Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Chuyện phụng dưỡng cha mẹ tuổi già là đạo hiếu của người Việt Nam, tuy nhiên tại những cuộc hội thảo gần đây cho thấy một thực trạng: chuyện chăm sóc cha mẹ không chỉ thuộc về con cái. đó là nhận định của các tác giả Lê Thanh Hà, Thùy Dương và Tiến Long  trong bài viết "ám ảnh quốc gia "siêu già". 

Người cao tuổi không chỉ mang nhiều bệnh tật mà còn có nhiều thay đổi về tâm lý. Người già có đủ nỗi sợ: sợ cô đơn, sợ bị bỏ rơi... Sự gần gũi, quan tâm của con cháu phần nào làm vơi đi quạnh hiu cho tuổi xế chiều. Nỗi sợ của người già như nỗi sợ của người đi một mình trên biển sợ gió, sợ sóng to, sợ cướp và cả sợ ma nữa. Tôi đọc bài viết tôi lại liên tưởng đến Lời Chúa hôm nay. Phải chăng nỗi sợ hãi của đời người từ lúc sinh ra đến lớn lên với nhiều cấp độ khác nhau. Càng về già nỗi lo sợ càng lớn khi con cháu công ăn việc làm không thể bỏ để ở nhà chăm sóc mẹ yếu cha già. Cuộc sống chạy và chạy, đâu có thời gian dừng để cúi xuống với cha mẹ, nâng đỡ, chăm sóc. Tôi cứ nghĩ lại chính bản thân khi nhìn về cha mẹ có lúc lòng đau quặng vì khi nghe mẹ đau, cha bịnh chẳng về thăm được, chỉ gọi điện an ủi và nói một câu muôn thuở "con cầu nguyện cho cha hay cho mẹ mau hết bệnh".

Nhà có điều kiện thì thuê người đến chăm sóc cha, mẹ, người không có điều kiện thì gởi vào các viện dưỡng lão, hằng tháng hay hằng tuần đến thăm... Ai cũng biết cha mẹ nuôi ta đâu có tính công tính giờ, đâu có kể chi sực khỏe, tiền bạc, nhưng khi ta phụng dưỡng cha mẹ lại có quá nhiều cản trở. Chữ hiếu thời @ thật là nhiêu khê.

Phân tích những thay đổi tâm lý của người cao tuổi, bác sĩ Mai Xuân Phương, phó vụ trưởng Vụ Truyền thông - giáo dục, Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, cho biết người cao tuổi rất sợ cô đơn, rất dễ cảm thấy bị bỏ rơi và quên lãng vì sự cách biệt giữa các sinh hoạt thời còn trẻ và tuổi già. Người già rất dễ bị thất vọng, thích lệ thuộc con cái. Nếu không được con cháu cư xử tế nhị các cụ sẽ có cảm giác bị hắt hủi, ngược đãi.

Người già còn hay lo xa, dễ mủi lòng, tủi thân, mặc cảm, cáu kỉnh vô cớ, hờn dỗi, dễ mắc bệnh trầm cảm... Các cụ còn thường lặp đi lặp lại những yêu cầu, những đòi hỏi hay những câu hỏi và từ đó có thể làm con cháu hay người xung quanh bực dọc, cau có với các cụ nếu không hiểu được tâm lý người cao tuổi.


"Sống để vượt qua nỗi sợ hãi cần có một tia sáng của sự an toàn, niềm tin và hy vọng. Năm lòng Chúa thương xót, tôi ước ao những người con biết xót thương cha mẹ mình khi các ngài không con tự mình phục vụ nữa. "Ước muốn tha thiết của tôi trong Năm Thánh này là, đoàn dân Kitô hữu sẽ quan tâm đến những hành vi của lòng thương xót, về phần xác cũng như phần hồn. Đây chính là cách thế để thức tỉnh lương tâm chúng ta, thường vẫn ngủ yên trước thảm hoạ nghèo khổ, và ngày càng đi sâu hơn vào trái tim của Tin Mừng, nơi những người nghèo được hưởng ưu quyền đặc biệt nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết các hành vi thương xót đó, để chúng ta biết mình có sống đúng là môn đệ của Người không. Chúng ta hãy tái khám phá những hành vi thương xót, chẳng hạn Thương xác bảy mối, đó là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên Thương linh hồn bảy mối, đó là lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.(một phần trong số 15 Tông sắc lòng Chúa thương xót)

Xin cho những nỗi sợ hãi của những người già yếu được chính những người con an ủi, nâng đỡ, yêu thương, xin cho các nhà lãnh đạo có kế hoạch an sinh thật tốt cho những người già neo đơn. Xin dâng những người lớn tuổi đau yếu và bệnh tật lên Chúa, xin Chúa xót thương họ.

Thứ Tư sau Chúa Nhật Lễ Hiển Linh
Lời Chúa: 
 Mc 6,45-52
(Khi năm ngàn người đã được ăn no), 45 Chúa Giêsu liền giục các môn đệ xuống thuyền, qua bờ bên kia trước mà đến Bếtsai-đa, đang khi Người giải tán dân chúng. 46 Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện. 47 Chiều đến, thuyền đã ra giữa biển, còn Người thì một mình ở trên đất. 48 Khoảng canh tư đêm tối, Người thấy họ khó nhọc chèo chống vì ngược gió, Người đi trên mặt biển mà đến với họ, và Người muốn vượt qua trước họ. 49 Họ thấy Người đi trên mặt biển, thì tưởng là ma, nên la hoảng lên. 50 Vì ai nấy đều thấy Người và hoảng hốt, nên Người liền lên tiếng bảo họ rằng: "Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ". 51 Rồi Người lên thuyền họ, và gió im lặng. Tâm hồn họ lại càng sửng sốt hơn, 52 vì họ chưa hiểu gì về vấn đề bánh: lòng họ còn mù tối.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét