Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXVII Thường Niên Năm Lẻ
(09/10/2013) - (Lc 11, 1-4)

Nguyên văn Bài Tin mừng:

Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” 

Người bảo các ông: 
“Khi cầu nguyện, anh em hãy nói;
‘Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều đại Cha mau đến,
xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy;
xin tha tội cho chúng con, 
vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”
_____________________________________

Phân tích và Chia sẻ

Mở đầu Bài Tin mừng Kinh thánh viết: _______ Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.”

Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, khi xuống thế làm người, Ngài đã mạc khải cho các môn đệ biết Chúa Cha và sự kết hợp giữa Ngài và Chúa Cha như thế nào. Đức Giêsu đã từng nói: “Ta và Cha Ta là Một”. Như vậy, trong Đức Giêsu luôn có đời sống của Ba Ngôi, cả Ba Ngôi luôn hiện diện trong Ngài.

Trong mỗi ngày sống trên dương thế, sau khi đã rao giảng Tin mừng, chữa các bệnh tật và trục xuất ma quỷ, Đức Giêsu luôn tìm đến nơi thanh vắng để cầu nguyện, đó là những giây phút kết hợp thân mật với Cha. Có khi Ngài cầu nguyện vào buổi sáng sớm, có khi vào chiều tối.

Ngày hôm nay, Thánh sử Luca chỉ nói: “Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia”, ngài không xác định thời gian và nơi chốn. Nhưng theo đặc tính của Tin mừng Luca, ngài ưa thích núi cao, vì khi càng đưa mình lên cao cách xa mặt đất, tâm hồn ta cũng được nâng lên, và trong Tin mừng Luca các sự kiện quan trọng thường được ghi lại từ trên núi, ví dụ tuyển chọn Nhóm Mười Hai từ các môn đệ, như vậy ta có thể nghĩ Đức Giêsu đã cầu nguyện trên núi.

“Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người”. Các môn đệ quan sát Đức Giêsu cầu nguyện ở một khoảng cách nào đó, tuyệt đối không quấy rầy Ngài, và ngăn không cho bất cứ ai quấy rầy, vì các ông hiểu đó là giờ phút quan trọng đối với Thầy mình. Chắc các ông nhìn thấy cung cách, biểu lộ, thái độ của Đức Giêsu, các ông hiểu Ngài đang kết hợp sâu xa với Chúa Cha, đang đắm chìm trong tương quan với Cha Ngài.

Các ông muốn được như vậy, vì các ông cũng đã nhiều lần cầu nguyện, nhưng khi cầu nguyện, các ông không thể chìm mình trong mối tương quan với Thiên Chúa, vẫn có cái gì đó dứt các ông ra khỏi mối tương quan đó, bằng chứng các ông không thể cầu nguyện hằng giờ, và khi cầu nguyện các ông cũng chẳng biết thưa gì ngoài ba điều vụn vặt: xin cái này, xin cái nọ. Chính vì thế, các ông đợi Đức Giêsu cầu nguyện xong thì có một người chạy đến nói với Ngài.

Bài Tin mừng hôm qua, các môn đệ đã được nghe Đức Giêsu nói cô Maria (em của Matta) đã chọn phần tốt nhất, đó là ngồi dưới chân và nghe Ngài nói. Đó là đời sống chiêm niệm bên cạnh đời sống hoạt động của mỗi người. Đức Giêsu nói: đời sống nào cũng cần thiết, nhưng đời sống chiêm niệm là phần tốt nhất. Do đó các môn đệ muốn được cầu nguyện như Đức Giêsu cầu nguyện.

“Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.”

Khi thưa với Đức Giêsu điều này, môn đệ đó đã xác nhận hai điểm:

(1) Các ông chưa biết cầu nguyện. Nói đúng hơn các ông chưa biết cầu nguyện như thế nào là đúng, là đẹp lòng Thiên Chúa.

(2) Đức Giêsu chưa bao giờ dạy các ông cầu nguyện.

Ở đây ta chỉ xét điểm thứ hai, tại sao Đức Giêsu lại không dạy các môn đệ cầu nguyện? Không lẽ Ngài quên điều này sao, trong khi Ngài đã xác định “chiêm niệm” là phần quan trọng nhất trong đời sống con người? Như vậy, chương trình huấn luyện môn đệ của Đức Giêsu đã có một lỗ hổng lớn, cụ thể đức tin của các ông luôn yếu kém, chính Ngài đã nói: “Nếu đức tin của các con chỉ bằng hạt cải thôi, các con sẽ khiến cây dâu này bật rễ và xuống trồng dưới biển”. Khi nói câu này, Ngài đã xác nhận đức tin của các môn đệ còn non yếu, thua xa hạt cải, mà đức tin non yếu do bởi đâu, đó là do chưa biết cầu nguyện. Do đó các ông đưa ra yêu cầu này với Đức Giêsu rất chính đáng, nó nói lên nhu cầu khẩn thiết đối với các ông.

Các ông tin Đức Giêsu sẽ dạy, vì các ông đưa ra lý do rất thuyết phục, đó là ông Gioan Tẩy Giả đã dạy các môn đệ biết cầu nguyện. Thực ra, không những Gioan mà theo phong tục của Do Thái, các Rabbi (Giáo trưởng) thường dạy cho các môn đệ một kinh đơn giản để họ có thể dùng hằng ngày để cầu nguyện.

Để trả lời cho câu hỏi, tại sao Đức Giêsu chưa dạy các môn đệ cầu nguyện? Ta phải xác định xem cầu nguyện là gì. Cầu nguyện có phải là cầu xin không? Thưa: KHÔNG. Vì nếu cầu nguyện là cầu xin, người ta đang sống với Thiên Chúa trong mối tương quan: Xin – Cho. Người ta không thể đi vào sự kết hợp sâu xa với Ngài, họ cứ lải nhải như dân ngoại.

Vậy cầu nguyện hiểu cho đúng nghĩa, đó là sự kết hợp mật thiết, sâu xa với Thiên Chúa trong mối tương quan: Cha – Con, là sống thân tình với Ngài. Nếu người ta có sự tương quan mật thiết với Thiên Chúa rồi, người ta sẽ tự biểu lộ ra chứ đâu cần ai phải dạy. Cũng như một đứa trẻ, đâu cần có người dạy, nó cũng biết chạy đến với cha nó trong mối thâm tình cha con. Cho đến bao giờ, ta chưa có mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, thì lúc đó ta vẫn chưa biết cầu nguyện.

Khi đã có mối kết hợp sâu xa với Thiên Chúa, trong lúc cầu nguyện, ta cũng chẳng cần phải nói nhiều, vì ngôn từ của con người nhiều lúc nghèo nàn, đến nỗi không thể diễn tả được thực tại. Ta có thể ngồi đó hàng giờ mà không biết chán, không biết mỏi mệt, vì ta đang đắm chìm trong mối tương quan với Thiên Chúa, đang sống mật thiết với Cha.

Như vậy, việc Đức Giêsu chưa dạy các môn đệ cầu nguyện, nhưng Ngài vẫn cho các ông thấy Ngài cầu nguyện, cụ thể trong Bài Tin mừng hôm nay, để các ông hiểu thế nào là sự kết hợp sâu xa với Thiên Chúa.
________________________________

Cuối cùng Kinh thánh viết: ______ Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói;

‘Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều đại Cha mau đến,
xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy;
xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

Đức Giêsu rất vui khi các môn đệ đặt ra yêu cầu này, Ngài chờ đợi các ông nói ra, vì khi cầu nguyện trở thành nhu cầu quan trọng, cấp bách thì các ông mới đón nhận lời Ngài dạy dỗ.

Đức Giêsu đã đưa ra các lời cầu nguyện, mà ngày nay ta gọi là kinh Lạy Cha. Vâng, kinh Lạy Cha là kinh duy nhất, do chính Đức Giêsu dạy, đó là kinh đẹp nhất, đầy đủ nhất trong đời sống Kitô hữu. Nó đầy đủ và đẹp nhất vì nó diễn tả thật sâu sắc mối tương quan Cha – Con và mối tương quan anh em với nhau.

Trước khi phân tích kinh Lạy Cha, ta sẽ nêu ra đây kinh Lạy Cha theo Thánh sử Matthêu. Kinh Lạy Cha theo thánh sử Matthêu là kinh mà Giáo Hội sử dụng có sửa đổi chút ít, vì Kinh Lạy Cha theo Luca đã bỏ bớt một số câu so với Matthêu.

KINH LẠY CHA THEO THÁNH MATTHÊU (Mt 6, 9-13)

"Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:
"Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con;
xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

PHÂN TÍCH KINH LẠY CHA THEO THÁNH LUCA

A/. NHỮNG ĐIỀU LIÊN QUAN TỚI THIÊN CHÚA

(1) Lạy Cha:

Gọi Thiên Chúa là “Cha” không phải là chuyện lạ lùng. Danh xưng “Cha” đã có nơi các tôn giáo rất khác nhau, từ dạng thô sơ nhất đến dạng phát triển nhất, của người Hy-lạp, Rô-ma và Sê-mít. Nhưng điều lạ là sử dụng một danh xưng thân mật để thưa với Thiên Chúa. Người ta chỉ dùng từ “Cha” để nói về Thiên Chúa, chứ không dùng nó để thưa với Thiên Chúa.

Theo Thánh sử Marcô (Mc 14,36) được củng cố gián tiếp bởi (Gl 4,6) Đức Giêsu là người đầu tiên thưa với Thiên Chúa bằng tiếng gọi thân mật Abba, và như thế Người tỏ cho thấy quan hệ thân tình như là người con với Thiên Chúa, một thứ quan hệ kiểu mới mẻ và duy nhất, vô song. Đức Giêsu là người đầu tiên cầu nguyện với Thiên Chúa bằng danh hiệu này. Nhưng bây giờ, nhờ Thần Khí của Con, mỗi tín hữu cũng có thể làm như thế: là con (Gl 3,26; 4,6.7), người tín hữu thông dự vào lời cầu nguyện của Chúa Con.

(2) “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển”

Câu này không có nghĩa Thiên Chúa phải bận tâm làm cho loài người coi Danh của Ngài là thánh và không làm ô nhục Danh Ngài. Câu này có nghĩa chính Thiên Chúa phải thánh hoá Danh Ngài; chính Ngài phải hành động cách nào để loài người nhận biết và tuyên xưng đúng như Tên Ngài, tức là như Thiên Chúa và như Cha. Như thế, là xin Thiên Chúa mạc khải bản thân Ngài ra vĩnh viễn và cho người ta được thấy Ngài và đến được với Ngài cách chắc chắn. Danh Thánh Cha vinh hiển mãi mãi.

(3) “Triều đại Cha mau đến”

Đây là nội dung chính của lời Đức Giêsu loan báo. Người loan báo Tin Mừng về Triều Đại Thiên Chúa, về quyền chúa tể của Thiên Chúa (Lc 4,43; 8,1; 10,9.11): Thiên Chúa là Chúa Tể duy nhất và tốt lành, sẽ thực hiện công khai vương quyền của Ngài. Lời xin này cầu mong mau đến lúc Thiên Chúa sẽ hiển trị trên tất cả mọi sự cách công khai và hữu hình; Đấng là Cha sẽ là Chúa Tể duy nhất.

Luca đã bỏ bớt một câu so với Matthêu. Ở Matthêu có thêm câu “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”

B/. NHỮNG ĐIỀU LIÊN QUAN TỚI CON NGƯỜI.

+ HIỆN TẠI:

(4) “Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy”

Ta chú ý: “Lương thực ngày ấy”, có nghĩa ta xin cho có lương thực từng ngày chứ không phải lương thực cả đời, lương thực ở đây bao gồm: lương thực phần hồn cũng như phần xác.

Ta thấy có sự khác biệt giữa Luca và Matthêu. Ở Matthêu đó là, “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, ở Matthêu, lời cầu xin cho có lương thực hằng ngày, hướng tới cho cả cuộc đời, ngày nào cũng có lương thực.

Sở dĩ có sự khác biệt này, Luca có lẽ sống với một cộng đoàn Kitô hữu quá nghèo khổ nên đã thêm vào một sắc thái, và nhấn mạnh: “Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy... “ Lời cầu nguyện này rất khiêm nhường, nhưng đã cáo giác tâm thức của những Người giàu có. Đức Giêsu không ngừng nhấn mạnh để chúng ta không nên lo lắng quá về ngày mai (Lc 12,22-32; Mt 6,34). Trong cuộc xuất hành qua sa mạc, dân Chúa không thể tích trữ lương thực man-na trước cho nhiều ngày (Xh 16,4).

+ QUÁ KHỨ

(5) “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”

So với Kinh Lạy Cha đọc hiện nay, câu này sẻ là: “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.”

Thánh sử Luca đã thay từ opheilêmata, “các món nợ”, bằng hamartias, “các tội”, có lẽ để cho độc giả Kitô hữu gốc Dân ngoại dễ hiểu lời xin này hơn. Vì đối với Thiên Chúa, ta không mắc nợ nhưng là mắc tội. Tại sao Thiên Chúa là Cha mà ta lại mắc nợ, ta chỉ có tội khi không sống đúng với bổn phận là con. Còn đối với anh em, ta không mắc tội, nhưng là mắc lỗi.

Và một điểm đặc sắc nữa, Luca đã dùng “vì chính chúng con cũng tha cho mọi người...” để chỉ sự phổ quát của sự tha thứ ấy mà chúng ta thực hiện với những người khác, nếu chính chúng ta muốn được Thiên Chúa tha thứ. Có nghĩa là để được Thiên Chúa tha tội, ta phải tha thứ cho hết mọi người, không trừ một ai.

+TƯƠNG LAI

(6) “Và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

Chúng ta không cầu xin tránh cám dỗ, vì đó lại là cơn cám dỗ lớn nhất, nó tạo cho ta một cảm giác an toàn giả tạo, nó đưa ta đến ý nghĩ này: đã có Chúa rồi không sợ gì hết, Chúa sẽ không để cám dỗ đến gần chúng ta. Khi mang trong mình ý nghĩ này, ta sẽ bị đánh gục bởi sự ảo tưởng của mình.

Trên thực tế con người không thể tránh chước cám dỗ, nó từ đâu đến ta không biết, nhưng ta phải hiểu rõ điều này, khi còn sống trên trần gian, ta luôn phải đối đầu với 3 thế lực: Ma quỷ, Thế gian và Xác thịt. Như vậy cám dỗ ắt phải đến cho dù ta không muốn. Điều mà ta cầu xin đó là, xin Chúa ban cho ta sức mạnh để có thể vượt qua những cơn cám dỗ.

Kinh Lạy Cha của Luca đã bỏ câu này so với Matthêu, “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”

Sự khác biệt giữa Luca và Matthêu về kinh Lạy Cha đã nói lên điều này, mặc dù cùng một sự linh hứng từ Chúa Thánh Thần, nhưng khi viết Tin mừng, mỗi Thánh sử vẫn có thể biểu lộ lập trường, quan điểm riêng của mình, do đó có thể có sự khác nhau giữa các thánh sử, nhưng Chân Lý vẫn là đồng nhất, Chúa Kitô ngày hôm qua vẫn là hôm nay và mãi mãi.

Nói tóm lại, trước yêu cầu của các môn đệ, xin Đức Giêsu dạy cho biết cầu nguyện như Gioan Tảy Giả đã dạy môn đệ của ông, Đức Giêsu đã đưa ra kinh Lạy Cha, bởi vì Ngài biết và luôn luôn chiêm ngưỡng Thiên Chúa, bởi vì Người cũng biết ý nghĩa và cùng đích của đời sống chúng ta, Đức Giêsu có thể dạy chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa hơn bất cứ ai trước Ngài.

Trong Kinh Lạy Cha, Đức Giêsu cung cấp cho chúng ta không những một bản văn kinh nguyện, mà còn cho một kiểu mẫu về các nội dung của lời cầu nguyện. Chúng ta được gọi Thiên Chúa là “Cha”: tương quan của Thiên Chúa với chúng ta là tương quan của một người cha với các con mình. Và chúng ta hoàn toàn có thể tin cậy vào lòng nhân lành của Thiên Chúa. Trong lời cầu nguyện, chúng ta chứng tỏ mình có một hình ảnh về Thiên Chúa và cảm nghiệm thế nào về Ngài. Trong lời cầu nguyện, chúng ta thể hiện tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Và cũng trong kinh Lạy Cha, chúng ta cũng nhận ra mọi người là anh em với nhau. Không có bản kinh nào đẹp và đầy đủ hơn kinh Lạy Cha mà Đức Giêsu đã dạy.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét