Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm C
(29/09/2013) - (Lc 16, 19-31)
Nguyên văn Bài Tin mừng:
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.’
Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.’ Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’.”
________________________________
Phân tích và chia sẻ:
Mở đầu Bài Tin mừng Kinh thánh viết: _______ Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
“Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng”
Như vậy Bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu muốn nói riêng với người Biệt phái (Pharisêu), có lẽ đây là nhóm Đức Giêsu chú ý nhiều nhất, vì nước Do Thái trong thời Đức Giêsu có nhiều nhóm tôn giáo và chính trị, nói chung các nhóm này dù không tốt đẹp cho lắm, nhưng ít ra họ không sống giả hình như nhóm Pharisêu, vì thế nhóm này luôn đựợc Ngài chú ý, Đức Giêsu muốn đánh mạnh vào thói giả hình của nhóm này vì đây là nguy cơ lớn nhất làm người ta xa cách Thiên Chúa.
Ta có thể thắc mắc: tại sao Ngài muốn nói với thành phần này mà không nói với dân chúng hay nói với các môn đệ? Để hiểu được điều này ta hãy trở về Bài Tin mừng của Chúa nhật tuần trước (Chúa nhật XXV Thường niên năm C – 22/09/2013)
Bài Tin mừng Chúa nhật XXV Thường niên năm C, (Lc 16, 1-13), có thuật lại rằng: Trên đường tiến về Giêrusalem chịu Khổ nạn, Đức Giêsu bắt đầu nói với môn đệ dụ ngôn đầu tiên, đó là Dụ ngôn về Người quản lý bất lương. Trong khi các môn đệ còn đang ngỡ ngàng, Đức Giêsu nói, con cái sự sáng nên khôn ngoan như người quản lý, biết dùng tiền của bất chính đời này để mua lấy Nước Trời, mua lấy tình huynh đệ, chuẩn bị cuộc sống mai sau cho mình sau khi chấm dứt cuộc đời trần thế.
Lẽ dĩ nhiên người Pharisêu cũng có mặt tại đó, họ nghe câu chuyện Đức Giêsu kể, và đã cười nhạo Ngài. Tiếp sau Dụ ngôn Người quản lý bất lương, Thánh sử Luca viết, “Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su. Người bảo họ: "Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.” (Luca 16, 14-15).
Đức Giêsu chỉ đích danh họ là những người vốn ham hố tiền bạc, thế mà họ cứ đóng kịch, cứ giả hình trước mặt người đời, nhưng họ không qua mặt được Thiên Chúa, vì Ngài thấu suốt lòng họ.
Ngày hôm nay, Chúa nhật XXVI Thường niên năm C, Đức Giêsu muốn với Nhóm Pharisêu một dụ ngôn, Dụ người Người phú hộ và Ladarô.
“Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no.”
Đây là cảnh mở màn của dụ ngôn, Đức Giêsu giới thiệu hai nhân vật: Ông phú hộ và Ladarô.
Người ta có thể thấy ngay điểm đặc biệt trong phần mở màn này, một nhân vật trong dụ ngôn có tên gọi hẳn hòi, đó là Ladarô.
Trong tất cả các dụ ngôn của Kinh thánh, các nhân vật trong dụ ngôn chỉ là nhân vật tượng trưng cho thông điệp Đức Giêsu muốn truyền đạt, và vì là tượng trưng nên nhân vật trong dụ ngôn không có tên gọi. Nhưng trong Dụ ngôn này, người nghèo khó có tên là Ladarô. Ta đừng lầm Ladarô này với Ladarô, em của Matta và Maria. Tại sao Đức Giêsu lại đặt tên cho anh ta là Ladarô? Trong tiếng Do Thái, El'azar có nghĩa là “Thiên Chúa - phù hộ”. Như vậy, khi đặt tên cho anh là Ladarô, Đức Giêsu muốn cho ta thấy Thiên Chúa luôn bênh vực người thấp hèn, người nghèo, người bị bỏ rơi.
Còn người phú hộ không có tên gọi, điều này Đức Giêsu muốn ám chỉ đến nhóm Pharisêu là những người ham hố tiền bạc, của cải vật chất, Ngài cũng muốn ám chỉ đến những ai đang sống vô cảm, lãnh đạm thờ ơ với người nghèo, chắc chắn trong đó có chúng ta hôm nay.
Ta phải chú ý kỹ trong đoạn mở màn, Đức Giêsu không hề nói Ladarô là người nhân đức, Ngài chỉ nói Ladarô là một người nghèo, mụn nhọn đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, chỉ thế thôi. Ta đừng suy diễn, sau này Ladarô được Thiên Chúa thưởng cho Nước Trời vì đã sống đạo đức. Và Đức Giêsu cũng không hề nói người phú hộ kia ác ôn, bóc lột người nghèo, là người đã đẩy Ladarô vào chỗ bần cùng. Ngài không nói gì hết mà chỉ mô tả “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”. Vậy phần mở màn mô tả điều gì?
Dụ ngôn trong Tin Mừng chỉ lưu ý chúng ta ở chỗ ông phú hộ đã không ngó ngàng gì tới “người nghèo khó nằm trước cổng nhà mình”, thế thôi. Ở đây chúng ta chứng kiến sự trái ngược trớ trêu của hai thế giới sát bên nhau. Một bên là thế giới cực kỳ xa hoa dư thừa, với viên phú hộ “mặc lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”. Bên kia là thế giới thiếu thốn đến thảm hại của người nghèo khó, “nằm trước cổng, mụn nhọt đầy mình”, “thèm được những thứ trên bàn ăn của viên phú hộ rơi xuống mà ăn cho no cũng chẳng được”; chỉ có mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.
“Nằm trước cổng ông nhà giàu”
Chính cái cổng này là vách ngăn hai thế giới, thế giới của những người giàu nhưng khép kín, họ chỉ sống bên này vách ngăn mà chưa lần nào vượt qua để sang thế giới của người nghèo. Còn bên kia cái cổng là gì? Thưa, đó là thế giới của người nghèo, của những con người đau khổ, bần cùng. Người nghèo này cũng chưa một lần vượt qua cái cổng để đến với người giàu, vì nếu anh có muốn cũng không ai chấp nhận, như vậy vì lòng tự trọng anh vẫn phải ở bên này cái cổng.
Nguyên nhân nào đã tạo ra cái cổng trong thế giới hôm nay? Xin thưa vì lòng ích kỷ và lòng tham của con người. Thiên Chúa không tạo ra cái cổng này nhưng do chính con người làm ra, vì Thiên Chúa luôn mong muốn mọi người sống trong hạnh phúc, no ấm. Ngài luôn nhắc đi nhắc lại rằng: Chúng ta chỉ là người quản lý chứ không phải chủ nhân ông trên tiền bạc, của cải Chúa giao cho. Là người quản lý, chúng ta hãy bắt chước người quản lý bất lương, dùng nó để mua tình bằng hữu, mua lấy Nước Trời. Thế mà người giàu có nhưng ích kỷ đã không nghe, do đó mới có cái cổng phân cách giàu nghèo trong thế giới hôm nay.
“Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.”
Người phú hộ không bao giờ vượt qua cái cổng nhà mình để đến với người nghèo, Ladarô cũng không bao giờ vượt cái cổng để vào bên trong, vậy cái gì sẽ vượt qua cái cổng? Thưa; đó là mấy con chó.
Dụ ngôn này quá chua xót, chỉ có con chó mới có khả năng vượt qua cái cổng này, còn con người thì bị dừng lại. Con chó nó không có trí khôn, nó không biết suy xét ai giàu ai nghèo, nó không biết cân nhắc, không biết tính toán nên nó mới có khả năng vượt qua cái cổng này dễ dàng, còn con người vì có trí khôn nên mới bị dừng lại bên này cổng. Ông phú hộ hãy mở to mắt ra mà nhìn vào con chó của ông, nó không giống ông và ông không bao giờ bằng nó, vì nó đi qua đi lại cái cổng này dễ dàng, trong khi ông không qua được.
“Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.”
Phần mở màn của dụ ngôn được kết thúc bằng cái chết của cả hai người. Hai người được đưa sang thế giới bên kia. Có gì thay đổi ở thế giới bên kia không? Chắc chắn phải có, Thánh sử Luca mô tả sự thay đổi bằng cuộc lật ngược tình thế.
Luca mô tả rất sâu sắc ở chỗ: Người nghèo (Ladarô) chết, được thiên thần đem vào lòng Abraham, tức ở trên thiên đàng, đó là sự đi lên, đi lên mãi cho tới đỉnh hạnh phúc. Còn ông nhà giàu chết thì bị đem chôn. Đem chôn, có nghĩa vùi ông xuống lòng đất, ý muốn nói, ông sẽ bị hạ sâu xuống, sâu nữa, sâu cho đến tận đáy âm phủ.
Nguyên nhân nào tạo lên cuộc lật ngược ngoạn mục này, anh nhà nghèo có làm gì phúc đức đâu mà được hưởng hạnh phúc? Còn ông phú hộ có làm gì độc ác đâu mà bị đày xuống đáy địa ngục? Đoạn Tin mừng tiếp theo sẽ giải đáp cho vấn đề trên.
_______________________________
Kinh thánh viết tiếp: ___________ Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.’
Phần giữa của Dụ ngôn, Đức Giêsu giới thiệu thêm một nhân vật, đó là Tổ phụ Abraham. Kinh thánh mô tả Abraham là cha của những người tin vào Thiên Chúa.
“Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta (ông phú hộ) ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ.”
Đức Giêsu dùng hình ảnh này không phải để nói về cuộc sống đời sau, ta không nên căn cứ vào đó để nói đời sau nó sẽ như vậy. Ở đây ta phải hiểu đó là biểu tượng mà Ngài muốn diễn tả các điều sau đây:
+ Hỏa ngục, Luyện ngục, Thiên đàng là những thực tại, có nghĩa chúng là những điều có thật chứ không phải tưởng tượng. Đó là niềm tin của người Công giáo chúng ta. Chỉ khi nào kết thúc cuộc đời, ta mới bước vào thực tại đó. Nhưng hiểu theo nghĩa sâu sa, không phải chỉ khi kết thúc cuộc đời này ta mới biết nó, nhưng ta đã được cảm nghiệm ngay cuộc đời này rồi. Khi ta sống trong yêu thương, tha thứ, bao dung, ta đã nếm được hạnh phúc Nước Trời, còn ngược lại cuộc sống của ta như hỏa ngục vậy.
+ Hỏa ngục là nơi dành cho những người khi sống ở đời này đã từ chối Thiên Chúa một cách quyết liệt, từ chối cho đến chết. Đó là nơi chỉ có khóc lóc và nghiến răng. Còn Thiên đàng là nơi dành cho những ai biết đón nhận Thiên Chúa và anh em mình khi còn sống ở đời này. Đó là nơi chỉ có hạnh phúc và hạnh phúc đó không bao giờ biết nhàm chán, vì hạnh phúc của họ chính là Thiên Chúa. Còn Luyện ngục cũng là nơi dành cho những ai biết đón nhận Thiên Chúa và anh em khi còn sống ở đời này, nhưng họ cần một thời gian để tinh luyện trước khi bước vào hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Ông phú hộ đã bị đày xuống âm phủ (hỏa ngục), còn Ladarô được đưa vào lòng Tổ phụ Abraham (Thiên đàng). Kinh thánh dùng từ “ở tận đàng xa” để mô tả có một khoảng cách giữa Thiên đàng và hỏa ngục. Vâng ở đây vẫn có một vách ngăn, vách ngăn này khốc liệt hơn nhiều so với cái cổng nhà ông phú hộ. Một khoảng cách thăm thẳm, ngăn cách vĩnh viễn giữa Thiên đàng và hỏa ngục. Khi còn sống, cái cổng của nhà ông mặc dù nó mong manh, nhưng đã không cho ông thấy Ladarô, còn bây giờ với khoảng cách thăm thẳm ông vẫn thấy Ladarô rõ ràng. Tại sao bây giờ ông mới thấy Ladarô? Vì bây giờ ông mới là người cần đến Ladarô để xin giúp đỡ. Giá lúc còn sống, ông biết nhìn đến Ladarô thì ông đâu chịu cảnh này, cũng chỉ vì ông quá vô tâm, quá lãnh đạm với người nghèo nên ông mới phải ở đây.
“Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”
Kinh thánh mô tả đôi nét về hỏa ngục, ông phú hộ bị lửa thiêu đốt vô cùng khổ sở. Người ta có thể nói gì về lửa trong hỏa ngục? Ta không biết phải nói gì nữa vì ta chưa cảm nghiệm về nó khi còn sống ở đời này, lửa đó như thế nào? Có giống lửa ở trần gian không? Xin thưa: KHÔNG. Các nhà đạo đức đã đưa ra một hình ảnh để so sánh giữa lửa trần gian và lửa hỏa ngục, lửa trần gian được ví như ngọn lửa vẽ trong tờ giấy, còn lửa hỏa ngục mới là lửa thật. Ai cũng biết lửa trần gian nó nóng như thế nào, thế mà chỉ coi như lửa vẽ trong tờ giấy còn lửa trong hỏa ngục mới là lửa thật. Một so sánh phiếm diện như vậy cũng cho ta thấy hỏa ngục khủng khiếp như thế nào.
Ông phú hộ xin Tổ phụ Abraham thương ông, sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con mát. Chỉ cần xin giọt nước nhỏ xuống cho mát thôi, một giọt nước có nghĩa gì, thế mà trong cảnh khốn cùng này đó là điều ông ao ước. Lúc còn sống ông đã uống bao nhiêu rượu, bao nhiêu bia, toàn bia rượu ngoại hảo hạng, uống rượu như uống nước, uống như suối, thế mà bây giờ lại đi xin một giọt nước, quá vô lý! Nếu ông đừng tiệc tùng linh đình bên cạnh nỗi khổ của người nghèo thì ông đâu phải chịu như vậy. Bây giờ đã trễ rồi, khi ngộ ra chân lý cuộc đời thì mọi sự đã kết thúc, không còn cơ hội nữa. Ladarô khi còn sống, ao ước được ăn những mảnh vụn dư thừa trên bàn tiệc, cũng không ai cho, thế mà bây giờ ông phú hộ lại đi xin mình một giọt nước. Thật không ngờ cuộc đảo ngược lại khốc liệt đến vậy.
“Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.
Chúng ta ghi nhận không phải Ladarô đã lập luận để trả lời cho ông nhà giàu, mà là Tổ phụ Abraham, tức Nguồn Mạch của Do Thái giáo. Rất hợp lý là cha của tất cả mọi con dân Israel giải thích cho hiểu vì sao Ladarô không thể giúp gì cho ông nhà giàu.
Abraham không nói: ông phú hộ phải đau khổ vì ông quá giàu, còn Ladarô được hạnh phúc vì quá nghèo. Giàu nghèo không phải là lý do đưa đến tình trạng này. Abraham muốn nhấn mạnh, khi người phú hộ còn sống, ông đã nhận biết bao phước lành, được biết bao tiền bạc và của cải, nhưng ông vô cùng dửng dưng, vô cảm trước nỗi thống khổ của người khác, cụ thể là Ladarô. Cho nên của cải, tiền bạc nó không theo ông vào đời sau, bây giờ ông sẽ không có gì hết. Còn Ladarô thì ngược lại, Như vậy, có một cuộc đảo ngược so với cuộc sống trên trần gian.
“Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.”
Tổ phụ Abraham cũng xác nhận có một vực thẳm ngăn cách vĩnh viễn giữa hai nơi. Vực thẳm này do Thiên Chúa dựng nên, ngay cả Abraham cũng chẳng làm gì được. Kinh thánh mô tả cuộc đối thoại này, làm cho người ta nghĩ rằng vẫn có sự liên lạc giữa hai bên, tức có vấn đề hiệp thông thì làm gì có sự ngăn cách vĩnh viễn. Sự thật không phải như vậy, khi Abraham xác nhận có một vực thẳm lớn đến nỗi bên này có sang bên kia cũng không được, người ta mới hiểu mọi sự đã được an bài, không thể làm gì được, chấm dứt mọi cuộc tranh luận. Còn cuộc nói chuyện chỉ là cách diễn tả tượng trưng để cho thấy hỏa ngục đau đớn như thế nào, người ta khao khát điều gì mà thôi.
_________________________________
Cuối cùng Kinh thánh viết: _______ Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.’ Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’.”
“Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’”
Khi ông nhà giàu thưa Abraham điều này, người ta nghĩ, ông nhà giàu vẫn quan tâm, vẫn yêu thương những người thân của mình, như vậy trong hỏa ngục vẫn còn tình yêu sao? Nếu hỏa ngục có tình yêu thì sao gọi là hỏa ngục, vì như ta biết: hỏa ngục là nơi chỉ có khóc lóc và nghiến răng, họ căm hờn chính mình và căm hờn Thiên Chúa đến tột cùng. Chỉ cần một chút tình yêu thôi, nó sẽ không còn là hỏa ngục nữa, nhưng ở đây Kinh thánh muốn dàn dựng cuộc đối thoại này để nhắm đến những điều to lớn. Đó là về số phậnn của những người còn sống.
“Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.”
“Môsê và các Ngôn sứ” là tên gọi bộ Kinh Thánh. Như thế, nếu muốn tránh lộ trình đưa đến số phận đau đớn thì hãy lắng nghe Lời Chúa. Từ đó, chúng ta hiểu rằng trong khi còn sống, ông nhà giàu đã không lắng nghe, tức không vâng theo “Môsê và các Ngôn sứ”, Lời Chúa, với luật căn bản là mến Chúa yêu người.
“Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. ’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’.”
Ông nhà giàu không phủ nhận tính đúng đắn của lời tổ phụ Abraham nói, chúng đã có Môsê và các Ngôn sứ, nhưng ông nghĩ rằng anh em ông sẽ vâng theo hơn, nếu có người, như Ladarô, từ cõi chết trở về truyền đạt sứ điệp Môsê. Chắc chắn Ladarô không thể hơn Môsê; giá trị của anh nằm ở chỗ, anh có thể làm chứng về thế giới âm phủ. Nhưng câu trả lời của tổ phụ Abraham là một lời bình luận về trái tim con người. Nếu người ta không muốn vâng nghe Môsê và các ngôn sứ, thì người từ cõi chết trở về cũng chẳng lay chuyển được lòng dạ của họ. Lời tổ phụ Abraham phân tích một con tim sống trong tội rất có giá trị: bài dụ ngôn nhắm điều này, nên đã kết thúc ở đây với nhận xét của tổ phụ Abraham. Thật khó mà đưa trái tim con người đến chỗ hoán cải! Sự hoán cải không phải dựa vào một cảm tính nhất thời, nhưng là công việc của ý chí và nghị lực, người ta phải có sự quyết tâm làm lại cuộc đời. Tình cảm luôn hời hợt và bất định, nó có thể thay đổi bất cứ lúc nào, còn lý trí, nghị lực đó là sự quyết tâm của con người.