ ràng buộc để sống tuỳ ý mình thích; nhưng thực tế cho thấy khi gạt bỏ sự sống đời sau, con người đã tự phủ nhận chính mình.

Ngược lại, người có niềm tin nơi Thượng đế - Tin có sự sống đời sau - sẽ không chán chường thất vọng, mất phương hướng khi đối diện trước cái chết. Chính niềm tin vào sự sống lại và có sự sống đời sau đã trở nên trung tâm điểm của đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo.

Chính Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống - Đấng đã đến và sống trong lịch sử nhân loại, đã chịu chết bởi khổ hình thập giá, thời quan tổng trấn Philate trị vì miền Judea, xứ Plalestina; và đã sống lại với tư cách là "trưởng tử trong những kẻ chết" (x. Cv. 26,23; Cl. 1,18; Kh. 1,5) - là người đầu tiên đi vào sự sống mới này (sự sống đời sau).

Sự sống lại của Đức Giêsu là đối tượng đầu tiên của đức tin của người Kitô hữu, sự sống lại cũng là nền tảng cho niềm hy vọng của họ và xác định đích điểm cho niềm hy vọng ấy. Đức Giêsu đã sống lại "như của đầu mùa của những kẻ đã yên giấc" (x. 1Cr. 15,20). Điều đó là nền tảng cho niềm trông đợi sống lại của mọi tín hữu Kitô vào ngày sau cùng. Hơn nữa, Đức Giêsu còn là hiện thân "sự sống lại và là sự sống: Ai tin vào Người dù có chết cũng sẽ được sống" (x. Ga. 11,25). Đó là nền tảng của niềm tin vững chắc nơi người có đức tin ở Đức Giêsu Kitô, được tham dự ngay từ bây giờ vào mầu nhiệm của cuộc sống mới mà Người cho họ bước vào qua những dấu chỉ Bí tích.

Khi còn đang ở đời này, chính lúc được mai táng với Đức Kitô trong Phép Rửa, người tín hữu Kitô cũng được sống lại với Người, vì họ đã tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Người từ kẻ chết sống lại (x. Cl. 2,12; Rm. 6,4 tt). Đời sống mới mà khi ấy người Kitô hữu tham dự vào không gì khác hơn là đời sống của chính người-phục-sinh (Ep. 2,5 tt). Đời sống người Kitô hữu hiện tại, được xem như tham dự "trước một bước" vào sự sống lại mai sau.

Tóm lại, niềm xác tín căn bản này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người Kitô hữu, mà còn điều khiển cả cuộc sống Kitô giáo. Từ đây, nó chi phối hành vi của con người mới được sinh ra trong Đức Kitô: "Được sống lại cùng với Đức Kitô, anh em hãy tìm kiếm những sự trên trời, là nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa" (x. Cl. 1,3 tt). Nó cũng là nguồn hy vọng của mọi Kitô hữu. Vì nếu người Kitô hữu - người có niềm tin vào Đức Kitô - thao thức mong đợi thân xác khốn nạn của mình sau cùng được biến đổi thành một thân xác vinh hiển, là vì có những bảo chứng của một tình trạng mai sau (x. Rm. 8,23; 2Cr. 5,5). Sự sống lại sau cùng của mọi tín hữu chỉ làm sáng tỏ thực trạng đã có trong thực tại bí ẩn của mầu nhiệm đời sống mới trong Đức Kitô Phục sinh mà thôi (x. Cl. 3,4; 1Cr. 15,20-23; 35 tt).

Vậy thì, nếu như:
... Có biết gì về ngày chưa tới
Những ngày ngồi rủ tóc âm
Nghe tiền thân về chào tiếng lạ
Những mai hồng ... ngồi nhớ ... thiên thu.
(Trịnh Công Sơn - Cỏ xót xa đưa)

Thì đây chỉ là một trong những suy tư kết thúc cuộc lữ hành trần thế của con người, tức là kết thúc thời gian của ân sủng và của lòng thương xót mà Thiên Chúa ban cho con người, để họ thực hiện cuộc đời trần thế của mình theo kế hoạch của Thiên Chúa và để họ tự quyết định số phận tối hậu của mình vậy!

nguồn:gpvinhlong,net

Tác giả của những suy tư trên cũng là những điều đã đặt câu hỏi do nhóm người phái Sa đốc đến cùng Chúa Giêsu khi họ đặt một câu chuyện nghe thì hợp lý, nhưng ngẫm lại thì lại vô lý, vô lý khi đặt một người đàn bà mà trải qua 7 đời chồng, thực tế làm sao có người dám cưới người đàn bà này chỉ cần 1 đến hai đời chồng mà không có con thì chắc chắn không ai dám lấy người đàn bà này để làm vợ, vì bà ta không có khả năng làm mẹ, thì làm sao lưu truyền nòi giống được. Câu chuyện chỉ là cái cớ để nhóm Sa đốc chất vấn Chúa Giêsu về chuyện sự sống mai sau vì nhóm này không tin có sự sống lại.

Hãy cũng nghe Chúa Giêsu trả lời qua cuộc chất vấn hôm nay.

Xin Chúa cho con và nhân loại biết có cuộc sống ngày mai để con biết sống giây phút hiện tại thật tốt và làm lành lánh dữ để ngày mai con sẽ là thiên thần trong nước Chúa.


Thứ Tư Tuần IX Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mc 12,18-27
18 Khi ấy, có ít người phái Sa đốc đến cùng Chúa Giêsu; phái này không tin có sự sống lại và họ hỏi Người rằng: 19 "Thưa Thầy, luật Môsê đã truyền cho chúng tôi thế này: Nếu ai có anh em chết đi, để lại một người vợ không con, thì hãy cưới lấy người vợ goá đó để gây dòng dõi cho anh em mình. 20 Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết không con. 21 Người thứ hai lấy người vợ goá và cũng chết không con, và người thứ ba cũng vậy, 22 và cả bảy người không ai có con. Sau cùng người đàn bà ấy cũng chết. 23 Vậy ngày sống lại, khi họ cùng sống lại, thì người đàn bà đó sẽ là vợ của người nào? Vì cả bảy anh em đã cưới người đó làm vợ". 24 Chúa Giêsu trả lời rằng: "Các ông không hiểu biết Kinh Thánh, cũng chẳng hiểu biết quyền phép của Thiên Chúa, như vậy các ông chẳng lầm lắm sao? 25 Bởi khi người chết sống lại, thì không lấy vợ lấy chồng, nhưng sống như các thiên thần ở trên trời. 26 Còn về sự kẻ chết sống lại, nào các ông đã chẳng đọc trong sách Môsê chỗ nói về bụi gai, lời Thiên Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ta là Chúa Abraham, Chúa Isaac và Chúa Giacóp". 27 Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống. Vậy các ông thật lầm lạc".
http://tonggiaophansaigon.com/suy-niem/20150602/30811

0 nhận xét:

Đăng nhận xét