Khi màn đêm buông xuống, mọi người bước vào giấc ngủ êm đềm thì tiếng chổi của các công nhân quét đường vang lên rõ nét hơn. Những con người - âm thầm trong đêm - quét đi những chiếc lá rơi, lẫn với những thứ người ta không dùng quẳng ra đường: nào là bao ni lông, nào là giấy gói ổ bánh mì, chai nước. Ngay cả những thứ bẩn nhất trên đời người ta cũng quẳng công khai ra đường.
Những buổi tối, sau những lớp học từ Trung tâm mục vụ về nhà dòng, quan sát những người công nhân cặm cụi với cái chổi dài ngoẵng, tôi thầm nghĩ: giá như người ta ý thức hơn khi ngồi ăn uống dọc lề đường, biết bỏ rác vào thùng rác thì sẽ không chất thêm gánh nặng cho người khác, và sẽ bớt làm ô nhiễm môi trường.
Những khẩu hiệu “Cấm xả rác, vứt rác bừa bãi” nơi đâu cũng thấy nhan nhản, những biển báo cấm đổ rác mọc lên như nấm, nhưng có mấy ai thèm để tâm? Tiện đâu vứt đấy là thói quen của một số người.
Có lần tôi chạy xe dừng ở đèn xanh đen đỏ ở ngã tư đường Cánh Mạng Tháng Tám với Nguyễn Thị Minh Khai, bất chợt một hộp sữa văng ngay chân tôi. Quay sang nhìn thì ra một em học sinh, ngồi trên xe sau lưng bố, uống xong quăng thẳng xuống đường!
Bài “Rác Ý thức trong thói quen người Việt” trên VnExpress kể lại:
Học sinh, sinh viên đi học sớm, cầm theo gói xôi, gói bánh ăn xong quẳng luôn vào gốc cây, không một chút áy náy. Các quán vỉa hè lúc nào cũng tràn ngập rác: họ ăn xong ném luôn giấy bẩn, vỏ chanh xuống đất, và cứ như thế, họ ngồi ăn trên đống rác của nhau cùng lũ giòi bọ, ruồi muỗi vo ve xung quanh.Họ bước ra khỏi công viên, để lại đống thức ăn thừa trên ghế đá và cười cợt những ánh mắt khó chịu của các bác công nhân về sinh. Họ ném rác qua cửa sổ xe buýt một cách táo tợn mà không thèm để ý người đứng dưới. Họ vùi vỏ dưa hấu xuống cát và cùng nhau hò hét, mỗi khi sóng đánh cuốn trôi từng vỏ dưa xuống biển.Họ thải nước ô nhiễm xuống dòng sông vốn hiền hòa và vô tâm biến dòng nước ấy thành một dòng song đen ngòm, bốc mùi, không ai dám tới gần và họ đặt cho “nó” cái tên “dòng sông chết”.Và đổi lại, họ được gì? Họ chẳng được gì ngoài ánh mắt khinh thường của mọi người xung quanh. Họ mất gì? Họ mất cơ hội được sống trong một môi trường trong sạch, họ mất đi cơ hội chiêm ngưỡng những tài nguyên họ đã vô tình phá hoại, mất cơ hội đắm mình trong dòng song dịu hiền của quê hương… Nhưng đâu phải chỉ có họ chịu những mất mát đó, những người xung quanh cũng mất đi những thứ ấy và thậm chí tất cả các thế hệ sau này đều không được hưởng.
Thông điệp Laudato Si’ cho thấy thực trạng của sự ô nhiễm do rác:
"Cũng cần nhìn vào sự ô nhiễm do rác thải gây nên, gồm cả các chất cặn bã nguy hiểm trong những lãnh vực khác nhau. Mỗi năm có hằng trăm triệu tấn rác thải được tung ra, mà phần đông không phải do rác sinh học: rác thải trong gia đình và chợ búa, rác thải do xây dựng, do bệnh viện, điện khí, kỹ nghệ, nhất là những rác thải độc hại và phóng xạ. Ngôi nhà trái đất của chúng ta ngày càng trở nên một bãi rác khổng lồ. Trong nhiều vùng trên trái đất, những người già thường nhớ đến những cách đồng thuở xưa, nay thì tràn đầy rác rưởi. Rác thải công nghiệp do những sản phẩm hóa chất được sử dụng trong làng mạc hay nơi đồng áng có thể gây nên hậu quả gia tăng chất hóa học trong cơ thể của người dân chung quanh, cũng như đưa đến những yếu tố độc hại cho những nơi thấp hơn. Thông thường chẳng có phươpng thế nào được áp dụng cho đến khi sức khỏe của người dân đã bị ảnh hưởng không còn cứu vãn được nữa" (Thông điệp Laudato Si’ số 21).
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng: "Hãy dọn đường Chúa”, tôi nghĩ đến con đường mà người công nhân quét rác phải dọn cho sạch, con đường của môi trường mà tôi phải bảo vệ giữ gìn, và con đường tâm linh lười biếng "đụng đâu vứt đấy" tôi phải uốn cho ngay.
Lạy Chúa, trong mùa Vọng, con cầu xin cho con và mọi người biết ý thức bảo vệ môi trường sống bằng chính việc dọn con đường tâm hồn sao cho ngay thẳng, biết thay đổi cách sống để mọi người được hít thở không khí trong lành.
Chúa Nhật II Mùa Vọng - Năm C
Lời Chúa:
Lc 3,1-6
1 Ðời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; 2 Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa. 3 Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, 4 như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: "Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, 5 hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. 6Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét