Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Chúa Nhật Tuần XXVIII Mùa Thường Niên - Năm C
Lời Chúa: 
 Lc 17,11-19
11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13 và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!" 14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. 17 Đức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? 18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" 19 Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.


Đọc bài Tin mừng Chúa nhật 28 TN, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện kể về lòng biết ơn mẹ của chàng thanh niên sau khi hoàn thành nhưng tháng năm trên giảng đường. Nhưng không phải tự chàng thanh niên biết ơn mẹ, mà phải có người dạy cho anh phải biết ơn mẹ.

" Một chàng trai trẻ học xong bậc đại học rất xuất sắc. Chàng nộp đơn xin vào một chức vụ quản giám trị viên trong một công ty lớn. Chàng ta vượt qua được đợt phỏng vấn đầu tiên. Đến lượt Ông đốc công ty đích thân thực hiện cuộc phỏng vấn cuối cùng để có quyết định chót. Ông giám đốc nhận thấy trong học bạ của chàng trai trẻ kết quả học hành tất cả đều rất tốt, liên tục từ bậc trung học cho tới các chương trình nghiên cứu khi lên đại học và sau nữa. Không một năm học nào mà anh chàng này không hoàn thành tốt đẹp.

Ông giám đốc hỏi: “Anh có được hưởng học bổng nào khi còn theo học hay không?” Chàng trai trẻ trả lời “Thưa không!” “Như vậy là Cha anh trả học phí cho anh đi học hay sao?” Chàng đáp: “Thưa Cha tôi đã qua đời khi tôi vừa mới được một tuổi. Chính Mẹ tôi mới là người trả học phí cho tôi.” Ông giám đốc lại hỏi: “Thế Mẹ của anh làm việc ở nơi nào?” Chàng đáp: “Thưa Mẹ tôi làm công việc giặt giũ quần áo để kiếm sống.” Ông giám đốc bảo chàng trai trẻ đưa đôi bàn tay của chàng cho ông xem. Chàng đưa cho ông ta coi thấy cả hai bàn tay chàng đều mịn màng và toàn hảo. Ông giám đốc hỏi: “Vậy thì từ trước tới nay anh có bao giờ giúp Mẹ anh giặt giũ các áo quần không?” Chàng trai trẻ đáp: “Thưa chưa bao giờ. Mẹ tôi luôn luôn bảo tôi phải lo học hành cho chăm chỉ và phải đọc sách vở thêm cho nhiều. Hơn nữa, mẹ tôi giặt giũ quần áo nhanh hơn tôi.” Ông giám đốc nói: “Tôi có một yêu cầu thế này nhé! Hôm nay khi trở về nhà, anh hãy tới giúp Mẹ anh lau đôi bàn tay của bà cho sạch sẽ, và rồi sáng ngày mai anh đến gặp lại tôi.”

Chàng trai trẻ có cảm tưởng là mình có rất nhiều hy vọng sẽ được tuyển dụng vào làm chức vụ này. Khi quay trở về nhà, chàng ta sung sướng chỉ muốn xin được lau rửa đôi bàn tay của bà Mẹ. Mẹ chàng cảm thấy lạ lùng và có cảm giác vừa vui sướng mà cũng vừa lo ngại, bà đưa đôi bàn tay cho con trai. Chàng trai trẻ chậm rãi lau sạch đôi bàn tay của Mẹ mình, vừa lau vừa nhỏ đôi dòng nước mắt. Ðây là lần đầu tiên chàng mới có dịp nhận thấy đôi bàn tay của bà Mẹ chàng quá nhăn nheo và đầy những vết bầm tím. Một vài vết bầm tím gây ra đau nhức mạnh khiến cho bà phải rùng mình khi được lau rửa bằng nước.


Đây là lần đầu tiên mà chàng trai trẻ nhận thức ra được và cảm thông rằng từ bao lâu nay chính đôi bàn tay giặt giũ quần áo hằng ngày này đã giúp trả tiền học hành cho chàng. Những vết bầm tím trong đôi tay của Mẹ là cái giá mà Mẹ chàng đã trả cho chàng được tốt nghiệp, trả cho những kết quả học hành xuất sắc của chàng và có lẽ cho cả cái tương lai sẽ tới của chàng nữa. Sau khi lau sạch đôi bàn tay của Mẹ mình, chàng trai trẻ lặng lẽ lo giặt hết phần quần áo còn lại thay cho Mẹ. Đêm hôm đó, bà Mẹ và chàng con tâm sự với nhau thật là lâu.

Sáng sớm ngày hôm sau, chàng trai trẻ đi tới văn phòng của Ông giám đốc. Ông giám đốc nhận thấy những giọt nước mắt còn chưa ráo hết trong mắt của chàng. Ông hỏi: “Anh có thể nói cho tôi biết vào ngày hôm qua ở nhà, anh đã làm những gì và đã học được những điều gì hay chăng?”

Chàng trai trẻ trả lời: “Tôi đã lau rửa sạch sẽ đôi bàn tay của Mẹ tôi, và cũng đã giặt giũ hết phần quần áo còn lại.” Ông giám đốc hỏi: “Hãy nói cho tôi biết cảm tưởng của anh ra sao?” Chàng trai trẻ thưa: “Thứ nhất, tôi hiểu ra được thế nào là ý nghĩa của lòng biết ơn. Không có Mẹ tôi, tôi không thể là một con người thành đạt được như ngày hôm nay. Thứ hai, tôi biết cách hợp tác cùng làm việc với Mẹ tôi, và chỉ tới giờ đây tôi mới nhận thức được rằng thật gian khó và khổ nhọc để hoàn tất một công việc gì đó. Thứ ba, tôi hiểu được ra cái tầm mức quan trọng và cái giá trị của mối liên hệ gia đình.”

Ông giám đốc nói: “Ðây là những gì mà tôi cần đấy! Tôi muốn tuyển dụng vào chức vụ quản lý một người phải biết quý trọng sự giúp đỡ của những người khác, một người cảm thông sự khó nhọc của những người khác để hoàn thành nhiệm vụ, và một người không chỉ nghĩ đến tiền bạc như là mục tiêu duy nhất trong cuộc đời. Em được tuyển nhận!”

Về sau này, chàng thanh niên trai trẻ này làm việc rất hăng say, và được các nhân viên dưới quyền của chàng kính trọng. Tất cả nhân viên làm việc siêng năng và hợp tác với nhau. Công ty mỗi ngày một phát đạt thêm rất nhiều."

Đã là người thì từ khi chập chững bước đi đứa trẻ đều được cha mẹ, hay người thân dạy "Cám ơn" và "xin lỗi". Hai từ này theo suốt cuộc hành trình trên dương thế của đời người. Ngày nay, lời "cám ơn" và "xin lỗi" còn có giá trị không?

Nhưng ngày nay, lời " cám ơn" và "xin lỗi" lại rất khó nói. Con được cha mẹ lo ăn học, thì cho đó là trách nhiệm của cha mẹ. Thầy cô dạy học cho nên người thì cho đó là bổn phận của thầy cô. Khi tôi trả tiền cho người bán cho tôi 1 món đồ và  tôi cám ơn, người bạn đi theo tôi thắc mắc: "mua đồ thì trả tiền, mắc gì phải cám ơn người bán"....

Để rồi, hôm nay Chúa lại hỏi người đến cám ơn Chúa khi được chữa lành: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" Có lẽ câu ngày cũng chất vấn tôi về nhiều điều lắm:
- Tôi có thường tạ ơn Chúa khi sau một đêm dài an bình, mở mắt ra thấy ánh sáng của một ngày mới không?
- Tôi có tạ ơn Chúa sau một ngày làm việc dù có thành công hay thất bại, dù có gặp khó khăn hay đau khổ không?
- Tôi có tạ ơn Chúa khi Chúa và hằng ngày cho tôi của ăn nuôi sống linh hồn tôi, và tôi sống cho xứng đáng với ơn Chúa không?
- Và tôi có biết cám ơn những ai đã giúp cho tôi sống tốt một ngày, từ người giúp việc đến các bậc đáng kính không? hay tôi chỉ biết nói lời cám ơn khi việc đó vừa ý tôi, đúng với nhưng dự toán của tôi... Và đặc biệt tôi có dám nói lời "cám ơn" khi ai đó sống "vô ơn" đối với tôi. Bởi vì lúc đó tôi mới khám phá ra tôi cũng đang vô ơn với một ai đó.

Lạy Chúa, lời tạ ơn con dâng lên Chúa khi nắng hồng vừa mới dâng, hay khi hoàng hôn tan dần, con vẫn mãi mãi dâng lời tạ ơn. Chúa biết rõ lòng con, Chúa biết rõ những ý nguyện con xin Chúa suốt tuần này, nhưng đến nay con vẫn chưa được, con vẫn tạ ơn Chúa, vì Chúa biết điều con xin hiện chưa phải là thời gian thuận tiện cho con, hay chưa thật sự đem lại cho con ơn cứu độ, sự bình an. Con vẫn cầu xin, và tạ ơn Chúa, tạ ơn cha mẹ, gai đình và tất cả những người đã giúp con lớn lên trong ân phúc tràn đầy.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét