Không phải ngẫu nhiên mà các nhà tâm lý học cho rằng: “Hôn nhân là thử thách cực đại của tình yêu”. Bởi rất nhiều cặp vợ chồng sau nhiều năm kết hôn đã quên bẵng đi việc chăm chút cho “cây tình yêu” của họ, để nó héo rũ và chết khô lúc nào không hay.
Để rồi, khi cầm trên tay quyết định ly hôn của tòa án, không ít người cảm thấy hối hận và nuối tiếc cho tình yêu đẹp đẽ của mình ngày nào. Và họ chợt nhận ra, giá như mình biết quan tâm, yêu thương và chăm sóc người bạn đời nhiều hơn thì “cây tình yêu” đã không chết oan uổng như vậy.
Bữa tiệc ở Nhà hàng Ly Hôn
Anh cưới chị được 10 năm. Giữa hai vợ chồng không còn xúc cảm và hứng thú. Anh ngày càng cảm thấy đối với vợ hầu như chỉ còn là trình tự và nghĩa vụ. Anh bắt đầu thấy chán ngán chị. Nhất là khi đơn vị vừa nhận về một người phụ nữ trẻ hết sức sôi nổi và cuồng nhiệt bám lấy anh. Anh chợt có cảm giác cô ấy là mùa xuân thứ hai của anh. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định ly dị vợ. Và chị dường như cũng đã trơ lỳ cảm xúc; bình thản đồng ý đòi hỏi của anh. Thủ tục ly hôn tiến hành rất thuận lợi. Sau khi ra khỏi cửa, anh chị đã trở thành hai cá nhân độc lập và tự do.
Không hiểu sao, anh bỗng thấy trống trải vô cùng, anh nhìn chị nói: “Trời tối rồi, hay là đi ăn cơm đã.” Chị nhìn anh: “Vâng. Em nghe nói gần đây vừa khai trương Nhà hàng Ly Hôn, chuyên phục vụ bữa ăn cuối cùng cho các cặp vợ chồng ly dị. Chúng mình đến đó đi?”. Anh gật đầu. Hai người, một trước một sau lặng lẽ đi vào Nhà hàng Ly Hôn.
Anh chị vừa yên vị trong phòng VIP, cô phục vụ đã bước vào nói: “Anh chị dùng gì ạ?”. Anh nhìn chị nói: “Em gọi đi”. Chị lắc đầu: “Em ít khi ăn nhà hàng, không quen gọi món, anh gọi đi.” “Xin lỗi, nhà hàng chúng tôi quy định, bữa này do vợ gọi món hàng ngày người chồng thích ăn nhất, và chồng gọi món người vợ thích ăn nhất. Đó là món “Ký ức cuối cùng””, cô nhân viên phục vụ lên tiếng, chấm dứt cuộc đùn đẩy chọn món của anh chị.
“Thôi được”, chị hất mái tóc xõa trước mặt ra sau, nói: “Gà luộc chấm gia vị nước chanh, đậu phụ rán chấm nước mắm nguyên chất rắc hành thái nhỏ, chân giò luộc chấm mắm tôm, rau cải thảo luộc.” Cô phục vụ nhìn anh: “Anh gọi gì ạ?”. Anh sững người. Lấy nhau 10 năm, anh thật sự không biết vợ anh thích ăn món gì. Anh há hốc mồm, ngồi thừ ra. “Những món này đủ rồi, đều là món chúng tôi thích nhất”, chị vội chữa thẹn cho anh.
Cô phục vụ cười: “Thực tình mà nói, đến nhà hàng chúng tôi ăn bữa cơm cuối cùng, các anh, các chị đều không thể nuốt trôi. Hay là anh chị đừng dùng món “Ký ức cuối cùng” nữa, hãy dùng bữa tối đặc biệt mà nhà hàng làm cho vợ chồng ly hôn. Anh chị cùng gật đầu đồng ý. Cô phục vụ bước ra và lát sau quay lại với chiếc khay có một bông hồng đỏ tươi, nói: “Anh còn nhớ cảnh tặng hoa cho chị không? Bây giờ, khi mọi việc đã kết thúc, không còn là vợ chồng, nhưng là bạn. Bạn bè gặp nhau vui vẻ rồi chia tay, anh tặng chị bông hồng cuối cùng đi”.
Chị rùng mình, trước mắt hiện ra cảnh anh tặng hoa chị 10 năm về trước. Hồi đó, anh chị vừa đến thành phố xa lạ này, hai bàn tay trắng, bắt đầu xây tổ ấm từ số 0. Ban ngày, anh chị đi tìm việc làm, ban đêm chị ra hè phố bán quần áo, anh vào nhà hàng rửa bát. Nửa đêm mới về đến gian nhà thuê chưa đầy 10 mét vuông. Đời sống khổ cực, nhưng anh chị lúc nào cũng thấy vui và hạnh phúc. Lễ Valentine đầu tiên ở thành phố này, anh mua tặng chị bông hồng đầu tiên, nước mắt chị chảy dài trên má vì sung sướng. 10 năm rồi, cuộc sống đã khá lên, vậy mà anh chị lại chia tay nhau. Càng nghĩ, chị càng tủi, hai mắt ngấn lệ, xua tay nói: “Thôi, thôi, khỏi cần”. Anh cũng nhớ lại 10 năm qua. Và sực nhớ 5 năm nay, anh không mua hoa tặng chị. Anh vội vẫy tay, nói: “Không, phải tặng”. Cô phục vụ cầm bông hồng lên, “xoèn xoẹt” một cái, bẻ làm đôi, ném vào cốc của anh chị, mỗi người một nửa. Bông hồng tức khắc hòa tan trong cốc. “Đây là bông hồng nhà hàng làm bằng gạo nếp, cũng là món ăn nhà hàng gửi anh chị. Mời anh chị thưởng thức. Còn cần gì nữa, anh chị cứ gọi tôi”, nói xong, cô quay người ra khỏi phòng.
“Em… anh…”. Anh nắm lấy tay chị, nói không nên lời. Chị rút mạnh bàn tay. Không rút nổi, bèn để yên. Anh chị im lặng nhìn nhau, vẫn không nói nên lời. “Phụt”! Đèn điện tắt ngấm, trong phòng tối om. Bên ngoài vang lên tiếng chuông báo động đổ dồn, có mùi cháy khét lẹt bay vào. “Chuyện gì thế?”, anh chị vội đứng lên. “Nhà hàng cháy rồi, mọi người ra ngoài mau, mau lên”, bên ngoài có người kêu thét lên. “Anh, em sợ!”, chị ép vào người anh. “Đừng sợ!”. Anh ôm chặt lấy chị và tiếp tục trấn an chị: “Em đừng sợ, có anh ở bên cạnh. Chúng mình chạy ra ngoài đi”. Thật ngạc nhiên, ra tới ngoài, đèn điện vẫn sáng trưng, mọi vật như cũ, không có chuyện gì xảy ra. Cô phục vụ nói: “Xin lỗi anh chị, đây là món “Sự lựa chọn từ đáy lòng” của nhà hàng gửi tới anh chị”. Anh chị trở về phòng ăn, ánh sáng chan hòa. Anh cầm tay chị nói: “Vừa nãy là sự lựa chọn từ đáy lòng của chúng ta. Anh cảm thấy chúng ta không thể sống thiếu nhau, ngày mai vợ chồng mình đi đăng ký kết hôn lại đi?”. Chị cắn môi: “Anh nói thật lòng đấy chứ?”. “Thật! Anh hiểu rồi”, anh nói và gọi thanh toán. Cô phục vụ đi vào, đưa cho anh chị mỗi người một tấm phiếu màu hồng rất đẹp nói: “Đây là phiếu thanh toán của anh chị, cũng là món quà của nhà hàng gửi tặng anh chị, gọi là “Phiếu thanh toán vĩnh viễn”, mong anh chị cất giữ mãi mãi”.
Anh nhìn phiếu, mắt đỏ hoe. “Anh làm sao thế?”, chị lo lắng hỏi. Anh đưa phiếu thanh toán của mình cho chị, nói: “Anh có lỗi với em, anh mong được em tha thứ”. Chị cầm tấm phiếu đọc: “Một gia đình ấm cúng, hai bàn tay làm lụng, ba canh ngồi chờ anh về, bốn mùa dặn anh giữ gìn sức khỏe, năm tháng săn sóc anh chí tình, bảy ngày trong tuần nuôi dạy con cái, tám phương giữ gìn uy tín của anh, chín giờ thường xuống bếp làm món anh khoái khẩu, mười năm hao tổn tuổi xuân. Ai… Đó là vợ anh”. “Anh vất vả thật đấy. Mấy năm qua em thờ ơ với anh quá”, chị đưa phiếu thanh toán của mình cho anh xem. Anh mở ra đọc: “Một mình gánh vác trách nhiệm, hai vai nặng trĩu cơ đồ, ba canh cặm cụi bên bàn, tứ thời chạy ngược chạy xuôi, vinh nhục biết chia sẻ cùng ai, bể dâu khắc sâu đuôi mắt, nghĩa vụ đối với gia tộc, gập ghềnh chông gai con đường công danh, là người phàm tục làm sao mười phân vẹn mười. Lúc nào cũng tận tình với vợ con… Đó là chồng em”. Anh chị ôm chầm lấy nhau, oà lên khóc thành tiếng. (nguồn http://giadinh.net.vn)
câu chuyện kết thúc thật đẹp, họ đã hiểu nhau, đã tha thứ và hiểu nhau hơn.
Tuy nhiên ngày nay từ "li dị" sao mà dễ dàng "tặng" cho nhau mỗi khi có xung đột, có khủng hoảng.
Lên goole gõ "li dị" có Khoảng 1.940.000 kết quả (0,51 giây) , và rất rất nhiều tình huống dẫn đến vợ chồng li dị.
Cách đây mấy ngày có người bạn chia sẻ với tôi, ở giáo xứ bạn có đôi bạn vừa mới làm lễ tại nhà thờ, đúng 3 ngày sau cô vợ bỏ về nhà mẹ và nhất quyết đòi li dị, dù cho có ai khuyên thế nào cũng không được, lý do thì không ai hiểu được. Mặt dù hai bạn trẻ này quen nhau cũng 4 năm vậy mà không hiểu sao mới 3 này mà đã tan vỡ.
Dấu hiệu mà người ta khuyên nên li dị: Vợ chồng không còn tôn trọng nhau, không buồn nói chuyện với nhau, không muốn dành thời gian cho nhau, bạo lực gia đình, không cùng chăm sóc nuôi dạy con... là những dấu hiệu cho thấy ly dị có thể nên là một lựa chọn cho bạn. Theo bạn thì sao? còn tôi mỗi khi thấy một đôi tan đàn xẻ nghé tôi lại cảm thấy buồn và tiếc cho họ, hậu quả là những đứa con thiếu cha, thiếu mẹ. rồi nhiều nhiều chuyện dẫn đến từ gia đình đổ vở.
Cách đây 1 tuần trên trang báo vnexpress.net, câu chuyện "em gái quỳ xuống van xin tôi nhường chồng". Chuyện đọc nghe như chuyện trong phim. Đọc mà thấy thương cho cô chị, phải chi người ngoài "cướp chồng", đằng nay lại là đứa em gái. Hai từ "li dị" được rất nhiều người bình luận cho là hợp lý nhất.
http://vnexpress.net/tin-tuc/tam-su/em-gai-quy-xuong-xin-toi-nhuong-chong-3363440.html. Kết cục là bài viết: " Tôi đã li hôn để nhường chông cho em.
http://vnexpress.net/tin-tuc/tam-su/toi-da-ly-hon-de-nhuong-chong-cho-em-gai-ruot-3541606.html
Nhiều lắm, rất nhiều tình huống mà người trong cuộc còn thấy bất ngờ nữa,
Lời Chúa hôm nay cũng có cuộc tranh luận về "li dị" Có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng:
”Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” sau khi giải thích Chúa nói
"lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly."
Xin Chúa gìn giữ các gia đình và ban cho họ lòng can đảm, nghị lực và biết hi sinh cho nhau. Xin Chúa ban cho các gia đình trẻ tôn trọng và yêu thương , biết đối thoại và lắng nghe, biết tha thứ và bao dung để họ xây dựng gia đình đầy ấp tiếng cười và niềm vui hạnh phúc.
Mời đọc thêm
WHĐ (26.10.2013) – Tiếp theo sau thông báo Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục khóa ngoại lệ vào tháng 10/2014 về chủ đề Chăm sóc mục vụ cho Gia đình, đã có những suy đoán rằng Thượng Hội đồng có thể thay đổi luật Giáo hội quy định người Công giáo đã ly dị và tái hôn không được rước lễ. Trong bối cảnh này, ngày 23-10, nhật báo L’Osservatore Romano của Toà Thánh đã đăng tải một bài viết dài của Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Tổng giám mục Gerhard Ludwig Müller, nói về vấn đề tái hôn và việc lãnh nhận các bí tích.
Mở đầu bài viết nhan đề “Quyền năng của ân sủng”, Đức Tổng giám mục Müller tái khẳng định giáo huấn của Giáo hội rằng hôn nhân là bất khả phân ly, và điều này được cả Thánh Kinh và Thánh Truyền minh chứng. Ngài thừa nhận rằng ngày nay những hiểu sai về ý nghĩa của hôn nhân khiến cho có nhiều cuộc hôn nhân bất thành hơn trước đây, nhưng các cặp vợ chồng không được tự ý phán quyết rằng cuộc hôn nhân của họ có phải là vô hiệu hay không.
Đức Tổng giám mục Müller viết: “Hôn nhân không chỉ đơn giản là mối tương quan của hai người với Thiên Chúa, mà còn là một thực tại của Giáo hội, một bí tích, và không phải cá nhân có quyền phán quyết tính hợp lệ của hôn nhân, nhưng quyền ấy thuộc về Giáo hội, là cộng đoàn mà các cá nhân được tháp nhập vào nhờ đức tin và bí tích Rửa tội”.
Đức Tổng giám mục Müller nói rằng ngài biết giáo huấn ấy không hề dễ chịu, nhưng những người đã ly dị và tái hôn nên biết rằng họ không đơn độc, và Giáo hội “là một cộng đoàn của sự cứu rỗi luôn đồng hành với họ”.
“Rõ ràng, việc chăm sóc mục vụ cho người ly dị tái hôn không được giảm thiểu vào vấn đề lãnh nhận bí tích Thánh Thể, nhưng phải mở rộng hơn nhiều, và tìm cách đánh giá đúng đối với các tình huống khác nhau. Điều quan trọng là nhận ra rằng ngoài việc rước lễ còn có những cách khác nữa để ở trong mối tương giao bằng hữu với Thiên Chúa. Người ta có thể đến với Thiên Chúa bằng cách chạy đến với Người trong đức tin, đức cậy và đức mến, trong sám hối và cầu nguyện. Thiên Chúa có thể ban ơn cứu rỗi cho con người bằng nhiều cách khác nhau, ngay cả khi con người thấy mình đang sống đối nghịch [với ơn cứu rỗi]”.
(Vatican Radio)
(Nguồn: WHĐ)
Thứ Sáu Tuần thứ 7 Thường Niên A
1Đức Giêsu bỏ nơi đó, đi tới miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ.
2Có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng:”Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi thế là để thử Người. 3Người đáp:” Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?” 4Họ trả lời:”Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ." 5Đức Giêsu nói với họ:”Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. 6Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; 7vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, 8và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. 9Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly."
10Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. 11Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; 12và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình."