Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Khi đi học giáo viên dạy học sinh nghe phải hiểu mới làm bài và thi mới đậu. Một nhà tư vấn tâm lý cũng phải lắng nghe đối tượng đang cần được tư vấn mới hiểu và đưa ra lời khuyên sao cho hợp lý nhất, cha mẹ lắng nghe con cái, con cái lắng nghe cha mẹ để cả gia đình hiểu nhau và giúp nhau sống hạnh phúc. 

Tôi nhớ câu slogan Prudential Việt Nam - "Luôn luôn lắng nghe. Luôn luôn thấu hiểu". Thật là hấp dẫn phải không thưa các bạn. Nhưng để lắng mà nghe được cần có một nghệ thuật "Con tim có những lý lẽ riêng mà lý trí không hiểu được". Vì ta thường nghe để mà đối đáp chứ không lắng nghe để mà thấu hiểu.

Theo Stephen R. Covey trong cuốn sách "7 Thói quen để thành đạt"):
Lắng nghe & thấu hiểu không phải là một xảo thuật để lấy lòng người khác, cũng không phải là kiểu lắng nghe "có suy nghĩ". Lắng nghe "có suy nghĩ" nghĩa là bạn lắng nghe với ý định để đối đáp, để kiểm soát, để điều khiển người khác. Còn lắng nghe & thấu hiểu là một mô thức hoàn toàn khác, đó là lắng nghe với mục đích trước hết để thực sự hiểu được người khác.

Lắng nghe & thấu hiểu là đi vào bên trong khung tham chiếu của người khác. Bạn nhìn sự việc thông qua họ, nhìn thế giới theo cách của họ, hiểu mô thức của họ, cảm nghĩ của họ.

Thấu hiểu khác với thông cảm. Thông cảm là một hình thức tán thành, xét đoán, có thể hiện tình cảm và phản ứng. Người ta thường lạm dụng sự thông cảm và tạo ra cảm giác bị phụ thuộc. Bản chất của lắng nghe & thấu hiểu không phải ở chỗ bạn đồng ý với người khác, mà là hiểu đầy đủ, sâu sắc về người đó, cả tình cảm cũng như suy nghĩ của họ.

Lắng nghe & thấu hiểu không chỉ dừng lại ở sự ghi nhận, suy tư hay hiểu rõ những gì được nghe. Theo tính toán của các chuyên gia về giao tiếp, trong thực tế, chỉ có 10% giao tiếp của chúng ta được thể hiện thông qua lời nói, 30% được thể hiện qua âm thanh và 60% qua ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ. khi lắng nghe & thấu hiểu, bạn không chỉ nghe bằng tai, mà quan trọng hơn, bạn còn nghe bằng mắt và cả con tim. Bạn lắng nghe để cảm nhận, để giải nghĩa, để hiểu được hành vi của người khác. Bạn huy động cả bán cầu não phải và trái làm việc. Bạn nhận thức, trực cảm và cảm nhận.



Cách đây 2000 năm Thầy Giê-su cũng đã dạy môn đệ của Thầy về nghệ thuật "nghe và hiểu". Nghe cần phải tập trung vào vấn đề, đừng bị tạp âm làm cho những gì nghe được nó bay mất đi, hay để cho vinh hoa phú quý của cuộc đời bóp nghẹt là ta chẳng hiểu. Nhưng nghe phải hiểu và đem ra thực hành sống cho tốt điều ta được nghe.

Hằng ngày tôi đều được nghe Lời Chúa ít nhất là 3 lần, thế nhưng tôi vẫn cảm thấy tôi chưa sống tốt chưa làm thánh được, vì tôi nghe mà chưa thấu hiểu, chưa nghe với con tim mà  nghe bằng lý trí để những việc tôi làm chưa đem đến cho những người quanh được hạnh phúc. Tôi nghe mà bảo thủ cho ý kiến riêng  để rồi tôi không ra được chính mình mà đến với anh chị em. 

Xin Chúa cho con biết nhìn lên Chúa trên Thập giá để con học bài học nghe, hiểu và thực hành.
Thứ Sáu Tuần XVI Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mt 13,18-23
18 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Vậy các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: 19 Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. 20Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, 21nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó: đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. 22 Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết ngạt mà không sinh hoa kết quả được. 23 Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả, đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi".

0 nhận xét:

Đăng nhận xét