Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017

Những người đã qua đời họ cần gì, họ làm được gì và họ muốn gì? đặt những câu hỏi như vậy trong tháng 11, tháng mà Giáo Hội Công giáo dành riêng để cầu nguyện cho các Linh hồn để tôi và bạn nhớ đến những người thân yêu, họ hàng, bạn bè và những người chúng ta chưa một lần gặp mặt để giúp họ được thanh luyện để được siêu thoát về chốn Vĩnh Hằng.

Phật giáo dành Tháng 7 âm lịch hàng năm còn được gọi là “tháng cô hồn” hoặc “mở cửa mả”. Dân gian quan niệm đây là tháng của ma quỷ, đặc biệt là ngày rằm tháng bảy là ngày “xá tội vong nhân” – ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ được tự do trở về dương thế, đó cũng chính là ngày “âm khí xung thiên”.

Đặt lại câu hỏi người đã qua đời họ mong muốn nơi người đang sống điều gì? đó chính là sự hy sinh và cầu nguyện mà người sống có thể giúp người chết.
Tìm hiểu một tí về nguồn gốc của tháng cầu nguyện cho các Linh hồn:

"Một hôm, một đan sĩ Dòng ngài đi viếng Đất thánh Giêrusalem. Trên đường trở về Đan viện Cluny. Tàu chở đan sĩ bị bão đánh giạt vào một hòn đảo. Tại đó, đan sĩ gặp một ẩn sĩ và được ẩn sĩ cho biết:
"Trên đảo này có nhiều hang lửa, trong hang có nhiều người bị hành hạ, đánh đập. Tôi thường nghe các tên quỉ phàn nàn với nhau về Viện phụ Odilo và các đan sĩ Dòng của ngài rằng: ngày nào họ cũng giải thoát một số linh hồn ra khỏi hang lửa đó. Vì thế, xin thầy về nói với cha Odilo và các anh em trong Dòng cứ tiếp tục cứu giúp các linh hồn đau khổ. Đó cũng là niềm vui cho các thánh trên Thiên đàng và là sự đau khổ cho quỉ dữ dưới Hỏa ngục". 


Sau khi nghe biết sự việc này, cha Odilo đã lập lễ Cầu hồn vào ngày 2 tháng 11 và trước hết cử hành trong đan viện Cluny của ngài vào năm 998 (có sách nói năm 1030). Về sau lễ cầu hồn đã được truyền sang nuớc Pháp, và tới giữa thế kỉ 10, Đức Giáo hoàng Gioan 14 đã lập lễ Cầu hồn trong Giáo hội Rôma.

Từ thời đó, nhiều nơi đã có thói quen cầu nguyện tuần chín ngày cho các linh hồn, họ đi thăm viếng, sửa mồ mả cha ông. Vào buổi chiều lễ Các Thánh, có những người đi từng nhà xin quà cho các linh hồn, họ hát những bài ca cổ truyền cổ động cầu cho các linh hồn mau ra khỏi Luyện ngục."

Theo sách Giáo lí Công giáo do Đức Thánh cha Gioan Phaolo 2 ban hành năm 1992 có 3 số như sau:

- Số 1030: Cần có Luyện ngục:
"Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng.

- Số 1032: Người sống cứu người chết:
"Giáo huấn này cũng dựa vào cách cầu nguyện cho kẻ chết, như được nói đến trong Thánh Kinh: "Đó là lý do tại sao ông Giuđa Macabê đã truyền phải dâng hy lễ đền tội này cho các người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của mình" (2 Mcb 12,46).

- Số 1031: Luyện ngục để thanh tẩy:
"Giáo Hội gọi là luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng này của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt. Giáo Hội đã trình bày giáo lý của đức tin về Luyện ngục, nhất là tại các Công đồng Florentia (xem DS 1304) và Trentô (xem DS 1820; 1580).

Các linh hồn không là được gì cho mình, họ sẽ rất cô đơn và đâu khổ khi ta không nhớ đến họ.
"Xin đừng quên tôi" (Forget Me not) là tên của một loài hoa 

Một truyền thuyết của người Đức đã giải thích nguồn gốc tên của loài hoa màu xanh tím nhỏ bé xinh đẹp này, cũng như ý nghĩa của nó trong ngôn ngữ các loài hoa.

Ngày nọ, có một hiệp sĩ trẻ và người yêu đang đi dạo dọc theo bờ sông Danube .

Cô gái trông thấy mấy cánh hoa đẹp mọc ở ven bờ, nơi sát mí nước, rất thích, cô bảo người yêu hái cho mình.

Nhưng than ôi, trong lúc cố vươn tay với lấy các cành hoa, chàng hiệp sĩ trượt ngã xuống dòng sông đang chảy xiết. Bị vướng víu áo giáp nặng nề, chàng đã không thể vượt qua được bờ sông trơn trượt dù đã cố gắng hết sức.

Cảm thấy mình đang nhanh chóng chìm xuống, anh ném hoa lên bờ cho người yêu và bằng tất cả hơi thở tàn của mình trước khi chìm mãi, anh gọi nàng một lời như trăn trối : “Đừng quên nhau nhé !” rồi mất hút trong dòng nước xiết… Người yêu đau khổ đã không bao giờ quên anh, cô cài những cánh hoa ấy trên tóc cho đến khi chết.

Câu chuyện thật cảm động, tuy người đã khuất nhưng họ không muốn chúng ta quên họ, Chúa sẽ đón chờ những người thân yêu của chúng ta trên Thiên Quốc "Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài". không ai Chúa loại ra ngoài nhưng chỉ những ai không là theo ý Chúa, khi có một cuộc sống buông tha, thiếu bác ái, không biết xót thương đồng loại. Nhớ đến người chết thi cũng phải nhớ để mà sống sao cho tốt, cho đúng phẩm chất và hình ảnh của Chúa, không thể cầu nguyện cho các linh hồn khi tâm hồn ta còn quá nhiều bóng tối.

Trong ngày hôm nay tôi rất nhớ về ba thân yêu của tôi vừa qua đời được 2 tháng, ba đã an nghỉ, nhưng ba cần  lời cầu nguyện của mẹ, các con và mọi người, vì trong thời gian ba tôi bệnh, rất ngắn nhưng cũng đủ để ba chuẩn bị ra đi. Có lần ba tôi chia sẻ :"bây giờ có cả núi tiền cũng không làm gì được". Tôi và mọi thành viên trong gia đình hiểu ba tôi cần gì, cần chúng tôi sống tốt, yêu thương nhau, cần chúng tôi lo cho mẹ thật chu đáo, cần chúng tôi sống liêm khiết và thánh thiện, chắc chắn ba chúng tôi cần lời cầu nguyện cho ba. Và tôi tin tiếp tục đồng hành với chúng tôi. 

Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ cho các Linh Hồn được lên chốn nghĩ ngơi.


Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên, Cầu cho các tín hữu qua đời
Lời Chúa: 
 Ga 6,37-40
37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. 40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết."
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)http://tgpsaigon.net/suy-niem/20170902/40389

0 nhận xét:

Đăng nhận xét