Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Đọc bài nghiên cứu đề tài "Đọc ít, rượu bia nhiều, đánh đấm gia tăng" trên báo tuổi trẻ ngày 29/12/2015 tôi đồng ý với tác giả bài viết Nguyễn Quốc Vượng. "Nhìn vào con số thống kê năm 2015, người Việt chi hơn 2.000 tỉ đồng cho hoạt động xuất bản, nhưng lại chi 63.000 tỉ đồng cho việc uống bia rượu, tôi thấy buồn nhưng không thấy ngạc nhiên. Chưa cần đến thống kê tôi cũng có thể cảm nhận thực tế đó trong cuộc sống hằng ngày".

Trong suốt bài viết tác giả đã phân tích sự chênh lệch giữa việc đọc sách và chi tiêu cho giải trí mà cụ thể là rượu bia dẫn đến tình trạng bạo lực gia tăng "Tôi nghĩ việc ít đọc sách, uống rượu bia nhiều còn có mối quan hệ mật thiết với tình trạng bạo lực gia tăng tại VN thời gian gần đây. Khi không có giải trí lành mạnh và không gian để sáng tạo, thưởng thức văn chương, nghệ thuật... con người dễ trụy lạc và đánh mất nhân tính. Sự thiếu hụt tri thức về cuộc sống, thế giới thông qua sách vở đi kèm với thói quen nhậu nhẹt bia rượu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy mà dễ thấy nhất là bạo lực"

Nhìn lại một năm qua với nhiều vụ án khủng khiếp như vụ án vừa mới xét xử ở Bình Phước, 2 án tử hình. Từ những cư xử, xử lý khủng khoảng thiếu tình người dẫn đến câu chuyện 1 chai nước +1 con ruồi =7 năm tù. Ngày nào mở báo mạng cũng thấy những chuyện đâu lòng chỉ một va chạm nhỏ khi tham gia giao thông cũng dẫn đến chém giết nhau...
Tác giả cũng nhận định thêm "Ở VN rất hiếm cảnh người ngồi trong công viên, tàu xe, hành lang bệnh viện… đọc sách. Kể cả những người làm việc liên quan đến sách vở nhiều như giáo viên cũng ít đọc. Chuyện giáo viên chỉ đọc các sách liên quan trực tiếp đến bài giảng hoặc luyện thi không phải hiếm."
Tôi cũng có một kinh nghiệm về việc đọc sách ở chốn đông người, khi đi khám bệnh, hay đến nơi công sở liên hệ công việc, tôi thương đem theo một cuốn sách, trong khi chờ đợi, tôi lấy sách ra đọc. Xung quanh tô có rất nhiều người cùng ngôi chờ, họ nhìn tôi như người từ hành tinh khác đến. Vì ai có điện thoại thông minh thì họ lướt web, chơi game hay ngồi tán chuyện từ trong nhà đến ngoài phố. Vâng thói quen đọc sách bây giờ thật là hiếm. Ngay cả các em thiếu nhi cũng dàng thời gian cho game hay cho thế giới mạng hơn là cầm cuôn sách đọc.

Kết thúc bài viết tác giả đưa ra quan điểm của mình : "Ở phương diện là một giáo viên, một người bố, tôi thấy muốn hình thành thói quen đọc sách, giáo viên và phụ huynh phải có nhận thức đúng, hợp lý về triết lý giáo dục. Nếu muốn có những con người khỏe mạnh về thể chất, sắc bén về trí tuệ và phong phú, tự do trong tâm hồn thì đương nhiên phải chú trọng đọc sách. Thay vì cung cấp trực tiếp các chân lý tuyệt đối có tính đúng sai thì sự gợi mở cho trẻ em tự trải nghiệm, khám phá, tra cứu, thể hiện sẽ tạo ra động lực đọc sách hiệu quả."
http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20151229/doc-it-bia-ruou-nhieu-bao-luc-gia-tang/1029421.html

Cần có thời gian đọc sách để có trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm và ngôn ngữ trong giao tiếp, giúp cho môi trường sống được văn minh và sạch hơn.

Hình ảnh bà tiên tri Anna, con ông Phanuel thuộc chi tộc Asê. Khi Đức Mẹ và Thánh Giuse đưa Hài Nhi Giêsu lên thành Giêrusalem, để dâng cho Chúa, như đã viết trong lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là của thánh, dâng cho Thiên Chúa" ngoài lời Simêon chúc lành cho hai ông bà, còn có bà Anna cũng chúc tựng Chúa và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.

Chứng tỏ bà Anna cũng đọc và suy niệm cầu nguyện theo những gì được ghi lại trong kinh thánh. Bà nhìn thấy Hài nhi là thấy ơn Cứu Độ được hứa ban nay đã thành sự thật.

Trong những ngày cuối năm dương lịch, con cảm ơn Chúa cho con đọc được một bài viết giúp con ý thức "văn hóa đọc" rất cần thiết cho đời sống của con, từ những trang sách giúp con khám phá ra ánh sáng của Chân Thiện Mỹ, ánh sáng của niềm tin và tình người. Con cũng cầu nguyện cho các bạn trẻ, các em thiếu nhi biết dành thời gian cho việc đọc sách nhất là Lời Chúa để sống tốt hơn, sống có lý tưởng và biết nói lời có văn hóa, cư xử có văn hóa.



Ngày 30/12, Tuần bát nhật lễ Giáng Sinh
Lời Chúa: 
 Lc 2,36-40
Khi ấy, 36 có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. 37 Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. 38 Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel. 39 Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. 40 Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

Sáng nay trong giờ chia sẻ lời Chúa cho các em học giáo lý, tôi hỏi các em, thường khi nghe tin một người bạn bị đau thì các bạn làm gì? những tiếng trả lời rất nhanh "dạ, nhắn tin" "dạ gọi điện thoại" đó là các em từ khối rước lễ. Tôi quay sang các em lớp Thêm sức và Sống đạo các em trả lời không chút ngập ngừng: "tặng bạn một hộp sữa, hay một hộp bánh, tôi vui khi nghe các em trả lời. Nhưng bất ngờ các em cười vang và lên tiếng: sữa và bành trên Facbook, chỉ cần tìm một tấm hình với loại sữa và loại bánh mà bạn thích ăn, click chuộc là ok ngay. Một phút là bạn ấy nhận được quà  ngay kèm theo một lời chúc nữa.

Tôi hỏi các em thế bánh và sữa đó bạn có ăn và uống được không? các em rất vô tư trả lời "dạ không?". Thế đây thời @ tiện, nhanh mà lại ảo, làm cho con người khép kín trong phòng, trong công việc, và cảm thấy lúc nào cũng bận rộn.

Vâng cuộc đối thoại với các em sáng ngay làm cho tôi suy nghĩ nhiều về bài Tin mừng, với hai hình ảnh thất đẹp, đẹp từ trái tim đến khối óc và đôi chân, đẹp và đẹp lắm bước chân của Maria, bước chân vội vả lên đường, khi trong lòng Maria đang cưu mang Con Thiên Chúa làm người. Đẹp bởi Maria nhìn thấy sự vất vả và cô đơn của bà chị họ Isave và cho Gioan Tẩy Giả đang trong lòng mẹ của mình.

Thánh sử Luca không nói tên địa danh mà bà Elizabeth ở là thành Ain-Karim miền phụ cận Giêrusalem, mà chỉ nói: "Một thành xứ Giuđa miền sơn cước". Những bước gót sen của Mẹ Maria trong dịp này đã được tiên tri Isaia diễn tả: "Đẹp thay trên các núi non, chân người sứ giả, kẻ loan báo bình an, kẻ loan tin mừng, kẻ loan báo ơn cứu độ và nói với Sion: Thiên Chúa của ngươi là Vua" (Is 52:7).

Hình ảnh Mẹ Maria ra khỏi ngôi làng quê Nazaret yên bình đem Chúa cho Bà Isave cùng với lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phaxicô trong sứ điệp nhân ngày Thế Giới Cầu nguyện cho Ơn Gọi lần thứ 52 vào Chúa Nhật thứ 4 mùa Phục Sinh (ngày 26 tháng 4), Đức Thánh Cha Phanxico nói với Giáo Hội “hãy đi ra khỏi chính mình” để thực hiện việc loan báo Tin Mừng cho thế giới, không quan tâm tới chính mình, nhưng Giáo Hội cần tới ơn gọi, tức những người dám vượt lên chính mình để trải nghiệm cuộc xuất hành mà nó bén rễ sâu trong Chúa Giêsu Kitô, “trong sự phục vụ sự phát triển của Triều Đại Thiên Chúa nơi trần gian này”.

Xin Chúa con con và mọi người dám ra đi, dám bị mất thời gian, sức khỏe. Dám đem tình yêu thương và lòng thương xót của CHúa đếm với những ai đang khổ đau, đan cô đơn. Xin cho ngày lễ Giáng Sinh sắp tới các em nhỏ được quan tâm, người già yếu được giúp đỡ. và xin cho người người biết yêu nhau hơn.

Chúa Nhật IV Mùa Vọng - Năm C
Lời Chúa: 
 Lc 1,39-45
Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: "Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015


Ngày 17/12/2015 trong nước tòa án hai nơi:
Tại TAND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu: Hội đồng xét xử đã tuyên tử hình Trần Văn Điểm về tội giết người, 6 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình
Tại Bình Phước: Xét hành vi của nhóm bị cáo gây vụ thảm sát tại Bình Phước là hết sức dã man, mất hết tính người, đại diện Hội đồng xét xử đã tuyên án tử hình với 2 bị cáo Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến.

Bóng đêm của tội lỗi, sự ác của các vị cáo đã gây ra đau thương cho các nạn nhân, cho xã hội. Họ bị tước quyền sống, quyền được làm người, họ còn quá trẻ. Theo bình luận của bạn đọc LêDân "Các tên sát nhân này ngoài việc giết người và giết trẻ em dã man còn gây ra vần đề bất an cho xã hội, làm bao nhiêu người mất việc làm, làm cho gia đình người ta tan nát, trẻ em phải mồ côi thì không có luật pháp nào có thể tha thứ được.".(Lê dân 16:40 17/12/2015)
Cũng với bạn đọc Lê Dân trong vụ án tử hình Trần Văn Điểm thì
"Có lẽ tên này nghĩ rằng cùng lắm hắn chỉ đền mạng bằng một phát súng hoặc một mũi tiêm thuốc độc là cái chết nhẹ nhàng nên không chút lo sợ. Nếu cón hình phạt lăng trì xẻo từng miếng thịt cho đến chết thì tên này mới thấy được những đau đớn khi hắn đâm người ta chết xem hắn còn đủ cứng và thản nhiên như thế không." (Lê dân 20:25 17/12/2015) (tuoitre.vn)
Trong những ngày chờ đón Ánh Sáng Ngôi Lời , Ánh sáng đã đến, đang đến và sẽ đến giải thoát mọi bóng đêm: bóng đêm của lý trí, bóng đêm của tình cảm, bóng đêm của sợ hãi. Bóng đêm đó cũng đang phủ kín con người Công chính Giuse. Giuse toan tính thối lui, chạy trốn bóng đêm theo kế hoạch của mình. Vì Giuse muốn tôn trọng Maria, tôn trọng sự tự do lựa chọn của Maria. Hành động của Giuse cho thấy Giuse rất tin tưởng Maria, thương yêu và không muốn làm cho Maria đau khổ vì sẽ bị người đời ném đá.
Ánh Sáng của Chúa Thánh Thần đã bao phủ con người Giuse trong lúc ông đang đang định tâm bỏ Maria. Giuse đã đón nhận Ánh Sáng của Thánh Thần, của sự thật, của ơn cứu độ. Ánh  Sáng của lòng thương xót Chúa đến cho nhân loại.
Để loại dần bóng tối của tội ác, của bạo lực của sợ hãi thì thế giới hôm nay cần được ánh sáng của lòng thương xót Chúa  cho nhân loại, cho gia đình cảu các nạn nhân trong các vụ thảm sát. Xin cho ánh sáng của lòng thương xót Chúa đến với các tôi phạm để họ có chết để đền tôi ác mà họ gây ra cũng được chết trong sự hối lỗi và sám hối.
Nguyện xin Ánh Sáng của Chúa tràn ngập địa cầu để mọi người biết tôn trọng sự sống và sự bình yên của người khác. Xin cho các tội nhân được an năn hối cải, Xin Chao các trẻ em nghèo được mọi người quan tâm giúp đỡ, Xin cho sự sống các thai đi được bảo vệ.
Lạy Chúa xin thương xót chúng con và toàn thế giới.



Thứ Sáu tuần III Mùa Vọng - Ngày 18/12, Bát nhật chuẩn bị Lễ Giáng Sinh
Lời Chúa: 
 Mt 1,18-24
Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của Bà là người công chính, không muốn tố cáo Bà, định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần: Bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội". Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta". Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: Ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

Cuộc tranh cãi ngoại giao giữa hai nước Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn đến nỗi bất an âm thầm nhưng càng ngày lớn trong cộng đồng người Nga ở Antalya. "Họ gào lên: 'Bọn người Nga ngu ngốc, hãy biến về Nga đi. Thật là hay khi máy bay của bọn mày rơi ở Ai Cập. Chúng tao ghét bọn mày", Alina, người Nga 29 tuổi, nhớ lại vụ chạm trán gần đây với một đám thiếu niên Thổ Nhĩ Kỳ ở trung tâm Antalya. Tuy nhiên Theo The Guardian, bên trong trung tâm mua sắm Shemall ở thành phố ven biển Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ, hàng chục trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ và Nga từ các trường học địa phương nắm tay nhau và hát sôi nổi.

Đó là một trong nhiều sự kiện văn hóa hàng năm được tổ chức rộng rãi ở Antalya trong tháng này, thể hiện tình đoàn kết hai bên, giữa lúc căng thẳng Ankara và Moscow ngày càng trầm trọng.

Nhìn thế giới ngày đầu tuần với biến cố Nga-Thổ Nhĩ Kỳ tôi càng cầu nguyện xin lòng thương xót của Chúa được mọi người cảm nghiệm để yêu thương nhau, để một tuần ánh sáng của Chúa sưởi ấm gia đình, từng người trên mặt đất này.Để hiểu và cảm được tình yêu và lòng thương xót của Chúa tôi khám phá ra lời mời gọi của Chúa qua câu hỏi trong bài tin mừng Mt 21,23-27

"Phép Rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta?"
Câu hỏi này của Chúa hỏi lại các thưởng tế và kỳ lão trong dân đến hỏi Chúa về việc Chúa lấy quyền nào mà lại giảng dạy trong đền thờ, nơi mà chỉ có những người được "cấp phép" mới được ngồi trên tòa mà giảng. Sau khi họ bàn tính với nhau, họ đã không trả lời được, vì thế Chúa cũng không thể mạc khải cho họ biết Chúa lấy quyền tòa mà giảng dạy.

Câu hỏi Chúa đặt cho những người chất vấn Chúa, hôm nay Chúa cũng hỏi tôi: "Bởi trời hay bởi người ta?". Tôi hiện diện ở trần gian này là bởi trời hay bởi người ta?. Tôi được nuôi dưỡng lớn lên là do bởi trời hay bởi người ta? Tôi ở trong Giáo hội, giáo xứ, cộng đoàn là bởi trời hay bởi người ta? Tôi làm việc thành công, hoàn thành những trách nhiệm được giao cho là bởi trời hay bởi người ta? Sức khỏe tài năng tôi đang có là bởi trời hay bởi người ta?... Để trả lời được những chất vấn của Chúa dành cho tôi trong những ngày cuối của mùa vọng năm nay, để từ đó tôi khám phá ra cuộc đời của tôi là do ánh sáng của lòng thương xót Chúa dành cho tôi. Tôi làm được gì thành công hay thất bại để nằm trong bàn tay quan phòng của lòng Chúa thương xót tôi. Sức khỏe của tôi cũng từ lòng thương xót của Chúa.

Lạy Chúa, trong ngày đầu tuần, bước vào một nhịp sống mới con xin dâng lên Chúa lời tạ ơn, tạ ơn Chúa đã cho con và mọi người con của Chúa biết bao hồng ân. Tạ ơn Chúa cho con khám phá được ánh Sáng của lời Chúa nói với con: hãy chu toàn trách nhiệmtrong ánh sáng của lòng thương xót Chúa, hãy quảng đại dấn thân trong mọi lãnh vực vì đó chính là lòng thương xót của Chúa muốn bản thân con chia sẻ cho những người cần đến con, những người đau khổ, bé mọn. 

"Vì cuộc tử nạn đau buồn của Chúa Giêsu,xin thương xót chúng con và toàn thế giới."

Thứ Hai tuần III Mùa Vọng - Ngày 14-12: Thánh Gioan Thánh Giá
Lời Chúa: 
 Mt 21,23-27
23 Khi ấy Chúa Giêsu vào Đền thờ. Lúc Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão trong dân đến hỏi Người rằng: "Ông lấy quyền nào mà làm những điều này? Ai đã ban quyền ấy cho ông?" 24 Chúa Giêsu trả lời: "Tôi cũng hỏi các ông một điều. Nếu các ông trả lời cho tôi, thì tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó. 25 - Phép Rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta?" Họ bàn tính với nhau rằng: "Nếu ta nói bởi trời, thì ông sẽ nói với ta: Vậy tại sao các ngươi không tin ông ấy? 26 Và nếu ta nói bởi người ta, thì chúng ta lại sợ dân chúng. Vì mọi người coi Gioan như một vị tiên tri". 27 Bấy giờ họ trả lời Chúa Giêsu rằng: "Chúng tôi không được biết". Chúa Giêsu nói với họ: "Tôi cũng không nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó".

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

Những ngày gần đây, trên các trang báo xuất hiện nhiều bài viết về việc thay đổi chính sách một con của Trung Quốc. Câu chuyện Lisa Smiley, sinh ra tại Trung Quốc và hiện sống tại Mỹ kể đã kể về cha mẹ cô đã can đảm, gian nan và kiên vững để giữ lấy năm cô con gái và 1 con trai trong thập niên 80. Khi Trung Quốc tuyên bố thay đổi chính sách cho phép sinh hai con đã là niềm vui cho biết bao gia đình, nhưng cũng là lúc nhìn lại từ chính sách hà khắc này trong vòng 4 thập kỷ theo Bộ Y tế Trung Quốc ước tính, có hơn 330 triệu bào thai đã bị phá bỏ khi chính sách này được thiết lập vào năm 1980. Thật khủng khiếp.
http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/cuoc-tron-chay-cua-gia-dinh-5-con-khoi-che-do-mot-con-trung-quoc-3326818.html

Dân chúngg hỏi ông Gioan: "chúng tôi phải làm gì?". Khi đặt câu hỏi như vậy, người hỏi đang đứng trước sự lựa chọn, không biết chọn gì bỏ gì? "Phải làm gì?" phải chăng cũng chính là câu hỏi mà ba mẹ cô Lisa Smiley khi biết mình mang thai thêm những đứa trẻ sinh ra không hợp pháp. Họ đã chọn đúng, và họ đã chọn trong sự hi sinh và can đảm.

Lời mời gọi của Gioan dành cho từng nhóm người, đối với người dân bình thường: "Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy". Đối với người thu thuế thì ông căn dặn: "Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi". Đối với quân nhân thì ông lại khuyên "Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình".


Trong Sách Lê-vi còn viết ra luật lệ giúp mọi người cần có thái độ tốt trong tương quan xã hội: “Ngươi không được bóc lột người đồng loại, không được cướp của; tiền công người làm thuê, ngươi không được giữ lại qua đêm cho đến sáng. Ngươi không được rủa người điếc, đặt chướng ngại cho người mù vấp chân, nhưng phải kính sợ Thiên Chúa của ngươi, Ta là Đức Chúa. Các ngươi không được làm điều bất công khi xét xử: không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho người đồng bào. Ngươi không được vu khống những người trong dòng họ, không được ra toà đòi người đồng loại phải chết. Ta là Đức Chúa. Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa”. (Lv 19, 13-18).

Suy niệm lời Chúa trong "MISERICORDIÆ VULTUS - DUNG MẠO LÒNG THƯƠNG XÓT, Tông Sắc mở Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, để tôi cần phải thay đổi cách sống, lối suy nghĩ sao cho phù hợp với lời mời gọi của Đức Thánh Cha số 15 "Ước muốn tha thiết của tôi trong Năm Thánh này là, đoàn dân Kitô hữu sẽ quan tâm đến những hành vi của lòng thương xót, về phần xác cũng như phần hồn. Đây chính là cách thế để thức tỉnh lương tâm chúng ta, thường vẫn ngủ yên trước thảm hoạ nghèo khổ, và ngày càng đi sâu hơn vào trái tim của Tin Mừng, nơi những người nghèo được hưởng ưu quyền đặc biệt nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết các hành vi thương xót đó, để chúng ta biết mình có sống đúng là môn đệ của Người không. Chúng ta hãy tái khám phá những hành vi thương xót, chẳng hạn Thương xác bảy mối, đó là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên Thương linh hồn bảy mối, đó là lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết."

Cầu nguyện cho những người có trách nhiệm trong đất nước biết quan tâm lo lắng cho người dân, trong gia đình cha mẹ con cái biết hi sinh thời giờ cho nhau biết chia sẻ những gì mình có cho người khác. Xin cho các thành viên trong gia đính các giáo xứ biết nâng đỡ nhau sống Đức tin và quan tâm đến những người nghèo khổ.

Xin cho con mỗi ngày đặt câu hỏi với Chúa, thứa Chúa con phải làm gì trong ngày hôm nay? và lắng nghe lời Chúa dạy qua tất cả những biến cố xảy ra trên thế giới, trong xã hội, môi trường và trong chính những người nghèo về tinh thần lẫn vất chất để con biết tiết kiệm chi tiêu trong ngày mà giúp đỡ những ai cần đến con.
 
 
Chúa Nhật III Mùa Vọng - Năm C
Lời Chúa: 
Lc 3,10-18
Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: "Vậy chúng tôi phải làm gì?" Ông trả lời: "Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy". Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?" Gioan đáp: "Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi". Các quân nhân cũng hỏi: "Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?" Ông đáp: "Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình". Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: "Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?" Gioan trả lời cho mọi người rằng: "Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, - tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, - chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!" Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015



"Thương người như thể thương thân" câu ca dao Việt Nam dạy về đạo lý làm người, mang tính nhân văn và lòng nhân ái như là một ngọn lửa thắp lên giữa bóng đêm cuộc đời, tỏa sáng niềm tin và nét đẹp của mỗi người mỗi gia đình và toàn thể địa cầu. Thế nhưng ngày nay, nét đẹp ấy đang từ từ nhường chỗ cho sự "vô cảm" "vô tâm" sống chủ nghĩa cá nhân "đèn nhà ai nấy rạng".

Trong cơn lốc toàn cầu hóa, công nghệ thông tin phát triển đến chóng mặt, làm tan hoang biết bao gia đình, biết bao tâm hồn trẻ thơ. Trơ lì cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ, "máu lạnh" với những hiện tượng đời sống xung quanh. đẹp cũng không biết khen, thấy điều xấu cũng chẳng dám lên án.

Người ta có thể thản nhiên đứng nhìn cảnh một kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu; một vụ nữ sinh lột áo, giật tóc, đánh hội đồng; một vụ làm nhục người khác… như xem một màn kịch, lấy điện thoại ra quay rồi tung lên mạng. Người ta coi như không nhìn thấy kẻ gian móc túi trên xe buýt mặc dù việc đó xảy ra sờ sờ trước mắt. Từ những chuyện tranh cãi hay xô xát lặt vặt nhưng không ai lên tiếng can ngăn và thế là dẫn tới án mạng. Hình ảnh đẹp của một nhóm người khiêng một người bất toại đến gặp Chúa Giêsu để xin chữa lành cho anh ta, thế nhưng vì đam người quá đông nên nhóm người này đã có một sáng kiến khá độc đáo, họ đã trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử toạ trước mặt Chúa Giêsu. Trước lòng tin của họ, Chúa Giê su đã chữa bệnh nhân.

Tôi cứ gẫm đi gẫm lại hình ảnh của bước tranh tình người mà Thánh Luca đã trình bày rất hấp dẫn. Tôi thầm cầu nguyện cho con người ngày nay biết sống cho nhau, vì nhau hơn là cho mình vì mình. Biết rời cái Ipad, Iphone, vi tính... để có thể trao đổi lắng nghe, và diện đối diện để hiểu nhau, yêu mến nhau và cảm thông hơn. Xin cho các bệnh nhân được nhiều người biết quan tâm giúp đỡ để họ vơi bớt đi nỗi đau của thể xác. Xin cho người nghèo được quan tâm giúp đỡ. Xin cho các cụ ông cụ bà được con cái cháu chắc chăm non, giúp đỡ tuổi gia.


Con xin dâng Chúa thế giới này trong lòng thương xót của Chúa


.
Thứ Hai tuần II Mùa Vọng - Ngày 07/12: Thánh Ambrôxiô
Lời Chúa: 
 Lc 5,17-26
17 Ngày ấy, Chúa Giêsu đang ngồi giảng, có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật từ các làng mạc xứ Galilêa, xứ Giuđêa và Giêrusalem đến nghe Người, và Người dùng quyền lực của Thiên Chúa chữa nhiều người. 18 Người ta khiêng một người bất toại đến, họ tìm cách vào nhà để đặt người bất toại trước mặt Người. 19 Nhưng không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông, . 20 Thấy lòng tin của họ, Người nói: "Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!"
21 Các luật sĩ và biệt phái bắt đầu lý luận rằng: "Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?" 22 Chúa Giêsu biết rõ điều họ suy tính, liền nói với họ: "Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? 23 Nói rằng: 'Các tội của ngươi đã được tha', hay nói: 'Ngươi hãy đứng dậy mà đi', đàng nào dễ hơn? 24Song (như thế là) để các ngươi biết Con Người có quyền tha tội ở dưới đất". Người nói với người bất toại rằng: "Ta bảo ngươi, hãy chỗi dậy vác giường về nhà". 25 Tức thì anh ta chỗi dậy vác giường đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa. 26 Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa; họ kinh sợ và nói: "Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng".

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Khi màn đêm buông xuống, mọi người bước vào giấc ngủ êm đềm thì tiếng chổi của các công nhân quét đường vang lên rõ nét hơn. Những con người - âm thầm trong đêm - quét đi những chiếc lá rơi, lẫn với những thứ người ta không dùng quẳng ra đường: nào là bao ni lông, nào là giấy gói ổ bánh mì, chai nước. Ngay cả những thứ bẩn nhất trên đời người ta cũng quẳng công khai ra đường.
Những buổi tối, sau những lớp học từ Trung tâm mục vụ về nhà dòng, quan sát những người công nhân cặm cụi với cái chổi dài ngoẵng, tôi thầm nghĩ: giá như người ta ý thức hơn khi ngồi ăn uống dọc lề đường, biết bỏ rác vào thùng rác thì sẽ không chất thêm gánh nặng cho người khác, và sẽ bớt làm ô nhiễm môi trường.
Những khẩu hiệu “Cấm xả rác, vứt rác bừa bãi” nơi đâu cũng thấy nhan nhản, những biển báo cấm đổ rác mọc lên như nấm, nhưng có mấy ai thèm để tâm? Tiện đâu vứt đấy là thói quen của một số người.
Có lần tôi chạy xe dừng ở đèn xanh đen đỏ ở ngã tư đường Cánh Mạng Tháng Tám với Nguyễn Thị Minh Khai, bất chợt một hộp sữa văng ngay chân tôi. Quay sang nhìn thì ra một em học sinh, ngồi trên xe sau lưng bố, uống xong quăng thẳng xuống đường!
Bài “Rác Ý thức trong thói quen người Việt” trên VnExpress kể lại:
Học sinh, sinh viên đi học sớm, cầm theo gói xôi, gói bánh ăn xong quẳng luôn vào gốc cây, không một chút áy náy. Các quán vỉa hè lúc nào cũng tràn ngập rác: họ ăn xong ném luôn giấy bẩn, vỏ chanh xuống đất, và cứ như thế, họ ngồi ăn trên đống rác của nhau cùng lũ giòi bọ, ruồi muỗi vo ve xung quanh.
Họ bước ra khỏi công viên, để lại đống thức ăn thừa trên ghế đá và cười cợt những ánh mắt khó chịu của các bác công nhân về sinh. Họ ném rác qua cửa sổ xe buýt một cách táo tợn mà không thèm để ý người đứng dưới. Họ vùi vỏ dưa hấu xuống cát và cùng nhau hò hét, mỗi khi sóng đánh cuốn trôi từng vỏ dưa xuống biển.
Họ thải nước ô nhiễm xuống dòng sông vốn hiền hòa và vô tâm biến dòng nước ấy thành một dòng song đen ngòm, bốc mùi, không ai dám tới gần và họ đặt cho “nó” cái tên “dòng sông chết”.
Và đổi lại, họ được gì? Họ chẳng được gì ngoài ánh mắt khinh thường của mọi người xung quanh. Họ mất gì? Họ mất cơ hội được sống trong một môi trường trong sạch, họ mất đi cơ hội chiêm ngưỡng những tài nguyên họ đã vô tình phá hoại, mất cơ hội đắm mình trong dòng song dịu hiền của quê hương… Nhưng đâu phải chỉ có họ chịu những mất mát đó, những người xung quanh cũng mất đi những thứ ấy và thậm chí tất cả các thế hệ sau này đều không được hưởng.

Thông điệp Laudato Si’ cho thấy thực trạng của sự ô nhiễm do rác:
"Cũng cần nhìn vào sự ô nhiễm do rác thải gây nên, gồm cả các chất cặn bã nguy hiểm trong những lãnh vực khác nhau. Mỗi năm có hằng trăm triệu tấn rác thải được tung ra, mà phần đông không phải do rác sinh học: rác thải trong gia đình và chợ búa, rác thải do xây dựng, do bệnh viện, điện khí, kỹ nghệ, nhất là những rác thải độc hại và phóng xạ. Ngôi nhà trái đất của chúng ta ngày càng trở nên một bãi rác khổng lồ. Trong nhiều vùng trên trái đất, những người già thường nhớ đến những cách đồng thuở xưa, nay thì tràn đầy rác rưởi. Rác thải công nghiệp do những sản phẩm hóa chất được sử dụng trong làng mạc hay nơi đồng áng có thể gây nên hậu quả gia tăng chất hóa học trong cơ thể của người dân chung quanh, cũng như đưa đến những yếu tố độc hại cho những nơi thấp hơn. Thông thường chẳng có phươpng thế nào được áp dụng cho đến khi sức khỏe của người dân đã bị ảnh hưởng không còn cứu vãn được nữa" (Thông điệp Laudato Si’ số 21).
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng: "Hãy dọn đường Chúa”, tôi nghĩ đến con đường mà người công nhân quét rác phải dọn cho sạch, con đường của môi trường mà tôi phải bảo vệ giữ gìn, và con đường tâm linh lười biếng "đụng đâu vứt đấy" tôi phải uốn cho ngay.
Lạy Chúa, trong mùa Vọng, con cầu xin cho con và mọi người biết ý thức bảo vệ môi trường sống bằng chính việc dọn con đường tâm hồn sao cho ngay thẳng, biết thay đổi cách sống để mọi người được hít thở không khí trong lành.

Chúa Nhật II Mùa Vọng - Năm C

Lời Chúa: 
 Lc 3,1-6
1 Ðời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; 2 Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa. 3 Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, 4 như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: "Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, 5 hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. 6Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015


Cuối tuần, tôi xem lại một số bài viết và hình ảnh đẹp đong đầy tình người trong cuộc sống. Xem lại clip cô giáo cắt tóc cho một học sinh nam, tôi rất thích clip này: hình ảnh tình thầy trò quá đẹp! Nếu chỉ xem thoáng qua, dễ vội vàng kết án hành động của cô giáo vì có lẽ cô giáo đang phạt và "xử tội" cậu học trò không chịu cắt tóc. Nhưng không, cô trò rất vui vẻ: cô cắt tóc rất cẩn thận và khá chuyên nghiệp khi cầm kéo xử lý từng sợi tóc; còn trò thì vui vẻ chơi với tà áo dài của cô, có lúc lại đưa tà áo hứng tóc rơi xuống.
Theo báo Tuổi trẻ: video được quay tại lớp 12A6 trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.11, TP.HCM) vào ngày 25-11, nhưng đến hôm qua 1-12, khi được chia sẻ, mạng mới bắt đầu được chú ý.
http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20151202/clip-co-giao-cat-toc-nam-si...
Cô Nhi chia sẻ khi clip đưa lên mạng: "Hôm ấy, tóc bạn lớp trưởng dài quá đâm mắt nên nhờ cô cắt tóc giúp trong giờ ra chơi. Nhiều học trò cũng từng nhờ cô hớt tóc giúp. Vì cô từng học hớt tóc tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM.
Cô Tú Nhi tâm sự, "Mấy ngày nay, có em đang học ở tận Singapore, Hàn Quốc và Mỹ gọi về hỏi thăm cô hiện tại thế nào, có bị nhà trường làm việc về vụ này không, khiến cô rất xúc động."
Phải có trái tim tràn đầy yêu thương của người thầy, người mẹ và người bạn, cô Nhi mới được học trò dù đã rời mái trương nơi cô dạy nhưng vẫn quan tâm lo lắng cho cô. Phải có trái tim thương cảm, cô Nhi mới chăm sóc cho học sinh không phải chỉ bằng kiến thức mà bằng chính hành động, chính đôi tay của người thầy.
Lòng thương cảm phải xuất phát từ trái tim, từ lời nói, từ ánh mắt đến bàn tay và cả đôi chân. Muốn được vậy, tôi nghĩ phải tự rèn luyện thường xuyên và phải thấm nhuần lời Chúa rồi mới có thể cho đi trong vui tươi,
Hình ảnh Chúa Giêsu chặnh lòng thương: "Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn" khiến cho tôi cảm nhận được trái tim đầy lòng thương xót của Chúa, trái tim thổn thức khi thấy dân chúng bơ vơ. Chúa sai các môn đệ: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa". Và Người triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền."
“HÃY CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA – MISERICORDES SICUT PATER” là châm ngôn của năm nay. Châm ngôn này được trích từ trong Phúc Âm của thánh Lu-ca (x.Lc 6,36), và đó là lời mời gọi của Chúa Giê-su dành cho các môn đệ và muôn người, trong đó có mỗi người chúng ta. Châm ngôn này cũng tương hợp với Mối Phúc về lòng thương xót mà Chúa Giê-su mời gọi trong Tám Mối Phúc Thật.
Lạy Chúa trong ngày cuối tuần thứ nhất mùa Vọng, con dâng lên Chúa lời tạ ơn vì tình thương của Chúa đã bao phủ trên cho nhân loại, cho từng người, dẫu cho vẫn còn đâu đó tiếng súng, tiếng bom đạn và tiếng người bất hạnh đang kêu khóc, đang đau đớn vì người thân bị giết. Nhưng vẫn có những con người tỏ lòng yêu thương qua hành động sẻ chia của họ. Xin cho  con và mọi người biết mở rộng đôi tay đón nhận anh chị em trong tình thương.

Thứ Bảy tuần I Mùa Vọng
Lời Chúa: 
 Mt 9,35–10,1.6-8
9 35 Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. 36Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, 37 Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. 38 Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa". 10 1 Và Người triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. 6 Người bảo: "Các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, 7 và rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. 8 Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Năm 2015, cả nước có gần 19 triệu gia đình trong tổng số hơn 22 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa, trong khi đó, tình trạng bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, xuống cấp về đạo đức gia đình, xã hội và các giá trị văn hóa gia đình truyền thống có nguy cơ mai một…

Như những gì thực tế của bài viết đề cập thì phải nói có khi 'Gia đình Văn hóa" mà lại không văn hóa" khi thành viên trong gia đình có những hành vi vô văn hóa: xả rác, mở nhạc lớn tiếng, chồng vợ con cái chưởi nhau. Như bạn Ngọc Tú cũng nêu: “Ấp văn hóa làm gì khi mà thanh niên đánh bài, đá gà, chửi tục om sòm, rồi nhậu nhẹt bê tha”.( xem thêm các bài: Gia đình văn hóa càng nhiều, văn hóa... càng xuống cấp).

Phải chăng đó là căn bệnh mù do phát xuất từ căn bệnh“Danh hiệu sáo rỗng”, “bệnh báo cáo”, “bệnh hình thức”, “bệnh thành tích”… là những từ mà bạn đọc Tuổi Trẻ nói về danh hiệu gia đình văn hóa được đăng trên báo tuổi trẻ ngày 3-12-2015.

"Chẳng hạn như gần đây, có người thống kê được hơn 10 loại hình ảnh nữ sinh đánh nhau. Theo Phó thủ tướng, “nói là toàn dân đoàn kết thì đúng rồi”, nhưng tại sao văn hóa xã hội lại rất có vấn đề như vậy, vệ sinh an toàn thực phẩm là một ví dụ, sản xuất và buôn bán các loại thực phẩm nguy hại cho sức khỏe đồng loại đến mức bất chấp đạo lý.

...Ví dụ năm nay quyết tâm làm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được không? Ở nông thôn ai trồng rau sạch, rau bẩn thì chẳng lẽ các tổ chức hội nông dân, phụ nữ, chính quyền, bí thư xã không biết? Đã đến lúc nên tìm ra vài việc cụ thể và làm đến nơi đến chốn." (Tuoitre.vn)

Phải nhận ra bị mù mới có thể cứu chữa được, như hai ngươi mù trong bài tin mừng họ đã chạy theo kêu cầu Chúa cứu chữa họ, không hiểu sao hai anh mù mà lại dắt nhau chạy đến Chúa, nghe thật lạ. Theo tôi hai anh mù này biết được cái khổ sống trong tăm tối, hai anh cũng phải lắng nghe người ta nói nhiều về "Con Vua Đavít" có khả năng cứu anh khỏi bóng tối. Tuy nhiên Chúa không dễ dàng để ban ơn cứu chữa cho hai anh ngay, Chúa để cho hai anh theo Chúa tới nhà và hỏi "Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?" Họ thưa: "Lạy Thầy, có". Bấy giờ Chúa sờ vào mắt họ và phán: "Các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy". Điều tuyết đẹp ở chỗ này "Mắt họ liền mở ra".


Xin Chúa chữa lành bệnh mù mắt cho những người vì ích lợi cá nhân, vì đồng tiền mà sản xuất ra những thực phẩm độc hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Xin cho con người biết sống thật với con mắt chân chính, trong sáng để không bị các danh hiệu, thành tích che phủ con ngươi không cho họ nhận ra đâu là ánh sáng của Chân Thiện Mỹ.
Lời Chúa: 
 Mt 9,27-31
27 Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai người mù chạy theo Chúa và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi Con vua Ðavít, xin thương chúng tôi". 28 Khi Chúa tới nhà, những người mù tiến lại gần Chúa. Chúa Giêsu phán bảo họ: "Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?" Họ thưa: "Lạy Thầy, có". 29 Bấy giờ Chúa sờ vào mắt họ và phán: "Các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy". 30 Mắt họ liền mở ra, nhưng Chúa Giêsu truyền cho họ rằng: "Coi chừng, đừng cho ai biết". 31 Nhưng vừa ra đi, họ liền đồn tiếng Người trong khắp miền ấy.
http://tgpsaigon.net/suy-niem/20151203/32990

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015


Báo Tuổi Trẻ ngày 2-12-2015 cho biết: cơ quan chức năng của Bộ Công An đã có thông báo kết quả điều tra về trang facebook mạo danh thành viên tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) để đe doạ, kích động khủng bố. Cả 3 người được xác định đều là học sinh và ở độ tuổi 13, 14 tuổi.
Khi đọc đến đây, tôi cảm thấy lo ngại nhiều cho các em. Các em còn quá nhỏ để hiểu ra việc các em làm nguy hại đến bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội như thế nào. Chuyện dại dột của các em thì mọi người đã biết rồi, không cần bàn đến. Đọc các bình luận dưới bản tin thì thấy hầu hết đều lên án 3 em này. Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng cần nhìn lại việc quản lý của cha mẹ và những người có trách nhiệm trên các em. Không thể cấm các em xử dụng mạng xã hội, nhất là Facebook vì đó là môi trường để các em tiếp cận với thế giới, học hỏi, giao lưu. Điều cần làm đó là hướng dẫn, kiểm tra và đồng hành với các em để giúp các em biết chọn lựa tốt xấu, đúng sai, cái gì nên bỏ qua, điều gì nên like, hình ảnh nào nên đưa lên, hình ảnh nào không nên đăng.
Làm công tác truyền thông trong Giáo phận, tôi đã được học, được thực tập và sau đó, hướng dẫn các học viên cách dùng mạng xã hội để loan báo Tin Mừng. Và khi phụ trách giáo lý tại giáo xứ Giuse Thợ, tôi cũng đề nghị các em huynh trưởng TNTT tạo tài khoản Facebook để mỗi ngày đưa lên một câu Lời Chúa và chia sẻ một ít tư tưởng liên quan giữa cuộc sống và Lời Chúa, đưa những hình ảnh thật đẹp về các hoạt động của xứ đoàn cho thế giới mạng nhận ra gương mặt Chúa Giêsu đang đồng hành với các em. Các em đã làm việc này rất tốt và khá đều đặn.
Trên Facebook, tôi kết bạn với các em từ lớp Rước Lễ đến lớp Sống Đạo và cả các Huynh trưởng TNTT để quan tâm và hướng dẫn các em hoạt động tốt trên thế ảo (ảo, nhưng lại rất thật, rất sống động…). Tôi chia sẻ, bình luận và nhắc nhở các em. Tôi cảm thấy mình cũng phần nào thành công trong việc này khi thấy các em xóa dần những câu nói "bẩn", những hình ảnh không đẹp, giúp các em ý thức hơn để tránh "nghiện Facebook" mà bỏ học, sống khép kín, thụ động trong gia đình, trường học…
Ngày lễ Thánh Phanxicô Xaviê, tôi suy nghĩ đến Lời Chúa “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không Tin, sẽ bị luận phạt." Hôm nay lệnh truyền đó đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Giáo Hội: “Hãy đi ra khỏi chính mình” để thực hiện việc loan báo Tin Mừng cho thế giới ... Các bạn trẻ thân mến, các con đừng nên sợ hãi trong việc đi ra khỏi chính con người của các con để thực hiện cuộc lên đường! Tin Mừng chính là Lời giải phóng, sẽ biến đổi và làm cho đời sống của các con trở nên tốt đẹp hơn!”
Tôi ra khỏi chính mình hằng ngày khi tôi ra khỏi cái ươn lười thụ động của mình để hăng hái chu toàn trách nhiệm được giao, đồng thời tránh gây ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình, cộng đoàn và những người khác. Tôi ra khỏi chính mình khi tôi biết tha thứ, yêu thương cảm thông với người đau yếu về tinh thần cũng như thể xác. Tôi ra khỏi chính mình khi tôi biết dùng mạng xã hội để chia sẻ Lời Chúa, và gửi những lời yêu thương đến mọi người ở thế giới mạng như lời mời gọi của sứ điệp Ngày Thế giới Truyền Thông xã hội lần thứ 47: “Mạng xã hội, cửa vào Sự thật và Đức tin, những không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng.”
Xin Chúa cho các thanh thiếu niên ngày nay được sự quan tâm, yêu thương dạy bảo của gia đình và trường học. Xin cho các em ý thức việc mình làm. Đặc biệt xin cho các bạn trẻ công giáo biết sẵn sàng lên đường, ra khỏi chính mình, ra khỏi những tiện nghị vật chất để dấn thân xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương. 
“Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha: Mình và Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Con rất yêu dấu Cha, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới”.
Thứ Năm tuần I Mùa Vọng - Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục - Bổn mạng các vùng miền truyền giáo
Lời Chúa:
Mc 16,15-20
15 Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo. 16 Ai tin và chịu phép Rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không Tin, sẽ bị luận phạt. 17 Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thày, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, 18 cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”. 19 Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.
“Max con, cha mẹ yêu thương con và cảm thấy có trách nhiệm rất lớn trong việc tạo ra một thế giới tốt lành hơn cho con và tất cả trẻ em. Cha mẹ ước mong con có một cuộc sống tràn ngập tình yêu, hi vọng và niềm vui giống như những gì con đã đem lại cho chúng ta. Cha mẹ nóng lòng chờ đợi những điều con sẽ mang lại cho thế giới này” vợ chồng Mark Zuckerburg, ông chủ Facebook đã viết cho con gái khi bé Max vừa chào đời.

Theo AFP, ông chủ Facebook sẽ cho đi tới 99% tài sản tại Facebook, vợ chồng Mark Zuckerburg mong muốn giúp thế giới trở thành “nơi tốt đẹp hơn” cho con gái họ là Max và những trẻ em khác. Sự kiện này đã được hàng trăm ngàn người chia sẻ trên Facebook này hôm nay.

Tôi cũng là người đang sử dụng Facebook với qua mạng xã hội này tôi muốn chuyển tải đến mọi người sứ điệp của lòng Chúa thương xót qua từng con người mà Chúa đã tạo dựng nên dẫu cho bóng tôi và ánh sáng vẫn đan xemnt rong cuộc sống. Và điều đó đã được ông chủ Facebook viết trong thư cho con gái yêu của mình "Mặc dù tin tức trên trang nhất các báo hôm nay đều nói về những điều tồi tệ, nhưng trên nhiều phương diện, thế giới đang trở nên tốt đẹp hơn. Y tế đang cải thiện. Nghèo đói đang giảm dần. Kiến thức ngày một gia tăng. Mọi người đang kết nối với nhau. Tiến bộ công nghệ trong mọi lĩnh vực cho thấy cuộc sống của con sẽ tốt hơn đáng kể so với cuộc sống của chúng ta hôm nay"
Cách đây hơn 2000 năm tại gần biển Galilêa Chúa Giêsu lên núi, dân chúng chúng lũ lượt kéo nhau đến với CHúa để được chữa lành, sau thời gian 3 ngày ở lại với Chúa, dân chúng đói, Chúa đã xót thương họ, cho họ ăn. "Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đàng".

Tôi lại nghĩ đến 1 đoạn trong lá thư của Mark Zuckerburg viết cho con gái: "Rất nhiều những cơ hội tuyệt vời nhất cho thế hệ con sẽ bắt đầu từ việc tạo điều kiện để mọi người được tiếp cận Internet.

Mọi người thường nghĩ về Internet chỉ như một công cụ dành cho giải trí và liên lạc. Nhưng với rất nhiều người trên thế giới, Internet có thể còn là một chiếc phao cứu sinh.

Nó mang lại giáo dục nếu con không sống gần một ngôi trường tử tế. Nó giúp con thông tin về cách phòng chống bệnh tật hay nuôi dưỡng con cái khỏe mạnh nếu con không sống gần một bác sĩ. Nó cung cấp các dịch vụ tài chính nếu con không sống gần một ngân hàng. Nó giúp con tiếp cận việc làm và các cơ hội nếu con không sống trong một nền kinh tế tốt.

Internet quan trọng đến nỗi cứ 10 người được tiếp cận Internet, lại có một người thoát khỏi đói nghèo và một công việc mới lại được tạo ra.

Dù vậy vẫn còn tới hơn một nửa dân số thế giới - hơn 4 tỉ người - chưa được tiếp cận Internet.

Nếu thế hệ chúng ta có thể kết nối họ, chúng ta sẽ giúp cho hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo khó. Chúng ta có thể giúp hàng trăm triệu đứa trẻ được học hành và cứu sống hàng trăm triệu sinh linh thông qua việc giúp mọi người phòng tránh bệnh tật." 
(trích Bức thư ông chủ facebook gửi con gái đầu lòng trên http://tuoitre.vn)
http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20151202/buc-thu-mark-zuckerberg-gui-con-gai-dau-long/1013386.html

Vâng phải chăng cuộc sống ngày hôm nay vẫn có rất nhiều người quan tâm đến anh chị em đồng loại khi họ sẵn sàng chia sẻ lương thực, vật chất, cho những người đang đau khổ, , khi họ chia sẻ cho nhau những mảnh đời bất hạnh. Những mẫu bánh vụn mà các tông đồ thu lại, phải chăng đó là những của cải tài nguyên dư thừa mà ta đang phung phí, trong khi những nơi khác lại khan hiếm lương thực, nước uống... tôi và bạn, chúng ta hãy làm gì trong mùa vọng này? hãy tiết kiệm trong chi tiêu, mua sắm để giúp cho một gia đình đang nghèo đói, hay một bệnh nhân không có tiền điều trị bệnh.
Khi suy niệm bài tin mừng hôm nay, tôi đọc đi đọc lại lời mời gọi của Đức Thánh cha Phanxicô trong TÔNG SẮC CÔNG BỐ NĂM THÁNH VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT: Misericordiae Vultus – Dung Nhan Lòng Thương Xót

"Trong Năm Thánh Này, chúng ta có thể có được kinh nghiệm như thế nào về việc chúng ta sẽ mở cõi lòng mình ra cho tất cả những ai đang sống tại những vùng rìa khác nhau của kiếp hiện sinh mà thế giới hiện tại tạo ra chúng, nhưng thường là trong những cách thức bi ai. Đang có biết bao nhiêu là những trạng huống hiểm nghèo, cũng như đang có biết bao nhiêu là những nỗi khổ đau trong thế giới chúng ta! Có biết bao nhiêu là những vết thương đang bị làm trầy xước nơi thân xác của rất nhiều con người mà họ không có được tiếng nói nữa, vì tiếng kêu của họ đã trở nên yếu ớt hay đã hoàn toàn bị ngưng bặt chỉ vì sự thờ ơ lãnh đạm của những dân tộc giầu có. Trong Năm Toàn Xá này, Giáo hội còn được mời gọi hơn nữa trong việc chữa trị những vết thương ấy, hầu xoa dịu những vết thương ấy bằng dầu ủi an, băng bó những vết thương ấy bằng Lòng Thương Xót, và chữa lành những vết thương ấy bằng tình liên đới và sự kính trọng có tính bổn phận. Chúng ta đừng sa vào thái độ thờ ơ lãnh đạm, tức thái độ hạ thấp nhân phẩm, đừng rơi vào trong thói quen đánh mất cảm xúc mà nó ngăn cản việc khám phá ra một cái gì đó mới mẻ, đừng rơi vào thói cay độc vì nó hủy hoại tất cả. Chúng ta hãy mở cặp mắt mình ra để nhìn thấy những nỗi khốn cùng của thế giới này, những vết thương của rất nhiều anh chị em mà họ đang bị cướp đi phẩm giá của họ. Chúng ta hãy cảm thấy mình đang bị thách đố trong việc lắng nghe tiếng kêu cứu của họ. Ước gì đôi tay của chúng ta có thể nắm lấy đôi tay của họ cũng như có thể kéo họ lại gần với chúng ta, hầu cho họ cảm nghiệm được hơi ấm từ sự hiện diện, từ tình bằng hữu, từ tình huynh đệ của chúng ta. Ước chi tiếng kêu của họ có thể trở thành tiếng kêu của chúng ta, và ước chi chúng ta có thể cùng nhau giật sập mọi hàng rào ngăn cách của tính thờ ơ lãnh đạm mà chúng ta ưa thích tự nguyện trao thân cho nó hầu che giấu thói giả hình và sự ích kỷ của chúng ta. Cha mong muốn một cách khẩn khoản rằng, trong năm Toàn Xá này, các Ki-tô hữu sẽ suy tư về các công việc của Lòng Thương Xót: Thương Người Có Mười Bốn Mối. Việc đó sẽ trở thành một hình thức nhằm đánh thức lương tâm của chúng ta, mà lương tâm ấy thường hay bị ngủ thiếp đi trước tấn bi kịch của sự nghèo túng, cũng như càng ngày càng tiến vào trong trung tâm của Tin Mừng, mà trong đó, người nghèo chính là những người được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa ưu ái hơn. Việc công bố Chúa Giê-su sẽ liệt kê ra cho chúng ta biết về những việc của Đức Xót Thương, để chúng ta có thể thẩm tra xem, liệu chúng ta có đang sống với tư cách là những người môn đệ của Ngài hay không. Chúng ta hãy tái khám phá ra những công việc của Lòng Thương Xót đối với thân xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, chôn xác kẻ chết, chuộc kẻ làm tôi. Và chúng ta cũng đừng quên những công việc của Lòng Thương Xót đối với linh hồn: lấy lời lành mà khuyên người, dậy dỗ kẻ mu muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết." (số 5)

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì vẫn còn đó những con người sống dấn thân cho người khác, cho thế giới bình yên, cho người nghèo, người bất hạnh. Xin cho chúng con biết ý thức sử dụng tài nguyên mà Chúa ban cho, làm cho môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.

“Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha: Mình và Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Con rất yêu dấu Cha, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới”.

Thứ Tư tuần I Mùa Vọng
Lời Chúa: 
 Mt 15,29-37
29 Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần biển Galilêa, và Người lên ngồi trên núi; 30 dân chúng lũ lượt đến cùng Người, đem theo kẻ câm, mù, què, liệt và nhiều người khác, và đặt họ dưới chân Người. Người đã chữa lành họ. 31 Dân chúng kinh ngạc nhìn thấy kẻ câm nói được, người què bước đi, người đui lại thấy, và họ tôn vinh Thiên Chúa Israel. 32 Còn Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ mà phán: "Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đàng". 33 Các môn đệ thưa Người: "Chúng con lấy đâu đủ bánh trong hoang địa này mà cho ngần ấy dân chúng ăn no?" 34 Chúa Giêsu nói với họ: "Các con có bao nhiêu chiếc bánh?" Họ thưa: "Có bảy chiếc, và ít con cá nhỏ". 35 Người truyền dân chúng ngồi xuống đất. 36 Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các môn đệ đem cho dân chúng.37 Tất cả đều ăn no, và mảnh vụn còn lại người ta thu lượm được bảy thúng đầy. Số người đã ăn lên tới bốn ngàn, không kẻ đàn bà con nít. Sau khi giải tán dân chúng, Người bước lên thuyền và đến địa phận Magađan.