Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016


« Uy tín »- là quyền của một người hoặc một nhóm người, được mọi người tin tưởng. Họ sẽ tự nguyện, tự giác phục tùng hoặc tiếp nhận và hành động theo tác động của chủ thể có quyền.

Người tạo được uy tín sẽ nâng cao khả năng kết nối, tạo động lực dẫn dắt người khác đi theo đúng hướng mà bản thân đề ra. Uy tín là phương tiện dẫn dắt bạn, nhất là các nhà điều hành, nhà quản lý đi đến thành công một cách bền vững nhất.

Người giáo viên có uy với học trò, không cần nói nhiều, không cần rày la, chỉ cần nhìn các em thân yêu cũng sợ, sợ ở đây có ý nói là phục, là kính. 

Người lãnh đạo có uy, nhân viên không những không làm việc hết tâm mà lại rất kính mến.

Thế nào mới được gọi là người có "uy" theo nghĩa trong sáng, phải chăng là người nói ít làm nhiều, làm việc cư xử có tình có lý, toàn tâm toàn lực cho công việc, có trình độ, khả năng chuyện môn, và là người có trái tim nhân ái, đôi bàn tay rộng mở. Người có uy, lời nói của họ có giá trị cao.

Chúa Giêsu vị thầy của uy quyền, chính người thời của Ngài đã nhận xét trong chuyến đi xuống thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Chúa đã giảng dạy họ trong các ngày Sabbat. Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền." Và uy quyền đó đã thể hiện qua việc: "Bấy giờ trong hội đường, có một người bị quỷ ô uế ám, thét to lên rằng: "Hỡi Giêsu Nadarét, giữa chúng tôi và Ngài có chuyện chi đâu? Ngài đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai rồi, là Đấng Thánh của Thiên Chúa". Nhưng Chúa Giêsu trách mắng nó rằng: "Hãy câm đi và ra khỏi người này". Và quỷ vật ngã người đó giữa hội đường và xuất khỏi nó, mà không làm hại gì nó. Mọi người kinh hãi và bảo nhau rằng: "Lời gì mà lạ lùng vậy? Vì Người dùng quyền năng mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất ra". Danh tiếng Người đồn ra khắp nơi trong xứ

Lạy Chúa xin sự uy quyền của Chúa cứu giúp một số  người thời nay, khỏi những "quỷ quyệt, xảo trá" khi họ sống không trong ánh sáng của chân lý và sự thật. Họ trục lợi trên mạng sống của người khác khi họ làm ăn gian dối, khi họ tham nhũng, khi họ vì lợi ích cá nhân mà làm cho bao nhiêu người điêu đứng vì môi trường sống trở nên đen tối, u ám và đầy chết chóc.
 
Thứ Ba tuần 22 mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 4,31-37
31 Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Người giảng dạy họ trong các ngày Sabbat. 32 Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền.33 Bấy giờ trong hội đường, có một người bị quỷ ô uế ám, thét to lên rằng: 34 "Hỡi Giêsu Nadarét, giữa chúng tôi và Ngài có chuyện chi đâu? Ngài đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai rồi, là Đấng Thánh của Thiên Chúa". 35 Nhưng Chúa Giêsu trách mắng nó rằng: "Hãy câm đi và ra khỏi người này". Và quỷ vật ngã người đó giữa hội đường và xuất khỏi nó, mà không làm hại gì nó. 36 Mọi người kinh hãi và bảo nhau rằng: "Lời gì mà lạ lùng vậy? Vì Người dùng quyền năng mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất ra". 37Danh tiếng Người đồn ra khắp nơi trong xứ.

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016


“Lương tâm là vô giá, làm người có thể để mất cái gì thì mất nhưng nhất thiết không được để mất lương tâm”

Hà Tam , tài xế lái xe chở hàng hóa. Hôm nay, xe đang bon bon chạy trên đường bỗng nhiên “khực” một cái rồi dừng lại. Hỏng rồi! Hà Tam xuống xe đến bên vệ đường vác hai hòn đá to chặn bánh sau lại rồi chui vào gầm sửa xe. Khoảng hơn hai tiếng đồng hồ thì xong. Hà Tam lên xe nổ máy chuẩn bị đi tiếp.

Đúng lúc đó có một ông lão chăn bò bên cạnh đường chạy đến đập đập tay vào cửa xe, nói rất to: “Này anh lái xe, anh đánh rơi đồ kìa!”. Ông lão vừa nói vừa chỉ chỉ về phía sau xe. Hà Tam đoán ông lão nhắc đến hai hòn đá chặn bánh sau xe mà mình vác ra lúc nãy. Hà Tam toét miệng cười, nói do vội đi nên quên mất. Nói vậy song anh ta vẫn cố ý nhấn ga cho xe chạy. Ông lão vừa đuổi theo vừa quát to: “Anh làm người như thế à? Làm người phải có lương tâm chứ? Anh bỏ hai hòn đá to ở trên đường để cho người ta…”



 Những lời trách cứ của ông lão chăn bò bị bỏ lại cùng đám bụi phía sau xe. Hà Tam cười thầm trong bụng: Lương tâm giá bao nhiêu tiền một cân? Chạy hơn trăm cây số vào thành phố, đến trạm kiểm tra của cảnh sát, Hà Tam hết sờ túi này lại nắn túi nọ, tìm mãi không thấy giấy phép lái xe đâu. Hà Tam thừ người ra: Giấy phép lái xe rõ ràng là để trong chiếc ví da lúc nào cũng mang trong người, vậy sao lại tìm không thấy? Cẩn thận nhớ lại, Hà Tam mới nhớ, chắc là chiếc ví da đã bị rơi khi mình chui vào gầm xe sửa chữa. Đành phải để xe lại trạm cảnh sát, Hà Tam vội vã vẫy taxi quay lại chỗ sửa xe. 

Khi quay lại chỗ sửa xe ban sáng, Hà Tam tìm khắp nơi không thấy cái ví cũng không thấy ông lão chăn bò đâu. Hai hòn đá chặn bánh xe đã được ai đó khuân vào để bên vệ đường. Trên hòn đá thấy dán mảnh giấy có mấy chữ xiêu xiêu vẹo vẹo: “Muốn lấy lại giấy tờ thì phải vác hòn đá này lên trên đồi”. Ôi mẹ ơi! Hòn đá vừa to vừa nặng, ngọn đồi trước mặt lại vừa cao vừa dốc, vác hòn đá này liệu có bò lên được trên đó không? Hà Tam kêu to lên: “Đừng bắt ép người ta như thế! Cần bao nhiêu tiền cứ ra giá đi!”. Khi Hà Tam vác hòn đá đến chân đồi thì thấy một cái mũ lá có kẹp một tờ giấy viết mấy chữ: “Đừng nói đến tiền, xin mời lên đồi”. 

Hà Tam tiếp tục đi, được một đoạn lại thấy cái mũ lá cũng có tờ giấy yêu cầu Hà Tam cứ vác đá lên đồi, các chuyện khác miễn bàn. Không còn cách nào khác, Hà Tam đành phải bê hòn đá vất vả từng bước bò lên. Lên được đỉnh đồi thật không dễ gì. Vậy mà trên đó không thấy có người cũng không thấy giấy tờ lái xe, chỉ thấy có tờ giấy dán trên một thân cây yêu cầu Hà Tam vác hòn đá theo hướng chỉ dẫn đi xuống phía dưới. Xuống được dưới chân đồi vẫn không thấy giấy tờ, ngoài một tờ giấy yêu cầu Hà Tam vác hòn đá đi ngược trở lên. Cứ như thế theo hướng chỉ dẫn trên các tờ giấy, Hà Tam vác hòn đá đi qua mấy quả đồi nhỏ, mệt tưởng chết, cuối cùng mới thấy cái ví da của mình đặt trên một nấm mồ đất trơ trọi. Giấy tờ đủ cả, tiền bạc không thiếu một xu. Dưới cái ví tiền còn có một tờ giấy viết: “Cái ví này là do tôi nhặt được, bây giờ nó đã trở về với chủ của nó. Anh có biết vì sao tôi lại bắt anh vác hòn đá đi một quãng đường xa đến trước nấm mồ này không? Đây là mộ của con trai tôi. Một đêm hai năm trước, nó đi xe máy về nhà, vấp phải hòn đá của một kẻ nào đó không có lương tâm bỏ ở trên đường, bị ngã mà chết. Tôi đưa anh đến tận mồ của con trai tôi là mong anh hiểu rõ một đạo lý: “Lương tâm là vô giá, làm người có thể để mất cái gì thì mất nhưng nhất thiết không được để mất lương tâm”
 VietBao.vn (VB-Theo Webcamdong )

Không coi thường tiếng lương tâm, dẫu có người vẫn nói đùa, lương tâm không bằng lương tháng, nhưng không có lương tháng vẫn sống được, nhưng người không có lương tâm chỉ sống cho bình và giết chết người khác, Cái chết của người con trai ông lão chăn bò do người vôi lương tâm. 

Ngày 23/7/2016 xe hơi 4 chỗ đang chạy trên đường Phạm Văn Đồng (TP.HCM) thì bị chiếc mũ bảo hiểm rơi trên đường kẹt vào gầm. Tài xế đang xin dừng thì bị một xe 16 chỗ từ sau húc tới. Một xe 5 chỗ chạy sau không dừng kịp tông tiếp vào hai xe trên. Một chiếc mũ rơi tưởng chừng đơn giản, nhưng không, một tai nạn đã xảy ra. Và trong cuộc sống đôi khi ta cũng bỏ qua tiếng nói thì thầm trong lòng, nên làm hay không nên làm điều gì đó, vì kiêu ngạo, tự ái... ta dẹp tiếng nhắc bảo  thì thầm ấy, để rồi ta lại nói "giá như".

Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết, cũng chỉ vì Thánh nhân dám nói lên sự thật, sự thật mất lòng, sự thật đầu rơi, nhưng không vì thế mà Thánh Gioan Tẩy Giả sợ.

Còn Hêrôđê là làm chuyện sai, nhưng khi được ngăn cản ông đã không ngừng, để rồi chuyện gì đến thì cũng sẽ đến. 

Trong cuộc sống đã bao lần ta khỏa lấp tiếng lương tâm vì danh dự cá nhân, lở đưa bản thân lên cao quá, không đáp xuống được. Lương tâm nằm ngay trong mỗi ý nghĩ, hành động…của mỗi. Nó giúp cho mỗi người  sống tốt hơn trong cuộc đời.

Lương tâm cần phải được thức tỉnh hằng ngày, qua từng hành động, suy nghĩ và lời nói. Tôi lại thích câu chuyện của Nick: Nick lang thang cả ngày khắp ngang cùng ngõ hẻm của thành phố đến tận đêm mới móc trộm được một ví tiền của một người sơ hở, nhưng khi mở ra thì chẳng có tiền, toàn giấy tờ, Nick tức điên vì thất vọng, ném chiếc ví vào sọt rác. Nick ngồi phịch xuống đất, cả ngày nay không có miếng gì vào bụng, anh ta vừa đói vừa rét.

Đang gục đầu thì Nick nghe có tiếng giầy cao gót bước tới, nấp vào nhìn ra, hắn thấy một cô gái xinh đẹp, ăn mặc sang trọng đeo một chiếc túi đẹp đang bước tới, Nick tỉnh cả người khi nhìn thấy mục tiêu, hắn nghĩ trong chiếc túi kia chắc chắn có tiền, cô ta trông sang trọng thế cơ mà.

Chờ cô gái đi qua, Nick chui từ bức tường ra và bám theo sau. Cô gái thấy có bóng người đi sau thì giật mình không biết là hay tốt, nhìn quanh cô càng sợ khi thấy đêm khuya, các nhà đều đóng cửa, phố vắng ít người qua lại. Nick thấy cô gái bước chậm thì bước nhanh tới, định bụng sẽ cướp chiếc túi và chạy, nhưng đúng lúc chuẩn bị đưa tay giật túi thì cô gái quay lại, nhìn Nick và nói: “Chào anh, may quá, tôi đi một mình giữa đêm đang rất sợ, nếu không phiền anh có thể đi cùng tôi một đoạn được không, nhà tôi chỉ cách đây hai dãy phố thôi”.

Nick bỗng dưng lúng túng, đưa tay gãi đầu: “Tôi, tôi, cô không sợ tôi là người xấu à?”. Cô gái cười tươi lắc đầu: “Không, tôi tin anh là người tốt, nhìn anh túng túng thế là tôi biết anh là người hiền lành, nhút nhát mà, anh đi cùng tôi nhé!”. Nick gật đầu đồng ý đi cùng cô gái, vừa đi anh ta vừa nghĩ: “Mình đang làm gì thế này, làm người tốt à? Không, mình đang cần tiền, không thì chết đói, phải cướp cái túi thôi”.

Nick đang định giật cái túi thì một cụ già bán bánh bao nóng xuất hiện mời mua bánh, cô gái vui vẻ mua 10 chiếc bánh cho cụ già, Nick ngạc nhiên hỏi sao cô mua nhiều thế, cô gái mời Nick ăn bánh cùng mình và bảo rằng cô mua ủng hộ cụ già, vì cụ đã già cả rồi mà vẫn làm việc để sống bằng chính sức lao động của mình.

Nick giật mình nghĩ: “Không lẽ mình tồi tệ như vậy sao, mình còn trẻ, còn khỏe mà chẳng làm gì cả, chỉ toàn làm việc xấu xa”. Và lần đầu tiên trong đời anh ta thấy xấu hổ với bản thân, không còn ý định cướp chiếc túi, Nick cúi gằm mặt bước đi.

Tới cổng nhà, cô gái nói lời cảm ơn và mời Nick lần sau tới chơi, Nick trả lời: “Lần sau cô đừng đi ra đường khuya vậy nữa, nguy hiểm lắm” và quay lưng bước đi. Vừa đi Nick vừa nghĩ: “Tôi mới là người phải cảm ơn cô, cô gái ạ, cô không biết tôi là người tốt hay kẻ xấu nhưng niềm tin cô dành cho tôi đã khiến lương tâm tôi thức tỉnh. Tôi nhất định sẽ từ bỏ con đường tội lỗi này và làm lại từ đầu, trở thành người lương thiện, thành người tốt như cô đã từng tin”.

Niềm tin giúp con người ta phục thiện!



Thứ Hai tuần 22 mùa Thường Niên - Ngày 29/08: Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết (Lễ nhớ)
Lời Chúa: 
 Mc 6,17-29
17 Khi ấy, Hêrôđê đã sai đi bắt Gioan và giam ông trong ngục: nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua đã cưới lấy. 18 Vì Gioan bảo Hêrôđê: "Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình". 19 Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng không thể làm gì được, 20 vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe.
21 Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa. 22 Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: "Con muốn gì, cứ xin, trẫm sẽ cho", 23 và vua thề rằng: "Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho". 24 Cô ra hỏi mẹ: "Con nên xin gì?" Mẹ cô đáp: "Xin đầu Gioan Tẩy Giả". 25 Cô liền vội vàng trở vào xin vua: "Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa". 26 Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. 27 Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, 28 và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ.
29 Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng trong mồ.

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

Ông già đi qua đống rác.
 
Có cái gì như quen quen. Trông kỹ ra, thì là cái ghế cũ, ai đó vứt đi. Điều lạ là ông già có cảm giác thấy nó quen quen. Ông định đi nhưng lại dừng lại. Một thoáng nghĩ ngợi, thế rồi ông tạt vào bãi rác. Cái ghế tựa bọc vải, gẫy một chân. ừ vứt đi kể hơi phí. Mình có thể khuân về làm một thứ gì đó. Ông già nghĩ ngợi, rồi quyết định bê chiếc ghế. Sức già, chẳng còn như thuở ông làm bảo vệ ở cơ quan, vác cái ghế đến là vất vả. 

Nhìn chồng khệ nệ khiêng vác, trán lấm tấm mồ hôi, vợ ông cằn nhằn, bảo ông mang cái của nợ đó về làm gì, thứ chỉ đáng vứt vào đống rác. Không nói gì, ông lặng lẽ đặt nó trước sân và quay vào nhà. Một thoáng ông ra, tay mang nào cưa, nào búa, lúi húi cưa cưa đóng đóng cái chân ghế gẫy. 

Chiều ấy khi thằng cháu nội học mẫu giáo về, nó tròn mắt nhìn cái ghế lạ. Ông bảo thằng cháu ngồi thử. Thằng bé vốn hiếu động, ông nội chưa dứt lời, nó đã nhảy phốc lên. Cái ghế gãy, táp lại, chân đóng không bằng, đâm ra cập kênh, khi thằng bé nhún nhảy, nó cứ bập bênh theo nhịp. Thằng bé cười khanh khách. Đầu óc trẻ thơ, trên cái ghế khấp khễnh, nó tưởng tượng ra mình đang trên lưng ngựa. Khoái chí nó càng rập rình tợn hơn. Cảnh đó làm hai ông cháu, một già một trẻ, cười như nắc nẻ. Bà già ngó ra, chép miệng, già rồi còn như trẻ con. Nói vậy nhưng bà nghĩ, lâu rồi, từ khi nghỉ hưu, mới có dịp thấy ông lão vui như vậy. Cũng từ hôm ấy, chiều chiều, cái trò cưỡi ngựa của cháu, ông đứng xem, lại diễn ra, tiếng cười rộn rã trong sân. Và quái lạ, ông già vẫn thấy có cảm giác quen quen, mà ông chưa nhận ra. Tuổi già, quên quên nhớ nhớ vậy đấy. 


Ông không nhớ ra cũng phải. Cái ghế cũ, trước đây đã bao giờ ông được ngồi lên nó đâu. Có chăng là ngày đó, khi còn làm bảo vệ cơ quan, nghe anh em bàn tán, tự dưng đâm tò mò, một lần nhân mọi người về hết, ông dò dẫm leo lên gác, xem. Cái ghế cũng bình thường, có gì đặc biệt đâu - một cái ghế bành, lớp vải bọc lâu ngày nên nhiều chỗ sờn rách. Nhìn cái ghế ông nghĩ bụng, có thế thôi mà người ta cứ rì rầm. Cái ghế chỗ ông - phòng bảo vệ - còn cũ hơn, sao chả ma nào bình phẩm. Đấy là ông nghĩ, chứ so sánh cái ghế bảo vệ chỗ ông ngồi với cái ghế kia thế nào được. Ghế người ta, ghế giám đốc, dù là giám đốc đã nghỉ hưu. 

Hồi ấy, nhân viên văn phòng mua cái ghế về cho giám đốc. Thời đó nó thuộc diện sang, người ta chỉ quen ngồi ghế tựa, ghế băng. Giám đốc vốn là người xuề xoà, ông bảo, lãng phí quá, ông ngồi ghế nào chẳng được, trả lại có được không. Nghe vậy nhân viên nhao nhao, sao lại trả, lý ra thủ trưởng còn ngồi gấp mấy lần cái ghế này cơ. Ông biết đó là sự quan tâm của anh em, chẳng lẽ từ chối lòng tốt của họ. Thôi thì ông ngồi vậy. Vì cái ghế khác kiểu các loại ghế bàn trong cơ quan, không thể kê cùng dãy được, nên một mình nó đặt ở đầu dãy. Từ khi có cái ghế mới, tự dưng các cuộc họp, ông giám đốc ngồi giữa hai dãy bàn, nhân viên cấp dưới dàn ra hai bên. 

Nếu chuyện chỉ vậy thì cũng chẳng có gì đáng nói. Và nếu như ông giám đốc không về hưu, cũng sẽ không có chuyện cái ghế bị đem ra bán tán. Giám đốc đến tuổi hưu, ông thanh thản nhận quyết định. Lúc đó cơ quan hai phó. Xét các tiêu chuẩn: năng lực, trình độ văn hoá, quan điểm chính trị, thành phần xuất thân, vân vân và vân vân, hai ông phó, tiêu chuẩn đều ngang nhau chằn chặn. Thật khó xử cho cấp trên và cả ông giám đốc, về hưu rồi mà vẫn chưa chọn được người kế nhiệm. Thế là công việc cơ quan đặt chung lên vai hai ông phó. Từ trước đến nay, cả hai phó đều là cánh tay trái, tay phải của giám đốc, họ rất thương yêu, đùm bọc nhau. Ngay cả thời gian đầu khi giám đốc về hưu, chưa nhân viên nào thấy họ hục hặc. Thực ra thì thuộc cấp ngầm hiểu, hai ông phó có mâu thuẫn đấy. Cuộc ganh đua dễ thấy nhất chính là từ cái ghế. Hai ông phó, không ai ngồi lên cái ghế đó. Các cuộc họp, cái ghế như ranh giới của hai ông phó, tiếp đó là nhân viên, ngồi theo ngôi thứ. Tuy chẳng ai nói ra, nhưng họ đều ngầm biết, ai ngồi dãy bên nào, là ủng hộ ông phó ngồi bên đó. Do vị trí hai ông phó ngồi, anh em trong cơ quan đặt luôn tên: ông Phó Tả, ông Phó Hữu. Lâu dần gọi thành ông Tả, ông Hữu cho tiện. 

Một tháng, hai tháng, ba tháng, tình hình cơ quan không có gì thay đổi, các cuộc họp người ta vẫn ngồi như vậy. Có điều lạ, cái ghế không ai ngồi mà nó vẫn sạch, sạch như lau như ly, sạch tưởng như cái ghế vẫn có người ngồi. “Lạ thật” - đấy là ý nghĩ của cả hai ông phó, chứ còn nhân viên ai người để ý. Nhòm ngó vào, khéo không người ta lại tưởng mình cũng muốn ngồi vào đấy. 

Lạ thật, sao nó sạch sẽ thế, không một hạt bụi. Ông Tả nghĩ, Ông Hữu trong thâm tâm cũng vậy. Vì chưa bổ nhiệm trưởng, thứ rõ ràng, nên công việc cơ quan tạm phải phân công, cách phân công là mỗi ông phó trực một phiên - trực luân phiên, có khi luân phiên ngày, có khi luân phiên tuần, luân phiên buổi. Mỗi ca trực cũng là dịp họ có điều kiện tìm hiểu tại sao cái ghế lại sạch sẽ thế. Và cả hai ông phó thầm nhận ra nguyên nhân. Ấy là vào phiên trực của ông phó nào, thường thì người đó về muộn, khi nhân viên đã về hết, ông sẽ hùng dũng tiến lại cái ghế cũ, ung dung ngồi vào đó. Mắt dõi nhìn bao quát, tay khoát về dãy bàn trước mặt, tất nhiên lúc này là dãy bàn trống không, miệng ứ hự, ông phó ta đang chỉ đạo... Điều bí mật như thế mà không hiểu sao, cả hai ông đều biết, cái ghế không ai ngồi nó vẫn sạch. Khi đã phát hiện ra nguyên nhân, họ đâm ra bực tức. Chỉ có điều chẳng ai trong hai ông tiện nói ra. 

Tuần ấy đến phiên trực của ông Tả, ông Hữu có chuyến công tác xa. Ai cũng biết, cơ quan của ta, vốn lâu nay tài sản là của công, từ vật rẻ tiền mau hỏng đến loại tài sản cố định, nhiều vô kể. Đã nhiều vậy chúng còn thường xuyên được bổ sung, không hỏng cũng mua, mua rồi thì tranh thủ thanh lý. Cái tài sản chung ấy nhiều tới mức người ta chẳng còn rõ cơ quan có những gì. Số phận cái ghế kia cũng vậy, mua nó lâu năm rồi, đến mức hoá đơn, giấy tờ, hoá đơn và biên bản kiểm kê hàng năm, xếp đầy một tủ. Để lâu quá giấy tờ mục nát hết. 

Mua sắm hàng quý, hàng năm là cách cải thiện cho cánh nhân viên quản trị, còn tiến hành thanh lý là cách cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho toàn bộ anh em cơ quan - gắp thăm, mua được cái tủ mọt, cái phích cũ, cái xoong công đoàn méo. Cũ là cũ cơ quan, chứ với gia đình, thì còn sang chán. Phiên ông Tả trực, đúng vào dịp tiến hành thanh lý hàng năm. Hôm thanh lý, công nhân viên chức cơ quan như sống trong ngày hội. Đấu giá kín sẽ bảo đám bí mật không thiên vị, đấu giá hở sẽ bảo đảm dân chủ công khai... Trước hội đồng thanh lý, khi thấy cậu nhân viên giơ tay trước tiên, vừa nghe cậu trình bày, mọi người mắt tròn mắt dẹt, không ai tin nổi điều mình vừa nghe, tại sao có kẻ bạo gan, dám đòi mua cái ghế giám đốc cũ. Mấy vị hội đồng còn đang lúng túng, thì lạ thay, ông Phó Tả tươi cười gật đầu, ừ nó là cái ghế cũ, thanh lý được. 

Sau buổi thanh lý, nhân viên cơ quan thì thầm, cậu nhân viên mua cái ghế cũ kia để làm gì nhỉ. Thôi đúng rồi, nó là âm mưu của một trong hai ông phó, họ muốn gạt chướng ngại vật trên con đường thăng quan tiến chức của họ. 

Lâu nay cả hai ông phải khó chịu nhìn cái ghế lắm. Thực ra người mua thanh lý cái ghế cũ không phải là cậu nhân viên kia, mà chính là ông Tả, ông chỉ nhờ cậu nhân viên đứng tên thôi. Ngay chiều đó, ông Tả chầu trực ở nhà đón ghế. Cái ghế được ông đặt ở một nơi trang trọng trong phòng làm việc. Kể từ hôm đó, bà vợ ông thấy lạ: chiều ông chồng về làm sớm, sáng ông không còn dậy muộn và ông ở luôn ở lì trong phòng làm việc của mình. Một lần tò mò, bà ngó trộm qua khe cửa. Thật sửng sốt, bà thấy chồng đang ngồi trên ghế, vung tay, vung chân, giữa cái phòng chỉ có mỗi mình ông. Vợ ông lo lo, hay là chồng bà mắc bệnh gì. Bà hỏi thì ông gạt phắt đi, phụ nữ biết gì việc đại sự. Đúng bà biết làm sao được, hàng ngày ông đang thưởng thức sự ngồi lên cái ghế, ngồi để lấy khước.
 
Hết phiên trực ông tả, thì ông Hữu đi công tác về. Thật khó tả sự tức bực của ông Hữu đến cỡ nào, ông nhanh chóng điều tra ra cái ghế đang ở đâu. Biết thì biết, nhưng ông Hữu không làm gì được. Người ta không tham ô, không lợi dụng chức quyền, chẳng lẽ trình bày với cấp trên về việc thanh lý, mua bán chiếc ghế cũ. Được, nhưng ông không để yên đâu. Rất may ông Tả hết phiên trực, lại nói rằng, ông có chút việc riêng, sẽ nghỉ ở nhà cả tháng. Không thầy ông Hữu ý kiến gì, hình như chỉ thấy ông hơi nhếch mép. Phiên trực ông Hữu được ba hôm, từ nhân viên bảo vệ, thủ kho, đến lái xe đều sững sờ nghe tin, ông Hữu có quyết định bổ nhiệm được lên ngôi trưởng. Tin quá bất ngờ, đến mức vây cánh thân tín của ông Tả, nhìn cái quyết định còn chưa tin, họ tất tả phi về báo cho ông Tả. Ông Tả nhận được tin trong lúc ông đang ngồi luyện ghế. Ông giận một trận lôi đình, nạn nhân gánh chịu trước tiên chính là cái ghế. Nó bị ông nhấc lên và giáng mạnh đến mức, một chân ghế rời ra. Nếu không có bà vợ, thì không biết đồ đạc trong phòng còn bị đập phá đến cỡ nào. Bà vội ôm chặt lấy chồng, cuồng cuồng nhờ cậu nhân viên giúp sức, tống vội cái ghế chết tiệt kia sang phòng khác. Sau lần ấy, ông phó tả bị trận ốm thập tử nhất sinh, tới mức ông phải nghỉ hưu. Ông trưởng mới nhậm chức, chẳng rõ có sắm cái ghế mới không, nhưng chức trưởng chưa nóng chỗ, ông đã bị vướng vào chuyện gì đó... 

Số phận cái ghế ra sao? Sau lần bị đập gẫy chân, nó bị quẳng vào căn phòng trống. Lúc đó còn ai để ý, con cái ông bà phó Tả thì đi xa, ông lại ốm đau. Để đến lúc đứa con ông từ phương xa về, cần phòng riêng, nên nó thu dọn lại căn phòng. Thằng con hơi lạ khi thấy cái ghế cũ, lỗi mốt và một chân bị gãy. Nó sai người khuân cái ghế vứt ra bãi rác. 

Ông già bảo vệ từ khi nhặt được cái ghế, hai ông cháu thường chơi đùa. Ông bảo vệ vẫn thấy có cái cảm giác quen quen. Để đến một buổi chiều, cũng vào tầm thằng bé tan lớp mẫu giáo, ông đưa cháu ra phi ngựa ghế, thằng bé cười như nắc nẻ. Ngắm cháu cười, tự dưng ông già nhận ra cái ghế. Bế thằng cháu xuống, ông thong thả ngồi lên, tủm tỉm cười, ông đưa tay vuốt râu, cao giọng kiểu phường tuồng: 

- Như ta đây là vua ... khà khà...
Thằng cháu nhìn trò chơi mới của ông nội, càng cười như nắc nẻ. Khi thằng bé ngồi, nó nghĩ, ấy là con ngựa, còn khi ông nó ngồi vuốt râu, nó lại nghĩ, ấy là vị vua trong câu chuyện cổ tích, mà ông nội thường kể cho nó nghe./. ( nguồn: http://m.khotruyenhay.vn/)

Cái ghế nó không có tội, nó chỉ là cái ghế, Nhưng "cái ghế" này lại là cái ghế ai cũng tranh dành, ghế thì nhiều mà .... ít, nên mới có sự tranh giành. Thời nào cũng vậy, tổ chức nào cũng thế, chuyện "cái Ghế" là câu chuyện dài nhiều nhiều tập.

Hôm nay trong bài tin mừng cũng nói đến "chỗ ngồi" thường cũng đánh giá được cấp bậc, địa vị... vì thế khi quan sát khách vào dự tiệc ai cũng chọn chỗ nhất, bàn trên ngồi, Chúa Giêsu  đã dạy bài học "chỗ ngồi" nơi bàn tiệc, cũng phần nào nói đến chỗ ngồi bất cứ đâu, có người, có ghế là có sự chọn lựa. 

Đi ăn tiệc, hay bước vào buổi hội họp... , ta cần khiêm tốn, từ từ và cần biết mình sẽ ngồi vào chỗ nào, và ngồi đúng với chỗ phù hợp với địa vị, chức vụ và mối quan hệ với thân chủ, với người tổ chức sự kiện. Điều Chúa dạy thời nào cũng hợp, úc nào cũng mới và cũng cần nghe.

Cái ghế, cái chỗ ngồi, ta không ngồi mãi đó được, và không thể cứ muốn làm làm mọi cách để ngồi , và đừng để người ta phải đến mời đi chỗ khác.

Xin Chúa cho những người lãnh đạo đất nước, lãnh đạo giáo hội, biết lãnh đạo trong yêu thương vào giàu lòng xót thương.

Còn việc đã tiệc, nghe Chúa dạy, bình thường thì sốc thật, những tôi cũng đã biết có những giáo xứ, ngày tất niên, ngày Lễ Chúa Giáng Sinh tổ chức những bửa tiệc mời toàn người bán vé số, nghèo khổ, ăn xin đến dự tiệc. Đúng là họ không mời trả lại vì họ quá nghèo, nhưng học đã cho ta mói quà rất lớn là được chia sẻ tình thường, sống 1 trong 14 mối: "cho kẻ đói ăn".

Xin Chúa cho những người giàu có, những người hảo tâm biết mở rộng lòng đón nhận người nghèo đói bằng những bữa cơm tình thương.


Chúa Nhật tuần 22 mùa Thường Niên - Năm C
Lời Chúa: 
 Lc 14,1.7-14
Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:
"Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người này'. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên'. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên". Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại".

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Dụ ngôn "năm cô dại, năm cô khôn" mà tôi đọc đi đọc lại để tìm ra sứ điệp sau câu chuyện hấp dẫn và li kỳ này. Hạnh phúc và đau khổ tất cả là do chính ý thức, chuẩn bị và luôn sẵn sáng trong mọi tình huống. Mỗi người đọc câu chuyện sẽ có những ánh sáng khác nhau, thay đổi lối sống hay vẫn như cũ là tùy vào sự thiện chí, ước muốn được vào dụ tiệc cưới hay không.

"Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể.  Trong số đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo.  Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn, lại đem dầu đầy bình.  Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.

 "Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người.  Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình.  Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: 'Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả'.  Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: 'E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (cửa) hàng mà mua thì hơn'.  Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng, thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại.  Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: 'Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi'.  Nhưng người đáp lại: 'Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi'.  Vậy hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào".



Tôi thuộc nhóm nào? Dại hay khôn, muốn biết tôi đang thuộc nhóm nào, tôi nhìn vào chính đời sống mình, dầu tình yêu, ngọc lửa mến có còn cháy bỏng để tôi sẵn sàng cuối xuống phục vụ một cách vô vị lợi hay không? Cho dẫu thời gian, tuổi tác có làm tôi mệt mỏi nhưng dầu của tình yêu Chúa và yêu người vẫn đầy bình, vẫn đủ để khi chàng rễ đến tôi nhanh chân được bước vào dự tiệc vui.


Thứ Sáu tuần 21 mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mt 25,1-13
1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: "Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. 2 Trong số đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. 3 Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo. 4 Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn, lại đem dầu đầy bình. 5 Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.
6 "Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người. 7 Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. 8 Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: 'Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả'. 9 Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: 'E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (cửa) hàng mà mua thì hơn'. 10 Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng, thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. 11 Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: 'Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi'. 12 Nhưng người đáp lại: 'Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi'. 13 Vậy hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào".

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016


Câu chuyện xảy ra vào buổi trưa tháng 8/2010 tại thành phố New York, Hoa Kỳ. Harris và một đồng nghiệp trong công ty quảng cáo cùng đi ăn trưa tại nhà hàng. Cả hai đã gặp một người ăn xin khiến họ không thể nào quên…



Khi hai người đang đứng bên cạnh đường thì một người ăn xin tiến về phía của Harris. Người ăn xin ấp úng nói: “Tên tôi là Valentine, tôi đã thất nghiệp 3 năm rồi, và chỉ dựa vào ăn xin sống qua ngày. Tôi nói ra hoàn cảnh thật của mình mong cô có nguyện ý giúp đỡ. Cô có thể cho tôi một ít tiền lẻ để mua chút đồ ăn và nước uống không?”

Sau khi nói xong, Valentine đưa ánh mắt nhìn Harris như đang đợi câu trả lời.

Nhìn Valentine, Harris đã động lòng trắc ẩn. Cô mỉm cười nói với Valentine: “Không vấn đề gì, tôi hoàn toàn nguyện ý giúp cậu”. Nói rồi Harris đưa tay vào túi để lấy tiền cho Valentine, nhưng tiếc là cô không còn chút tiền mặt nào, mà chỉ có một thẻ tín dụng. Cô thấy băn khoăn, cầm thẻ tín dụng mà không biết phải làm sao.

Nhìn thấy Harris đang tỏ vẻ ái ngại, Valentine nhỏ giọng nói: “Nếu như quý cô tin tưởng, có thể đưa thẻ tín dụng cho tôi mượn.” Harris vốn có tấm lòng lương thiện nên cô không một chút nghi ngờ đã đưa thẻ cho Valentine. 


Cầm thẻ tín dụng xong, Valentine chưa vội rời đi mà còn nói với Harris: “Ngoài việc mua đồ ăn, tôi còn có thể mua thêm ít nước không?”

Harris không suy nghĩ gì thêm, cô nói: “Hoàn toàn có thể, nếu như cậu còn cần mua thứ gì thì cứ mua đi nhé!”

Valentine cầm thẻ tín dụng rồi rời đi. Harris và bạn cùng nhau bước vào nhà hàng. Ngồi xuống không lâu, cô bắt đầu thấy hối hận. Harris có vẻ buồn buồn rồi nói chuyện với bạn: “Thẻ tín dụng của mình không có mật mã, trong thẻ có tới 100.000 USD, cậu kia chắc sẽ cầm mà bỏ trốn, phần lớn là không trả lại cho mình rồi.”

Người bạn lại nói thêm vào: “Bạn quá dễ tin tưởng người xa lạ. Bạn thật quá lương thiện lại ngây thơ nữa!”

Harris giờ nghĩ lại, cô không còn tâm trạng để ăn cơm nữa. Đợi bạn ăn xong rồi hai người rời khỏi nhà hàng.

Điều ngạc nhiên mà họ không ngờ tới là Valentine đã đợi ở bên ngoài từ lâu. Anh dùng hai tay đưa thẻ tín dụng và chi phiếu thanh toán cho Harris. Rồi anh nói: “Tôi đã tiêu hết 25 USD để mua một ít đồ dùng rửa mặt, hai bình nước. Quý cô có thể kiểm tra đối chiếu ngay bây giờ.” 


Nhìn người ăn xin biết giữ chữ tín, Harris cùng với bạn của mình đã vô cùng kinh ngạc và cảm động. Cô không thể làm chủ được mà nắm tay Valentine rồi liên tục nói: “Cảm ơn cậu, cảm ơn cậu!”

Valentine làm bộ mặt khó hiểu về tình huống này: “Cô giúp tôi, tôi phải cảm ơn cô mới đúng chứ. Tại sao cô lại phải cảm ơn tôi?”

Sau đó Harris đã đem câu chuyện này kể cho một tòa soạn báo ở New York. Sự thành thật của Valentine khiến tòa soạn cảm động, giúp tờ báo hướng con người đến với chuẩn mực đạo đức cao hơn. Bài viết do đó cũng được nhiều người đón nhận. Nhiều độc giả đã gửi thư đến tòa soạn nguyện ý giúp đỡ Valentine.

Một thương nhân ở bang Texas sau khi xem báo, ông đã gửi cho Valentine hơn 6000 USD kèm theo lời khen tặng về sự thành thật.

Điều làm cho Valentine vui mừng hơn nữa đó là chỉ vài ngày sau anh đã nhận được cuộc điện từ hãng hàng không Wisconsin Airlines. Hãng mời anh về làm nhân viên phục vụ, đồng thời thông báo rằng anh có thể ký hợp đồng đi làm ngay.

Trong một khoảng thời gian ngắn Valentine đã nhận được niềm vui quá lớn. Anh chia sẻ: Valentine giờ đã hiểu: làm một người thành thật nhất định sẽ nhận được phúc báo!

Abraham Lincoln từng nói: “Thành thật là phương sách tốt nhất!”.

Còn một nhà kinh doanh cũng từng chia sẻ: “Tôi đã chọn cách làm ăn thành thật, kể cả trong lúc khó khăn nhất. Và kết quả khiến tôi không bao giờ phải hối hận với thái độ kinh doanh mà mình lựa chọn.”
(Nguồn http://phunutoday.vn/)

Sau khi đọc câu chuyện trên, lòng tôi thực sự cũng bị cảm giác lo sợ như Harris. Thái độ tôn trọng của Harris khi Valentine xin sự giúp đỡ, ban  đầu làm tôi rất cảm phục, nhưng dần dần câu chuyện trao đổi giữa Harris và người bạn về sự quảng đại và tin người, làm cho cả hai bất an, và tôi là người đọc cũng bất an.

Thế nhưng sự trở lại của Valentine với hóa đơn trên tay, tôi lại cảm thấy vui, nhưng lại xấu hổ vì bản thân cũng có những lo lắng và nghĩ không tốt về người khác.

Đây quả là một tấm gương cho tôi về hiểu hơn sự trung thật nới một con người đã được dạy từ nhỏ, anh chia sẻ: “Từ nhỏ mẹ của tôi đã dạy rằng: làm người nhất định phải thành thật và giữ chữ tín, dù cho có nghèo hèn phải lưu lạc đầu đường cũng không được vứt bỏ chữ tín…” 

Câu chuyện của Valentine giúp tôi hiểu hơn cuộc trao đổi giữa Chúa Giêsu và Nathanael. Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông: "Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối". Nathanael đáp: "Sao Ngài biết tôi?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi". Nathanael thưa lại rằng: "Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel". Chúa Giêsu trả lời: "Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin, ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa". Và Người nói với ông: "Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các Thiên Thần Chúa lên xuống trên Con Người".

Lòng trung thực, để người khác nhìn vào mình và tin tưởng ngay, cần phải được tập luyện từ khi còn trẻ lên ba. Ngày nay nói thật không phải dễ, vì đâu đó quanh ta, trên các phương tiện truyền thông cho ta thấy, "giả" nhiều lắm: bằng giả, người giả, hàng giả... Nếu nghe một tin gì đó, ta thường đặt câu hỏi: "có thật không"

Xin cho con biết mỗi ngày dừng lại, nhìn xem các lời nói, hành động, việc làm của con trong ngày có trung thực không? Ước gì ngày ra trước mặt Chúa, Chúa cũng nói với con: "Đây thật là người Kitô hữu, nơi con không có gì gian dối"

Con cầu xin cho đất nước, cho các nhà cầm quyền biết nói, sống và hành động với một con tim và một cái đầu minh bạch.

"Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối".
Thứ Tư tuần 21 mùa Thường Niên - Ngày 24/08: Thánh Bartôlômêô, tông đồ
Lời Chúa: 
 Ga 1,45-51
45 Khi ấy, Philipphê gặp Nathanael và nói với ông: "Đấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nadarét". 46 Nathanael đáp: "Bởi Nadarét nào có cái chi hay?" Philipphê nói: "Hãy đến mà xem".

47 Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông: "Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối". 48 Nathanael đáp: "Sao Ngài biết tôi?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi". 49 Nathanael thưa lại rằng: "Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel". 50 Chúa Giêsu trả lời: "Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin, ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa". 51 Và Người nói với ông: "Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các Thiên Thần Chúa lên xuống trên Con Người".

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

Trong một cuốn sách ngoại ngữ có một câu chuyện : Người ta nịnh bợ bà Marjorie. Mỗi khi mời là người ta đến tấp nập vì nhà bà sang và tiếp đón niềm nở. Mỗi lần khách đến là người ta tán tụng bà đủ cách. Bà Marjorie không phải là người tầm thường. Bà muốn biết những người khách của bà thành thật hay giả dối. Bà ñaët hai máy ghi âm, một dưới bàn trang sức của bà thường để tô điểm môi cho đỏ thắm, sửa lại mái tóc cho thật bảnh, vừa trang sức vừa nói chuyện. Còn máy khác để bên phía các ông ngồi.

Bà chủ nhà vui tươi, đứng giữa quan khách, tuyên bố :”Hôm nay tôi xin hiến quí vị một câu chuyện được ghi âm vô cùng lý thú”.

Mọi người đều vỗ tay tán thành. Tất cả đều chăm chú nghe ! A, tiếng ai quen quen thế ! Thì ra những mảnh tâm sự của các ông, các bà lần lượt được vang lên trong căn phòng im lặng. Ôi , kinh khủng… Cái bà chủ mà người ta đang nịnh hót đã bị công kích không còn chỗ nói… Họ nói xấu đến những cử chỉ của bà, đời sống gia đình của bà, mái tóc, chiếc áo, thứ giải khát. Và những chi bà Marjorie là nạn nhân mà tất cả các bà khác cũng vậy. Bà này nói xấu bà kia. Máy càng mở, mặt các bà caøng tái, mồ hôi lạnh toát ra, một đôi bà đã té xỉu.

Máy ghi âm của các ông cũng không kém, thốt ra những lời công kích và phê bình ông chủ, bà chủ, họ còn nói lên những phản bội của gia đình họ. Máy ghi âm đã ghi và đã phát ra tất cả sự thật, thẳng thắn, vô tư, không kiêng dè.

Không nói, chúng ta cũng có thể kết luận : buổi tiệc ấy là buổi tiệc khoản đãi cuối cùng của bà chủ… Người ta đã ra về và không bao giờ trở lại. Có lẽ, người ta sẽ gặp nhau, nhưng mà “ngó nhau không sửa” như người ta thường nói.

Thái Công Vọng, một người từng trải trong khoa xem tướng mão con người, đã đưa ra nhận xét như sau :
- Ai phô trương là kẻ tâm địa tầm thường.
- Ai nói năng hay làm ra vẻ hoa mỹ, là kẻ ít trung trực.
- Ai hay nói quá sự thực, là kẻ không nên giao phú cho công việc quan trọng.
- Ai hay tự phụ. Khoe mình và chê bai người khác, là kẻ nên xa lánh.
Trái lại :
- Kẻ đa mưu túc trí, mà bao giờ cũng thấy như khờ khạo, đó mới là người đáng sợ.

"Thật" và "Giả" đây là hai vấn đề nhức nhối trong thời gian gần đây,"thật" là cái có như nó là, không thêm không bớt. Còn giả là cái không thật, được nhái lại làm ra với vẻ bề ngoài giống như cái thật để gạt người khác. Giả là làm như thật để người khác tưởng là thật. 

Có những từ kép đi với từ "giả": Giả hình, Giả mạo , giả danh, giả trá, giả dối. Chẳng có "giả" nào có giá trị.

Giả hình là không thật như chính bản chất của nó mà đã bị làm cho sai lệch, méo mó đi. Con người giả hình là con người ảo, sống hình thức bên ngoài. 

Có thể nhận dạng người "giả hình" qua: Ngôn hành bất nhất, nói một đường làm một nẻo; Khoe khoang, lúc nào cũng cho mình là nhất thiên hạ, nhưng kỳ thật chẳng có gì; Kêu ngạo thích được ngồi chỗ nhất, tự tôn mình lên làm bậc thầy thiên hạ; Tham lam ích kỷ, làm sao để vơ vét cho thật nhiều tiền của cho bản thân nhưng không quan tâm đến người khác.

Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, hồi hương và thì là, còn những điều quan trọng hơn trong lề luật, là đức công bình, lòng nhân từ và lòng tin thì các ngươi lại bỏ qua; đáng lẽ phải làm những điều này và không bỏ các điều kia.

Theo luật thì họ chỉ phải đóng thuế thập phân cho Đền thờ, chứ không buộc phải nộp thuế các thứ rau thơm, nhưng họ đã tỏ ra rộng rãi với Chúa, họ đóng hết ! Nhưng trớ trêu thay, họ đã làm việc bác ái mà vi phạm đức công bình vì họ dám  "gạn lọc một con muỗi ra, nhưng lại nuốt trửng cả con lạc đà".

Sống hình thức với vẻ bề ngoài, nhưng không ai biết, bên trong toàn là chết chóc, ô uế, thối tha.  "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, vì các ngươi rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong, các ngươi đầy gian tham và nhơ bẩn. Hỡi những người biệt phái đui mù, hãy rửa bên trong chén đĩa trước đã, để bên ngoài cũng được sạch"
Lạy Chúa, nghe những lời Chúa khiển trách giới Kinh sư, Luật  sĩ là lời cảnh tỉnh và thức tỉnh con, hãy kiểm tra lại con người của con qua các tương quan với mọi người, cảm nhận lòng thương xót của Chúa để con biết xót thương anh chị em con. Là tiếng kêu gọi giúp con nhìn lại chính mình, xem con có đang sống ảo, sống không thật. Xin Chúa thương xót con.

Thứ Ba tuần 21 mùa Thường Niên - Ngày 23/8: Thánh Rôsa thành Lima, đồng trinh
Lời Chúa: 
 Mt 23,23-26

23 Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, hồi hương và thì là, còn những điều quan trọng hơn trong lề luật, là đức công bình, lòng nhân từ và lòng tin thì các ngươi lại bỏ qua; đáng lẽ phải làm những điều này và không bỏ các điều kia.
24 "Hỡi những kẻ dẫn đường đui mù, các ngươi gạn lọc một con muỗi ra, nhưng lại nuốt trửng cả con lạc đà. 25 Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, vì các ngươi rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong, các ngươi đầy gian tham và nhơ bẩn. 26 Hỡi những người biệt phái đui mù, hãy rửa bên trong chén đĩa trước đã, để bên ngoài cũng được sạch".

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Cánh cửa trường Đại học không phải muốn là nộp đơn vào, mà muốn vào phải dốc hết sức lực và tập trung học, luyện và biết hy sinh, đó là thập niên 80, 90 ... Tấm vé vào Đại học là niềm mơ ước của học sinh, là niềm tự hào của phụ huynh. Khi ấy, tâm lý cha mẹ thường nghĩ rằng đậu Đại học là con thành đạt rồi, có tương lai tươi sáng rồi. Nếu trượt Đại học, vào được Cao đẳng, thậm chí trung cấp cũng được coi là “xịn”. Có những người thi tới ba năm mới đậu, vẫn ăn mừng hoành tráng. Khi ra trường, những bạn trẻ ấy đa số thành đạt, hoặc ít nhất có được một công việc tốt, thu nhập ổn định, tự lo thân được. 


Nhưng ngày nay, việc đậu ĐH lại là “chuyện thường ở huyện”, chưa được 15 điểm/ba môn cũng đậu. Người người đậu ĐH, nhà nhà cho con học ĐH. Cháu tôi đậu một trường ĐH ở TP.HCM nhưng không dám đi học vì sợ thất nghiệp. Một đứa cháu khác “phớt lờ” ĐH chỉ vì suy nghĩ: “Học nghề cho chắc”.


Không phủ nhận những trường có tiếng, đầu vào cao thì khi tốt nghiệp ra các em có chỗ đứng, nhưng nhiều trường “mở cửa” ào ào cho các em vào học với đầu vào rất thấp nên nguy cơ thất nghiệp tăng lên là lẽ thường. Có những em nhận được không dưới chục lời mời nhập học (bao gồm cả ĐH dân lập, CĐ, trung cấp).

Để được bước chân vào giảng đường hiện nay không còn khó khăn như trước kia nữa, tương lai của con em chúng ta cũng bị “bỏ ngỏ”. Trong khi đó, chất lượng đầu vào thấp thì rất khó để có được những cử nhân, giáo viên, kỹ sư chất lượng trong tương lai...
Đọc bài viết của tác giả Hải Long trong mục câu chuyện giáo dục, và theo dõi thông tin các trường tuyển sinh, thì đúng thật đến hôm nay dù hạ điểm sàn có trường vẫn không thể tuyển đủ tiêu chuẩn.
Hơn 50% thí sinh trúng tuyển ĐH đang ở đâu? 

Cánh cửa vào Đại học hẹp nhưng mở ra tương lại một con đường tươi sáng.

Cánh cửa Đại học rộng mở, kết quả tương lại mịt mù, học ra không có việc làm, thất nghiệp.

Trong bài tin mừng Chúa nhật 21 thường niên năm C, Chúa Giêsu đã trả lời  cho những người hỏi Chúa  "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ rằng: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: 'Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi'. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi từ đâu tới'. "

Mỗi loại cửa đều có kích thước phù hợp với công năng: cửa nhà ở chỉ dành cho người vào, không thể ngồi trên xe 4 chỗ chạy thẳng vào được, muốn vào nhà thì phải xuống xe. Cửa sổ thì để lấy ánh sáng, lấy gió vào nhà, lỡ quên chìa khóa của chính muốn vào thì phải trèo chứ không đường đường chính chính mà đi. 

Trong cuộc sống hằng ngày có những cánh cửa hẹp nhưng không chật, có những cánh cửa rộng mà lại chật. Những cánh cửa mà ta không thấy bằng mắt thường được: Cánh cửa tri thức, cảnh cửa tâm hồn, cánh cửa nhân ái, cánh cửa yêu thương, cánh của niềm tin... chỉ khi nào ta khiêm tốn, biết mình biết ta, biết chọn lựa và biết hy sinh thì ta sẽ được qua cửa mà vào hưởng niềm vui, bình an và Nước Trời.

"Hãy giúp con chấp nhận cùng Chúa qua cửa hẹp dù khốn khó gian nan và hãy giúp con chiếm được hạnh phúc qua cửa hẹp hạnh phúc ân tình."  "Cửa hẹp"  giúp con mỗi ngày biết ý thức và cố gắng loại bỏ nhưng gì quá cồng kềnh làm con không qua được cửa vào nước Chúa.
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/cua-hep-dieu-hien.dFLGnLeE7nmC.html


Chúa Nhật 21 mùa Thường Niên - Năm C
Lời Chúa: 
 Lc 13,22-30
22 Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. 23 Có kẻ hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ rằng: 24 "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. 25 Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: 'Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi'. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi từ đâu tới'. 26 Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: 'Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi'. 27 Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta'. 28 Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. 29 Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. 30 Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết".

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Câu chuyện ngụ ngôn "đeo nhạc cho mèo" trong sách Ngữ văn lớp 6 tập 1. Câu chuyện giữa mèo và chuột có thể cho tôi và bạn suy nghĩ và nhìn lại chính mình khi: nói và làm. Câu chuyện có thể thấy chuột Cống là kẻ thích huyênh hoang nhưng lại là tên nhút nhát, sợ chết, đưa ra sáng kiến làm chuông đeo cho mèo, để khi nghe tiếng chuông thì họ hàng nhà chuột biết đường mà chạy trốn. Thế nhưng, khi hành đồng thì lại không dám làm, thoái thác cho chuột Chù, kết quả họ hàng nhà chuột vẫn mãi là mồi ngon cho mèo.



Vâng, trong cuộc sống tôi và bạn cũng dễ có thái độ như chuột Cống: nói được mà không làm được, chỉ thích đưa ra khẩu 
hiệu thật hoành tráng, nghe sướng lỗ tai mà quên đi tính khả thi của sự việc có thực hiện được hay không?

Đức Thánh Cha Phanxicô giảng trong thánh lễ đồng tế với các vị Hồng Y đang tham dự Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường vào thứ Sáu 21 -2-2014 tại nhà nguyện Santa Marta.

"Thế giới này đầy dẫy các Kitô hữu đọc thuộc lòng Kinh Tin Kính, nhưng rất ít khi đưa những lời kinh này vào thực hành - và cũng có các học giả uyên 
bác giản lược thần học vào một loạt những lý thuyết gọn gàng ngăn nắp, trong khi loại bỏ triệt để bất kỳ ảnh hưởng nào của thần học trên cuộc sống thực. Đó là mối nguy hiểm mà Thánh Giacôbê lo sợ từ cả hai ngàn năm trước, và đó cũng là chủ đề mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đưa ra với các tín hữu sau đọc bài đọc trích từ thư Thánh Giacôbê trong đó có những đoạn như: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? ...Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết...Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi.” 


Chúa Giêsu đã hướng dẫn dân chúng và các môn đệ thời của Ngài: "Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là "Thầy". ....

Trong ngày cuối tuần, tôi  nhìn lại chính mình qua Lời Chúa dạy hôm này, sau những ngày được gọi là người hướng dẫn và giảng dạy cho người khác. Những gì tôi truyền đạt, giúp học viên trong tuần qua có phải chỉ là lý thuyết suông không? và trong cuộc sống tôi đã làm được điều tôi truyền đạt cho học viên của tôi chưa?

Để xét lời nói của tôi có đi đôi với hành động không, tôi phải dựa vào tiêu chuẩn "Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

Lạy Chúa con cảm ơn Chúa cho con được soi mình trong chính lời Chúa hôm nay, sau một khoá huấn luyện, con lại tìm về một cõi riêng tư để tổng kết, nhìn lại, lượng giá giữa việc truyền đạt kiến thức và sự tác động của Chúa Thánh Thần. Giữa lời nói và hành động của con.

Xin cho con biết sức mình, tự khiêm tự hạ để suy nghĩ trước khi nói.

Con cầu nguyện cho những người đang trong cơn bão Thần Sét được sự giúp đỡ của chính quyền và những người có trách nhiệm, những nhà hảo tâm.

Thứ Bảy tuần 20 mùa Thường Niên - Ngày 20/08: Thánh Bênađô, viện phụ tsHT
Lời Chúa: 
 Mt 23,1-12
1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: 2 "Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: 3 vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm.4 Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. 5 Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. 6 Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, 7 ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là "Thầy". 8 Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là "Thầy", vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. 9 Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là "cha", vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. 10 Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là "người chỉ đạo": vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. 11 Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. 12 Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".