Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm A
(01/12/2013) - (Mt 24, 37-44)

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy.

Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.

Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.
___________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy”

Hôm nay là Chúa Nhật I Mùa Vọng năm A, ngày bắt đầu cho một năm Phụng vụ mới .

Nếu với thế giới, một năm bắt đầu bằng Mùa Xuân, thì với Giáo hội một năm bắt đầu bằng Mùa vọng. Nếu ngày đầu tiên của mùa Xuân người ta gọi là Tết, thì ngày đầu tiên của Mùa Vọng cũng sẽ là Tết của Giáo hội. Ngày Tết luôn là ngày đặc biệt, là ngày để ta nhìn về quá khứ, nhìn lại để nhận ra những gì thiếu sót, những gì khuyết điểm và những gì đã thành tựu, và vạch ra cho mình một kế hoạch, một chương trình, một hướng đi cho năm mới.

Nhưng ta tự hỏi Mùa Vọng là gì? “Vọng” được dịch từ tiếng latin “Adventus” (đến, sắp đến) hay dịch từ tiếng Hy lạp “Parousia” thông thường dùng để chỉ việc Chúa đến lần thứ hai. Người Kitô hữu tin rằng mùa Vọng nhắc nhở sự chờ đợi Đấng Cứu Thế sinh ra của Người Do Thái khi xưa, cũng như sự chờ đợi ngày Chúa trở lại trong vinh quang của người Kitô hữu hôm nay. Khi ta bước vào Mùa Vọng, cũng là lúc ta sống trong tâm tình Mùa Vọng, đó là luôn tỉnh thức đón chờ ngày Chúa Quang lâm, ngày Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang để xét xử toàn thể nhân loại. Ta phải tỉnh thức mới có thể nhận ra những dấu hiệu báo trước cho ngày Quang lâm này.

Muốn đón chờ ngày Chúa đến lần thứ hai tốt đẹp, thì ta phải biết đón Chúa đến với ta mỗi ngày và nhất là đón Chúa đến trong giây phút cuối cùng của đời mình. Đó là bài học mà Giáo hội muốn nhắc nhở ta khi bước vào Mùa Vọng hôm nay.

Câu Kinh thánh: “Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy” sẽ là câu mở đầu cho Phụng vụ Lời Chúa năm A.

Giáo hội muốn đưa con người đi suốt chiều dài lịch sử, khởi đầu là thời ông Nôê và kết thúc là ngày Quang lâm. Ta để ý cụm từ “cũng sẽ như vậy”, có nghĩa thời ông Nôê và ngày Con Người quang lâm có điều gì đó giống nhau, giống nhau đến mức mà Matthêu gọi là “cũng sẽ như vậy”. Giống nhau về tính Bất ngờ và Sự hủy diệt.

Ta không chắc mình sẽ sống đến ngày Con Người quang lâm, nên không thể biết ngày Cánh chung nó như thế nào. Còn đối với sự kiện xảy ra thời ông Nôê đã được Kinh thánh thuật lại. Như vậy Đức Giêsu muốn nói với ta, nếu muốn biết ngày Con Người quang lâm như thế nào thì hãy nhìn lại thời ông Nôê để từ đó rút ra cho mình bài học. Matthêu khẳng định điều đó khi dùng cụm từ “cũng sẽ như vậy”.

“Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu”.

Thời ông Nôê đã xảy ra trận hồng thủy tiêu diệt nhân loại, chỉ trừ gia đình ông và những con vật được ông mang theo lên tàu. Ta không biết con người thời đó đã làm gì sai trái để cho Đức Chúa phải nổi cơn thịnh nộ?

Trong sách Sáng Thế ký có viết: “Đức Chúa thấy rằng sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày. Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng.” (Stk 6, 5-6). Như vậy, cơn hồng thủy được trình bày như một hình phạt cái tội vô luân của con người thời bấy giờ.

Nhưng Matthêu ở đây chỉ nói: “Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu”. Rõ ràng Đức Giêsu ở đây không trách gì sự vô luân của họ, chuyện ăn uống, cưới vợ lấy chồng là chuyện rất bình thường, đó là niềm vui chính đáng của con người khi được Đức Chúa tạo dựng. Ngài không trách họ vì những chuyện đó vì nó không phải là cái gì ghê gớm, không phải là sự sa đọa.

Vậy người thời đó đáng trách ở chỗ nào mà phải bị hủy diệt?

“Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy”.

Ta để ý Matthêu dùng từ rất sâu sắc, cụm từ “không hay biết gì” đã nói lên cái nguyên nhân làm cho con người bị hủy diệt.

“Không hay biết gì”, có nghĩa họ không biết gì ngoài những gì họ đang sống, đang nghĩ, đang làm. “Không hay biết gì”, vì họ đã bị bịt mắt và cứ nghĩ rằng mình bất tử, mà không biết cuộc sống phải có ngày kết thúc, họ không biết có một Đức Chúa là Đấng dựng nên trời đất muôn vật, là Đấng mà họ phải phụng thờ. Và “Không hay biết gì”, khi họ chỉ biết mình, họ chính là thiên chúa cho mình. Như vậy, khi “không hay biết gì”, họ đã gạt Đức Chúa ra khỏi cuộc đời, để kéo theo chân, thiện, mỹ cũng bị loại ra khỏi con người của họ. Lúc này chỉ còn lại thú tính, họ chỉ còn biết suy nghĩ, tính toán nhằm thỏa mãn cái thú tính. Như vậy sách Sáng Thế Ký đã viết rất đúng: “Đức Chúa thấy rằng sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày.” (Stk 6, 5).

“Cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy”. Họ không hay biết gì cho đến khi nạn hồng thủy ấp tới cuốn đi tất cả, lúc ấy mới chợt tỉnh cơn mê nhưng đã trễ, không còn trở tay được nữa.

NẠN HỒNG THỦY THỰC CHẤT KHÔNG BẤT NGỜ, vì ngày nào người ta cũng thấy ông Nôê đóng tàu, cũng được ông cho biết ý định của Đức Chúa. Đâu phải khi Đức Chúa nói với ông, phải đóng một con tàu với kích thước như vậy, là đóng xong ngay, nó phải mất một thời gian rất lâu và Đức Chúa cũng không làm phép lạ con con tàu đó xuất hiện ngay lập tức. Nhưng vì họ chỉ biết sống hưởng thụ, đã làm họ “không hay biết gì”, cho đến lúc nạn hồng thủy xảy đến. Như vậy: Bất ngờ hay không bất ngờ đều do con người quyết định.

“Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy”. Vì là giống nhau nên Ngày Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang để phán xét toàn thể nhân loại, nó cũng không bất ngờ đối với người có sự chuẩn bị, nhưng thật bất ngờ đối với những ai “không hay biết gì”.

Chúng ta ngày hôm nay cũng đang vô tình sống lại thời ông Nôê, ta cũng chẳng biết gì ngoài những chuyện vụn vặt, chỉ biết những nhu cầu của mình, mà không hề hay biết có những người đói khổ chung quanh. Ta chẳng hay biết gì ngoài việc kiếm tiền, kiếm tiền bằng bất cứ thủ đoạn nào, để thỏa mãn cho thú tính của mình,... chẳng hay biết gì hết, cũng chẳng biết có Thiên Chúa nữa. Cho đến ngày Chúa gọi về chợt tỉnh ra thì đã trễ, như cơn đại hồng thủy âp đến trên nhân loại.

“Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy”

Đây là lần thứ hai Đức Giêsu khẳng định về tính giống nhau giữa thời ông Nôê và ngày Con Người quang lâm, vì “cũng sẽ như vậy”. Giống nhau về tính bất ngờ.

Satan hôm nay không còn cám dỗ con người bằng luận điệu: “Không có Thiên Chúa”. Nó thừa biết, khi nói “không có Thiên Chúa” với con người thời nay thì chẳng ai tin, vì con người đã nhận thức “phải có Thiên Chúa” mới có thể giải thích tất cả các sự kiện, các biến cố. Satan sẽ dùng chiêu thức khác có thể đánh gục con người dễ dàng, đó là, nó sẽ nói trong tâm trí con người rằng: “Còn lâu lắm, cứ từ từ không gì phải vội”. Vâng quả đúng là chiêu thức lợi hại, vì chính con người cũng nghĩ như vậy. Làm sao có thể nghĩ một người đang khỏe như vậy mà ngày mai có thể chết được, chỉ toàn chuyện lo bò trắng răng. Không việc gì phải vội, cùng lắm thì giống như người trộm lành ngày xưa, sám hối ngay giây phút cuối cùng rồi cũng xong. Đây chính là cơn cám dỗ nguy hiểm nhất mà ta đã từng gặp.

Coi chừng ta mắc lừa nó. Đức Giêsu nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại “Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy”, để nhắc cho ta phải luôn tỉnh thức.

“Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.”

“Làm ruộng”, “kéo cối xay” là những trường hợp điển hình. Nếu Đức Giêsu nói với ta ngày hôm nay, Ngài sẽ đưa thêm những việc thích hợp cho người thời nay, chẳng hạn: “đang gõ máy vi tính”, “may vá”, “đang buôn bán”, “đang nội trợ”...

Ta để ý các cụm từ “được đem đi” và “bị bỏ lại”. Matthêu cho biết hai người nhìn bề ngoài giống nhau nhưng trong ngày Quang lâm sẽ được đối xử khác nhau. Người có sự chuẩn bị thì được đem đi để hưởng hạnh phúc, còn người không chuẩn bị thì bị bỏ lại trong đau khổ.

Marcô đã hé mở về ngày Quang lâm như sau: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.” (Mc 13, 26-27)

Như vậy, trong ngày Quang lâm, hai người đàn ông đang làm ruộng, người có sự chuẩn bị sẽ được Thiên sứ đem đi và người không chuẩn bị sẽ bị bỏ lại. Trường hợp hai người đàn bà đang kéo cối xay cũng thế.

“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.”

Vì không ai biết được ngày Quang lâm của Chúa xảy đến lúc nào, và xảy ra thế nào, nhưng có điều chắc chắn là sẽ có nhiều điều rất bất ngờ, không ai dè trước được. Chính vì thế, Đức Giê-su đề nghị với chúng ta một thái độ khôn ngoan, đó là phải tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là phải sống làm sao để dù Chúa đến vào bất kỳ lúc nào, dưới bất kỳ hình thức nào, hoặc xét xử công minh đến đâu, thì ta vẫn có thể đứng vững trước mặt Ngài.

Vậy cần phải tỉnh thức cách nào? Ta hãy nghe Thánh Phaolô trong Thư gửi Tín hữu Rôma, cũng là Bài Đọc II hôm nay khuyên nhủ:

“Phải như thế, vì anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.” (Rm 13, 11-14)

“Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu.”

Đức Giêsu rất thích dùng hình ảnh kẻ trộm khi diễn tả về chân lý. Lẽ dĩ nhiên kẻ trộm không được dùng để nói về Nước Trời, vì làm sao có thể ví kẻ trộm với Nước Trời được. Nhưng Ngài thích dùng hình ảnh của kẻ trộm để diễn tả tính BẤT NGỜ trong ngày Quang lâm.

Tính bất ngờ của kẻ trộm nằm ở hai điểm sau đây:

1/. BẤT NGỜ VỀ THỜI GIAN: Không ai biết được kẻ trộm đến giờ nào, ngày nào.

2/. BẤT NGỜ VỀ CÁCH THỨC: Không ai biết được kẻ trộm vào nhà bằng cách nào, lấy trộm của cải nào, trộm sẽ giả dạng như thế nào, v.v… rất có thể kẻ trộm lại là người rất quen thuộc với ta, thậm chí là người nhà của ta nữa.

Như vậy, khi dùng hình ảnh kẻ trộm để nói về ngày Quang lâm, Đức Giêsu muốn cho ta biết: Không ai có thể biết ngày đó sẽ đến lúc nào. Đó là chân lý thứ nhất. Và không ai biết việc Chúa Cha sẽ thực hiện sự chấm dứt vũ trụ bằng cách nào. Đó là chân lý thứ hai.

Ta để ý cụm từ: “Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến”. Chủ nhà ở đây là Đức Giêsu, như vậy khi nói câu này, Đức Giêsu đã khẳng định mình không biết ngày đó, tức Ngài cũng không biết ngày Cánh Chung, ngày Tận thế xảy đến lúc nào. Trong Tin mừng Marcô, Đức Giêsu cũng khẳng định tương tự: “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.” (Mc 13, 32).

Cụm từ thứ hai ta cũng để ý: “Không để nó khoét vách nhà mình đâu”. Câu này bộc lộ tình yêu sâu thẳm của Đức Giêsu dành cho các môn đệ và cho chúng ta. Nó cho ta thấy điều này: Nếu Đức Giêsu biết được ngày Cánh chung, Ngài sẽ ra sức bảo vệ để chúng ta không bị hư đi. “Không cho nó khoét vách nhà mình”, nhà của Đức Giêsu, đó là tất cả con cái Ngài, là tất cả những ai đã tin và sống theo Ngài, Đức Giêsu sẽ bảo vệ họ.

Nhưng vì Đức Giêsu hoàn toàn không biết ngày Cánh Chung, nên Ngài khuyên chúng ta:

“Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”
___________________________________

Mùa Vọng là Mùa hướng ta về ngày Đức Giêsu đến lần thứ hai trong vinh quang để xét xử toàn thể nhân loại.

Cách Ngài xét xử nó cũng mang tính bất ngờ (Đây là tính bất ngờ về cách thức của kẻ trộm mà ta đã nói). Đức Giêsu xét xử bất ngờ ở chỗ này:

Nhiều kẻ tưởng mình là công chính hoặc được mọi người tưởng là như thế nhưng lại bị Ngài xét là gian ác, ngược lại có nhiều kẻ tưởng mình thuộc loại xấu đáng kết án hoặc bị mọi người tưởng là như thế, nhưng lại được Ngài xét là công chính. Dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện (Lc 18, 9-14) là một thí dụ điển hình cho sự trái ngược ấy.

Còn bao nhiêu chuyện trái ngược như thế được biểu lộ trong Kinh thánh: “Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 8, 11-12). Vì thế, tới lúc ấy, chẳng ai dám tự hào mình công chính, vì càng tự hào thì càng dễ trở nên bất chính do chính sự tự hào ấy: “Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,12).

Ngày ấy, sẽ có rất nhiều người tưởng mình công chính vì tự thấy mình chưa bao giờ làm một điều gì xấu, lại làm được biết bao việc phúc đức, nhưng lại không được coi là công chính, mà thậm chí ngược lại, vì:

– Biết bao nhiêu lần họ đã bỏ qua không làm những việc quan trọng và cần thiết mà đấng bậc họ buộc phải làm.
– Họ có thói quen thờ ơ trước những đau khổ cùng quẫn của người chung quanh, họ không làm gì cả mà lương tâm chẳng hề cắn rứt.
– Họ thường xuyên nhắm mắt làm ngơ để mặc bất công hoành hành đang khi mình có khả năng can thiệp hoặc chặn đứng lại được.
– Họ hay tự hào về những việc tốt lành của mình đồng thời lên mặt khinh chê người khác.

Và cũng biết bao người tỏ ra khô khan nguội lạnh nên tưởng mình là bất chính nhưng lại được Chúa xét là công chính, vì:

– Đã thực tình sám hối và quyết tâm không bao giờ tái phạm.
– Khi đụng chuyện cần phải hy sinh cho tha nhân thì đã hy sinh một cách quảng đại, không tính toán, biết quên mình thật sự.
– Biết mình yếu đuối, nên luôn luôn tỏ ra khiêm nhường, biết cảm thông với những yếu đuối, sai lầm của mọi người.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét