Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Suy niệm Lời Chúa trong ngày thứ Năm Tuần Thánh

Với việc Chúa lặp Bí tích Thánh Thể và hành động Chúa cúi xuống rửa chân cho các môn đệ cho tôi hai tâm tình

 Thánh Thể bữa tiệc của tình yêu

(Lc22,14-20)
Đức Giê-su cầm bánh, dâng lời tạ ơn “ Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (22,19) đoạn Ngài bẻ ra trao cho các môn đệ.

Đức Giê-su cầm lấy rượu “Chén này là giao ước mới, lập bằng Máu Thầy, Máu đổ ra vì anh em” (22,20)

Đức Giê-su thiết lập Bí tích Thánh thể qua lời đọc tấm bánh, trở thành Mình Chúa, chén rượu trở thành Máu Chúa.

Đức Giê-su đã biến lễ Vượt Qua của giao ước cũ thành lễ Vượt Qua của chính Ngài. Đó là hiến tế mang lại ơn tha thứ, như Đức Giê-su nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em”.
“ Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc22,19b)

Hãy lặp lại cử chỉ và lời nói của Chúa, nghĩa là cử hành Thánh Thể.
Lặp lại hành động của Chúa , nghĩa là hiến chính mình thành tấm bánh, được bẻ ra vì sự sống của anh em

Đức Giê-su quy tụ các môn đệ để cử hành Thánh Thể, nghĩa là trao ban Mình Máu Ngài cho những kẻ sắp phản bội Ngài như Giu-đa, chối từ Ngài như Phê-rô, và bỏ Ngài chạy hết như các môn đệ còn lại. Chúa Giê-su vẫn biết rõ điều đó nhưng Ngài vẫn trao ban, Ngài tin vào thiện chí của các ông, dù các ông yếu đuối nhưng các ông thật lòng yêu mến Chúa. Nhất là Đức Giê-su tin vào sức mạnh tình yêu của Ngài, một tình yêu có thể chữa lành các vết thương, quy tụ những gì phân tán trở về.

Vẫn còn đó biết bao lần ta đến với Thánh lễ mà lòng đầy lo toan, tính toán. Ta đến tham dự Thánh lễ với biết bao tội lỗi ta xúc phạm đến Chúa , đến anh em ta.Nguyện xin sức mạnh tình yêu của Thánh Thể Chúa chữa lành nhưng tổn thương trong tâm hồn con và quy tụ chúng con thành một cộng đoàn hợp nhất yêu thương.

   Hành động của phục vụ yêu thương.
Ga 13,1-15

Đức Giê-su là Thầy là Chúa mà cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, nhìn hành động lạ lùng của Chúa, Phê-rô đã phản đối, ông nói: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu”, Đức Giê-su đáp: “ Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (13,18)

Chung phần với thầy có nghĩa là Đức Giê-su làm gia nghiệp, là chia sẻ thân phận của Đức Giê-su, là cùng với Ngài trải qua đau khổ sự chết để đến vinh quang Phục sinh.


Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ, vừa là mẫu gương cần phải bắt chước, vừa là hành vi cứu độ cần phải đón lấy, vì động tác rửa chân ám chỉ phép rửa, sự thanh tẩy nhờ cái chết của Đức Giê-su. Chấp nhận để Chúa rửa chân nghĩa là chấp nhận chịu thanh tẩy qua cái chết của Ngài, nhờ đó  ta được chung phần với Ngài.

Mỗi khi tôi thực hiện một cử chỉ khiêm tốn, nghĩa là một phần tính kiêu căng trong tôi chết đi. Mỗi khi tôi thực hiện một cử chỉ dịu dàng, nghĩa là một phần tính hung bạo trong tôi phải chết đi. Mỗi khi tôi thực hiện một cử chỉ yêu thương, nghĩa là một phần ích kỷ trong tôi phải chết đi.

Việc Chúa rửa chân cho các môn đệ là một mẫu gương cần phải bắt chước (13,14) nhiều người thường bực tức vì không được đối xử đúng theo cấp bậc, địa vị của mình, không được người đối diện nói năng theo đúng cấp bậc của mình, và cũng không ít người cảm thấy mình quá quan trọng đến nỗi những công việc nhỏ nhặt tầm thường cũng không đụng ngón tay vào.Việc Chúa rửa chân dạy cho ta dạy ta chỉ có một loại cao trong, đó là cao trọng của sự phục vụ trong khiêm nhu.

Hai hành động Đức Giê-su thực hiện trong Bữa tiệc ly: thiết lập Bí tích Thánh Thể ( nhất Lãm) và rửa chân cho các môn đệ (Gioan) cả hai bổ túc cho nhau, vì thể khi suy niệm, ta cần kiết hợp hai biến cố này với ý nghĩa: Bí tích Thánh Thể được cử hành trên bàn thờ, việc rửa chân được cử hành trên con người. Thánh thể hướng lòng ta về Chúa, cảm nghiệm Chúa là tình yêu trao ban, hiến dâng và từ đó ta đón nhận nơi Chúa một sức sống mãnh liệt. Việc rửa chân hướng ta đến với anh chị em ta, ta biểu lộ tình yêu thương qua thái độ quan tâm giúp đỡ nhau, yêu thương tha thứ cho nhau, phục vụ trong khiêm hạ.

Lạy Chúa, mỗi khi tham dự Thánh Lễ và đón nhận Thánh Thể xin cho con biết biến đổi cuộc đời mình thành tấm bánh bẻ ra để sẻ chia cho anh chị em con, tấm bánh của yêu thương, của niềm vui, của nụ cười cảm thông tha thứ, tấm bánh của sự lắng nghe đồng cảm và của phục vụ trong yêu thương. Và như thế cuộc đời quanh con sẽ tràn ngập tình yêu và lúc này Thánh giá cuộc đời sẽ nở hoa .




0 nhận xét:

Đăng nhận xét