Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013


Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Lời Chúa: Mt 18,1-5

 Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?"  Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông  và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
 "Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.
"Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy."
Ba mẹ tôi đã  chọn cho tôi Thánh Tê-rê-sa làm Quan Thầy ngày tôi nhận bí tích Rửa tội. Lúc đó, tôi đâu có biết Thánh Tê-rê-sa là ai, tôi chỉ biết được lịch sử vị Thánh thật tuyệt vời mà lại đơn sơ và khiêm tôn khi tôi lớn lên.

Tôi yêu và thích tinh thần sống với Chúa của Chị Thánh, tôi học hoài mà vẫn chưa được một góc của Chị Thánh. Tin thần trẻ thơ, luôn bám và Chúa, tìm làm đẹp lòng Chúa mọi nơi mọi lúc.
Và bây giờ nếu cho tôi chọn thánh bổn mạng, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục chọn Chị Thánh. 

Tôi rất hạnh phúc khi có rất nhiều người mừng Bổn mạng . Xin tạ ơn Chúa và cám ơn mọi người đã quan tâm, yêu thương và đồng hành với tôi trong hành trình đức tin. Một tin nhắn, một lời chúc mừng làm tôi trẻ và khỏe thêm nhiều lắm. Tôi cũng chúc mừng hết những ai nhận Chị Thánh làm Quan Thầy, và những ai chọn " con đường thơ ấu thiêng liêng" làm kim chỉ nam cho đời sống Ki-tô hữu.

Giới thiệu các tác phẩm mừng Quan Thầy

Sơn Thiên vẫy gọi tình trần
Nữ nhi phụng mệnh ý thần
Duyên Trời đượm thắm hương nhân
Sa mạc rợp bóng Tình Quân

( Tâm Giao)

Tác phẩm của anh Đức Khanh (MVTT Sài Gòn - Chợ Quán)

Tác phẩm của Cha Tô-ma Huỳnh Bửu Dư (Đồng hành MVTT Sài Gòn - Chợ Quán)



Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXVI Thường Niên Năm Lẻ.
(30/09/2013) - (Lc 9, 46-50)
Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh.

Nguyên văn Bài Tin mừng:

Một câu hỏi chợt đến với các ông: trong các ông, ai là người lớn nhất? Đức Giê-su biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.”

Ông Gio-an lên tiếng nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy.” Đức Giê-su bảo ông: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!”
_________________________________

Phân tích và Chia sẻ:

Mở đầu Bài Tin mừng Kinh thánh viết: _______ Một câu hỏi chợt đến với các ông: trong các ông, ai là người lớn nhất? Đức Giê-su biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.”

“Một câu hỏi chợt đến với các ông”

Điều này có nghĩa cái ý nghĩ “ai là người lớn nhất?”, tự nhiên nó xuất hiện, mà trước đó không có, cái ý nghĩ đó không xảy đến với một người mà nó đến với tất cả Nhóm Mười Hai, các ông đồng loạt nghĩ đến điều này. Vậy ta thử tìm hiểu xem, hoàn cảnh nào đã khiến các ông đồng loạt có ý nghĩ như vậy?

Bài Tin mừng hôm nay nối tiếp với sự kiện Đức Giêsu tiên báo lần thứ hai cuộc khổ nạn của Ngài. “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời." Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.” (Lc 9, 44-45)

Đức Giêsu nói rõ ràng, Ngài sẽ bị nộp vào tay người đời, phải chịu khổ hình phải đau khổ để cứu chuộc nhân loại, đây mới là Đấng Cứu Thế đích thực. Và đây là lần thứ hai Ngài nói đến điều này. Nhưng các môn đệ không hiểu những lời đó, nó hoàn toàn xa lạ, là điều bí ẩn, vì các ông đã hình thành quan niệm về Đấng Cứu Thế theo kiểu của các ông, đó là Đấng Cứu Thế uy quyền, dùng sức mạnh Thiên Chúa để giải phóng Israel khỏi ách đô hộ của Rôma. Các ông sợ không dám hỏi vì các ông không muốn đối diện với sự thật, một sự thật không thể chấp nhận. Cái lý do sâu xa khiến các ông không dám hỏi vì đàng sau quan niệm đó, là một tham vọng. Vâng, đúng vậy, khi Đức Giêsu dùng quyền năng của Thiên Chúa khôi phục Israel, Ngài sẽ là Vua, còn các ông đương nhiên phải có địa vị nào đó trong nước Israel mới. Có lẽ đây mới là động lực các ông theo Ngài. Như vậy, vấn đề còn lại bây giờ sẽ là câu hỏi: “ai sẽ là người lớn nhất?

Nhưng cái ý nghĩ “Ai là người lớn nhất?” vẫn chưa xuất hiện lúc này, vì thầy trò đang ở thành Xêdarê Philipphê, vậy nó đến từ bao giờ?

Thánh sử Marcô cho ta biết: Sau khi Đức Giêsu tiên báo lần thứ hai về cuôc Khổ Nạn của Ngài, Ngài và các môn đệ trở về Carphacnaum.

“Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?" Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9, 33-34)

Marcô khẳng định ý nghĩ “xem ai là người lớn nhất?” đã xuất hiện khi thầy trò trở về Carphacnaum. Trở về Carphacnaum, nghĩa là về nhà của mình, về chỗ riêng tư của mình, hoàn toàn không bị ai quấy rầy, muốn nói, muốn nghĩ gì thì nghĩ.

“Một câu hỏi chợt đến với các ông: trong các ông, ai là người lớn nhất?”

“Ai là người lớn nhất”, vấn nạn này không chỉ xảy ra trong hàng ngũ các môn đệ, nhưng xảy ra ở mọi nơi và mọi thời. Theo bản ngã, con người muốn được 3 điều sau đây:

(1) DANH VỌNG: Thích được nổi tiếng hay được mọi người biết tới.

(2) QUYỀN BÍNH: thích được truyền lệnh, nhưng không muốn vâng lời hay làm theo ý của người khác.

(3) LỢI LỘC: Ẩn giấu đàng sau hai bản ngã trên là lòng ham muốn lợi nhuận vật chất.

Các môn đệ cũng không ra ngoài quy luật đó. Như vậy, khi Đức Giêsu khôi phục nước Israel, nếu trong các ông, ai là người lớn nhất thì đương nhiên người đó sẽ được cả 3 điều trọn vẹn nhất. Đừng tưởng các môn đệ thời xưa mới có ý nghĩ này, còn ngày nay xã hội văn minh tiến bộ, tầm nhận thức con người được nâng lên, con người sẽ không còn ý nghĩ đó. Nếu ai suy nghĩ như vậy, phải kể họ là người ngoài hành tinh. Thời nay cái tham vọng ai là người lớn nhất, sẽ mạnh hơn bao giờ hết. Ta cứ nhìn vào xã hội hôm nay, và nhìn vào luôn Giáo hội, cứ nhìn vào các vị tu hành bao nhiêu năm, xem có bao nhiêu vị đã gột bỏ ý nghĩ “Ai là người lớn nhất”? Dĩ nhiên ta không thể vơ đũa cả nắm, vì có rất nhiều người tu hành chân chính đã đạt được mức độ coi khinh thế tục, nhưng còn bao nhiêu người vẫn bị tham vọng đó chi phối.

Ta nên biết rằng: “Khoa học tiến theo đường thẳng, còn đạo đức sẽ tiến theo đường tròn”. Điều này có nghĩa, khoa học ngày hôm nay tiến bộ hơn xưa rất nhiều, nó đi theo quy luật đường thẳng, còn đạo đức hình như ngày xưa có tật xấu nào thì ngày nay nó vẫn như vậy, có khi còn tệ hơn trước. Như vậy, cái tật xấu cách đây hàng ngàn năm, bây giờ ta vẫn gặp lại, vì nó đi theo quy luật đường tròn. Sở dĩ như vậy vì những thứ đó thuộc về bản ngã, tức gắn liền với thân phận con người tội lỗi. Hiểu được như vậy, ta sẽ không thất vọng, chán nản khi sống trong xã hội hôm nay.

“Đức Giê-su biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông”

Thánh sử Marcô còn nói rõ hơn: “Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? " Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9, 33-34)

Vâng cái ý nghĩ “Ai là người lớn nhất?” luôn là điều xấu, ai cũng nghĩ đến nhưng ai cũng muốn che giấu không cho người khác biết. Nó chính là động lực hoạt động ngấm ngầm chi phối mọi hoạt động của ta. Nói theo kiểu Phân tâm học, nó chính là vô thức, ẩn sâu bên trong, nhưng luôn chi phối ý thức, xui khiến con người hướng về đàng xấu. Nên khi Đức Giêsu hỏi, các môn đệ đã làm thinh.

Kinh thánh nói: “Đức Giê-su biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng”. Vâng Ngài là Thiên Chúa, Ngài thấu suốt mọi sự, Ngài biết rõ ý nghĩ thầm kín của các ông. Người ta có thể tự dối mình, dối người khác, chứ không thể lừa dối Thiên Chúa.

“Ngài liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông”, Đức Giêsu không muốn dồn các môn đệ vào chân tường để phải nói ra ý nghĩ của mình. Ngài là một nhà sư phạm đầy kinh nghiệm. Ngài biết các môn đệ còn phải dạy dỗ nhiều mới trở thành môn đệ đích thực. Đức Giêsu không hỏi nữa nhưng đã đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình. Ngài đặt em nhỏ bên cạnh mình để làm gì? Việc đặt một em nhỏ bên cạnh mang một ý nghĩ sâu xa, nếu các môn đệ đang tranh luận “ai là người lớn nhất”, thì Đức Giêsu lại đặt một người nhỏ nhất, nhỏ nhất theo mọi khía cạnh để đưa ra một giáo huấn mới. Một em bé nhỏ nhất để đối lại ý nghĩ “Ai là người lớn nhất” thì quả là sâu sắc. Ta thử tưởng tượng các môn đệ sẽ bị sốc như thế nào!

Giáo huấn của Đức Giêsu là gì? Giáo huấn đó nằm trong 2 câu sau đây:

(1) Câu thứ nhất: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”

(2) Câu thứ hai: “Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.”

Em nhỏ là người hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ. Nó đang được nuôi dưỡng, giáo dục bởi người lớn. Nó không có những gì mà người lớn đang ao ước, đó là: Danh vọng, quyền bính và lợi lộc. Như vậy, nếu có ai giúp đỡ cho nó điều gì, nó sẽ không có gì để đền đáp. Em nhỏ trong Bài Tin mừng, sẽ là đại diện cho tất cả những người nghèo, người cô thân cô thế, người bần cùng trong xã hội ở mọi thời đại, vì họ cũng chẳng có gì cho bản thân mình.

Nếu ai chấp nhận đón tiếp, ý nói giúp đỡ, những người bần cùng trong xã hội vì danh Đức Giêsu, ý muốn nói vì tình yêu thương vô vị lợi, người đó đón tiếp chính Đức Giêsu, suy tiếp luôn, người đó đón tiếp chính Thiên Chúa. Vì yêu thương vô vị lợi, người đó không cầu mong mình sẽ được đáp trả, thì chính Thiên Chúa sẽ thay mặt người bần cùng để đáp trả. Người đó đang tích lũy kho báu của mình trên trời.

Ta còn nhớ, Bài Tin mừng hôm qua, dụ ngôn Người phú hộ và Ladarô. Vì ông phú hộ không chịu giúp đỡ cho Ladarô, tức không chịu giúp đỡ cho người bần cùng, thì sau khi chết, ông trở thành người nghèo nhất, vì ông không tích lũy cho mình khi còn sống trên đời này.

Còn về ý nghĩ “Ai muốn là người lớn nhất”, theo Đức Giêsu, người đó phải tự biến mình là người nhỏ nhất phục vụ anh em. Đó mới là người lớn nhất đích thực. Ngài đang làm một cuộc cách mạng triệt để, cuộc cách mạng này sẽ làm cho mọi người trở thành anh em với nhau. Nó không giống cuộc cách mạng thế gian, người ta làm cuộc cách mạng để đánh đổ giai cấp thống trị, đánh đổ giai cấp tư bản địa chủ, nhưng khi đánh đổ giai cấp thống trị rồi, nó lại phát sinh một giai cấp thống trị khác, có khi còn nguy hiểm hơn giai cấp thống trị cũ.
________________________________

Cuối cùng Kinh thánh viết: __________ Ông Gio-an lên tiếng nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy.” Đức Giê-su bảo ông: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!”

“Ông Gio-an lên tiếng nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy.””

Ông Gioan đã nói lên sự kiện: có người nhân danh Đức Giêsu để trừ quỷ. Như vậy, Gioan đã công nhận uy quyền của Danh Đức Giêsu, cho dù người dùng Danh này không theo Ngài. Ma quỷ không những khiếp sợ Đức Giêsu khi phải đối diện, mà ngay cả trường hợp có ai đó dùng Danh này cũng làm cho chúng khiếp sợ.

Ta còn nhớ sự kiện trong thời Giáo Hội sơ khai, hai Thánh tông đồ Phêrô và Gioan sau khi chữa cho một người què ở cửa Đẹp của Đền thờ Giêrusalem, đã bị bắt và điệu đến Hội đồng Do Thái để tra hỏi. Thánh Phêrô đã dõng dạc khẳng định: “Ngoài Người ra (ý nói về Đức Giêsu Phục sinh), không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Tđcv 4, 12) Như vậy, Phêrô đã xác quyết: Thiên Chúa chỉ ban cho con người một Danh duy nhất, đó là Đức Giêsu, ngoài Danh đó không còn danh nào khác, và con người phải nhờ Danh đó để được cứu độ.

Nhưng vấn đề không phải tranh luận về Danh Đức Giêsu, điều mà Gioan muốn nói: người dùng danh đó không thuộc Nhóm Mười Hai, hay nói rộng hơn, đó là người không theo Đức Giêsu. Người ta không rõ Gioan nói điều này vì động cơ gì?

+ Có thể Gioan chỉ nghĩ đơn giản, nếu muốn dùng Danh Đúc Giêsu, tất nhiên người đó phải tin vào Ngài, mà tin vào Đức Giêsu nhưng không theo Ngài, đó là điều vô lý. Như vậy, hóa ra người đó đang trục lợi, đang làm tiền trên chính Danh của Thầy mình, nên ông ra sức ngăn cản.

+ Hoặc người ta cho Gioan là con người có óc bè phái. Nó cũng tượng trưng cho óc bè phái ngay trong các hội đoàn, hội dòng trong Giáo hội hôm nay. Thử hỏi có hội đoàn nào có thể làm ngơ, khi có ai không ở trong hội đoàn lại dùng danh nghĩa của hội đoàn để làm điều này điều nọ không? Chắc chắn là không. Như vậy Gioan ra sức ngăn cản người đó cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng Đức Giêsu nói gì về vấn đề này?

“Đức Giê-su bảo ông: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!”

Đức Giêsu khuyên Gioan, chứ không phải trách mắng, “Đừng ngăn cản họ”, cứ để họ làm như vậy. Cái lý do Đức Giêsu đưa ra rất đơn giản: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!”

Thánh sử Marcô còn nói rõ hơn: Đức Giê-su bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 39-40)

Đương nhiên người dùng Danh Giêsu sẽ không nói xấu Đức Giêsu, đó là điều rõ ràng, vì không ai nại đến danh nghĩa của một người lại đi nói xấu người đó. Nhưng vấn đề không nói xấu cũng không đồng nghĩa với việc họ đã tin vào Đức Giêsu, hai vấn đề này dường như không liên quan đến nhau. Còn lập luận thứ hai: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”, hình như Gioan cũng chưa thỏa mãn, vì trên thực tế vẫn có loại người không chống cũng không ủng hộ. Đó là những người không quan tâm đến vấn đề tôn giáo. Cả hai câu này vẫn chưa làm Gioan thỏa mãn.

Vậy Đức Giêsu muốn dạy Gioan điều gì?

Đức Giêsu muốn nói rằng, Cộng đoàn những người tin Chúa, tức Giáo hội sau này, luôn là Giáo hội mở chứ không khép kín, do đó mới có tên gọi là Công giáo. Có nhiều loại người thuộc về Giáo hội này:

(1) Những tín hữu rõ ràng, tức người đã chịu phép Rửa tội, được gia nhập vào Giáo hội một cách hữu hình.

(2) Những tín hữu vô danh, tức người chưa nhận biết Chúa vì lý do khách quan, họ sống chân thành theo lương tâm mình, được kể là những người “không chống lại”, họ vẫn thuộc về Giáo hội một cách vô hình.

Như vậy câu: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”, tức chỉ những ai chống lại rõ ràng, công khai và quyết liệt mới kể là ngoài Giáo hội. Amen.

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Thứ Hai Tuần XXVI Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: 
 Lc 9, 46-50
46 Khi ấy, các mộn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. 47 Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, 48 và bảo các ông rằng: "Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Đấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất".
49 Gioan lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con". 50 Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con".

Kẻ bé nhỏ sẽ trở nên cao trong nhất. thật là lạ, tại sao bé nhỏ mà Chúa lại cho là người cao trong nhất được nhĩ? Khi các môn đệ đang nghĩ ngợi xem thử ai trong nhóm các ông sẽ trở nên cao trọng đây. thời nào, lúc nào con người cũng tìm kiếm cho mình một địa vị trong xã hội, ngay cả các môn đệ ngày ngày sống bên Chúa nhưng các ông cũng không thoát khỏi cám dỗ này.

Tại sao Chúa lại dẫn 1 em nhỏ đến để dạy các môn đệ. phải chăng Chúa muốn các ông sống đơn sơ, lệ thuộc và vô tư theo kiểu trẻ thơ? không tôi nghĩ cao hơn thế Chúa muốn dạy các ông và chính tôi ngày hôm nay phải mở lòng tiếp đón hết những ai cần đến mình, dù là người đó như thế nào, giàu nghèo không thành vấn đề, miễn là vì danh Chúa Kitô.

Lạy Chúa,ngày ngày Chúa trở nên tấm bánh bé nhỏ để con tiếp rước, để con được nôi dưỡng, xin cho con cũng trở nên tấm bánh tình yêu của Chúa trong con, bẻ ra chia sẻ cho mọi người .

Tất cả để danh chúa được toả sáng
Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm C
(29/09/2013) - (Lc 16, 19-31)

Nguyên văn Bài Tin mừng:

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.’

Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.’ Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’.”
________________________________

Phân tích và chia sẻ:

Mở đầu Bài Tin mừng Kinh thánh viết: _______ Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

“Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng”

Như vậy Bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu muốn nói riêng với người Biệt phái (Pharisêu), có lẽ đây là nhóm Đức Giêsu chú ý nhiều nhất, vì nước Do Thái trong thời Đức Giêsu có nhiều nhóm tôn giáo và chính trị, nói chung các nhóm này dù không tốt đẹp cho lắm, nhưng ít ra họ không sống giả hình như nhóm Pharisêu, vì thế nhóm này luôn đựợc Ngài chú ý, Đức Giêsu muốn đánh mạnh vào thói giả hình của nhóm này vì đây là nguy cơ lớn nhất làm người ta xa cách Thiên Chúa.

Ta có thể thắc mắc: tại sao Ngài muốn nói với thành phần này mà không nói với dân chúng hay nói với các môn đệ? Để hiểu được điều này ta hãy trở về Bài Tin mừng của Chúa nhật tuần trước (Chúa nhật XXV Thường niên năm C – 22/09/2013)

Bài Tin mừng Chúa nhật XXV Thường niên năm C, (Lc 16, 1-13), có thuật lại rằng: Trên đường tiến về Giêrusalem chịu Khổ nạn, Đức Giêsu bắt đầu nói với môn đệ dụ ngôn đầu tiên, đó là Dụ ngôn về Người quản lý bất lương. Trong khi các môn đệ còn đang ngỡ ngàng, Đức Giêsu nói, con cái sự sáng nên khôn ngoan như người quản lý, biết dùng tiền của bất chính đời này để mua lấy Nước Trời, mua lấy tình huynh đệ, chuẩn bị cuộc sống mai sau cho mình sau khi chấm dứt cuộc đời trần thế.

Lẽ dĩ nhiên người Pharisêu cũng có mặt tại đó, họ nghe câu chuyện Đức Giêsu kể, và đã cười nhạo Ngài. Tiếp sau Dụ ngôn Người quản lý bất lương, Thánh sử Luca viết, “Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su. Người bảo họ: "Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.” (Luca 16, 14-15).

Đức Giêsu chỉ đích danh họ là những người vốn ham hố tiền bạc, thế mà họ cứ đóng kịch, cứ giả hình trước mặt người đời, nhưng họ không qua mặt được Thiên Chúa, vì Ngài thấu suốt lòng họ.

Ngày hôm nay, Chúa nhật XXVI Thường niên năm C, Đức Giêsu muốn với Nhóm Pharisêu một dụ ngôn, Dụ người Người phú hộ và Ladarô.

“Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no.”

Đây là cảnh mở màn của dụ ngôn, Đức Giêsu giới thiệu hai nhân vật: Ông phú hộ và Ladarô.

Người ta có thể thấy ngay điểm đặc biệt trong phần mở màn này, một nhân vật trong dụ ngôn có tên gọi hẳn hòi, đó là Ladarô.

Trong tất cả các dụ ngôn của Kinh thánh, các nhân vật trong dụ ngôn chỉ là nhân vật tượng trưng cho thông điệp Đức Giêsu muốn truyền đạt, và vì là tượng trưng nên nhân vật trong dụ ngôn không có tên gọi. Nhưng trong Dụ ngôn này, người nghèo khó có tên là Ladarô. Ta đừng lầm Ladarô này với Ladarô, em của Matta và Maria. Tại sao Đức Giêsu lại đặt tên cho anh ta là Ladarô? Trong tiếng Do Thái, El'azar có nghĩa là “Thiên Chúa - phù hộ”. Như vậy, khi đặt tên cho anh là Ladarô, Đức Giêsu muốn cho ta thấy Thiên Chúa luôn bênh vực người thấp hèn, người nghèo, người bị bỏ rơi.

Còn người phú hộ không có tên gọi, điều này Đức Giêsu muốn ám chỉ đến nhóm Pharisêu là những người ham hố tiền bạc, của cải vật chất, Ngài cũng muốn ám chỉ đến những ai đang sống vô cảm, lãnh đạm thờ ơ với người nghèo, chắc chắn trong đó có chúng ta hôm nay.

Ta phải chú ý kỹ trong đoạn mở màn, Đức Giêsu không hề nói Ladarô là người nhân đức, Ngài chỉ nói Ladarô là một người nghèo, mụn nhọn đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, chỉ thế thôi. Ta đừng suy diễn, sau này Ladarô được Thiên Chúa thưởng cho Nước Trời vì đã sống đạo đức. Và Đức Giêsu cũng không hề nói người phú hộ kia ác ôn, bóc lột người nghèo, là người đã đẩy Ladarô vào chỗ bần cùng. Ngài không nói gì hết mà chỉ mô tả “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”. Vậy phần mở màn mô tả điều gì?

Dụ ngôn trong Tin Mừng chỉ lưu ý chúng ta ở chỗ ông phú hộ đã không ngó ngàng gì tới “người nghèo khó nằm trước cổng nhà mình”, thế thôi. Ở đây chúng ta chứng kiến sự trái ngược trớ trêu của hai thế giới sát bên nhau. Một bên là thế giới cực kỳ xa hoa dư thừa, với viên phú hộ “mặc lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”. Bên kia là thế giới thiếu thốn đến thảm hại của người nghèo khó, “nằm trước cổng, mụn nhọt đầy mình”, “thèm được những thứ trên bàn ăn của viên phú hộ rơi xuống mà ăn cho no cũng chẳng được”; chỉ có mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.

“Nằm trước cổng ông nhà giàu”

Chính cái cổng này là vách ngăn hai thế giới, thế giới của những người giàu nhưng khép kín, họ chỉ sống bên này vách ngăn mà chưa lần nào vượt qua để sang thế giới của người nghèo. Còn bên kia cái cổng là gì? Thưa, đó là thế giới của người nghèo, của những con người đau khổ, bần cùng. Người nghèo này cũng chưa một lần vượt qua cái cổng để đến với người giàu, vì nếu anh có muốn cũng không ai chấp nhận, như vậy vì lòng tự trọng anh vẫn phải ở bên này cái cổng.

Nguyên nhân nào đã tạo ra cái cổng trong thế giới hôm nay? Xin thưa vì lòng ích kỷ và lòng tham của con người. Thiên Chúa không tạo ra cái cổng này nhưng do chính con người làm ra, vì Thiên Chúa luôn mong muốn mọi người sống trong hạnh phúc, no ấm. Ngài luôn nhắc đi nhắc lại rằng: Chúng ta chỉ là người quản lý chứ không phải chủ nhân ông trên tiền bạc, của cải Chúa giao cho. Là người quản lý, chúng ta hãy bắt chước người quản lý bất lương, dùng nó để mua tình bằng hữu, mua lấy Nước Trời. Thế mà người giàu có nhưng ích kỷ đã không nghe, do đó mới có cái cổng phân cách giàu nghèo trong thế giới hôm nay.

“Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.”

Người phú hộ không bao giờ vượt qua cái cổng nhà mình để đến với người nghèo, Ladarô cũng không bao giờ vượt cái cổng để vào bên trong, vậy cái gì sẽ vượt qua cái cổng? Thưa; đó là mấy con chó.

Dụ ngôn này quá chua xót, chỉ có con chó mới có khả năng vượt qua cái cổng này, còn con người thì bị dừng lại. Con chó nó không có trí khôn, nó không biết suy xét ai giàu ai nghèo, nó không biết cân nhắc, không biết tính toán nên nó mới có khả năng vượt qua cái cổng này dễ dàng, còn con người vì có trí khôn nên mới bị dừng lại bên này cổng. Ông phú hộ hãy mở to mắt ra mà nhìn vào con chó của ông, nó không giống ông và ông không bao giờ bằng nó, vì nó đi qua đi lại cái cổng này dễ dàng, trong khi ông không qua được.

“Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.”

Phần mở màn của dụ ngôn được kết thúc bằng cái chết của cả hai người. Hai người được đưa sang thế giới bên kia. Có gì thay đổi ở thế giới bên kia không? Chắc chắn phải có, Thánh sử Luca mô tả sự thay đổi bằng cuộc lật ngược tình thế.

Luca mô tả rất sâu sắc ở chỗ: Người nghèo (Ladarô) chết, được thiên thần đem vào lòng Abraham, tức ở trên thiên đàng, đó là sự đi lên, đi lên mãi cho tới đỉnh hạnh phúc. Còn ông nhà giàu chết thì bị đem chôn. Đem chôn, có nghĩa vùi ông xuống lòng đất, ý muốn nói, ông sẽ bị hạ sâu xuống, sâu nữa, sâu cho đến tận đáy âm phủ.

Nguyên nhân nào tạo lên cuộc lật ngược ngoạn mục này, anh nhà nghèo có làm gì phúc đức đâu mà được hưởng hạnh phúc? Còn ông phú hộ có làm gì độc ác đâu mà bị đày xuống đáy địa ngục? Đoạn Tin mừng tiếp theo sẽ giải đáp cho vấn đề trên.
_______________________________

Kinh thánh viết tiếp: ___________ Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.’

Phần giữa của Dụ ngôn, Đức Giêsu giới thiệu thêm một nhân vật, đó là Tổ phụ Abraham. Kinh thánh mô tả Abraham là cha của những người tin vào Thiên Chúa.

“Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta (ông phú hộ) ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ.”

Đức Giêsu dùng hình ảnh này không phải để nói về cuộc sống đời sau, ta không nên căn cứ vào đó để nói đời sau nó sẽ như vậy. Ở đây ta phải hiểu đó là biểu tượng mà Ngài muốn diễn tả các điều sau đây:

+ Hỏa ngục, Luyện ngục, Thiên đàng là những thực tại, có nghĩa chúng là những điều có thật chứ không phải tưởng tượng. Đó là niềm tin của người Công giáo chúng ta. Chỉ khi nào kết thúc cuộc đời, ta mới bước vào thực tại đó. Nhưng hiểu theo nghĩa sâu sa, không phải chỉ khi kết thúc cuộc đời này ta mới biết nó, nhưng ta đã được cảm nghiệm ngay cuộc đời này rồi. Khi ta sống trong yêu thương, tha thứ, bao dung, ta đã nếm được hạnh phúc Nước Trời, còn ngược lại cuộc sống của ta như hỏa ngục vậy.

+ Hỏa ngục là nơi dành cho những người khi sống ở đời này đã từ chối Thiên Chúa một cách quyết liệt, từ chối cho đến chết. Đó là nơi chỉ có khóc lóc và nghiến răng. Còn Thiên đàng là nơi dành cho những ai biết đón nhận Thiên Chúa và anh em mình khi còn sống ở đời này. Đó là nơi chỉ có hạnh phúc và hạnh phúc đó không bao giờ biết nhàm chán, vì hạnh phúc của họ chính là Thiên Chúa. Còn Luyện ngục cũng là nơi dành cho những ai biết đón nhận Thiên Chúa và anh em khi còn sống ở đời này, nhưng họ cần một thời gian để tinh luyện trước khi bước vào hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Ông phú hộ đã bị đày xuống âm phủ (hỏa ngục), còn Ladarô được đưa vào lòng Tổ phụ Abraham (Thiên đàng). Kinh thánh dùng từ “ở tận đàng xa” để mô tả có một khoảng cách giữa Thiên đàng và hỏa ngục. Vâng ở đây vẫn có một vách ngăn, vách ngăn này khốc liệt hơn nhiều so với cái cổng nhà ông phú hộ. Một khoảng cách thăm thẳm, ngăn cách vĩnh viễn giữa Thiên đàng và hỏa ngục. Khi còn sống, cái cổng của nhà ông mặc dù nó mong manh, nhưng đã không cho ông thấy Ladarô, còn bây giờ với khoảng cách thăm thẳm ông vẫn thấy Ladarô rõ ràng. Tại sao bây giờ ông mới thấy Ladarô? Vì bây giờ ông mới là người cần đến Ladarô để xin giúp đỡ. Giá lúc còn sống, ông biết nhìn đến Ladarô thì ông đâu chịu cảnh này, cũng chỉ vì ông quá vô tâm, quá lãnh đạm với người nghèo nên ông mới phải ở đây.

“Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”

Kinh thánh mô tả đôi nét về hỏa ngục, ông phú hộ bị lửa thiêu đốt vô cùng khổ sở. Người ta có thể nói gì về lửa trong hỏa ngục? Ta không biết phải nói gì nữa vì ta chưa cảm nghiệm về nó khi còn sống ở đời này, lửa đó như thế nào? Có giống lửa ở trần gian không? Xin thưa: KHÔNG. Các nhà đạo đức đã đưa ra một hình ảnh để so sánh giữa lửa trần gian và lửa hỏa ngục, lửa trần gian được ví như ngọn lửa vẽ trong tờ giấy, còn lửa hỏa ngục mới là lửa thật. Ai cũng biết lửa trần gian nó nóng như thế nào, thế mà chỉ coi như lửa vẽ trong tờ giấy còn lửa trong hỏa ngục mới là lửa thật. Một so sánh phiếm diện như vậy cũng cho ta thấy hỏa ngục khủng khiếp như thế nào.

Ông phú hộ xin Tổ phụ Abraham thương ông, sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con mát. Chỉ cần xin giọt nước nhỏ xuống cho mát thôi, một giọt nước có nghĩa gì, thế mà trong cảnh khốn cùng này đó là điều ông ao ước. Lúc còn sống ông đã uống bao nhiêu rượu, bao nhiêu bia, toàn bia rượu ngoại hảo hạng, uống rượu như uống nước, uống như suối, thế mà bây giờ lại đi xin một giọt nước, quá vô lý! Nếu ông đừng tiệc tùng linh đình bên cạnh nỗi khổ của người nghèo thì ông đâu phải chịu như vậy. Bây giờ đã trễ rồi, khi ngộ ra chân lý cuộc đời thì mọi sự đã kết thúc, không còn cơ hội nữa. Ladarô khi còn sống, ao ước được ăn những mảnh vụn dư thừa trên bàn tiệc, cũng không ai cho, thế mà bây giờ ông phú hộ lại đi xin mình một giọt nước. Thật không ngờ cuộc đảo ngược lại khốc liệt đến vậy.

“Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.

Chúng ta ghi nhận không phải Ladarô đã lập luận để trả lời cho ông nhà giàu, mà là Tổ phụ Abraham, tức Nguồn Mạch của Do Thái giáo. Rất hợp lý là cha của tất cả mọi con dân Israel giải thích cho hiểu vì sao Ladarô không thể giúp gì cho ông nhà giàu.

Abraham không nói: ông phú hộ phải đau khổ vì ông quá giàu, còn Ladarô được hạnh phúc vì quá nghèo. Giàu nghèo không phải là lý do đưa đến tình trạng này. Abraham muốn nhấn mạnh, khi người phú hộ còn sống, ông đã nhận biết bao phước lành, được biết bao tiền bạc và của cải, nhưng ông vô cùng dửng dưng, vô cảm trước nỗi thống khổ của người khác, cụ thể là Ladarô. Cho nên của cải, tiền bạc nó không theo ông vào đời sau, bây giờ ông sẽ không có gì hết. Còn Ladarô thì ngược lại, Như vậy, có một cuộc đảo ngược so với cuộc sống trên trần gian.

“Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.”

Tổ phụ Abraham cũng xác nhận có một vực thẳm ngăn cách vĩnh viễn giữa hai nơi. Vực thẳm này do Thiên Chúa dựng nên, ngay cả Abraham cũng chẳng làm gì được. Kinh thánh mô tả cuộc đối thoại này, làm cho người ta nghĩ rằng vẫn có sự liên lạc giữa hai bên, tức có vấn đề hiệp thông thì làm gì có sự ngăn cách vĩnh viễn. Sự thật không phải như vậy, khi Abraham xác nhận có một vực thẳm lớn đến nỗi bên này có sang bên kia cũng không được, người ta mới hiểu mọi sự đã được an bài, không thể làm gì được, chấm dứt mọi cuộc tranh luận. Còn cuộc nói chuyện chỉ là cách diễn tả tượng trưng để cho thấy hỏa ngục đau đớn như thế nào, người ta khao khát điều gì mà thôi.
_________________________________

Cuối cùng Kinh thánh viết: _______ Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.’ Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’.”

“Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’”

Khi ông nhà giàu thưa Abraham điều này, người ta nghĩ, ông nhà giàu vẫn quan tâm, vẫn yêu thương những người thân của mình, như vậy trong hỏa ngục vẫn còn tình yêu sao? Nếu hỏa ngục có tình yêu thì sao gọi là hỏa ngục, vì như ta biết: hỏa ngục là nơi chỉ có khóc lóc và nghiến răng, họ căm hờn chính mình và căm hờn Thiên Chúa đến tột cùng. Chỉ cần một chút tình yêu thôi, nó sẽ không còn là hỏa ngục nữa, nhưng ở đây Kinh thánh muốn dàn dựng cuộc đối thoại này để nhắm đến những điều to lớn. Đó là về số phậnn của những người còn sống.

“Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.”

“Môsê và các Ngôn sứ” là tên gọi bộ Kinh Thánh. Như thế, nếu muốn tránh lộ trình đưa đến số phận đau đớn thì hãy lắng nghe Lời Chúa. Từ đó, chúng ta hiểu rằng trong khi còn sống, ông nhà giàu đã không lắng nghe, tức không vâng theo “Môsê và các Ngôn sứ”, Lời Chúa, với luật căn bản là mến Chúa yêu người.

“Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. ’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’.”

Ông nhà giàu không phủ nhận tính đúng đắn của lời tổ phụ Abraham nói, chúng đã có Môsê và các Ngôn sứ, nhưng ông nghĩ rằng anh em ông sẽ vâng theo hơn, nếu có người, như Ladarô, từ cõi chết trở về truyền đạt sứ điệp Môsê. Chắc chắn Ladarô không thể hơn Môsê; giá trị của anh nằm ở chỗ, anh có thể làm chứng về thế giới âm phủ. Nhưng câu trả lời của tổ phụ Abraham là một lời bình luận về trái tim con người. Nếu người ta không muốn vâng nghe Môsê và các ngôn sứ, thì người từ cõi chết trở về cũng chẳng lay chuyển được lòng dạ của họ. Lời tổ phụ Abraham phân tích một con tim sống trong tội rất có giá trị: bài dụ ngôn nhắm điều này, nên đã kết thúc ở đây với nhận xét của tổ phụ Abraham. Thật khó mà đưa trái tim con người đến chỗ hoán cải! Sự hoán cải không phải dựa vào một cảm tính nhất thời, nhưng là công việc của ý chí và nghị lực, người ta phải có sự quyết tâm làm lại cuộc đời. Tình cảm luôn hời hợt và bất định, nó có thể thay đổi bất cứ lúc nào, còn lý trí, nghị lực đó là sự quyết tâm của con người.

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên Năm Lẻ.
(28/09/2013) - (Lc 9, 43b-45)

Nguyên văn Bài Tin mừng:

Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, Người nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”

Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi cácông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.
_______________________________

Phân tích và Chia sẻ

Mở đầu Bài Tin mừng Kinh thánh viết: _______ Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, Người nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”

“Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm,”

Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu tiên báo lần thứ hai Cuộc Thương khó của Ngài. Lần tiên báo thứ nhất xảy ra sau khi Phêrô tuyên tín Đức Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Lần tiên báo thứ hai xảy ra sau khi các môn đệ chứng kiến 02 sự kiện:

+ Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor (Lc 9, 28-36)
+ Đức Giêsu chữa một đứa trẻ bị kinh phong (Lc 9, 37-42)

Có lẽ cái dư âm kinh ngạc về cảnh huy hoàng trên núi Tabor, mà Đức Giêsu tỏ hiện cho các môn đệ thấy vinh quang của Ngài còn đọng trong tâm trí các ông, vì các ông đã được chứng kiến tận mắt con người thật của Đức Giêsu, mà ngày thường nó bị che khuất bởi bản tính nhân loại. Kinh thánh mô tả “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa” (Lc 9, 29).

Cái dư âm kinh ngạc đó được tiếp nối một dư âm khác, dư âm đầy thán phục khi các ông chứng kiến Đức Giêsu chữa cho một em bé bị kinh phong do quỷ ám. Cũng như mọi trường hợp chữa bệnh, trục xuất quỷ khác, nhưng đặc biệt trong lần chữa bệnh này, cha mẹ em bé có đến nhờ môn đệ của Ngài chữa, nhưng các ông đã thất bại. Đức Giêsu chữa bệnh như thế nào? Kinh thánh nói rõ, “Đức Giê-su quát mắng tên quỷ ô uế, chữa đứa trẻ, và trao lại cho cha nó” (Lc 9, 42). Các môn đệ vô cùng thán phục, Ngài quát mắng tên quỷ ô uế như quát mắng một đứa trẻ và nó phải tuân lệnh.

Các môn đệ có thể thắc mắc: Tại sao Thầy đã ban cho các ông quyền năng trên các quỷ ô uế và chữa mọi bệnh tật, khi sai các ông đi rao giảng Tin mừng mới đây ta được nghe lại, mà bây giờ các ông phải chịu thất bại? Các ông không hiểu tại sao mình lại thất bại như vậy. Thánh sử Matthêu có nêu rõ lý do khi viết: “Người nói với các ông: "Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia!" nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17, 20).

Như vậy, hóa ra niềm tin của các ông vào Đức Giêsu còn yếu ớt, nó còn nhỏ hơn hạt cải, các ông phải coi lại mình. Sự thất bại đó, là dịp củng cố niềm tin của các ông, niềm tin đó còn phải chịu thử thách nhiều nữa mới hy vọng lớn bằng hạt cải. Hai sự kiện vừa mới xảy ra làm cho các ông càng xác tín lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Các ông tin chắc chắn, Thầy của mình là Đấng Cứu Thế, nhưng “Đấng Cứu Thế” phải được hiểu theo nghĩa nào, đó mới là điều quan trọng. Đấng Cứu Thế theo nghĩa dùng quyền năng của Thiên Chúa để giải thoát Israel khỏi ách đô hộ của Rôma, hay là Đấng Cứu Thế chịu khổ nạn để cứu nhân loại khỏi vòng tội lỗi?

Kinh thánh nói: “Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm”, có nghĩa là các ông đang sững sờ trước các sự kiện xảy ra thì Đức Giêsu lại tiên báo Cuộc Thương khó lần thứ hai.

“Người nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”

Ta để ý cụm từ “hãy lắng tai nghe cho kỹ”.

Đức Giêsu phải nói lời này để cho các ông chú ý, phải thật tỉnh táo nghe những lời Ngài sắp nói, vì lần trước, sau khi Phêrô tuyên tín “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”, Đức Giêsu có nói với các ông: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy." (Lc 9, 22), thì Phêrô, cũng vẫn là Phêrô, đã can ngăn Ngài, ông kéo riêng Ngài ra và bắt đầu trách: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" (Mt 16, 22). Lần đó, Đức Giêsu đã quở trách Phêrô nặng lời "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." (Mt 16, 23). Như vậy Ngài hiểu sự nhận thức về Đấng Cứu Thế nơi các môn đệ còn quá ẫu trí, chưa chấp nhận Đấng Cứu Thế phải chịu khổ nạn để cứu chuộc nhân loại. Chính vì vậy, Đức Giêsu mới yêu cầu các môn đệ hãy lắng tai mà nghe cho kỹ.

“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”

Đây là lần tiên báo thứ hai về cuộc Thương Khó mà Đức Giêsu sắp chịu. Ta thấy có sự khác biệt rất rõ so với lần tiên báo thứ nhất:

+ Lần tiên báo thứ nhất: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."

+ Lần tiên báo thứ hai: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”

Sự khác biệt giữa hai lời tiên báo này là gì? Xin thưa: ở lần tiên báo thứ nhất, Đức Giêsu xác định rõ 03 thành phần sẽ loại bỏ và giết chết người, đó là: các kỳ mục, thượng tế và kinh sư. Đây là 03 thành phần chủ chốt trong Do Thái Giáo. Ở lần tiên báo thứ hai, Đức Giêsu nói một cách tổng quát, Ngài sẽ bị nộp vào tay người đời, như vậy ngoài ba thành phần trên (Kỳ mục, thượng tế, kinh sư) còn nhiều loại người nữa, nói chung là người đời.

Để hiểu ý nghĩa sâu xa của lần tiên báo thứ hai, ta có thể hiểu Đức Giêsu muốn nói, Ngài chịu khổ hình và kẻ đóng đinh Ngài không những là người Do Thái đương thời, mà có cả nhân loại từ khai thiên lập địa cho đến tận thế. Chúng ta cũng góp một tay đóng đinh Ngài vào thập giá. Mỗi khi ta làm một điều bất chính, mỗi khi ta không yêu thương anh em, mỗi khi ta thù ghét anh em,... đó là ta đang đóng đinh Ngài vào thập giá. Không những ta đóng đinh Ngài một lần, mà còn đóng đinh Ngài suốt đời này. Cuộc thương khó của Đức Giêsu, hiểu theo ý nghĩa sâu xa, nó còn được tiếp tục cho đến tận thế, và cây Thánh Giá vẫn luôn hiện diện trong mỗi Nhà thờ, trong mỗi gia đình và trên ngực mỗi người, để nhắc ta biết rằng, vì yêu thương mà Đức Giêsu đã chịu khổ hình trên thập giá để cứu chuộc ta. Ta là kẻ đang đóng đinh Ngài vào thập giá.

Ta thử hỏi: Tại sao Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ cuộc Khổ nạn của Ngài? Không những tiên báo một lần, mà có tất cả ba lần (lần tiên báo thứ ba, ta sẽ gặp sau). Thưa vì:

+ Đức Giêsu muốn cho các môn đệ không thấy bỡ ngỡ, hụt hẫng khi cuộc Khổ Nạn xảy ra vì các ông đã được báo trước. Các ông sẽ ý thức dần dần, và khi điều này xảy đến, các ông không bị khủng hoảng đến độ mất đức tin vào Thầy của mình.

+ Đức Giêsu muốn uốn nắn dần dần cái nhận thức của các môn đệ về Đấng Cứu Thế đích thực, Ngài biết các ông đang giữ trong người sự nhận thức về Đấng Cứu Thế rất sai lầm và trần tục. Phải từng bước mạc khải cho các ông.
__________________________________

Cuối cùng Kinh thánh viết: _______ Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

“Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa”

Đức Giêsu tự xưng là 'Con Người'. Đó là nhân vật được ngôn sứ Đaniel tiên báo, nhân vật được Thiên Chúa trao cho mọi quyền, kể cả quyền làm phép lạ mà Đức Giêsu vừa thực hiện. Thế nhưng nhân vật toàn quyền như vậy mà bị nộp trong tay người phàm, vốn chẳng có quyền gì cả. Nghĩa là người của Thiên Chúa mà lại thua người phàm thì không thể chấp nhận được. Bởi đó các môn đệ không thể đón nhận lời này.

“Lời đó còn bí ẩn”, vâng Chương trình Cứu chuộc là một bí ẩn của Thiên Chúa, nó bí ẩn ở chỗ, Chương trình đó đã được vạch ngay từ ban đầu, chứ không phải bây giờ mới lên phương án. Ta phải đi ngược dòng lịch sử trở về thời ban đầu để hiểu tại sao có chương trình Cứu chuộc, mà Đức Giêsu đã mạc khải.

Từ khi Ông bà Nguyên tổ phạm tội, phá hỏng Chương trình Sáng tạo, Thiên Chúa không phá đổ những gì Ngài đã dựng lên, thay vì phá đổ Ngài đã vạch ra Chương trình Cứu chuộc để cứu chuộc nhân loại từ khai thiên lập địa cho đến tận thế. Như vậy Chương trình Cứu chuộc đã được vạch ngay từ buổi ban đầu. Sự Cứu Chuộc được diễn tiến như sau: Từ khi con người phạm tội, con người bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, mất ân nghĩa với Thiên Chúa, con người phải sống trong tội lỗi và sự chết. Tự sức con người không thể vươn lên với Thiên Chúa, vì con người đang nô lệ cho tội lỗi thì không thể tự mình ra khỏi nó, cho dù có hoài mong về thiên đàng nhưng cửa thiên đàng đã đóng lại. Sự Cứu Chuộc theo nghĩa Thiên Chúa xuống với con người để đưa con người lên với Ngài. Chính Thiên Chúa đã sai Con của Ngài là Đức Giêsu xuống với con người, xuống với con người theo nghĩa Ngài cũng trở thành một con người giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi. Cứu chuộc bằng cách dùng máu của mình, cái chết của mình để giao hòa con người với Thiên Chúa. Máu của Ngài sẽ xóa mọi tội lỗi của chúng ta và chính cái chết của Ngài mới là Hy tế trọn vẹn dâng lên Chúa Cha, mới có khả năng giao hòa.

Vấn đề các môn đệ không hiểu, đó là: Tại sao một Thiên Chúa vinh quang, một Thiên Chúa uy quyền trên cả quỉ thần và mọi bệnh tật, không chọn con đường mà họ đang mong muốn là dùng uy quyền và sức mạnh; mà lại chọn con đường gian khổ để cứu chuộc con người! Thiên Chúa có thể phán một lời để cứu chuộc con người được không? Cũng như từ thưở ban đầu Ngài đã phán một lời để có vũ trụ và muôn loài, tại sao Ngài không làm như vậy để cứu chuộc con người? Các ông không thể hiểu và đây là lần tiên báo thứ hai rồi mà các ông vẫn chưa hiểu. Và đến cả lần tiên báo thứ ba các ông cũng không hiểu, vì nó quá xa lạ với sự suy nghĩ của các ông.

Chính vì các ông không chấp lời của Đức Giêsu, nên khi cuộc Khổ nạn bắt đầu, các ông đã bị ngã gục, mất đức tin và tháo chạy. Như vậy, có thể nói chương trình huấn luyện môn đệ của Đức Giêsu đã thất bại hoàn toàn, phá sản hoàn toàn. Nhưng cũng trong sự thất bại này, Đức Giêsu lại thành công rực rỡ, vì sau khi Ngài phục sinh, lên trời và khi Chúa Thánh Thần hiện xuống các ông mới được hiểu biết tường tận, các ông mới nhận ra ý nghĩa đích thực cuộc Khổ nạn của Đức Giêsu.

Cuộc đời của ta cũng vậy, đâu phải cái gì ta cũng giải thích được, có vô số điều ta không hiểu, không thể cắt nghĩa. Có những đau khổ đang gánh chịu, ta không hiểu tại sao nó lại xảy đến. Các môn đệ khi nghe những lời Đức Giêsu tiên báo, các ông không hiểu được, và đứng trước đau khổ của mình ta cũng không thể hiểu, vì nó là một mầu nhiệm. Ta chỉ biết rằng, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đã chấp nhận và bước vào con đường đau khổ, sau đó Ngài được vinh quang, ta cũng hãy bắt chước theo Ngài, vác thánh đời mình đi theo Ngài, để thánh giá đời ta có ý nghĩa tròn đầy.

“Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.”

Các môn đệ không dám hỏi lại Người về lời ấy: Các ông không dám hỏi vì các ông sợ phải đương đầu với sự thật mà các ông không muốn chấp nhận. Các ông muốn Đức Giêsu theo sự khôn ngoan và cách thức cứu độ của các ông; chứ các ông không muốn theo sự khôn ngoan và đường lối cứu độ của Thiên Chúa. Điều này được dẫn chứng bằng thái độ của Phêrô, khi ông dẫn Đức Giêsu ra một nơi và khuyên Chúa: "Chớ gì những sự đó đừng xảy ra cho Thầy" (Mt 16, 22).

Ngày nay trong thực tế, có lẽ nhiều người tín hữu cũng không thể nào tin yêu Đức Kitô, nếu họ gặp Ngài dưới hình dạng một con người tầm thường như vậy. Cứ nhìn các ảnh tượng người ta đã vẽ, đã tạc thì thấy rõ là ai, ai cũng chỉ muốn tin nhận một Đức Kitô phi thường và siêu việt. Đức Kitô đối với nhiều người chỉ còn là Chúa, chứ không còn là người nữa.

Chúng ta tin vào một Đức Kitô toàn năng, một Đức Kitô chiến thắng, bởi vì chỉ có Đấng ấy mới có thể đáp ứng những đòi hỏi, những ước mơ không cùng của con người, bù trừ được những thiếu sót mà con người, tự sức riêng, không thể nào giải quyết nổi.

Thế nhưng, sự thật lại không phải như vậy. Đức Kitô đến không phải để được đề cao, để được tôn vinh, nhưng đến để cùng đi, cùng sống với loài người, trong thân phận của một con người, của một tôi tớ, của một nô lệ. Với trí khôn, chúng ta không thể nào hiểu biết, nhưng với tình yêu, chúng ta sẽ dễ dàng tin nhận.

Phải, chỉ có những người biết yêu thương như Đức Kitô đã yêu thương, mới có thể nhận biết Ngài là Đức Kitô của Thiên Chúa, bời vì Thiên Chúa là Tình yêu và con tim có những ly lẽ riêng của nó. Amen
Chúa Nhật Tuần XXVI Mùa Thường Niên - Năm C
Lời Chúa: 
 Lc 16, 19-31
19 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây: "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. 22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

23 "Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. 24 Bấy giờ ông ta kêu lên: 'Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!' 25 Ông Áp-ra-ham đáp: 'Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. 26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.'
27 "Ông nhà giàu nói: 'Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, 28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!' 29 Ông Áp-ra-ham đáp: 'Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.' 30 Ông nhà giàu nói: 'Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.' 31 Ông Áp-ra-ham đáp: 'Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."
Hai con người, hai cuộc đời, hai kết quả đối lập khi sống và khi chết. Ai sướng ai khổ, câu chuyện đời này và đời sau. Đó một bức tranh của một kiếp người, cũng phần nào là hình ảnh, là tấm gương cho chính tôi và bạn.
Cơm ăn ,áo mặt, chỗ ở là vấn đề tối thiểu của 1 kiếp người, tôi nhớ đến một bài hát diễn tả 2 kiếp người http://mp3.zing.vn/bai-hat/Cung-mot-kiep-nguoi-unknown/IW8UAZ69.html "Cũng một kiếp người, có người đi tìm chân lý. Cũng một kiếp người có người hoang phí thời gian. Cũng một kiếp người có người nghèo khó gian nan. Cũng một kiếp người có người quyền thế cao sang".
Suy niệm bài tin mừng của Thánh Luca, lòng tôi thật ngổn ngang những câu hỏi cho chính mình. Phải chăng Chúa khuyến khích sống nghèo khổ và lên án người giàu có? tại sao ông nhà giàu trong bài phúc âm đâu có nói ông ta làm điều gì ác, hay là xua đuổi ông Ladarô?.
Khi so sánh các sống của ông nhà giàu với ông Ladarô thì mới hiểu được sự tình. "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta". Ông nhà giàu thì mặc toàn lụa là gấm vóc, ông La-da-rô mục nhọt đầy mình, nghĩa là không có áo quần cho đàng hoàng, nên người quan sát mới thấy ghẻ chóc đầy mình; ông nhà giàu ngày ngày yến tiệc linh đình, con La-da-rô thì thèm những miếng ăn trên bàn rơi xuống mà ăn cho no. Cái nghịch lý là người nghèo nằm trước cửa nhà ông nhà giàu vậy chắc chắn ông nhà giàu biết có người nghèo ngay bên ông. Vây mà sao ông vẫn vui vẻ thế. Theo ngôn ngữ ngày nay thì cho những người như vậy là "vô cảm". Ai chết kệ họ, mới đây tôi được tin một em sinh viên Pháp đến thực tập 1 năm tại Việt Nam, em đi xe đạp vai mang túi xách, trên đường về gần đến nhà trọ bị bọn cướp giật túi xách, té xuống và chúng nhào tới lấy túi của em. Mất hết tất cả,và em mất niềm tin , mất sự bình an, em nói sao không ai giúp em, em người Pháp đâu có thể kêu cứu được. Phải chăng đó là bệnh vô cảm ngoài đường phố, hay là sự ác làm con người ngại vào cuộc, lỡ may vạ lây, bị xử luôn thì sao.

Có lẽ ông nhà giàu đã quá quen với ông La-da-rô ghẻ chóc đầy mình này rồi, nên ông nghĩ đó là chuyện bình thường thôi mà.
Còn thái độ của La-da-rô bằng lòng với cuộc đời dành sẵn cho mình, ông không kêu la, oán trách, chửi rủa ông nhà giàu.

Chuyện gì đến thì cũng đến, cả hai cùng chết, ông La-da-rô được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. để ý hai động từ "rước vào" và "đem đi chôn" để thấy được kết quả đời sau. 

Câu chuyện kết thúc thật buồn, khi biết số phận mình bị trầm luân do cách sống của mình. ông nhà giàu muốn xin Ông Áp-ra-ham  "Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!" nhưng Chúa nói với ông cũng là nói với chúng ta: Ông Áp-ra-ham đáp: "Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó." và tiếp tục trao đổi 'Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.' và ông nhà giàu với kinh nghiệm của mình nên thưa tiếp "Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối" Rồi tổ phục tiếp: "Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin".

Người phú hộ bị trầm luân do, ông không nhìn thấy người nghèo ngay trước nhà ông với lòng trắc ẩn, với tình thường chia sẻ. Giàu có ăn chơi, tiệc tùng cho linh đình , chết thì kền trống cho hoành tráng. Rồi mãi mãi ở nơi âm phủ và chịu cụa hình muôn kiếp.

Lạy Chúa, càng suy gẫm con lại càng thấy sợ, vì đâu đó quanh con còn biết bao nhiêu người nghèo khổ mà con đã thiếu sót, không quan tâm hay thờ ơ với những người đang cần con giúp không phải chỉ tiền bạc vật chất mà bằng khả năng của chính mình. 
Con sẽ quyết tâm tuần này con quan tâm hết những ai đang xung quanh con, con sẽ cố gắng mở mắt , mở tai, và mở rộng con tim đến với mọi người. Xin cho xã hội có nhiều người giàu có biết chia sẻ cho người nghèo đói. nhất là những nước nghèo đang từng ngày từng ngày thiết lương thực nuôi sống họ. Lạy Chúa xin thương đến thế giới chúng con.

Đọc thêm http://tgpsaigon.net/suy-niem/20130927/23316

Thứ Bảy Tuần XXV Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: 
 Lc 9, 44b-46 (bản Hy Lạp: 43b-45)
44 Đang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: 45 "Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời". 46 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.
Đây là lần thứ hai Chúa  tiên báo về cuộc thương khó.  Mới hôm qua Phê-rô thưa với Chúa: " Thầy là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa". Vậy mà hôm nay Chúa nói "Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời". và Phúc âm lại nói về tâm trạng của các tông đồ: "Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy". Thân phận con người là vậy. 
Xin Chúa mở mắt, mở tai con đển con nhận ra những ý muốn của Chúa qua từng nhịp sống.

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên Năm Lẻ
(27/09/2013) - (Lc 9, 18-22)
Thánh Vinh Sơn Phaolô, linh mục.

Nguyên văn Bài Tin mừng:

Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”

Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
____________________________________

VÀI NÉT VỀ THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ, LINH MỤC

Hôm nay là ngày kính nhớ thánh Vinh Sơn đệ Phaolô. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 17, linh mục Vinh Sơn được cử đi làm tuyên úy cho các tù khổ sai bị trói vào những cột chèo lớn trên các thuyền buồm của đế quốc Pháp. Với bản chất nóng nảy, hiếu thắng, cục mịch... cộng với những phản ứng thô lỗ mà có lẽ vị linh mục tuyên úy đã bị tiêm nhiễm trong suốt thời kỳ ở với tù nhân, cha Vinh Sơn đã được một nữ bá tước ra mời làm trưởng nhóm của một số linh mục đang phục vụ như những thừa sai giữa giới nghèo trong khắp nước Pháp... Cha Vinh Sơn đã chấp thuận lời đề nghị.

Một khúc quanh lịch sử không những bắt đầu với cha mà còn cho cả Giáo Hội nữa: các linh mục dòng thánh Vinh Sơn đệ Phaolô mà chúng ta thường gọi là các cha Lazaristes đã ra đời từ đó. Ngoài ba nhân đức thông thường mà các tu sĩ phải khấn giữ, họ còn cam kết phục vụ hoàn toàn cho giới nghèo.

Thời gian sau, với sự cộng tác của chị Louise de Marillac, cha Vinh Sơn đã thiết lập dòng Nữ Tử Bác Ái cũng đeo đuổi cùng một mục đích: đó là phục vụ người nghèo... Cha Vinh Sơn đã định nghĩa dòng nữ này như sau: nhà dòng của họ là nhà thương, nhà nguyện của họ là nhà thờ giáo xứ, khu nội cấm của họ là các ngả đường phố xá.

Chúc thư và cũng là tinh thần của thánh Vinh Sơn đệ Phaolô được chứa đựng trong các lá thư của ngài. Chúng ta hãy đọc qua một đoạn sau đây: "Hãy cố gắng bằng lòng ngay giữa những điều làm cho chúng ta bất mãn. Hãy giải thoát tâm trí con khỏi những điều đang làm con giao động. Chúa sẽ lo liệu cho mọi sự... Cha van xin con, hãy tín thác nơi Chúa. Con sẽ có mọi sự tâm hồn con khao khát".

Chúa Giêsu đã bắt đầu bằng con số không: Ngài nghèo đến nỗi không có nơi gối đầu. Thế nhưng ngày nay, khi nhìn vào Giáo Hội, người ta nghĩ ngay đến quốc gia Vatican, với một bảo tàng viện phong phú nhất, với những vương cung thánh đường lộng lẫy, với những cuộc biểu dương rầm rộ. Người ta cũng có thể nhìn vào các tòa giám mục đồ sộ.

Các vị sáng lập dòng cũng thường bắt đầu với con số không. Nhưng ngày nay, có ai chối cãi được rằng những cơ sở lớn mà người ta thường thấy trong các đô thị lại thuộc về các hội dòng.

Giáo Hội và cách riêng các hội dòng có phục vụ người nghèo và có thuộc về người nghèo không?... Có lẽ, nhiều hội dòng mà mục đích nguyên thủy là phục vụ người nghèo và sống nghèo, cần phải đấm ngực tự thú rằng mình đã quá đi xa tinh thần của Ðấng sáng lập... Sống nghèo trước hết đó là sống tín thác vào Chúa quan phòng. Có thể nói đó là nhân đức trỗi vượt và cũng là mẫu số chung của các vị thánh: phó thác hoàn toàn vào Tình Yêu của Chúa.

Chúa kêu mời chúng ta chớ có lo lắng thái quá về ngày mai. Càng lo lắng, con người càng nuôi dưỡng sự tham lam và càng thiếu lòng tin tưởng vào Chúa. Lòng tin của chúng ta được đo lường bằng chính sự phó thác vào Chúa.

(Trích trong: “Lẽ Sống”, trang Web Tổng Giáo phận Huế)
______________________________________

Phân tích và Chia sẻ

Mở đầu Bài Tin mừng Kinh thánh viết: ________ Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”

“Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người”

Ta có thể chia cuộc đời rao giảng công khai của Đức Giêsu thành hai giai đoạn:

- GIAI ĐOẠN MỘT: Giảng đạo và thực hiện các phép lạ để chữa các bệnh tật, xua đuổi ma quỷ,... cho dân chúng với quyền năng của Thiên Chúa. Trong giai đoạn này uy tín, tiếng tăm của Đức Giêsu vang dội ra khắp miền, người ta đến với Ngài rất đông, họ xem Ngài là Đấng Cứu Thế mà toàn dân đang mong đợi.

- GIAI ĐOẠN HAI: Đức Giêsu bước vào Cuộc Thương khó để hoàn tất Công trình Cứu chuộc.

Hôm nay Đức Giêsu đang ở thời điểm giữa hai giai đoạn, nên Ngài cần thời gian để cầu nguyện, cảm tạ Chúa Cha về một nửa con đường Ngài đã đi, và dâng lên Chúa Cha phần đường còn lại để hoàn tất Công trình cứu chuộc. Như vậy, đây là giây phút quan trọng mà Ngài muốn hiệp thông với Chúa Cha, để kín múc nơi Cha nguồn sức mạnh để Ngài có thể bước vào giai đoạn cam go quyết liệt.

Các môn đệ cũng ở với Đức Giêsu để chia sẻ những tâm tư của Ngài. Mặc dù Đức Giêsu cầu nguyện một mình, không cầu nguyện chung với các môn đệ, nhưng việc các môn đệ ở chung với Ngài như để hiệp thông với Ngài vậy, vì các ông cũng sẽ đi vào con đường đó.

“Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?””

Kết thúc giai đoạn rao giảng và thực hiện các phép lạ chữa bệnh cho dân, bây giờ Đức Giêsu muốn xem người ta nghĩ gì về Ngài. Đức Giêsu có lý do muốn biết điều ấy, vì trong đám đông dân chúng đi theo, không phải ai cũng có chung một cảm nghĩ, và không phải ai cũng có chung mục đích theo Ngài.

Nếu họ xem Đức Giêsu là Đấng Kitô quyền phép, có thể cứu dân Israel khỏi ách đô hộ của Đế quốc Rôma, thì họ theo Ngài với mục đích để xin ơn này, ơn nọ và chắc chắn họ sẽ thối lui khi Ngài bước vào Cuộc Khổ nạn. Còn nếu người ta coi Ngài là Đấng Kitô sẽ chết trên Thập giá để cứu chuộc muôn dân, thì họ mới dám đi theo Ngài bước vào con đường khổ giá.

Ta tự hỏi: Tại sao Đức Giêsu lại hỏi các môn đệ “Dân chúng nói Thầy là ai?”. Ngài hỏi vậy nhắm mục đích gì?

Chắc chắn câu hỏi này Ngài không nhắm vào mình, Đức Giêsu biết rõ mình là ai. Ngài hỏi cũng không phải để được người ta tán dương ca tụng, vì những lời tán dương đó cũng chẳng thêm gì cho Ngài, chẳng làm cho Thiên Chúa vinh quang hơn hay kém vinh quang đi, vì vinh quang của Thiên Chúa luôn tròn đầy và viên mãn. Ngài hỏi ở đây là vì các ông. Vâng đúng như vậy, các ông cần biết dân chúng nghĩ gì về Ngài, và sau đó các ông cũng phải xác quyết mình nghĩ gì, như vậy các ông mới đủ can đảm theo Ngài lên núi sọ, vì phải biết Đức Giêsu là ai thì họ mới dám đi theo Ngài. Ta không thể theo một người khi chưa biết rõ về người ấy.

Ngày hôm nay Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Dân chúng nói Thầy là ai?”, nhưng chính Gioan Tẩy Giả đã hỏi Đức Giêsu cũng câu hỏi ấy, khi Gioan ở trong ngục, ông sai môn đệ đến hỏi: “Ngài có thật là Đấng phải đến không hay chúng tôi còn phải chờ Đấng khác?” (Lc 7, 19). Những khách dự tiệc ở nhà ông Simon biệt phái cũng hỏi như vậy: "Ông này là ai mà lại tha được tội?" (7,49). Các môn đệ cũng hỏi nhau khi thấy Đức Giêsu dẹp yên sóng gió: “Người này là ai mà ra lệnh cho cả sóng gió, và sóng gió phải tuân lệnh?” (8,25). Rồi chính vua Hêrôđê, người đã chém đầu Gioan Tẩy Giả cũng phải suy nghĩ: "Người này là ai mà ta nghe nói nhiều về ông như thế.” Và ông tìm cách gặp Người. (Lc 9, 9). Người ta hỏi Đức Giêsu, thì ngày hôm nay Ngài cũng hỏi các môn đệ.

“Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”

Nói chung dân chúng đánh giá cao Đức Giêsu, ví Ngài với Gioan Tẩy Giả, khi Ngài dám nói sự thật, giống như Gioan đã không sợ nguy hiểm khi can gián vua Hêrôđê không được lấy vợ anh mình. Ví Ngài với Êlia vì lời Ngài có đầy uy lực và Ngài đã thực hiện nhiều phép lạ như Êlia đã từng làm. Hoặc nếu không biết ví Đức Giêsu với ai, thì họ cũng cho Ngài là một ngôn sứ ngày xưa đã sống lại.

Thế nhưng, cho dù dân chúng có đánh giá cao về Đức Giêsu, nhưng tất cả những điều ấy vẫn không nói lên căn tính đích thực của Ngài.
________________________________

Kinh thánh viết tiếp: _______ Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

“Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Sau khi biết được dân chúng nghĩ gì, Đức Giêsu không thể hài lòng với những câu trả lời như vậy, vì nó chưa diễn tả đúng căn tính vốn có. Nhưng không sao, dân chúng trả lời như vậy cũng hay rồi, vì họ không được gần gũi, không được tiếp xúc, không được dạy dỗ như các môn đệ, nên sự hiểu biết hạn hẹp đó là điều dễ hiểu.

Nhưng với các môn đệ, Đức Giêsu muốn biết các ông nghĩ gì về Ngài, đó mới là điều quan trọng, vì các ông sẽ tham gia vào Sứ mệnh của Ngài, nên cần phải biết Ngài là ai.

Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.”

Ta thấy cả 3 Thánh sử Nhất lãm cùng tường thuật sự kiện này: Matthêu (Mt 16, 13-23); Marcô (Mc 8, 27-33) và Luca (Lc 9, 18-22). Qua câu trả lời của Phêrô, ta sẽ làm sáng tỏ các vấn đề sau:

(1) Vấn đề thứ nhất: Câu trả lời của Phêrô dựa trên cơ sở nào?

Cả 3 Thánh sử đều nhất trí, Phêrô đại diện Nhóm Mười Hai, trả lời một cách dứt khoát không một chút do dự. Đây là một câu hỏi khó chứ không phải đơn giản, đáng lý ra Phêrô phải suy nghĩ khá lâu mới có thể trả lời được, vì ngay trong câu trả lời của dân chúng, có vẻ Đức Giêsu chưa hài lòng mặc dù câu trả lời đó cũng đã quá hay rồi. Điều gì đã giúp Phêrô trả lời ngay được?

Chỉ có trong Thánh sử Matthêu mới giúp ta hiểu điều này. Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16, 17). Vâng chính Chúa Cha đã mạc khải cho Phêrô, như vậy Phêrô trả lời ngay được vì chính Chúa Cha đã mạc khải cho ông biết, chứ không phải tự bản thân ông.

(2) Vấn đề thứ hai: Xác định câu trả lời nào là của Phêrô?

Ta thấy có sự khác biệt trong câu trả lời của Phêrô ở 3 Thánh sử:

+ Ở Matthêu: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống." (Mt 16, 16)
+ Ở Marccô: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8, 29)
+ Ở Luca: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 8, 20).

Chính xác, Phêrô đã nói câu nào? Người ta không biết được. Tin Mừng không bao giờ là một bài tường thuật thuần túy vật chất. Ta có thể suy diễn như sau: Cả ba câu trả lời đều xác nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, tức Đấng được xức dầu, đó là điểm chung giữa ba câu trả lời, nhưng vì có sự thêm vào sau “Đấng Kitô” nên có sự khác biệt giữa 3 câu.

a/. Câu trả lời ở Matthêu, có khuynh hướng nói về Bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu nhiều hơn. Phêrô xác nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, ông cũng tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa, vì bao giờ Cha và Con cũng phải đồng Bản tính với nhau.

b/. Câu trả lời ở Luca, nghiêng về Sứ vụ.

Đối với các độc giả Hy Lạp, Luca thấy cần phải xác định rõ một từ Do Thái là từ Mêsia (bản dịch tiếng Hy Lạp là "Christos") và thêm vào: "Đấng Kitô của Thiên Chúa". Vả lại từ Christos có nghĩa là Đấng được xức dầu... Đấng được 'Thiên Chúa xức dầu, được Thiên Chúa thâm nhập, thấm nhuần!

Vậy Phêrô nhận ra nơi Đức Giêsu điều mà chính Ngài đã loan báo ngay trong diễn từ đầu tiên ở hội đường Nadarét: "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn" '(Lc 4,18 và Is 61,I).

c/. Câu trả lời ở Marcô không xét, vì không có gì thêm sau “Đấng Kitô”

Như vậy, dù câu trả lời nào của Thánh Phêrô, Đức Giêsu cũng hài lòng vì nó đã nói lên căn tính đích thực của Ngài, là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, là Con Thiên Chúa, câu trả lời này đã được chính Chúa Cha mặc khải cho Phêrô. Sự xức dầu của Thần khí, sự xâm nhập của Thần khí trên Đức Giêsu chúng ta không thể thấy được. Vì thế căn tính sâu xa của Ngài không phải là một điều gì có thể dùng lý trí mà suy diễn. Chúng ta chỉ có thể tiếp nhận dưới thể thức của sự mạc khải. Thực vậy, khi Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho các môn đệ cũng là dịp Chúa Giêsu muốn tỏ cho các ông biết Ngài là ai!

“Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai”.

Tại sao Đức Giêsu lại nghiêm cấm các môn đệ không được nói điều ấy với ai? Thưa: vì mọi người đang hy vọng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế có thể giải thoát họ khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, phục hưng một nước Do Thái hùng mạnh như xưa, đó là chưa kể đến việc thống trị cả thế giới. Với một quan niệm sai lầm như vậy về Đấng Cứu Thế, nếu các môn đệ nói cho mọi người biết Đức Giêsu là Đấng Cứu thế, là Đấng được xức dầu, nó sẽ đưa dân tộc Do Thái vào sự sai lầm không có lối thoát.

Chỉ có Phục sinh, dưới hai khía cạnh Thập Giá và vinh quang mới cho phép người ta hiểu được Đức Giêsu là ai. Còn giờ đây, các tông đồ được mời gọi không được nói ra căn tính của Đức Giêsu.
____________________________________

Cuối cùng Kinh thánh viết: ______ Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

Đối với nhóm Mười Hai, sự loan báo về cuộc khổ nạn đã xuất hiện như một gáo nước lạnh giội vào người. Trong cùng một cảnh tượng, hai Thánh sử Matthêu và Márcô ghi lại rằng Phêrô đã bị quở trách vì không hiểu được cuộc khổ nạn.

Đức Kitô thực sự là Đấng Cứu Thế, nhưng theo một nghĩa khác hẳn. Ngài là Tôi tớ Giavê như tiên tri Isaia loan báo, là Con Người đau khổ, là Con Chiên bị đem đi giết, là Người cơ cực phải gánh lấy gánh nặng thay cho dân và chuốc lấy mọi khổ đau. Đặc tính ấy của Đấng cứu thế chỉ mới được tỏ rõ khi Ngài tuyên bố cho các tông đồ lời lạ lùng này: ‘Con Người, phải chịu nhiều đau khổ’, như vậy, chẳng còn là vinh quang phàm tục, là vĩ đại thế trần, hay đời sống thoải mái tại thế. Con đường Ngài đi là con đường khổ cực, khiêm tốn và âm thầm. Đây không phải là cái đau khổ của một người với tư cách cá nhân mà là sự đau khổ của Đấng Messia nơi dân Ngài.

Vì ‘Ngài bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết’. Ba nhóm người có thế lực chính thức: các Thượng Tế, kinh sư và đại diện chính trị của mười hai chi tộc. Như vậy, tất cả những ai trong hội đồng cố vấn tối cao, quyền hành pháp và lập pháp của dân đều ghét bỏ Ngài. Chức vụ Cứu Thế của Ngài coi như chẳng còn gì đáng nói nữa: Ngài chẳng phải là người họ tuyển chọn mà bị họ sa thải. Ngài chuốc lấy sự nhục nhã của những người tội lỗi, của những người lìa xa Thiên Chúa với mục đích huỷ bỏ sự nhục nhã ấy và làm cho những kẻ hư hỏng thành những người được chọn.

Được Thiên Chúa sai đến, bị con người ghét bỏ, nhưng Ngài cũng sẽ chu toàn sứ mệnh và thực hiện được lời mời gọi con người để họ có thể theo Ngài và đến với Thiên Chúa.
_______________________________

Ngày xưa, Ðức Giêsu đã hỏi các môn đệ: Ngài là ai đối với họ. Chắc chắn hôm nay Ngài cũng đang đặt câu hỏi đó với mỗi người chúng ta. Chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta sẽ trả lời Ngài như thế nào? Chúng ta có tin rằng Ðức Giêsu là Thiên Chúa, là Ðấng làm chủ cuộc đời chúng ta không? Chúng ta có sẵn sàng sống cho Ngài và theo Ngài không? Ðức Giêsu có chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống của ta không? Hay chỉ có vật chất, lợi lộc, hưởng thụ mới là điều quan trọng?
Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên Năm Lẻ. 
(26/09/2013) - (Lc 9, 7-9)

Nguyên văn Bài Tin mừng:

Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy.” Kẻ khác nói: “Ông Ê-li-a xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.”

Còn vua Hê-rô-đê thì nói: “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.
_______________________________

Phân tích và Chia sẻ

Mở đầu Bài Tin mừng Kinh thánh viết: _______ Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy.” Kẻ khác nói: “Ông Ê-li-a xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.”

Sơ lược vài nét về “Tiểu vương Hêrôđê”

Nước Do Thái trong thời Đức Giêsu bị đô hộ bởi Đế quốc Rôma. Để cai trị, Rôma đã chia nước Do Thái thành nhiều miền và trong mỗi miền Rôma đã đặt một người Do Thái nhưng trung thành với đế quốc làm vua. Như vậy, mặc dù là vua, nhưng thực chất chỉ là vua một miền nào đó, nên gọi cho đúng nghĩa, đó là một Tiểu vương.

Cách làm này của Rôma có nhiều mục đích: (1) Không cho người nào làm vua trên cả nước để tránh phản loạn, mỗi một ông vua chỉ làm vua một miền nào đó mà thôi. (2) Dùng chính người Do Thái cai trị người Do Thái, nhưng vẫn theo đường lối của Đế quốc. Với một đất nước Do Thái, từng nổi tiếng trong quá khứ với những chiến công oanh liệt, vì đây là dân được Chúa chọn, người Rôma vẫn có phần nào đó dè chừng, nên để cho yên ổn, họ dùng chính người Do Thái cai trị.

Dòng họ Hêrôđê có gắn bó mật thiết với cuộc đời Đức Giêsu, và cả trong thời kỳ Giáo hội sơ khai, ta có thể kể ra đây các tiểu vương Hêrôđê.

+ Vua Hêrôđê cai trị từ năm 37 trước Công nguyên cho đến năm 4 sau Công nguyên được gọi là Hêrôđê Cả. Chính vị vua này đã tìm cách giết Đức Giêsu khi ra lệnh tàn sát các trẻ em ở Bê-lem (Mt 2,1-18).

+ Còn vua Hêrôđê trong Bài Tin mừng hôm nay, là người đã chém đầu Gioan Tẩy Giả, người gặp Đức Giêsu khi Ngài bị điệu đi xử (Lc 23,8-12) là con của Hêrôđê Cả, cũng được gọi là Hêrôđê Antipa, là tiểu vương miền Galilê và Pêrê (Lc 3,1). Chính ông này đã cướp vợ của anh mình là bà Hêrôđia (Mt 14,1.3-6; Mc 6,14tt). Ông cai trị hơn 40 năm. Sau khi Đức Giêsu về trời, Hêrôđê Antipa bị Rôma truất phế và bị lưu đầy vì đã ruồng bỏ người vợ cũ để lấy bà Hêrôđia, người vợ cũ có liên hệ huyết thống với Hoàng đế Rôma.

Xin nói thêm về dòng họ Hêrôđê:

- Hêrôđê Philíp I, hay tên chính xác là Hêrôđê Boethos, là con của Vua Hêrôđê Cả (với bà Mariamne II), chồng bà Hêrôđia (Mt 14,3; Mc 6,17).

- Áckhêlaô, con của Hêrôđê Cả (với bà Manthakhê), anh của Hêrôđê Antipa, cai trị miền Giuđê, Samari (Mt 2,22).

- Hêrôđê Philíp II, con của Hêrôđê Cả (với bà Cléopâtre), chồng của bà Salômê, tiểu vương miền Iturê và Trakhônít (Lc 3,1).

- Hêrôđê Agrippa I, cháu của Hêrôđê Cả, đã bách hại cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên (Cv 12,1023).

- Hêrôđê Agrippa II, con của Hêrôđê Agrippa I, đã gặp thánh Phaolô (Cv 26,1tt).

“Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm.”

Bài tin mừng hôm nay được tiếp nối với sự kiện Đức Giêsu sai các tông đồ trong Nhóm Mười Hai đi truyền giáo (Lc 9, 1-6) mà ngày hôm qua ta đã phân tích. Sau khi đã ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Giả, vì Gioan dám can ngăn Hêrôđê không được lấy vợ của anh mình, bây giờ vua Hêrôđê lại nghe nói về Đức Giêsu, một người đã thực hiện những phép lạ cả thể, dân chúng đang đến với Ngài, lại thấy các môn đệ của ông Giêsu này hoạt động mạnh mẽ trong vùng Galilê, lãnh thổ do ông cai quản. Hêrôđê rất phân vân. Ông phân vân vì nhiều lẽ:

(1) Thứ nhất: Các hoạt động của Đức Giêsu và của các môn đệ được sai đi truyền giáo đang xảy ra tại Galilê, miền do Hêrôđê cai quản. Hiện tượng dân chúng đang đến với Đức Giêsu ngày một đông, khiến cho tình hình an ninh trật tự khó đảm bảo. Chắc chắn Rôma sẽ để mắt tới và Hêrôđê sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng nếu vì thế mà ra tay ngăn cấm, thì cũng không có lý do gì vì đây thuần túy là vấn đề tôn giáo, nhân đạo chứ không có dáng dấp chính trị. Ông còn nhớ sự kiện Gioan Tẩy Giả và ông rất hối hận khi chém đầu Gioan chỉ vì một lời hứa vu vơ, do đó ông rất thận trọng với Đức Giêsu, chỉ cho người âm thầm theo dõi.

(2) Thứ hai: Có người nói: “Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy.”

Hêrôđê rất sợ điều này, nếu Đức Giêsu là ông Gioan Tẩy Giả sống lại, chắc chắn ông sẽ bị hỏi tội. Bởi lẽ ông rất kính trọng Gioan, mặc dù giam Gioan trong ngục vì tội dám can ngăn ông không được lấy vợ của anh mình, nhưng Hêrôđê vẫn đối xử Gioan tử tế, vẫn chịu ngồi nghe Gioan giảng giải mặc dù không bằng lòng nhưng vẫn thích nghe, nay vì một lời hứa trong lúc cao hứng, ông đã ra lệnh chém đầu Gioan. Có lẽ ông rất ray rứt và hối hận về việc này, nay nghe nói Gioan sống lại thì ông hoảng sợ.

(3) Thứ ba: Kẻ khác nói: “Ông Ê-li-a xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.”

Vua Hêrôđê và người Do Thái đều tin ông Elia chưa chết và đã được đưa lên trời bằng cỗ xe lửa, sự xuất hiện của Đức Giêsu làm cho nhiều người nghĩ rằng đó là Tiên tri Êlia tái lâm. Trong sách Các Vua quyển 2 có viết:

Khi Elia đang trò chuyện với Êlisa, môn đệ của ông, trong những giây phút cuối cùng, các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc. Thấy thế, ông Ê-li-sa kêu lên: "Cha ơi! Cha ơi! Hỡi chiến xa và chiến mã của Ít-ra-en! " Rồi ông không thấy thầy mình nữa. Ông túm lấy áo mình và xé ra làm hai mảnh. Ông lượm lấy áo choàng của ông Ê-li-a rơi xuống. Ông trở về và đứng bên bờ sông Gio-đan. (2V 2, 11-13)

Nhưng dư luận cho Đức Giêsu là Êlia tái lâm hoàn toàn không có cơ sở, vì sự kiện Êlia lên trời cách nay cả hàng trăm năm và không thấy Kinh thánh nói gì về Êlia nữa.

Còn một dư luận nữa, người ta coi Đức Giêsu là một ngôn sứ thời xưa sống lại, mặc dù thời ngôn sứ đã chấm dứt. Họ tin như vậy vì qua lời giảng và lối sống của Đức Giêsu, người ta dễ thấy Ngài là một ngôn sứ. Ta thấy trong Tin mừng, sau khi Đức Giêsu cho con trai bà góa thành Naim sống lại, mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người". (Lc 7, 16-17)

Chính Đức Giêsu cũng nhận mình là ngôn sứ. Ta còn nhớ khi Đức Giêsu về quê hương của mình ở Nadarét, Ngài không được người đồng hương đón nhận, Ngài nói: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình (Lc 4, 24)

Trong dịp khác, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su: "Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông! " Người bảo họ: "Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: "Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.(Lc 13, 31-33).

Như vậy dư luận người ta nói Đức Giêsu là vị ngôn sứ thời xưa sống lại cũng có cơ sở, vì chính Ngài đã coi mình là Ngôn sứ.

Tất cả những dư luận đó đã bị Hêrôđê bác bỏ, vì mặc dù ông là người Do Thái nhưng lại chịu ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp, ông không tin vào việc sống lại, cho nên ông không nghĩ rằng Đức Giêsu là Gioan, Êlia hay bất cứ một ngôn sứ nào khác sống lại. Về điểm này, Hêrôđê rất gần với nhóm Sađóc, là nhóm không tin có sự sống lại.
________________________________

Cuối cùng Kinh thánh viết: _______ Còn vua Hê-rô-đê thì nói: “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.

“Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi!”

Vua Hêrôđê muốn nhắc cho mọi người biết, chính ông đã chém đầu Gioan Tẩy Giả, và ông là người không tin có sự sống lại, cho nên ông đã xác quyết 2 điều: (1) Gioan đã chết. (2) Không có chuyện Gioan sống lại. Như vậy Đức Giêsu không phải là Gioan. Có lẽ trong thâm tâm ông cũng mong cho Đức Giêsu không phải là Gioan, nếu không, ông còn phải đối diện với sự thật còn khủng khiếp hơn nữa, ông sẽ bị Gioan hạch tội.

“Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”

Đức Giêsu không phải là Gioan, không phải là Êlia, không phải là ngôn sứ ngày xưa sống lại, vậy thì Ngài là ai? Đức Giêsu là ai mà làm được những phép lạ cả thể, không có tiên tri hay ngôn sứ nào làm được? Đó là một câu hỏi làm cho Hêrôđê phải suy nghĩ, phải bận tâm bận trí.

“Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.”

Sự thật về Đức Giêsu là một thách đố đối với Hêrôđê. Ông phải tìm được câu trả lời chính xác, do đó ông tìm cách gặp Đức Giêsu. Sự kiện vua Hêrôđê tìm cách gặp Đức Giêsu có thể nảy sinh nhiều câu hỏi.

(1) Câu hỏi thứ nhất:

Tại sao Hêrôđê là một ông vua, quyền hành có trong tay, ông không thể ra lệnh cho Đức Giêsu vào triều đình gặp ông sao, mà phải mất công tìm cách này cách khác để gặp?

Xin thưa: Có lẽ đối với Đức Giêsu, Hêrôđê không thể đối xử như một người dân bình thường hay như một tên tội phạm, ông không thể ra lệnh cho Ngài phải vào triều đình để gặp ông, quyền hành trong trường hợp này không có giá trị gì hết, càng dùng đến quyền càng thất bại. Như ta thấy trong lịch sử có nhiều trường hợp, chính nhà vua phải đích thân đi gặp hiền sĩ chứ không thể ra lệnh cho hiền sĩ vào gặp. Đối với Đức Giêsu cũng vậy, Ngài còn vĩ đại hơn cả tiên tri hay ngôn sứ. Do đó ông phải nghĩ ra cách nào thích hợp nhất để gặp Đức Giêsu. Vả lại rút kinh nghiệm về trường hợp Gioan Tẩy Giả, nên ông rất thận trọng không được nóng vội. Cứ từ từ rồi sẽ có cách.

(2) Câu hỏi thứ hai:

Ông tìm gặp Đức Giêsu để làm gì? Có phải để biết sự thật về Ngài không?

Xin thưa: KHÔNG

Để chứng minh cho điều này, ta thấy Thiên Chúa đã chiều ý ông và ông đã gặp Đức Giêsu trong cuộc Khổ nạn của Ngài. Kinh thánh viết: Khi Đức Giêsu bị điệu đến quan Tổng trấn Philatô để xét xử, trước các lời vu cáo của các bậc đàn anh Do Thái giáo, chẳng hạn họ tố cáo: "Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa." (Lc 23, 2) Philatô không thấy Đức Giêsu có tội gì nên tìm cách tha, nhưng họ càng làm áp lực đối với quan. Sau khi quan Tổng trấn biết Đức Giêsu là người Galilê, thuộc thẩm quyền của vua Hêrôđê và biết Hêrôđê đang có mặt tại Giêrusalem trong thời gian này, nên quan đã cho người áp giải Đức Giêsu đến vua Hêrôđê.

Vua Hê-rô-đê thấy Đức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ. Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả. Các thượng tế và kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội. Vua Hê-rô-đê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Phi-la-tô. Ngày hôm ấy, vua Hê-rô-đê và tổng trấn Phi-la-tô bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù. (Lc 23, 8-12)

Vua Hêrôđê đã thất bại khi muốn tìm hiểu sự thật về Đức Giêsu. Ngài không thể chiều ý ông vì 2 lý do sau:

(1) Lý do thứ nhất: Hêrôđê là con người vô đạo đức, có đời sống vô luân. Một con người như thế không thể đối diện với Đấng Chân Thiện Mỹ.

(2) Lý do thứ hai: Ông muốn gặp Ngài chỉ vì muốn thỏa mãn trí tò mò, chứ không phải tìm kiếm chân lý. Ông muốn tận mắt chứng kiến một vài phép lạ như người ta đồn thổi, điều này có nghĩa ông đang xem Đức Giêsu như một nhà ảo thuật. Đức Giêsu không bao giờ chiều ý một con người như vậy. Phép lạ chỉ được thực hiện khi biểu lộ tình yêu Thiên Chúa trước nỗi đau khổ của con người, chứ không phải là cái để đem ra biểu diễn, làm trò.

Từ khi ông tìm cách gặp Đức Giêsu đến nay là một thời gian khá dài, ông vẫn không tìm ra cách nào để gặp, nhưng nay bỗng dưng được gặp, ông lại để cơ hội trôi đi một cách vô ích. Ông đã gặp cũng như không gặp, vì ông không thấy nơi Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, mà như một anh chàng khờ dại, ngu ngốc, im lặng trước lời tố cáo của người khác mà không một lời nói để biện hộ.

Nếu Hêrôđê không làm cuộc canh tân đời sống mình, thì cho dù có nhiều cơ hội nữa đưa đến ông vẫn không gặp được Đức Giêsu. Trong khi đó, ông Giakêu, một con người tội lỗi không kém, nhưng đã biết thay đổi, quay ngược lối sống mình, ông đã gặp được Ngài và từ cuộc gặp gỡ đó ông đã trở thành một con người mới.