Phân tích và Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên Năm Lẻ (11/07/2013) - Thánh Bê-nê-dic-tô viện phụ. (Mt:10,7-15) Nguyên văn Bài Tin mừng: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn. Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em. Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơ-đôm và Gô-mô-ra còn được xử khoan hồng hơn thành đó.” _____________________________ Phân tích và Chia sẻ. Bài Tin mừng hôm nay (Mt 10, 7-15) tiếp nối Bài Tin mừng hôm qua (Mt 10, 1-7). Sau khi Đức Giêsu ban cho 12 môn đệ quyền trừ quỷ, quyền trên các thần ô uế, quyền chữa lành các bệnh tật, Ngài sai các ông đến với con chiên lạc nhà Israel. Đi đến đâu các ông rao giảng "Nước Trời đã gần đến". Ngày hôm nay, Đức Giêsu còn căn dặn các môn đệ một số điều phải giữ để lời rao giảng của các ông có kết quả mỹ mãn. Ta còn nhớ, ngày Chúa nhật vừa qua (Chúa nhật XIV Thường niên), Giáo hội cho đọc Bài Tin mừng (Lc:10,1-12.17-20), với nội dung: Đức Giêsu chọn ra 72 môn đệ, sai các ông đi loan báo Tin mừng. Như vậy, ta thấy rõ trong tuần lễ này, Giáo hội muốn đặt trọng tâm vào việc Truyền giáo. Giáo hội muốn nhắc cho con cái mình ý thức về tầm quan trọng của việc Loan báo Tin mừng, vì căn tính của Giáo hội là truyền giáo. Nếu Giáo hội không truyền giáo, Giáo hội sẽ không còn là Giáo hội nữa. Đừng nghĩ rằng: việc loan báo Tin mừng là việc của hàng Giáo sĩ, Linh mục, Tu sĩ, người giáo dân không phải làm, thực tế nó là việc của tất cả mọi người mang danh Kitô hữu. Nếu chỉ căn cứ vào Bài Tin mừng Đức Giêsu sai 12 môn đệ đi rao giảng, mà cho rằng việc truyền giáo là của hàng Giáo sĩ, thì với Bài Tin mừng Đức Giêsu sai 72 môn đệ, có tính phổ quát hơn, nó cho mỗi người có một cái nhìn đúng đắn, đó là việc loan báo Tin mừng là của mọi người. Dĩ nhiên cách thức loan báo sẽ khác nhau tùy theo cấp bậc trong Giáo hội. ____________________________ Mở đầu Bài Tin mừng Khi thánh viết: _____ “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn. Trọng tâm của việc loan báo, đó là rao giảng "Nước Trời đã gần đến". Ta tự hỏi: khi rao giảng "Nước Trời đã gần đến" như vậy, nó có cuốn hút được người khác không? có thực tế đối với họ không? Rất có thể lời rao giảng của các môn đệ sẽ không được ai chú ý, không ai muốn nghe. Vì thực tế so sánh cho thấy, dân số trên thế giới hiện nay bao nhiêu, và số người đặt niềm tin vào Đức Giêsu là bao nhiêu? Chưa kể số người tin vào Đức Giêsu còn bị chia cho các tôn giáo, nào là Công Giáo, Tin Lành, Anh Giáo, Chính Thống Giáo,... Ta cứ cho tất cả những người tin vào Đức Giêsu cùng ở chung một tôn giáo, thì số người chưa nhận biết Đức Giêsu trên thế giới còn đến gần 7/8. Như vậy, lời rao giảng "Nước Trời đã gần đến" chưa thật sự cuốn hút mọi người, đó là một sự thật cần phải nhìn nhận, không nên tránh né. Ta đang hỏi: tại sao vậy? Đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này? (1) Nguyên nhân thứ nhất: Vấn đề con người ở mọi thời đại họ quan tâm đến chuyện gì? Xin thưa: Họ quan tâm đến nhu cầu vật chất, quan tâm đến đời sống kinh tế, đó là mối ưu tư số một. Thỉnh thoảng họ có nghĩ đến đời sống tâm linh, lúc ấy họ biện minh cho mình rằng: chỉ cần ở tốt với mọi người, không làm hại ai là được rồi. Ta còn nhớ, trước Ngày Giải phóng, ở miền Trung có một sự kiện làm đau lòng Giáo hội, người ta đem gạo đến phát cho dân làng để mọi người theo Đạo, vì có thực mới vực được Đạo. Nên Đạo Công Giáo bị gọi là Đạo Gạo. Khi không còn gạo nữa, Đạo cũng bỏ luôn. Như vậy, ta có thể nói, con người ngày nay là con người vô thần, con người duy vật trong thực hành, điều này có nghĩa: mặc dù ngoài miệng họ không cho mình là vô thần hay duy vật, nhưng đời sống của họ đã chứng minh điều đó. Như vậy, lời rao giảng "Nước Trời đã gần đến" chưa thật sự cuốn hút người khác. Thiên Chúa là Đấng quá xa lạ đối với họ, họ không cần quan tâm, cái mà họ quan tâm là những thứ khác. (2) Nguyên nhân thứ hai: Đó là do người tín hữu chưa có gì nổi bật cho lắm, mặc dù họ có thể sống tốt, có uy tín với mọi người nhưng điều đó chưa đủ sức để đưa người ta đến với Chúa. Ta cứ thử hỏi mình xem: mình đã đưa được người nào vào Đạo qua cách sống của mình chưa? Chỉ cần một người thôi, điều đó cũng chưa. Có thể đến hết cuộc đời ta vẫn chưa đưa được một người vào Đạo. Đấy là chưa kể đến trường hợp phản Kitô, tức qua lối sống của ta, họ còn ác cảm với Đạo, người có Đạo mà sống như vậy thì còn ai muốn theo Đạo nữa. Đặt ra vấn đề này, không phải để trách móc, nhưng để ta ý thức hơn nữa về sứ mệnh Loan báo Tin mừng, để ta thay đổi cách sống của mình cho phù hợp với Tin mừng. Và còn nhiều lý do khác nữa mà không tiện kể ra. Chính vì vậy, Đức Giêsu mới ban cho các môn đệ mọi quyền năng và truyền cho các ông: "Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ". Nếu chỉ rao giảng suông: Nước đã gần đến, nó chưa thực sự cuốn hút người khác, Đức Giêsu đã ban cho các môn đệ mọi quyền năng, và với quyền năng này, các môn đệ sẽ đồng hành với mọi người trong nỗi bất hạnh của họ. Các môn đệ sẽ chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Các ông sẽ trở nên gần gũi với họ, và lời ra giảng Nước Trời đã gần đến, mới được mọi người chú ý đón nhận. Có một điều Đức Giêsu cần lưu ý các ông, khi làm phép lạ chữa bệnh, các ông có thể bị các cám dỗ vật chất lôi cuốn, xa rời việc loan báo Tin mừng. Các ông phải nhớ rằng: mục đích của việc chữa lành là để muôn dân nhận ra quyền năng và tình yêu Thiên Chúa, chứ không phải để các ông tìm kiếm lợi lộc vật chất. Đức Giêsu nhấn mạnh cho các ông biết: "Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy". Vâng, những gì các môn đệ đang có đây, quyền năng chữa bệnh và xua đuổi ma quỷ, đó là do Chúa ban và ban một cách nhưng không, nó không tự các ông, như vậy đến lượt mình, các ông phải ban phát cho người khác cách nhưng không như vậy. Nếu các môn đệ qua đó để kiếm lợi lộc vật chất cho mình, các ông không xứng đáng là môn đệ Đức Giêsu. Vì Đức Giêsu biết trước những cám dỗ vật chất có thể làm các môn đệ xao lãng bổn phận rao giảng Tin Mừng; nên Ngài ngăn cấm: + Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng: Người môn đệ trung thành của Đức Giêsu không bao giờ được phép tìm kiếm những thứ này; ngày nào người môn đệ tìm kiếm những thứ này, họ không thể là người môn đệ của Đức Giêsu, và lời rao giảng của họ sẽ mất hết hiệu lực. + Đừng tích trữ của cải mang theo: "Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy." Nhiều người cho những lời dạy này không thực tế, vì lên đường mà không có những vật dụng cần thiết, khi cần đến lấy gì mà dùng. Điều chính yếu Đức Giêsu muốn nêu lên ở đây là người môn đệ phải sống một cuộc đời đơn giản. Nếu người môn đệ có quá nhiều của cải, làm sao ông có thể sẵn sàng lên đường đến những nơi xa xôi hẻo lánh để rao giảng Tin Mừng? Hơn nữa, Đức Giêsu muốn các môn đệ phải tuyệt đối tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa, "vì thợ thì đáng được nuôi ăn." Thiên Chúa sẽ không để những nhà rao giảng Tin Mừng của Ngài phải chết đói dọc đường. ___________________________ Cuối cùng Kinh thánh viết: _______ Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em. Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơ-đôm và Gô-mô-ra còn được xử khoan hồng hơn thành đó.” Khi dạy các môn đệ đừng kiếm vàng bạc, đừng mang theo bao bị,... Đức Giêsu sợ các ông sẽ lo lắng khi đến thành hay làng nào đó, nên Ngài nói rõ cho các ông biết: Thiên Chúa đã quan phòng và chuẩn bị tất cả, Ngài sẽ thúc đẩy những tâm hồn quảng đại, chăm lo đời sống vật chất cho các ông, để các ông chuyên tâm loan báo Tin mừng, không phải bận tâm gì hết. Vấn đề là: khi các ông đến thành hay làng nào, phải dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng và hãy ở lại nhà người ấy cho đến lúc ra đi. Một khi Thiên Chúa đã có sự sắp xếp, việc các ông tìm ra họ rất dễ dàng, có vẻ họ đang đứng đó chờ sẵn các ông. Đức Giêsu đã quá chu đáo cho các môn đệ, và ngày nay, Thiên Chúa vẫn quan phòng và chu đáo như vậy. Ta thử nhìn lại các Cố Tây đến giảng đạo tại Việt Nam vào những ngày đầu tiên, các ngài đều hoàn toàn xa lạ với người bản xứ, xa lạ không những về ngôn ngữ mà cả đến phong tục tập quán. Ta thử hỏi làm sao các ngài lại có thể thành công trong việc đem Đạo Chúa vào Việt Nam và đặt nền móng cho Giáo hội Việt Nam? Đó cũng là nhờ những người bản xứ có tâm hồn quảng đại, chăm lo đời sống cho các ngài, không những chăm lo đời sống vật chất, họ còn dạy cho các ngài tiếng bản xứ, dạy cho cả phong tục tập quán. Phải công bằng mà nói, những giáo dân đầu tiên này có công rất lớn trong việc khai sinh Giáo hội Việt Nam. Ta thử hỏi: Những người này sao lại nhiệt tình như vậy, trong khi về vật chất họ chẳng có lợi lộc gì? Xin thưa, đó là do Chúa đã soi sáng và tác động lên họ. Như vậy, lời Đức Giêsu nói với các môn đệ ngày xưa còn đúng cho ngày hôm nay và mãi mãi. Phần thưởng cho những người tiếp đón các môn đệ Chúa: "Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em." Các môn đệ đem đến cho người ta cái gì? có phải là lợi lộc vật chất không? Thưa không. Vì chính các ông không được đem theo thứ này, thì làm sao có thể cho họ. Các ông sẽ cho họ thứ quý nhất, đó là chính Chúa, tức đem Chúa đến với họ. Vì nghĩ cho cùng, khi các ông chúc bình an, các ông đã tặng họ Đấng ban bình an, đó là Chúa. Đừng tưởng rằng cuộc sống đầy vàng bạc là đã sung sướng, trái lại nó sẽ đầy bất an. Người ta chỉ bình an thực sự khi có Chúa ở với họ. Lúc ấy họ sẽ mạnh dạn sống, mạnh dạn đương đầu với bao sóng gió, vì Chúa luôn đồng hành với họ. Hình phạt cho những người không tiếp đón các môn đệ Chúa: "Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. Thầy bảo thật anh em, trong Ngày Phán Xét, đất Sodom và Gomorrah còn được xử khoan hồng hơn thành đó." Như có lần phân tích: Người Do Thái có thói quen giũ bụi chân khi từ một vùng dân ngoại để trở về nhà, có ý cho biết, họ không muốn chung đụng với dân ngoại. Như vậy, hình phạt đối với người không tiếp đón các môn đệ, đó là các ông sẽ giũ bụi chân khi ra khỏi thành hay làng, có ý nói cho họ biết, họ bị cắt dứt nguồn ân sủng. Và trong ngày tận thế đất Sodom và Gomorrah sẽ được xử khoan dung hơn thành đã từ chối. Đức Giêsu muốn nhắc lại tích truyện trong Cựu Ước, hai thành Sodom và Gomorrah bị Đức Chúa sai lửa từ trời đốt cháy vì họ quá tội lỗi. Nhưng dù sao họ cũng được xử khoan dung hơn vì họ không được ai đến rao giảng Nước Thiên Chúa. ___________________________ Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày, nơi khuôn mặt khốn khổ của tất cả những người bị thử thách: những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn, nhưng vì thiếu Lời Chúa; những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước, nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương; những kẻ vô gia cư, không chỉ tìm kiếm một mái nhà, nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương; những kẻ bệnh hoạn và hấp hối, không chỉ trong thân xác, nhưng còn trong tinh thần nữa, bằng cách thực thi lời hy vọng này: “Điều mà ngươi làm cho người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính Ta” _______ (Chân phước Têrêxa Calcutta)
Nguyễn Viết Tâm
Nguyễn Viết Tâm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét