Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Sáng nay, chị làm vườn ra xem hạt cải xanh gieo được 3 ngày đã nẩy mầm chưa, tìm  hoài chẳng thấy mầm nào, thấy chị loay hoay tìm tìm kiếm kiếm  trên mảnh đất thật mầu mỡ, tôi báo cho chị biết: "hôm qua em thấy một đàn chim sẻ sà xuống đây chắc là chúng nó ăn hết rồi". Chị cho biết, những lần trước khi gieo hạt xong chị lấy lưới che lại, lần này chị bận việc không che kịp rồi quên đi nên bây giờ chằng còn hạt nào do bầy chim trời ăn hết.  

Để biết tâm hồn của tôi có được bình tâm hay không là nhìn vào cách ứng xử của chính mình, nhìn vào công việc tôi làm hay nghe lời tôi nói có chan chứa tình yêu và xót thương không?
lạy Chúa xin cho con biết vun trồng hạt giống đức tình, niềm vui và quảng đại hy sinh mà CHúa gieo trong lòng con được trổ sinh hoa trái qua từng việc con làm, qua từng lời con nói. Xin cho con biết sống bình an để đem sự an bình đến cho những ai con gặp gỡ hôm nay.

Thứ Tư tuần 3 mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mc 4,1-20
1 Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông dân chúng tụ lại gần Người, nên Người xuống ngồi trong một chiếc thuyền trên mặt biển, tất cả đám đông thì ở trên đất theo dọc bờ biển. 2 Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người nói với họ rằng: 3 "Các ngươi hãy nghe! Này người gieo hạt đi gieo hạt giống. 4 Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết. 5 Phần khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất. Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu. 6 Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị chết khô. 7 Một phần khác rơi vào bụi gai, và gai mọc lên làm hạt giống chết và không sinh hoa trái được. 8 Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm". 9 Và Người phán rằng: "Ai có tai để nghe thì hãy nghe".
10 Khi Người còn lại một mình, thì mười hai ông là những kẻ luôn ở với Người, hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn, 11 Người liền bảo các ông: "Các con được ơn biết mầu nhiệm về nước Thiên Chúa, còn những kẻ khác ở ngoài thì mọi sự được giảng dạy bằng dụ ngôn, 12 vì chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, kẻo chúng trở lại mà được tha tội".
13 Người nói với các ông: "Các con không hiểu dụ ngôn đó sao? Vậy thì hiểu sao được tất cả những dụ ngôn khác? 14 Người gieo hạt là gieo lời Chúa. 15 Vệ đường mà lời Chúa được gieo vào, là những kẻ vừa nghe xong, thì Satan đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ. 16 Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi là những kẻ khi nghe lời Chúa thì đón nhận vui vẻ, 17 nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền. 18 Lại có những hạt giống rơi trong bụi gai. Đây là những kẻ nghe lời Chúa, 19 nhưng những lo lắng trần tục, sự quyến rũ của giàu sang và những đam mê khác xâm chiếm họ, bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được. 20 Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi, và hạt một trăm".

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Lời kêu gọi nhặt rác của ban quan lý đảo Sơn Trà (Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cùng Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) trên mạng internet lã nhanh chóng lan truyền và hiệu quả khi các bạn trẻ không ai bảo ai, không ai quen biết ai thế mà họ đã tập hợp thanh nhóm để "ra tay" là sạch môi trường ở Đảo.

Bạn Trần Kim Anh, du khách 
đến từ Nha Trang chia sẻ,“Tuyệt vời. Nhìn mới thấy hành động này ý nghĩa làm sao. Cảm ơn các bạn vì lời kêu gọi ý nghĩa này”.

còn bạn Diệu, người tham gia chiến dịch bộc bạch:“Trời đất ưu ái ban tặng cho cộng đồng những địa danh, danh thắng đẹp để chúng ta tận hưởng nhưng phải có trách nhiệm. Mong mọi người cùng nhau giữ gìn, góp một chút ít sức nhỏ bảo vệ môi trường trong xanh, tạo điểm đến thú vị cho nhiều người khác nữa”

Đó là câu chuyện ở Đảo Sơn Trà, tôi lại bắt gặp hình ảnh tuyết phủ trăng cả Sapa qua những hình ảnh Tuoitre.vn đưa tin sáng nay, thật sự nhìn thấy tuyết rơi ai mà lại không ước gì có được một dịp ở trong thiên nhiên với những bông tuyết trắng xóa kèm theo cái lạnh rét để có một trải nghiệm với thiên nhiên, con người vùng núi. Thế nhưng khi đọc bài "Sapa rét lịch sử-4,2 độ C, nhiệt độ Hà Nội thấp nhất 39 năm" , thấy được cái lạnh, cái rét làm cho cuộc sống của người dân nghèo lại càng tệ hại hơi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, kinh tế. Hàng chục nghìn học sinh Lào Cai nghỉ học vì băng tuyết.

Xem hình ảnh Tuyết phủ trắng xóa Sapa nhìn từ trên cao bằng flycam mới cảm thấy chạnh lòng thương, những hình ảnh hoa màu bị Tuyết phủ trắng, trâu bò thoi thóp vì không có chỗ trú đông.

Chia sẻ sau bài viết, Nguyễn Văn Phúc đã viết " Thời tiết thay đổi....tội nghiệp cho bà con nơi đây còn nghèo cái ăn cái mặc còn thiếu thốn ,hoa màu bị hư hỏng nặng ,cái tết này sẽ vất vả hơn".

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160125/tuyet-phu-trang-xoa-sa-pa-nhin-tu-tren-cao/1043929.html

Trong ngày mừng lễ Thánh Phaolô tông đồ cũng là ngày cuối của tuần lễ cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hợp nhất, với thời tiết và khi hậu khắc nghiệt như vừa nói trên, tôi nghĩ chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người hiệp nhất làm sạch môi trường sống, hiệp nhất sẻ chia cho những người đang vất vả chiến đấu với cái rét và cái lạnh. Xin cho những người có điều kiện đến du lịch tham quan các nơi ấy biết dành thời gian đến với những người đang cần hơi ấm tình người.
Lời Chúa: 
 Mc 16,15-18
15 Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu rỗi; ai không tin, sẽ bị luận phạt. 17 Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, 18 họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh".

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Vua Henri 8 (sinh 1509- tử 1547) cai trị Nước Anh (England) vào thế kỉ 16. Khi mới lên ngôi vua, ông tỏ ra rất trung thành với Giáo hội Công giáo, . Ông đã ngăn cấm làn sóng Tin lành Luther từ nước Đức không cho tràn vào nước Anh, nên Đức Thánh cha Lêô 10 đã tặng ông tước hiệu "người Bảo vệ đức tin". Nhưng khốn thay, chỉ vì vấn đề "vợ con" mà ông đã chống lại Đức Thánh cha, bỏ Giáo hội, lập ra Anh giáo, gây đổ máu cho biết bao người. Cho tới ngày nay, tuy Anh giáo có nhiều quan điểm gần với Công giáo, nhưng cũng chưa sao hợp nhất với nhau được.

Đầu tiên, Vua kết hôn với bà Catherine Aragon, bà này là vợ của ông Arthur, là anh ruột Henri, đã qua đời. Hôn phối này được phép chuẩn vì vướng họ kết bạn. Rất tiếc, bà Catherine Aragon sinh được 5 con, nhưng chỉ có một người con gái còn sống (công Chúa Mary Tudor). Bà không sinh thêm được nữa. Vua Henri lo ngại không có người nối ngôi. Do đó, ông quay ra chiều chuộng nàng Anna Boleyn (người hầu của vợ mình). Nịnh bợ, các quan xúi vua bỏ vợ để cưới Anna Boleyn.

Vì hôn phối với bà Catherine Aragon đã thành, nên Tòa thánh không thể tháo gỡ để vua lấy bà Boleyn. Tức mình, ông viết thư đe dọa đức Thánh cha và ông chuẩn bị hành động. Tháng 1 năm 1531 đức Thánh cha trả lời cấm Henry tái giá trước khi có quyết định của Tòa thánh. Nhưng lúc ấy vua đã nhất định li dị bà vợ Catherine Aragon, đồng thời ly khai với Giáo hội Công giáo Rôma.

Khi biết Boleyn đã có thai, và các nhà chiêm tinh nói là con trai, ngày 25-1-1533 Henry đã bí mật cưới Boleyn làm vợ. Sau đó ông tuyên bố thành lập một Giáo hội tự trị cho nước Anh do ông làm đầu, cắt đút mọi liên lạc với Rôma. Toàn dân phải theo ông, ai còn trung thành với Rôma là phản quốc, sẽ bị xử tử.

Tưởng mọi sự tốt đẹp như ý vua, nhưng hôn nhân Henry-Boleyn cũng chẳng được bền lâu. Chỉ 3 năm sau, (1536) Boleyn bị Henry đưa lên máy chém vì tội theo phe đảng phản vua và tội gian dâm với quan cận thần. Sau đó, trong 11 năm, Henry cưới thêm 4 vợ nữa trước khi băng hà ngày 27-1-1547.

Số nạn nhân bị giết trong cuộc ly giáo gồm có: 2 hồng y, 18 giám mục, 13 bề trên dòng tu, 575 linh mục, 50 tiến sĩ, 12 nghị sĩ, 20 hiệp sĩ, 335 người quí tộc, 124 người trưởng giả, và 110 bà quí phái. Trong số những người bị giết này có 2 vị nổi tiếng được Giáo hội Công giáo phong thánh là thánh Thomas More và thánh John Fisher.

Henry chết để lại 3 người con: Mary Tudor (con bà vợ cả Catherine Aragon), Elisabeth (con của Anne Boleyn) và Edward ( con của vợ thứ ba).

Mary Tudor khi lên cầm quyền đã cố gắng đưa Anh giáo về hiệp nhất với Rôma nhưng không xong. Khi Mary Tudor mất, Elisabeth lên thay (1558-1603) bà lại đưa nước Anh trở lại với Anh giáo cho tới ngày nay.


Giáo hội khuyến khích mọi người phải lưu tâm đến sự hiệp nhất, hoán cải tâm hồn, hiệp nhất trong lời cầu nguyện, tìm hiểu nhau, cộng tác với anh em ly khai" (Sắc lệnh về Hiệp nhất).


Trong ngày cầu nguyện cho hiệp nhất giữa Anh Giáo và Công Giáo, xin cho lòng thương xót của Chúa dành cho các bệnh nhân trong bài TIn mừng  hôm này, CHúa cũng thương xót và chữa lành vết thương cho chúng con để chúng con nêm một trong đức tin và lòng mến, trong tình huynh đện và hiệp nhất



Thứ Năm tuần II Mùa Thường Niên - Ngày 21/01: Thánh Anê, trinh nữ, tử vì đạo
Lời Chúa: 
 Mc 3,7-12
7 Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, 8 Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. 9 Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. 10 Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. 11 Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: "Ngài là Con Thiên Chúa", 12 nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016


Tại sao người này lại thế này? tại sao người kia lại thế kia? tại sao người ta không làm giống tôi, Chúa của tôi phải thế này, hình ảnh Chúa của tôi phải đúng như thế kia, nếu có gì đó khác đi ta sẽ dễ lên án, kết án và ra án phạt ... Không thể bắt người khác theo ý kiến riêng của mình mà và kéo mọi người theo kiểu hiệu ứng "đám đông" để bảo vệ cho chính kiến của mình. Ngay cả luật cũng chỉ là để phục vụ cuộc sống con người không phải vì luật mà mất tình người, gây chia sẻ dẫn đến sự chết về tinh thần lần thể xác.

Trong sứ mạng rao giảng của thầy Giêsu cũng gặp chuyện giống giống như vậy " Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: "Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?" và chính thầy Giêsu đã trả lời cho họ "Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay." Bởi vì " Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới".

Sống giai đoạn nào thì theo giai đoạn đó, thời nào theo thời đó. Không thể nói ngày xưa tôi làm thế này sao thời nay họ sống kỳ quá... mà tôi cần nhìn thấy dấu chỉ thời đại ngày này Chúa muốn tôi làm gì cho chính mình, gia đình , xã hội và giáo hội. Thời mà bùng nổ công nghệ thông tin, không thể nói không sử dụng hay không quan tâm vì đó là rượu mới, vải mới, tôi cần thay đổi chính mình đề hòa nhập và cuộc sống cần cẩn trọng để không bị hòa tan không con là chính mình.

Nghe lời Đức Thánh Cha Phaxicô đã dạy trong tông sắc Dung nhan lòng Chúa thương xót số 17: " Chúng ta cũng có thể suy niệm cách cụ thể câu nói của tiên tri Isaia trong mùa cầu nguyện, chay tịnh và làm việc bác ái này: "Nếu ngươi loại bỏ những gông ách nặng nề, cử chỉ đe doạ và lời nói độc ác, nếu ngươi quảng đại sớt chia cho kẻ đói, đem niềm vui cho người ưu phiền, thì ánh sáng ngươi sẽ rực lên trong bóng tối, và đêm tối nơi ngươi sẽ nên như chính ngọ. Chúa sẽ luôn dìu dắt ngươi, cho ngươi no thoả giữa nơi khô cằn và cho xương cốt ngươi nên cứng cáp; và ngươi sẽ như khu vườn được tưới đẫm, như mạch nước không vơi cạn bao giờ" (Is 58,6-11)."

Ngày thứ nhất cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu xin cho mọi người tin vào Chúa Ki-tô cũng nắm tay xây dựng niềm tin, hòa bình để nơi tâm hồn mỗi người được bình an thì gia đình xã hội sẽ an bình. Cầu nguyện cho mỗi người ki-tô hữu nỗ lực xua tan bóng đêm của hận thù, chia sẻ, của khủng bố chiến tranh để ánh sáng tình yêu Chân Thiên Mỹ chiếu tỏa khắp nôi, Cầu nguyện cho đất nước Syria.


Thứ Hai tuần 2 mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mc 2,18-22
18 Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: "Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?" 19 Chúa Giêsu nói với họ: "Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. 20 Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. 21 Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. 22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới".

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Đêm nhạc Đôi bàn tay thắp lửa diễn ra vào tối 16/1 tại Hà Nội. Liveshow do đồng nghiệp, bạn bè của Trần Lập tổ chức, nhằm giúp đỡ anh vượt qua cơn bạo bệnh cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh ung thư ở Việt Nam. Đó chính là nội dung bài viết về Liveshow đã diễn ra rất thành công. Nghe hai ca khúc trong 4 ca khúc Trần Lập hát: Mắt đen, Tiếng gọi, (Mắt đen, Tiếng gọi, Tâm hồn của đá và Đôi bàn tay), tôi cảm thấy đúng như chủ để đêm nhạc, giọng hát , ánh mắt và diễn xuất của Trần Lập thật có lửa. Ngọn lửa đã được thắp lên từ những đôi bàn tay của đồng nghiệp, của khán giả đặc biệt của người vợ, anh đã chia sẻ "Mọi người có thể thấy tôi mạnh mẽ ở đâu đó nhưng thực sự người bền gan và bản lĩnh nhất lại chính là người bạn đời của tôi. Cô ấy mới là một chiến binh thực thụ. Đây không phải bài hát tôi sáng tác về vợ nhưng hôm nay tôi sẽ hát để tặng cô ấy".

Đêm nhạc đầy tính nhân văn và tình người, khi biết Trần Lập bị ung thư, bạn bè của anh trong đó có Nghệ sĩ kịch câm Phạm Tiến Dũng - chủ nhiệm của chương trình Đôi bàn tay thắp lửa - cho biết: "Lúc nghe Lập bị bệnh, tôi đã nói chuyện với bác sĩ và ê-kíp mổ. Tôi biết mình sẽ phải thực hiện đêm nhạc lần này để cứu em. Ban đầu, Lập cũng không đồng ý để anh em giúp đỡ mình. Cậu ấy một mực nói rằng số tiền có được nên dùng để cứu những người khác. Nhưng tôi đã nói với nó rằng: 'Muốn cứu ai thì cứu, nhưng bọn anh phải cứu mày trước đã'. Trần Lập là như thế, luôn hướng về xã hội. Đến số tiền các nghệ sĩ quyên góp được ở một show diễn trong TP HCM để chữa bệnh, cậu ấy còn chia sẻ cho học trò cũ Kim Loan".

Đáp lại sự quan tâm của mọi người, anh đã chia sẻ: "Các bạn đừng ngạc nhiên nếu thấy tôi phải ngồi xe lăn khi biểu diễn trong liveshow. Tôi nghĩ mình vẫn có thể hát tốt. Tôi nghĩ mình có thể vượt qua được những đau đớn nhờ nỗ lực của bản thân cũng như khao khát được cống hiến".

Cuộc sống ngày nay rất cần những con người và những tấm lòng biết quan tâm, biết sẻ chia như vậy, nói như Trần Lập: "Cuộc đời là một chuyến đi dài. Trong chuyến đi ấy, đôi lúc chúng ta sẽ được đưa vào những bước ngoặt, mọi thứ có thể trở nên khó khăn hơn. Nhưng những nguồn động viên của mọi người sẽ giúp tôi có thêm động lực để cố gắng sống tốt và lạc quan hơn nữa".

Ước gì qua Đêm nhạc Đôi bàn tay thắp lửa này những người đang mang căn bệnh ung thư cảm thấy được lạc quan hơn, và được nhiều người quan tâm giúp đỡ sẻ chia nỗi đau tinh thần và thể xác, và cầu xin cho những người đang sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm, trong trồng trọt được ơn hoán cải để làm cho môi trường sống được sạch hơn.

Quan tâm đến nhu cầu của người xung quanh, đến môi trường sống, phải là một nghệ thuật, phải tập luyện và hi sinh. Câu chuyện tiệc cưới Cana tại xứ Ga-li-lê-a cách đây hơn hai ngàn năm đã được Thánh sử Gioan ghi lại, là một cầu chuyện tuy xưa nhưng lại rất gần, rất hợp trong mọi thời đại.

Chuyện đi ăn cưới, được mời thì đến chúc mừng đôi tân hôn, dự tiệc rồi về. ai đâu để ý đến gia chủ còn gì hết gì? Đối với người Do-thái thời Chúa Giêsu tiệc cưới kéo dài hơn một ngày, lễ cưới chính thức cử hành vào buổi xế chiều sau khi dự tiệc. Sau buổi tiệc, đôi tân hôn được đưa về nhà mới. Bấy giờ trời đã tối, họ được đưa đi qua các con đường càng dài càng tốt để có thể gặp được nhiều người chúc mừng. Vợ chồng mới cưới không đi hưởng tuần trăng mật. Họ ở tại nhà, mở cửa suốt tuần để tiếp khách. Họ đội vương miện và mặc y phục hôn lễ. Nếu suốt đời người ta phải sống cơ cực vất vả, thì được một tuần tiệc tùng, vui vẻ, quả thực là cơ hội vô cùng đặc biệt trong đời người. Như vậy, theo tập tục Do Thái, đám cưới kéo dài suốt bảy ngày. Thế nên chuyện hết rượu là thật là xấu hổ cho gia chủ.

Mẹ Maria đã nhìn thấy chuyện đó, Mẹ biết Chúa Giêsu, con mẹ là người có thể cứu vãn được tình thế éo le này, Mẹ đã nói với Người: "Họ hết rượu rồi". sau đó mẹ lại nói với những người giúp việc: "Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo". Họ đã vâng lời Chúa Giê-su để từ 6 chum nước lã trở thành 6 chum rượu ngon.

Qua những hình ảnh đẹp trong Đêm nhạc Đôi bàn tay thắp lửa diễn và qua Lời Chúa hôm nay, tôi đọc ra sứ điệp Chúa muốn nói với tôi và tôi nghĩ cũng muốn nói với mọi người, cuộc sống cần có sự quan tâm, hi sinh cho nhau, nâng đỡ nhau để cùng chung tay xây dựng một thế giới được bình an, niềm vui và hạnh phúc. Hãy đến với Mẹ Maria để qua Mẹ những gì chưa tốt sẽ tốt hơn, để can đảm vượt qua những khó khăn, đau khổ.

Lòng thương xót Chúa đã thực hiện nơi tiệc cưới Cana sẽ tiếp tục được Chúa thực hiện nơi từng gia đình, từng quốc gia khi chúng ta biết năm tay nhau chung xây sự bình an, công lý và hòa bình. 

Theo Hãng thông tấn nhà nước Syria SANA ngày 16-1 dẫn lời các cư dân tại TP phía đông Deir Ezzor cho biết "khoảng 300 thường dân" đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công mới nhất của IS. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ xin cho đất nước Syria, cho những người dân được sống trong hòa bình.
(dữ liệu trong bài lấy từ nguồn: vnexpress.net)

Chúa Nhật Tuần II Mùa Thường Niên - Năm C
Lời Chúa: 
 Ga 2,1-12
1 Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. 2 Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. 3 Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi". 4 Chúa Giêsu nói với mẹ: "Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến". 5 Mẹ Người nói với những người giúp việc: "Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo".
6 Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. 7 Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy đổ nước đầy các chum". Họ đổ đầy tới miệng. 8 Và Chúa Giêsu bảo họ: "Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!" 9 Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang 10 mà nói: "Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này".11 Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.
12 Sau đó Người xuống Capharnaum làm một với mẹ Người, anh em (Người) và môn đệ của Người, nhưng các Ngài chỉ lưu lại ở đó ít ngày thôi.

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016


Khi xem clip "Give us childhood, give us peace - Cho em tuổi thơ, cho em hòa bình" do cô bé Ghina Bou Hemda, 9 tuổi, người Syria hát trong vòng giấu mặt chương trình The Voice Kids, cô bé đã hát và đã khóc ngay trên sân khấu điều này khiến ban giám khảo và khán giả xúc động, Tôi cũng không thể cầm được nước mắt.

https://www.youtube.com/watch?v=1zc0yB_3lVw

Theo báo Tuổi trẻ, Ghina Bou Hemda nói bé hát "Give us childhood, give us peace" để đấu tranh cho quyền trẻ em tại Syria - nơi có gần 250.000 người thiệt mạng vì nội chiến.
Bản gốc của "Give us childhood, give us peace" do ca sĩ Lebanon Remi Bandali thể hiện, mô tả tình cảnh đau khổ mà trẻ em Lebanon phải chịu đựng trong cuộc nội chiến 1975-1990 khiến khoảng 120.000 người thiệt mạng.

Mỗi ngày trong giờ cầu nguyện tôi luôn nhớ cầu nguyện cho những người ở vùng Syria nơi mà ngày đêm đang xảy ra cuộc nội chiến cướp đi nhiều người vô tội, đặc biệt là các trẻ em, cuộc chiến dẫn đến nghèo đói, trẻ em không được đến trường.

Cầu xin lòng thương xót của Chúa như Chúa đã xót thương  người bệnh cùi đến van nài Chúa Giêsu: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch. và Chúa đã động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh". Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch.

Trong lời cầu xin tha thiết, tôi dâng lên Chúa để cầu nguyện cho hòa bình, cho những trẻ em đang đói khổ, không được đến trường do chiến tranh, khủng bố và bạo lực.

Để sống và thực hành "lòng Chúa Thương xót" cần học và đọc kỹ số 13:
"Chúng ta muốn sống Năm Thánh này dưới ánh sáng của câu Lời Chúa: Thương xót như Chúa Cha. Tác giả Tin Mừng ghi lại lời dạy của Chúa Giêsu: "Hãy thương xót như Cha các con là Đấng đầy lòng thương xót" (Lc 6,36). Đây là một chương trình sống đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng cũng tràn đầy niềm vui và an bình. Lệnh truyền của Chúa Giêsu gửi đến tất cả những ai muốn nghe lời Người (x. Lc 6,27). Để có thể sống lòng xót thương, trước tiên chúng ta cần biết lắng nghe Lời Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là phải tái khám phá giá trị của sự thinh lặng, để suy niệm chính Lời đang muốn nói với chúng ta. Đó là cách thức để chúng ta có thể chiêm ngưỡng lòng thương xót của Thiên Chúa và biến lòng thương xót ấy thành nếp sống riêng của chúng ta". (Tông sắc lòng Chúa thương xót số 13)
Giây phút thinh lặng và nghẹn ngào của cô bé Ghina Bou Hemda trong khi hát dự thi, cho thấy tuy 9 tuổi nhưng cô bé đã có lòng thương xót đến đất nước, con người nơi quốc gia của cô bé. Có lẽ cô bé đã chiêm niệm bài hát và hát đi hát lại nhiều lần mới thấm thía và cảm xúc như vậy.

Để thấm nhuần lòng thương xót tôi cần biết lắng nghe, suy niệm Lời Chúa để tìm cách thức thể hiện lòng thương xót ngay trong chính lời nói, hành động hay các mối tương quan trong cuộc sống.

Thứ Năm tuần 1 mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mc 1,40-45
40 Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch". 41 Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh". 42 Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. 43 Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay 44 và dặn rằng: "Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh". 45 Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

"Trẻ vô tâm, chuyện thường ngày" bài viết nói lên thực trạng trẻ em và các bạn trẻ không 'cảm" được nỗi đau khổ của người khác, của cha mẹ, của những người bạn cùng trang lứa, đang diễn ra có thể nói là hằng ngày, người ta đặt câu hỏi tại sao và tại sao?

Người mẹ có cô con gái học lớp 11 chia sẻ về nỗi buồn khi chị ấy bệnh đã làm mất buổi đi chơi của cô bé trong đêm Noel với bạn bè, cô tỏ ra khó chịu, vì phải chăm sóc mẹ. kết thúc bài chia sẻ chị viết "Vì thương con học ngày học đêm cho bằng bạn bằng bè, cho có tương lai sáng láng mà một người mẹ như tôi không nề hà bất cứ điều gì để chăm sóc con: cơm bưng nước rót tới tận phòng, mỗi sáng sớm tranh thủ đi mua đồ ăn cho con, dành cho con thêm vài phút ngủ say...

Bây giờ tôi giật mình khi chứng kiến con gái chỉ quen nhận sự chăm sóc, nuông chiều từ cha mẹ mà không biết làm điều ngược lại là quan tâm chăm sóc cha mẹ, dù chỉ bằng một vài câu hỏi 
thăm, một bữa ăn sáng..."

Những đứa trẻ vô tâm như con gái tôi ngày càng nhiều. Với những người thân yêu nhất, các con còn có thể đối xử như vậy thì mong chờ gì các con sẽ đối xử tốt, sống chan hòa, yêu thương mọi người?" đấy là một lý do.

Còn lý do khác nữa khi cô giáo lớp 10A 1 gồm 35 em không ai tự giác cầm chai nước tưới cho cây, không ai thấy cây đang héo khô dần trong vô vọng. Nếu cây biết kêu la chắc gì các em đã nghe thấy, vì ai cũng luôn mải mê dán mắt vào màn hình điện thoại thông minh.
http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/cau-chuyen-giao-duc/20160106/con-tre-vo-tam-vi-sao/1033360.html


Theo PRINCE1991 bình luận sau bài "trẻ vô cảm, chuyện thường ngày". Thứ 1: Gia đình: Thiếu sự hiểu biết về cách dạy, cách quan tâm với con...học học học để đua với con người ta; Thứ 2: Hệ giáo dục của VN chạy theo thành tích, gây áp lực về học tập lớn...không giúp hoàn thiện về thể chất và tinh thần!; Thứ 3: Môi trường, quá nhiều cám dỗ...  
Hay  chia sẻ của bạn Nguyễn Trung Hiếu

Cũng khó, cha mẹ luôn tâm niệm không muốn con cái mình thua kém con người ta, không muốn con cái mình cực khổ như mình ngày xưa, nên cái gì cũng giành hết cho con cái. Như đứa cháu nhà tôi mới học lớp mầm, không biết phụ huynh nào nghĩ ra chuyện tổ chức sinh nhật cho con trên lớp, đem nguyên cái bánh kem lên lớp, rồi mỗi học sinh được phát một gói bánh (Nên thành cái lệ hễ sinh nhật là tổ chức trên lớp). Cháu vui lắm khi nhận được bánh và cũng mong đến sinh nhật mình để được tổ chức trên lớp như các bạn, rồi cũng phát bánh cho các bạn. Mà có ít gì, lớp có 46 em phát 46 gói bánh... Với gia đình em tôi thì không thành vấn đề nhưng với những gia đình khó khăn thì lại là một vấn đề lớn. Tổng chi cho buổi sinh nhật đó trên 600K: bánh kem 350K + 250K cho những gói bánh phát cho các học sinh chưa kể những thứ khác thường có trong buổi sinh nhật như: bong bóng, 46 đĩa + muỗng dùng một lần để các cháu ăn bánh kem, pháo giấy v.v...


Có thể chúng ta đồng tình hay không đồng tình với những chia sẻ, nhưng phải chăng đây là lúc để những người có trách nhiệm hình thành nhân cách của trẻ hiểu ra trách nhiệm của mình.

Tôi thường hay lên Facebook của các em học trò của tôi, hay những bạn trẻ tôi kết bạn, tôi thấy một thực trạng rất đáng lo ngại cho ý thức quan tâm, giúp đỡ hay nhận định vấn đề tốt xấu. Đọc nhưng thông tin nhật là những tin tiêu cực dẫn đến sự chết, thì các bạn thích bình luận, đưa ý kiến và "ném đá" không thương tiếc, với những lời lẽ kết án, bội nhọ, hay những lời nói thiếu văn hóa. Họ không biết những chỉ trích của họ đã phần nào nói lên được tính cách con người của họ. Cho mình là hiểu biết, khôn ngoan nhưng kỳ thực họ chằng biết gì. Vì họ chỉ đọc, nhìn thấy những gì trước mặt họ mà họ không thấy hậu quả, và đằng sau của một sự việc.

Nhân dịp đọc bài chia sẻ về sự "vô tâm"của trẻ, tôi thấy nguyên nhân cũng từ sự quá nuông chìu và dễ dãi của các bậc phụ huynh cho các em sử dụng các phương tiện truyền thông mà không kiểm soát. Có em không thể bỏ cái điện thọai khi thấy mẹ đi chợ về với bao nhiêu đồ đạt cần được giúp đỡ chuyển vào bếp. hay các em vô tâm đến nỗi thấy nhóm bạn đánh nhau thay vì vào can ngăn thì các em lại cổ vũ, reo hò và quay phim đưa lên mạng. Thế giới ảo đã thống trị các em đền khủng khiềp.

Nhóm nữ sinh Trường THCS Trần Phú đánh bạn trong trường học, chiều 12-1 vừa qua đã bị kỷ luật. xem videoclip các em đánh nhau mà lòng tôi thấy quặng đau.

Trẻ bây giờ cần phải được các bậc cha mẹ, các thầy cô và những nười có trách nhiệm, cần đồng hành, hướng dẫn và đặc biệt lôi các em ra khỏi thế giới ảo, để sông thật. và biết quan tâm đến người khác.

Hình ảnh Chúa Giêsu đến nhà Simon và Anrê khi bài nhạc gia cảm sốt, Chúa đã tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt. Chiều đến Chúa dành thời gian để chữa bệnh cho nhiều người, người ta tìm đến CHúa ngày càng nhiều. Tuy nhiên Chúa vẫn tìm mơi thăng vắng để cầu nguyện để nhờ cầu nguyện Chúa được Chúa Cha tăng sức để tiếp tục đi rao giảng. Cháu luôn quan tâm đến nhu cầu của người khác. Chúa đem lại cho họ niềm vui, sự bình an và hạnh phúc.

Lạy Chúa, ngày hôm nay con người dễ sống xa lạ , xa cách, việt ai náy làm, đèn nhà ai náy sáng, và không muốn hi sinh giúp đỡ người khác. xin Chúa cho các bẹn trẻ biết có trái tim của Chúa, trái tim của chặng lòng thương, trái tim tràn đầy yêu thương để sẵn sàng cúi xuống giúp đỡ cha mẹ thầy cô bạn bè và những người xung quanh.

Thứ Tư tuần 1 mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mc 1,29-39
29 Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. 30 Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. 31 Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài.
32 Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; 33 và cả thành tụ họp trước cửa nhà. 34 Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. 35 Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. 36 Simon và các bạn chạy đi tìm Người. 37 Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: "Mọi người đều đi tìm Thầy". 38 Nhưng Người đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa". 39 Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Chuyện phụng dưỡng cha mẹ tuổi già là đạo hiếu của người Việt Nam, tuy nhiên tại những cuộc hội thảo gần đây cho thấy một thực trạng: chuyện chăm sóc cha mẹ không chỉ thuộc về con cái. đó là nhận định của các tác giả Lê Thanh Hà, Thùy Dương và Tiến Long  trong bài viết "ám ảnh quốc gia "siêu già". 

Người cao tuổi không chỉ mang nhiều bệnh tật mà còn có nhiều thay đổi về tâm lý. Người già có đủ nỗi sợ: sợ cô đơn, sợ bị bỏ rơi... Sự gần gũi, quan tâm của con cháu phần nào làm vơi đi quạnh hiu cho tuổi xế chiều. Nỗi sợ của người già như nỗi sợ của người đi một mình trên biển sợ gió, sợ sóng to, sợ cướp và cả sợ ma nữa. Tôi đọc bài viết tôi lại liên tưởng đến Lời Chúa hôm nay. Phải chăng nỗi sợ hãi của đời người từ lúc sinh ra đến lớn lên với nhiều cấp độ khác nhau. Càng về già nỗi lo sợ càng lớn khi con cháu công ăn việc làm không thể bỏ để ở nhà chăm sóc mẹ yếu cha già. Cuộc sống chạy và chạy, đâu có thời gian dừng để cúi xuống với cha mẹ, nâng đỡ, chăm sóc. Tôi cứ nghĩ lại chính bản thân khi nhìn về cha mẹ có lúc lòng đau quặng vì khi nghe mẹ đau, cha bịnh chẳng về thăm được, chỉ gọi điện an ủi và nói một câu muôn thuở "con cầu nguyện cho cha hay cho mẹ mau hết bệnh".

Nhà có điều kiện thì thuê người đến chăm sóc cha, mẹ, người không có điều kiện thì gởi vào các viện dưỡng lão, hằng tháng hay hằng tuần đến thăm... Ai cũng biết cha mẹ nuôi ta đâu có tính công tính giờ, đâu có kể chi sực khỏe, tiền bạc, nhưng khi ta phụng dưỡng cha mẹ lại có quá nhiều cản trở. Chữ hiếu thời @ thật là nhiêu khê.

Phân tích những thay đổi tâm lý của người cao tuổi, bác sĩ Mai Xuân Phương, phó vụ trưởng Vụ Truyền thông - giáo dục, Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, cho biết người cao tuổi rất sợ cô đơn, rất dễ cảm thấy bị bỏ rơi và quên lãng vì sự cách biệt giữa các sinh hoạt thời còn trẻ và tuổi già. Người già rất dễ bị thất vọng, thích lệ thuộc con cái. Nếu không được con cháu cư xử tế nhị các cụ sẽ có cảm giác bị hắt hủi, ngược đãi.

Người già còn hay lo xa, dễ mủi lòng, tủi thân, mặc cảm, cáu kỉnh vô cớ, hờn dỗi, dễ mắc bệnh trầm cảm... Các cụ còn thường lặp đi lặp lại những yêu cầu, những đòi hỏi hay những câu hỏi và từ đó có thể làm con cháu hay người xung quanh bực dọc, cau có với các cụ nếu không hiểu được tâm lý người cao tuổi.


"Sống để vượt qua nỗi sợ hãi cần có một tia sáng của sự an toàn, niềm tin và hy vọng. Năm lòng Chúa thương xót, tôi ước ao những người con biết xót thương cha mẹ mình khi các ngài không con tự mình phục vụ nữa. "Ước muốn tha thiết của tôi trong Năm Thánh này là, đoàn dân Kitô hữu sẽ quan tâm đến những hành vi của lòng thương xót, về phần xác cũng như phần hồn. Đây chính là cách thế để thức tỉnh lương tâm chúng ta, thường vẫn ngủ yên trước thảm hoạ nghèo khổ, và ngày càng đi sâu hơn vào trái tim của Tin Mừng, nơi những người nghèo được hưởng ưu quyền đặc biệt nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết các hành vi thương xót đó, để chúng ta biết mình có sống đúng là môn đệ của Người không. Chúng ta hãy tái khám phá những hành vi thương xót, chẳng hạn Thương xác bảy mối, đó là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên Thương linh hồn bảy mối, đó là lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.(một phần trong số 15 Tông sắc lòng Chúa thương xót)

Xin cho những nỗi sợ hãi của những người già yếu được chính những người con an ủi, nâng đỡ, yêu thương, xin cho các nhà lãnh đạo có kế hoạch an sinh thật tốt cho những người già neo đơn. Xin dâng những người lớn tuổi đau yếu và bệnh tật lên Chúa, xin Chúa xót thương họ.

Thứ Tư sau Chúa Nhật Lễ Hiển Linh
Lời Chúa: 
 Mc 6,45-52
(Khi năm ngàn người đã được ăn no), 45 Chúa Giêsu liền giục các môn đệ xuống thuyền, qua bờ bên kia trước mà đến Bếtsai-đa, đang khi Người giải tán dân chúng. 46 Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện. 47 Chiều đến, thuyền đã ra giữa biển, còn Người thì một mình ở trên đất. 48 Khoảng canh tư đêm tối, Người thấy họ khó nhọc chèo chống vì ngược gió, Người đi trên mặt biển mà đến với họ, và Người muốn vượt qua trước họ. 49 Họ thấy Người đi trên mặt biển, thì tưởng là ma, nên la hoảng lên. 50 Vì ai nấy đều thấy Người và hoảng hốt, nên Người liền lên tiếng bảo họ rằng: "Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ". 51 Rồi Người lên thuyền họ, và gió im lặng. Tâm hồn họ lại càng sửng sốt hơn, 52 vì họ chưa hiểu gì về vấn đề bánh: lòng họ còn mù tối.

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Ước muốn tha thiết của tôi trong Năm Thánh này là, đoàn dân Kitô hữu sẽ quan tâm đến những hành vi của lòng thương xót, về phần xác cũng như phần hồn. Đây chính là cách thế để thức tỉnh lương tâm chúng ta, thường vẫn ngủ yên trước thảm hoạ nghèo khổ, và ngày càng đi sâu hơn vào trái tim của Tin Mừng, nơi những người nghèo được hưởng ưu quyền đặc biệt nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết các hành vi thương xót đó, để chúng ta biết mình có sống đúng là môn đệ của Người không. Chúng ta hãy tái khám phá những hành vi thương xót, chẳng hạn Thương xác bảy mối, đó là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên Thương linh hồn bảy mối, đó là lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết. (Tông sắc lòng Chúa thương xót số 15)

Lòng thương xót của Chúa được thể hiện qua đoạn tin mừng mà Thánh Luca thuật lại. Chúa đi khắp nơi, không mệt mỏi để giúp con người thoát khỏi khổ đau.
Xin Chúa cho con lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy hôm nay để con lên đường tìm đến những người thiếu thốn.

Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh
Lời Chúa: 
 Mt 4,12-17.23-25
12 Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. 13 Người rời bỏ Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nephtali, 14 để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng:
15 "Hỡi đất Giabulon và đất Nephtali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! 16 Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết". 17 Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: "Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến".
23 Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. 24 Tiếng tăm Người đồn ra khắp xứ Syria. Người ta đã đem đến cho Người đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Người đã chữa họ lành. 25 Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Galilêa, miền Thập Tỉnh, Giêsrusalem, Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan.

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016


Mấy nhà Hiền sĩ (còn gọi là Ba Vua, Chiêm tinh, đạo sĩ) từ Đồng Phương tìm đến Giêsusalem để Triều bái Hài Nhi mới sinh ra, Hài nhi này theo các ông đó là "Vua người Do Thái", Đây chính là cuộc hành hương, các ông đang tiến bước, lên đường để tiến về đích điểm ước mong là được gặp Hài Nhi Giêsu.

Cuộc hành hương của các nhà hiền sĩ được ngôi sao lạ dẫn đường, điều kỳ diệu là tại sao các nhà Hiền sĩ đã nhìn thấy ánh sao lạ trong muôn nghìn nghìn ngôi sao li ti trên bầu trời, phải chăng đó là một sự khao khát chờ mong, và có thể hằng đêm về các nhà hiền sĩ ngó lên bầu trời để tìm dấu chỉ thời đại. Điều lạ nữa là sao lại những người nay ở các nơi khác nhau đều cùng nhìn thấy ánh sao lạ, quyết định lên đường. Suy niệm đến đây tôi khám phá chính lòng thương xót của Thiên Chúa đã cho ngôi sao xuất hiện khi Con một Thiên Chúa làm người để mặc khải cho các ông biết vị Vua đã giáng sinh các ông lên đường mang theo vàng, nhũ hương và mộc dược để dâng tiến Vua.

Vàng: Tượng trưng cho vua chúa. Khi tiến dâng vàng cho Hài Nhi Giêsu, ba nhà chiêm tinh đã công nhận quyền vương đế của Ngài. Giêsu chính là Vua trên các vua, và là Vua của toàn thể vũ trụ này.
Nhũ Hương: Tượng trưng cho thiên tính của Hài Nhi Giêsu. Ba nhà chiêm tinh đã quỳ gối phủ phục trước Hài Nhi Giêsu và qua thái độ khiêm hạ ấy, các ngài đã chân nhận rằng Hài Nhi Giêsu chính là vị Tư Tế Tối Cao, và chính là Thiên Chúa.
Mộc Dược: Tượng trưng cho nhân tính của Chúa Hài Đồng. Khi dâng tiến mộc dược, ba nhà chiêm tinh đã nhận ra nhân tính của Con Thiên Chúa. Hài Nhi Giêsu tuy là Thiên Chúa, nhưng Ngài đồng thời cũng mang trong mình bản tính của loài người, Ngài cũng biết đói, biết đau, biết buồn, biết khóc, và trở nên mọi sự như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4:15).

Cuộc hành trình của các ông đi không dễ dáng chút nào, có lúc mất sao dẫn đường, các ông đã bàn hỏi, khi được hướng dẫn các ông lại tiếp tục lên đường. Khi gặp Hài Nhì các ông đã triều bái, dâng lễ vật, sau đó các ông được báo mộng đi hướng khác.

Chuyến đi hành hương để gặp được Chúa, để được biến đổi và thay đổi lối sống, đi con đường khác, con đường đó sẽ dẫn đến sự sống. Trong năm thánh lòng Chúa thương xót Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các kitô hữu hãy hành hương.

"Việc hành hương trong Năm Thánh là một dấu chỉ đặc biệt, vì mang hình ảnh của cuộc hành trình mỗi người chúng ta đang thực hiện trong cuộc sống. Cuộc đời là một chuyến hành hương, và con người là khách lữ hành, là người hành hương đang tiến bước trên đường đi về đích điểm ước mong. Cũng thế, để đến Cửa Thánh ở Rôma hay ở những nơi khác, mỗi người phải hoàn tất chuyến hành hương tùy theo khả năng. Chuyến đi ấy cho thấy lòng thương xót chính là đích điểm phải đạt tới, đòi hỏi phải dấn thân và hy sinh. Ước gì cuộc hành hương sẽ thúc đẩy sự hoán cải: khi bước qua Cửa Thánh, chúng ta để cho lòng thương xót của Thiên Chúa phủ kín chúng ta, và nỗ lực thực thi lòng thương xót đối với tha nhân như Chúa Cha đã thương xót chúng ta. (Tông Sắc mở Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót số 14).
Mỗi ngày xin cho con biết nhìn thấy ánh sao dẫn con đến với Chúa với anh em qua những dấu chỉ trong cuộc sống, xin cho con mỗi ngày gặp và đón nhận Chúa trong Thánh Lễ, Lời Chúa, con được biết đổi sống tốt hơn. Mỗi ngày xin cho con biết ý thức sống cuộc hành hương như Đức Thánh Cha mời gọi: " Chúa Giêsu dạy chúng ta biết những chặng đường hành hương để có thể đạt tới đích điểm ấy, đó là: "Đừng xét đoán để các con khỏi bị xét đoán; đừng lên án để các con khỏi bị lên án; hãy tha thứ thì các con sẽ được tha thứ; hãy cho thì các con sẽ được lãnh nhận: chiếc đấu đong đầy, đã dằn, đã lắc sẽ được đổ vào vạt áo các con; vì các con đong bằng đấu nào, cũng sẽ được đong lại bằng đấu ấy" (Lc 6,37-38). Trước tiên, Chúa dạy chúng ta đừng phán xét cũng đừng lên án. Nếu ai muốn không bị Thiên Chúa phán xét, thì đừng biến mình thành quan án của anh chị em mình. Con người chỉ đoán xét cách thiển cận, còn Chúa Cha nhìn thấu tận tâm can. Những lời nói chứa đầy đố kỵ và ganh ghét đã gây ra biết bao tai hại. Nói xấu người anh chị em vắng mặt, chẳng khác gì đẩy người ấy vào bóng tối, làm mất thanh danh và gây tiếng xấu cho người ấy. Ai không đoán xét và lên án, sẽ nhận ra được điều tốt vẫn có nơi mọi người, và không làm người khác đau khổ vì sự xét đoán bất cập và vì tính tự phụ của chúng ta, cho rằng mình biết hết mọi sự. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để thể hiện lòng thương xót. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta phải biết tha thứ và sẵn sàng cho đi. Hãy trở thành khí cụ của ơn tha thứ chúng ta đã từng lãnh nhận từ Thiên Chúa. Hãy quảng đại với tất cả mọi người, vì biết rằng Thiên Chúa đã vô cùng rộng lượng khi tuôn đổ lòng hảo tâm của Ngài trên chúng ta." (Tông Sắc mở Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót số 14).
Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh
Lời Chúa: 
 Mt 2,1-12
Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem, thuộc xứ Giuđêa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà hiền sĩ từ Đông Phương tìm đến Giêrusalem. 2 Các ông nói:  “Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông Phương, và chúng tôi đến để triều bái Người.” 3 Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. 4 Vua đã triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. 5 Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđêa, vì đó là lời do đấng tiên tri đã chép: 6 “Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta.” 
7 Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu mấy nhà hiền sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. 8 Rồi vua phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho trẫm, để cả trẫm cũng đến triều bái Người.” 9 Nghe nhà vua nói, họ lên đường.  Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông Phương, lại đi trước họ, mãi cho tới khi tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. 10 Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. 11 Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Đức Maria mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống, sụp lạy Người. Rồi, mở bảo tráp ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương, và một dược. 12 Và khi nhận được lời mộng báo “Đừng trở lại với Hêrôđê”, họ đã qua đường khác, trở về xứ sở mình.