Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Năm Tuần 34 Thường Niên năm Lẻ. 
(28/11/2013) - (Lc 21, 20-28)
Cánh Chung Luận theo Luca (phần 3)

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

“Khi anh em thấy thành Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. Bấy giờ, ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm.

Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó! Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này. Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại dày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại.

Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.

Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”
_________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Khi anh em thấy thành Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành.”

Bài Tin mừng hôm nay là phần tiếp theo trong Diễn từ Cánh Chung Luận của Luca, nói về ngày Quang Lâm, đó là ngày Đức Giêsu đến lần thứ hai trong vinh quang để thực hiện cuộc phán xét, mà ta quen gọi là ngày Tận thế, ngày chấm dứt vũ trụ để mở ra trời mới đất mới. Vũ trụ có khởi đầu, ắt phải có kết thúc, đó là một chân lý.

Hình như Đức Giêsu luôn gắn kết 02 sự kiện: Sụp đổ Giêrusalem với sự sụp đổ của cả vũ trụ, để cho thấy Giêrusalem cũ phải bị phá hủy thành bình địa để xuất hiện Giêrusalem mới trong Ngày Cánh Chung. Sự sụp đổ của thành Giêrusalem là hình bóng của ngày tận thế.

Cho dù Giêrusalem cũ có nguy nga, có tráng lệ, có oai hùng, nhưng nó không xứng đáng để tồn tại, vì đã không tiếp nhận Con Thiên Chúa, thay vào đó nó còn đóng đinh Ngài vào thập giá, như vậy nó đã từ chối ơn Cứu chuộc một cách quyết liệt, đã hư hỏng toàn diện. Vâng những gì hư hỏng phải bị phá đi để nhường chỗ cho cái mới. Điều này không những đúng cho Giêrusalem, còn đúng cho vũ trụ và đặc biệt đúng cho mỗi người chúng ta.

Con người cũ của ta phải chết đi, chết đi cho thói ích kỷ, chết đi cho dục vọng của mình để trở thành con người mới. Con người cũ của ta cũng phải chịu đóng đinh vào thập giá, phải được an táng trong mồ để cùng sống lại với Đức Kitô Phục sinh. Nếu con người cũ vẫn cứ tồn tại, có nghĩa ta vẫn ở lì trong tội, không chịu chết đi để nhường chỗ cho con người mới, không chịu thay đổi, thì con người cũ đó sẽ bị phá hủy. Nó phải chết đi như hạt lúa mì rơi xuống lòng đất, phải chịu sự mục nát để có thể phát sinh nhiều bông hạt.

Năm cuối cùng cuộc đời công khai của Đức Giêsu, năm thứ 33 sau Công nguyên, Ngài đã tiên báo Đền Giêrusalem sẽ bị sụp đổ toàn diện, “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21, 6). Thì 37 năm sau, tức năm thứ 70 sau Công Nguyên, lời tiên báo đó đã được ứng nghiệm.

Theo Josephus, sử gia người Do Thái đã viết: Vào dịp lễ Vượt Qua năm thứ 70, vì sự nổi loạn của người Do Thái, một vị tướng Rôma là Titus đã đem bốn đoàn quân vây hãm thành Giêrusalem một thời gian dài trước khi tàn phá thành. Dân chúng trong thành không còn thực phẩm nên đã phải ăn thịt lẫn nhau để sống, có những người đã phải nhai cả giầy dép cho đỡ đói. Họ san phẳng Thành Giêrusalem đúng như lời Đức Giêsu tiên báo: “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Sử gia Josephus ước chừng khoảng 1.100.000 người chết trong biến cố này, và 97.000 người khác bị đem đi lưu đày. Đền thờ bị lính Rôma phóng hỏa tan tành. Tướng Titus chỉ cho chừa lại một mảng tường thành để sau này con cháu Israel đến đó mà than khóc. Như thế, lời tiên báo của Đức Giêsu đã ứng nghiệm. Nước Do-Thái hoàn toàn bị xóa sổ trên bản đồ cho đến thời hiện đại.

Các môn đệ khi nghe Đức Giêsu tiên báo về Đền Giêrusalem, các ông hỏi Ngài: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?” (Lc 21, 7), thì hôm nay Đức Giêsu trả lời cho các ông: “Khi anh em thấy thành Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành.”

Ta thấy lạ tại sao Đức Giêsu không cho biết thời gian nào, để các ông hay những nhà lãnh đạo Do Thái có sự chuẩn bị, có sự đề phòng mà chỉ nói “Khi anh em thấy thành Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh vây hãm”. Khi thấy thành bị vây hãm coi như số phận đã an bài, không còn trở tay được nữa. Điều này có nghĩa, trong kế hoạch của Thiên Chúa, thành Giêrusalem phải bị phá hủy, vì nó xứng đáng bị phá hủy với những gì đã gây ra cho Con Thiên Chúa. Không có gì cứu vãn được, nó đã tự đưa mình lên cao, sẽ đến lúc nó bị đầy xuống địa ngục.

“Bấy giờ, ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành.”

Đức Giêsu nói với các môn đệ, thành sẽ bị phá hủy thành bình địa, đó là điều chắc chắn, đừng hy vọng gì vào giải pháp của con người, đừng hy vọng gì vào các giải pháp chính trị vì đây là quyết định của Thiên Chúa.

Nhưng Đức Giêsu muốn tránh cho người Do Thái những tổn thất nặng nề, Ngài khuyên, trong ngày đó hãy tránh xa thành, càng xa càng tốt, đừng tiếc rẻ gì hết, đừng cố nài kéo để cứu vãn tài sản mình, hãy lo cho mạng sống mình trước nhất. “Ai ở miền Giu-đê (miền núi), hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành”, vì theo sử sách ghi lại bất cứ ai cố thoát khỏi vòng vây đều bị giết, không còn người nào sống sót để thoát ra.

“Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm.”

Ta để ý cụm từ “ngày báo oán”, có nghĩa ngày thành Giêrusalem bị phá thành bình địa, Đức Giêsu nói đó là ngày báo oán. Tại sao là ngày báo oán?

Ta hãy trở lại cuộc Thương khó Đức Giêsu, bối cảnh nói đến ở đây là dinh Tổng trấn Philatô. Khi ấy Philatô xét thấy Đức Giêsu không đáng phải chết, nên ông tìm cách tha Ngài, nhưng các thượng tế và kỳ mục xúi dân đồng thanh nói: “Đóng đinh nó vào thập giá!”. Tổng trấn Phi-la-tô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: "Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!" Toàn dân đáp lại: "Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!" (Mt 27, 24-25). Một câu nói thật lạnh lùng, phũ phàng và tệ bạc trước ơn Thiên Chúa.

Đức Giêsu gọi những ngày này là ngày báo oán, đó là câu trả lời cho người Do Thái khi cương quyết đòi đóng đinh Ngài: "Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!". Không biết người Do Thái khi chứng kiến thành Giêrusalem bị phá hủy, họ còn nhớ câu mình đã nói không? Họ không ngờ đã đến lúc phải trả giá nặng nề như vậy, câu nói của họ đã ứng nghiệm.

Dân Do Thái tệ bạc trước ơn Thiên Chúa, còn chúng ta thì sao? Ta cũng tệ bạc như vậy, ta đừng tưởng mình khá hơn. Chúa đã ban cho ta rất nhiều hồng ân, nhiều đến nỗi đời ta là một sự đan xen, không còn nhận rõ từng hồng ân mình đã lãnh nhận. Vậy mà mỗi khi gặp thử thách, mỗi khi gặp sóng gió ta liền quên đi tất cả, chỉ còn biết ngồi đây trách Chúa. Những thử thách, những đau khổ mà ta chịu, xét cho cùng đó là những hồng ân Chúa ban, nó thử thách ta, tôi luyện ta, giống như vàng thử trong lửa. Trách Chúa không chưa đủ, ta còn đi xa hơn khi vùi mình vào những thú vui thấp hèn, vùi mình vào dục vọng, chán đời và muốn đi đến cái chết. Ta vô ơn như vậy sao?

“Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó!”

Đức Giêsu gọi những người mang thai và người đang cho con bú trong những ngày đó, là những người khốn khổ, vì họ không thể cứu mình. Vâng cuộc chiến nào cũng có những con người như vậy, lâm vào thế kẹt khi nhìn thấy cái chết lạnh lùng đến với mình. Sự phá hủy không chừa ai, kể cả những con người bất hạnh nhất.

Những người này ắt hẳn không là con cháu của những kẻ đòi đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá, họ không có lỗi gì trong chuyện này, nhưng sự tàn phá không có thời gian phân biệt người này với người kia, kẻ thù cũng không rảnh để điều tra từng người, tất cả đều cùng chung số phận.

Ta để ý cụm từ “khốn thay”, có nghĩa cho dù kẻ thù không thấy, nhưng Thiên Chúa thấy tất cả và sẽ bù đắp lại cho họ theo cách của Ngài.

“Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này. Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại dày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại.”

Đây là tất cả những gì xảy ra trong ngày Đức Giêsu tiên báo. Sau một thời gian cầm cự, vì lực lượng yếu và không còn lương thực nên Giêrusalem đã bị thất thủ. Tướng Titus ra lệnh tấn công và Giêrusalem đã bị sụp đổ toàn diện. Sử gia Josephus ước chừng khoảng 1.100.000 người chết trong biến cố này, và 97.000 người khác bị đem đi lưu đày. Đền thờ bị lính Rôma phóng hỏa tan tành, thành Giêrusalem sẽ là nơi cư ngụ của dân ngoại, vì đây là cơn thịnh nộ Thiên Chúa giáng xuống cho thành.

Tuy nhiên, nếu người Do Thái thương khóc cho một quê hương đổ nát, thì các Kitô hữu lại hân hoan ra đi truyền bá Phúc Âm cho các dân tộc khác; sự sụp đổ của thành Giêrusalem đã giúp cho họ nhận ra tính công giáo của Kitô giáo. Nước Thiên Chúa đến bằng chính những gì mà con người cho là đổ nát, mất mát. Đó là cái nhìn Đức Giêsu muốn mời gọi các tín hữu tiên khởi phải có. Từ nay, Tin mừng sẽ được loan truyền khắp nơi, cho đến tận cùng thế giới. Đây là Kế hoạch của Thiên Chúa.

Ta để ý cụm từ “cho đến khi mãn thời của dân ngoại”, điều này có nghĩa Thiên Chúa cho mọi sự xảy ra theo ý Ngài muốn, sự đổ nát đó không diễn ra trong sự mất trật tự hay ngẫu hứng, mà nó có kế hoạch hẳn hoi. Đức Giêsu cho biết sẽ có ngày sự khốn khổ đó chấm dứt theo Chương trình của Thiên Chúa.

“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét.”

Sự sụp đổ của Giêrusalem là hình ảnh báo trước ngày Cánh Chung, ngày chấm dứt vũ trụ. “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao”, những điềm lạ đó là những điềm gì?

Xin thưa: Theo Marcô, “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển.” (Mc 13, 24-25).

Ngày nay, khoa học đưa ra nhiều giả thuyết về sự hình thành vũ trụ, nhưng giả thuyết: VỤ NỔ BIG BANG được nhiều người chấp nhận hơn cả. Theo thuyết này, vũ trụ thời kỳ đầu rất nóng và đặc, đồng thời phát sáng nóng trắng. Nghĩa là ở những giây phút đầu tiên của vũ trụ, xuất hiện một điểm kỳ dị vô cùng nhỏ, nhưng chứa một mật độ vật chất vô cùng lớn. Cộng với một nhiệt độ khủng khiếp, không hình dung nỗi, kèm theo bốn lực tương tác xuất hiện cùng một lúc. Thuyết “Big Bang”cho rằng, trong ba phút đầu của vụ nổ, vũ trụ đã ra đời, và đã hình thành các tinh tú.

Sự chấm dứt vũ trụ, quá trình sẽ đi theo hướng ngược lại, Marcô mô tả “các ngôi sao từ trời sa xuống”, như vậy vũ trụ sẽ đi về một mối, đi về với Thiên Chúa, vì muôn vật muôn loài được Thiên Chúa tạo dựng, từ Thiên Chúa đi ra và cuối cùng nó phải đi về với Ngài. Thiên Chúa sẽ là tất cả cho muôn loài muôn vật.

Ta không nên hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen, sự kết thúc vũ trụ này sẽ do Chúa Cha quyết định và Ngài thực hiện nó như thế nào, và bao giờ nó xảy ra đó là quyền của Ngài, ngay cả Chúa Con cũng không được biết. “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.” (Mc 13, 32). Không ai được phép cho mình có quyền biết trước điều đó bằng những linh hứng vớ vẩn. Thật hỗn xược và ngạo mạn!

Nhưng ta luôn ý thức rằng: Vũ trụ, trong đó có muôn loài muôn vật là do Ngài dựng nên, khi mọi sự kết thúc cũng là lúc tất cả đều quy hướng về Ngài.

“Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.”

Ta để ý cụm từ “Người ta”, Luca muốn nói đến những con người sống theo xác thịt, sống theo dục vọng. Với những người này khi chứng kiến điều ấy thì “sợ đến hồn xiêu phách lạc”, tất cả những gì họ bám víu ở đời này đã bị sụp đổ, thần tượng của họ đã bị lung lay, những gì họ tôn là thần thánh bị biến mất, theo Luca mô tả “các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển”.

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.”

Đây là lúc Chúa Con quang lâm, đến lần thứ hai trong vinh quang. Cụm từ “Thiên hạ” ám chỉ tất cả mọi người, dù đứng ở bất kỳ vị trí nào, ở đông hay tây, ở nam hay bắc đều được chứng kiến. Luca mô tả cách tượng hình: “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”. Nếu ngày xưa dân Do Thái di chuyển hòm Bia luôn có cột mây đi phía trước, cột mây biểu thị vinh quang Đức Chúa, thì trong ngày Quang lâm Chúa Con cũng ngự trong đám mây mà đến với tất cả vinh quang Thiên Chúa.

Marcô mô tả rõ nét hơn: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.” (Mc 13, 26-27)

Trong lúc “người ta” (từ Luca chỉ những con người sống theo dục vọng) đang sợ đến hồn xiêu phách lạc, thì những người được tuyển chọn, tức những người sống theo Thánh ý Chúa ở đời này, lại được các thiên sứ đưa về để hưởng hạnh phúc. Như vậy có sự phân loại trong ngày Cánh chung. Trong Bài giảng trên núi, Đức Giêsu nói: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho.... Phúc cho....” Bây giờ là lúc Chúa Con thực hiện điều Ngài đã hứa. Ngài không để cho một ai sống theo lời Ngài phải thất vọng.

“Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”

Những điều đó làm muôn dân hoang mang, hồn xiêu phách lạc, nhưng không làm các môn đệ hoảng hốt, âu lo. Ngược lại họ mừng vui vì Đấng họ chờ đợi từ lâu nay đã đến. “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên”. Đứng thẳng để đón Đấng mà họ đã suốt đời thắp đèn chờ đợi. Ngẩng đầu để mừng giây phút ơn cứu chuộc đã đến gần.

Vấn đề đặt ra cho mỗi người, trong giây phút đó tư thế của ta là gì? Đứng thẳng hay còng lưng? Ngẩng đầu hay cúi đầu?

Ta còng lưng vì đã chất lên mình quá nhiều tham vọng, quá nhiều ước muốn thấp hèn, quá nhiều dục vọng xấu xa, quá nhiều việc làm hại đến người khác. Ta cúi đầu vì quá nhiều mặc cảm đang dày xéo, ta xấu hổ vì đã sống không như con người mà còn thua cả con thú.

Bây giờ ta có thể đóng kịch, đeo lên mặt mình nhiều mặt nạ đủ màu sắc để không ai thấy được con người thật của mình. Ta chỉ có thể lừa được người đời nhưng không thể lừa được Thiên Chúa, vì trong ngày ấy tất cả các mặt nạ đều phải rớt xuống, để ta hiện ra chính ta, con người thật của mình trước mặt Chúa Con.

Hy vọng ngày ấy, ta sẽ là người đứng thẳng và ngẩng đầu đối diện với Đấng mà ta hằng ao ước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét