Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIV Thường Niên Năm Lẻ (10/07/2013) - (Mt:10,1-7)

Nguyên văn Bài Tin mừng:

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ Người lại, và ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền.

Đây là tên của mười hai Tông đồ: Trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em của ông, Giacôbê con ông Giêbêđê và Gioan em của ông, Philipphê và Bartôlômêô, Tôma và Matthêu người thu thế, Giacôbê con ông Alphê và Tađêô, Simon nhiệt tâm và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.

Chúa Giêsu đã sai mười hai vị này đi và truyền rằng: "Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel. Các con hãy đi rao giảng rằng: 'Nước Trời đã gần đến'".
_______________________________

Phân tích và Chia sẻ.

Mở đầu Bài Tin mừng Kinh thánh viết: ________ Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ Người lại, và ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền.

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu ban quyền năng cho 12 môn đệ và sai các ông đi rao giảng Tin mừng. Các ông sẽ nhận được từ Đức Giêsu và làm những việc Đức Giêsu đã làm, như: Xua đuổi các thần ô uế, và chữa lành mọi bệnh tật. Các môn đệ đã theo Đức Giêsu một thời gian, đã được Ngài đào luyện, bây giờ chính là lúc các ông sẽ thực hiện Sứ vụ rao giảng Tin mừng này. Qua đoạn Tin mừng trên, ta có một số nhận xét sau đây:

(1) Việc rao giảng Tin mừng là một công việc vĩ đại, được thực hiện lâu dài, có thể nói, nó kéo dài cho đến tận thế. Như vậy, Đức Giêsu đã chuẩn bị rất chu đáo, Ngài có tầm nhìn xa trông rộng. Việc Ngài chọn 12 môn đệ và ban cho họ quyền năng để họ tiếp tục công việc của Ngài khi Ngài về trời, chứng tỏ Đức Giêsu đã chuẩn bị lớp kế thừa. Sau đó, những người kế tiếp các ông cũng được mời gọi thực hiện Sứ vụ đó. Như vậy, việc loan báo Tin mừng sẽ được thực hiện từ đời này đến đời kia, tạo thành một xâu chuỗi liên tục, không bị gián đoạn.

Việc các môn đệ nhận được quyền năng từ Đức Giêsu, tức làm được những việc Đức Giêsu đã làm, khi rao giảng, các ông sẽ trở thành Đức Giêsu thứ hai, vì sau này khi Đức Giêsu về trời, người ta không còn thấy Ngài nữa, nhưng mỗi khi nhìn vào các ông, người ta sẽ thấy được Đức Giêsu, vì các ông chính là hiện thân của Ngài, các ông cũng có quyền trên thần ô uế và chữa lành các bệnh tật như Ngài đã làm.

Ngày nay, Giáo hội tiếp tục sứ mạng của các môn đệ, và để tiếp nối công việc của các ông, Giáo hội đã lập nên các Chủng viện để đào tạo Linh mục, Tu sĩ. Những vị này sẽ dâng hiến đời mình cho công cuộc Truyền giáo. Như vậy, Linh mục cũng phải là Đức Giêsu thứ hai, vì khi nhìn vào linh mục, người ta sẽ thấy được Đức Giêsu. Nếu khi nhìn vào linh mục, người ta không thấy được Đức Giêsu, thì vị đó đã không đúng Thiên chức linh mục của mình, ngược lại còn làm méo mó hình ảnh Đức Giêsu.

(2) Tại sao Đức Giêsu lại chọn 12 môn đệ? Con số 12 nói lên điều gì?

Hiện nay người ta có nhiều cách giải thích, nhưng chỉ có 2 cách giải thích sau nói lên ý nghĩa của việc rao giảng Tin mừng.

* Lối giải thích thứ nhất: Con số 12 ở đây, gợi cho ta nhớ đến 12 chi tộc Israel. Như vậy, khi Đức Giêsu chọn 12 môn đệ, Ngài muốn nhấn mạnh rằng: từ đây một nước Israel mới sẽ được thành lập, nước Israel mới này chính là Nước Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng, tức Nước Thiên Chúa đang được hình thành, nó không còn đóng khung trong nước Israel cũ mà nó vươn ra toàn thế giới.

* Lối giải thích thứ hai: Con số 12, đó là kết quả 3 nhân với 4, tức 3x4=12. Con số 3 luôn thể hiện một cái gì đó tròn đầy, hoàn hảo, chẳng hạn như Ba Ngôi Thiên Chúa, kiềng 3 chân,... Còn con số 4 có ý nghĩa 4 phương: đông tây nam bắc. Nếu con số 3 là hoàn hảo, nay được gấp 4 lần, thì con số 12 có ý nghĩa gấp 4 lần sự hoàn hảo. Ta thấy trong Kinh thánh luôn nói về con số 12 này, đó là con số tuyệt vời, ví dụ: Thánh Kinh nói Giacob có 12 người con nắm quyền trị vì 12 cho tộc Israel. Sách Khải huyền mô tả nước trời là một Giêrusalem ngợp đầy ánh sáng huy hoàng có 12 cửa, và trên cửa có 12 thiên thần (Kh 21,12).

Như vậy, việc Đức Giêsu chọn 12 môn đệ, Ngài muốn nước Israel mới, Nước Thiên Chúa được lớn mạnh và bền vững. Nước Trời ví như hạt cải, mặc dù bé nhỏ nhất trong các hạt, nhưng khi vươn lên nó sẽ lớn mạnh đến nỗi chim trời có thể trú ngụ trên nó.
__________________________

Kinh thánh viết tiếp: ________ Đây là tên của mười hai Tông đồ: Trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em của ông, Giacôbê con ông Giêbêđê và Gioan em của ông, Philipphê và Bartôlômêô, Tôma và Matthêu người thu thế, Giacôbê con ông Alphê và Tađêô, Simon nhiệt tâm và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.

- Nhìn vào danh sách các Tông-đồ, điều đầu tiên chúng ta nhận ra là những con người tầm thường, chẳng có gì nổi bật so với tiêu chuẩn của thế gian, đấy là chưa kể đến yếu đuối, tội lỗi. Điều này chứng minh: sức mạnh và uy quyền hoàn toàn của Thiên Chúa. Ngài giúp con người tầm thường làm những việc phi thường.

- Con người thường hay chọn những người cùng một sở thích hay tính tình giống nhau. Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ có tính tình khác nhau, nhiều khi đến chỗ xung khắc: một Phêrô nhanh nhẩu nói năng phải ở với Gioan thâm trầm, ít nói; một Simon nhiệt thành chống lại uy quyền ngoại bang phải ở với Mattheu, người thu thuế cho ngoại bang; một Thomas từ chối không tin tất cả lời chứng Chúa đã sống lại và hiện ra của tất cả Tông-đồ khác. Thế mà Thiên Chúa có thể làm cho các ông dẹp khác biệt cá nhân, để sống chung và cùng nhau thi hành sứ vụ Ngài trao.

Cái tên người ta chú ý nhiều nhất, nằm ở cuối danh sách, đó là Giuđa Iscariô. Thánh sử Matthêu xác định luôn, đó là kẻ nộp Đức Giêsu. Sở dĩ Matthêu xác định như vậy vì ngài viết Tin mừng sau khi mọi sự đã xảy ra, để cho mọi người chú ý đến con người này khi đọc Tin mừng.

Ta tự hỏi: Tại sao Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự, không lẽ Ngài không biết trước việc Giuđa Iscariô sẽ phản bội mà Ngài còn chọn ông ta? Hay Ngài chọn nhầm người? Xin thưa: Không, Ngài không chọn nhầm. Chúa không bao giờ lầm khi tạo dựng nên con người và kêu gọi một người nào đó.

Có người giải thích: Đức Giêsu phải chọn Giuđa Iscariô, phải có ông thì mới có sự kiện Ngài bị bắt và chết trên thập giá, thực hiện công trình cứu chuộc. Giải thích như vậy quá thô thiển, cứ y như người ta phải đóng trọn vở kịch đã được soạn trước.

Để giải thích việc biết trước Giuđa Iscariô sẽ phản bội với việc Đức Giêsu chọn Giuđa, ta sẽ đụng phải vấn đề hóc búa nhất trong Đạo. Đó là việc biết trước của Thiên Chúa và sự tự do của con người. Tại sao Chúa biết trước số phận của một người nào đó sẽ sa Hỏa ngục mà Ngài vẫn dựng nên họ? Có phải Ngài quá tàn nhẫn không? Xin thưa: Không phải như vậy.

Đối với Thiên Chúa, là Đấng thấu suốt mọi sự, cái nhìn của Ngài xuyên suốt lịch sử, tức quá khứ, hiện tại, tương lai của cả nhân loại và riêng mỗi người đều hiện lên trước mắt Ngài. Không như sự biết trước của con người rất giới hạn. Nhưng vì là Thiên Chúa, nên Ngài luôn tôn trọng sự tự do của con người, tôn trọng tuyệt đối. Nếu Ngài hạn chế sự tự do đó, Ngài sẽ không còn là Thiên Chúa nữa. Con người được dựng nên theo hình ảnh của Ngài, con người có toàn quyền phủ nhận hoặc chấp nhận Ngài.

Như vậy, ta không thể lý giải được vấn đề, giữa việc biết trước của Thiên Chúa và sự tự do của con người, nó là một mầu nhiệm, ta có thể tạm hiểu như sau: Ta đang cầm một sợi dây xích trên hai tay, mỗi tay nắm một đầu. Một đầu dây xích là Sự biết trước của Thiên Chúa, đầu còn lại là Sự tự do của con người, còn ở giữa, các vòng móc nối với nhau thế nào ta không biết.

Như vậy, mặc dù biết trước Giuđa Iscariô sẽ phản bội, nhưng Đức Giêsu vẫn chọn ông, vì ông là con người tự do, nên ông có toàn quyền trên vận mệnh, trên ý chí của mình, có thể sự phản bội sẽ không xảy ra, nhưng công trình cứu chuộc vẫn được thực hiện theo thánh ý Thiên Chúa. Như vậy Đức Giêsu chọn Giuđa Iscariô không phải là sự nhầm lẫn, cũng như Chúa dựng nên ta không bao giờ nhầm lẫn. Tại sao ta cứ cho mình không được Chúa chọn, cho mình kém tài kém đức không được Chúa lưu tâm để ý, rồi từ đó buông xuôi chán nản, thất vọng. Nếu sống như vậy, ta đang ngạo mạn, tự cho mình là Thiên Chúa, biết hết mọi sự. Ta phải nhớ một điều là: Chúa dựng nên ta không bao giờ nhầm lẫn, Ngài dựng nên ta vì mục đích cao cả, vậy ta phải sống thế nào để đáp lại tình yêu ấy, đó mới là thái độ đúng đắn của con người tự do.
_____________________________

Cuối cùng Kinh thánh viết: _________ Chúa Giêsu đã sai mười hai vị này đi và truyền rằng: "Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel. Các con hãy đi rao giảng rằng: 'Nước Trời đã gần đến'".

Tại sao Đức Giêsu không cho 12 môn đệ đi về phía dân ngoại và vào thành của người Samaria?

Xin thưa: Vì các môn đệ còn quá non yếu, các ông phải được huấn luyện nhiều nữa, hiện tại Đức Giêsu không sai các ông đến với dân ngoại và người Samaria, vì đây là những môi trường khốc liệt. Chính Đức Giêsu đã bị người Samaria từ chối không tiếp đón. Như vậy, Ngài sai các ông rao giảng ở nhưng môi trường vừa sức các ông, đó là các chiên lạc nhà Israel. Dù sao chiên lạc nhà Israel cũng là thành viên dân riêng của Chúa, họ đã có sẵn một cảm thức về Thiên Chúa, mặc dù sọ chưa sống đúng bổn phận của mình, nên mới gọi là chiên lạc, họ sẽ dễ tiếp nhận Sứ điệp mà các ông rao giảng hơn. Như vậy, Đức Giêsu trao cho các môn đệ công việc vừa sức của các ông. Sau này, khi đón nhận Chúa Thánh Thần trong ngày Lễ Hiện Xuống, các ông mới đủ bản lĩnh đi vào các môi trường gai góc.

Sứ điệp mà các ông sẽ rao giảng là sứ điệp gì? Xin thưa: Đó là rao giảng cho mọi người biết "Nước Trời đã gần đến". Từ "Đã" ở đây có ý nói rằng Nước Trời đã đến rồi, nó đến kể từ khi Đức Giês xuất hiện, đó là thời Thiên Sai. Còn từ "Gần", ý nói rằng Nước Trời sẽ viên mãn trong ngày sau hết. Như vậy, mọi người đã được ở trong Nước Thiên Chúa rồi, họ phải ăn năn sám hối và không thể để cho mình sống theo lối sống cũ nữa. Từ đây mọi sự phải thay đồi, phải được làm mới từ các mối quan hệ, đổi mới quan hệ giữa ta với Chúa và đổi mới quan hệ giữa ta với anh em.
_______________________________

Lạy Cha, Cha muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha. Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người chưa nhận biết Đức Giêsu, họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

Xin Cha thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an của mình cho tha nhân, và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng. Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên, giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài, qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

Chúng con cũng cầu nguyện cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo. Xin Cha cho những cố gắng của chúng con sinh nhiều hoa trái. Amen.
 

Nguyễn Viết Tâm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét