Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Tôi thấy rất hữu ích khi đọc báo Quyền được lãng quên" của tác giả Lan Anh

“Quyền được lãng quên” trong thế giới ảo11/04/2013 16:51


Không thể phủ nhận internet có một bộ nhớ dường như vô tận. Nó có thể lưu lại thông tin từ năm này qua năm khác và thậm chí ngay cả sau khi mọi người đều đã quên chúng. Trong một số trường hợp, điều này có thể mang đến những bất ngờ thú vị như giúp bạn tìm lại những bức ảnh đã bị thất lạc từ lâu hay một đoạn tán gẫu nào đó với bạn bè từ thuở bé.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngày càng có nhiều người nhận ra rằng việc “nhớ lâu thù dai” của internet lắm lúc đã gây ra những hiểu nhầm tai hại không đáng có. Chính vì vậy, họ phải tìm cách đấu tranh để đòi lại “quyền được lãng quên” từ những kho dữ liệu cá nhân khổng lồ hiện nay, chẳng hạn như kho dữ liệu của Facebook hay Google.




Một minh chứng rõ ràng cho vấn đề này là trường hợp của một người đàn ông Tây Ban Nha có tên là Mario Costeja. Nếu gõ tên ông vào công cụ tìm kiếm Google, một trong những thứ đầu tiên bạn sẽ thấy là Costeja đã gặp phải một số rắc rối về tài chính vào những năm 1990 và buộc phải bán nhà để trả nợ. Câu chuyện này xảy ra từ hơn 20 năm trước. Costeja cho rằng giờ đây trong một thế giới mà tất cả mọi người đều có thể tìm kiếm thông tin về những người họ quan tâm trên Google thì những thông tin kiểu này rõ ràng sẽ gây bất lợi và làm tổn hại đến uy tín của ông.



"Một người bạn đã nói cho tôi biết điều đó. Trên thực tế tôi đã trả hết mọi khoản nợ nhưng lời xác nhận chính thức đăng trên báo La Vanguardia khi đó về điều này chỉ bất ngờ xuất hiện trên Google nhiều năm sau khi báo này số hóa các ấn bản của mình. Ðúng là trước kia tôi đã từng gặp khó khăn đến mức bị mất cả nhà nhưng liệu tôi có đáng bị mất cả uy tín sau này bởi thông tin tôi mắc nợ mãi mãi tồn tại trên internet?” Ông Costeja chia sẻ.

Cũng chính từ sự bức xúc này mà ông Costeja đã trở thành một trong những người tiên phong trong việc ủng hộ “quyền được lãng quên” và thậm chí còn đưa trường hợp của mình ra làm ví dụ tại Tòa án tối cao của Liên minh châu Âu ở Luxembourg. Một điều may mắn cho Costeja là ông không đơn thương độc mã trong cuộc hành trình đi đòi quyền lợi cho mình. Max Schrems – một cử nhân luật 25 tuổi người Áo – cũng đã gửi đơn kiện Facebook lên Văn phòng Ủy viên bảo vệ dữ liệu Ai-len (đơn vị điều hành các hoạt động của Facebook tại Châu Âu) với cáo buộc mạng xã hội này vẫn lưu trữ 1.200 trang dữ liệu cá nhân của anh mà phần lớn trong số đó đã được xóa đi từ lâu.




"Vụ kiện của tôi với Facebook có vẻ như đang được điều tra theo đúng hướng xong quá trình giải quyết vẫn rất chậm. Tuy nhiên thẳng thắn mà nói, chúng tôi đã đạt được những thành công bước đầu, chẳng hạn như chính sách riêng tư mới hay những thay đổi về việc lưu trữ dữ liệu của người dùng Facebook,” Schrems cho biết.



Những quy định mới của Liên minh châu Âu về quyền được lãng quên hiện đang được bảo vệ bởi Ủy viên châu Âu phụ trách Tư pháp Viviane Reding. Vị quan chức này cho biết trong thời gian tới nhiều khả năng những công ty từ chối tôn trọng các yêu cầu của khách hàng về việc xóa dữ liệu cá nhân sẽ phải đối mặt với những án phạt nghiêm trọng.

Kết quả một cuộc khảo sát gần đây do nhóm bảo vệ quyền riêng tư Big Brother Watch (Anh) thực hiện đã chỉ ra rằng 68% người Anh quan tâm đến quyền riêng tư trên mạng còn 22% tỏ ra đặc biệt quan tâm đến điều này.

Trở lại trường hợp của ông Costeja. Luật sư của ông cho biết, thân chủ mình đang đấu tranh đòi quyền xóa dữ liệu từ bất kỳ công ty nào đang lưu trữ dữ liệu cá nhân của mình. Vị luật sư này cũng cho rằng, Google có thể dễ dàng thêm một nút bấm giúp thông báo những hành vi từ chối cung cấp “quyền được lãng quên” trên Youtube. Tuy nhiên hãng tìm kiếm hàng đầu thế giới lại khẳng định họ đang hoạt động với mục đích bảo vệ quyền tự do ngôn luận và chống lại mọi sự kiểm duyệt. Bên cạnh đó Google chỉ là một nơi trung gian chứa những dữ liệu đã được công bố mà thôi. Theo đại diện hãng Google, “không nên ngăn cản mọi người tìm hiểu về một chính trị gia từng bị kết tội nhận hối lộ hay một bác sĩ bị buộc tội tắc trách.” Các công cụ tìm kiếm chỉ dẫn đến những thông tin đã được đăng tải trên mạng. Do đó chỉ có nơi đưa ra thông tin đầu tiên mới có quyền gỡ bỏ nội dung tin đó.

Với ý thức rõ ràng về quyền riêng tư, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người sử dụng internet tại Pháp lên tiếng đòi hỏi về “quyền được lãng quên” trên mạng. Hàng ngày, cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia nước này nhận được không ít yêu cầu xóa những thông tin cá nhân lỗi thời hay những bức ảnh không đúng sự thật trên các blog hay trang web. Cụ thể, trong số 6000 đơn thư khiếu nại mà cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu Pháp nhận được trong năm 2012 có tới 1000 khiếu nại liên quan đến “quyền được lãng quên” trên mạng. Như vậy là chỉ trong một năm, số yêu cầu được xóa bỏ thông tin sai lệch đã tăng lên tới 42%.

Những người phản đối quyền được lãng quên cho rằng, quyền này đi ngược với quyền tự do ngôn luận và nó có thể cho phép người ta che giấu đi những điều không hay về mình. Không chỉ có vậy, theo họ, chúng ta không thể xóa bỏ hoàn toàn những thứ đã được công bố công khai trên mạng.

Tuy nhiên, những người ủng hộ quyền được lãng quên lại không nghĩ như vậy. Họ cho rằng nếu không biết cách quên, chúng ta sẽ không biết được niềm hạnh phúc, không có tâm trạng vui vẻ, sự kỳ vọng và cũng không biết hiện tại là gì. Con người không ai tránh được sai lầm trong cuộc đời và trong khi ranh giới giữa sự quan tâm chia sẻ với sự soi mói, gièm pha rất mong manh thì việc chấp nhận cho người khác sửa sai là một chọn lựa mang tính nhân văn. Thêm vào đó nhìn từ phía cộng đồng, công nhận “quyền được lãng quên” ở một khía cạnh nào đó chính là đã giúp những người từng mắc sai lầm tìm lại niềm vui sống mà họ xứng đáng được hưởng.

Lan Anh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét