Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014


Chúa nhật I MV Năm B

Tác giả Lohmeyer mô tả canh thức bằng câu nói: “Đời sống của người đạo đức không diễn tiến trong những trạng thái thiu thiu ngủ, những giấc mơ và những đam mê, nhưng trong nỗ lực dấn thân luôn luôn chăm chú và điều độ của con tim nhân loại” Còn Schweizer định nghĩa canh thức là như “thái độ trong đó con người luôn luôn chờ đợi với tinh thần trách nhiệm Đức Chúa đến và không để mình bị sao nhãng trong thái độ sẵn sàng thường hằng này đối với Ngài bởi bất cứ điều gì”. Đấy là cách tốt để sống giáo huấn của Đức Giêsu.

"Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.
Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức.
Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.
Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.
Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!" (Mc 13:33-37)


Bước vào năm Phụng vụ mới với Mùa Vọng. Vọng là chờ đợi, mùa Vọng là mùa chờ đợi Chúa đến, Chúa đến lúc nào ta không thể biết, vì vậy lúc nào ta cũng phải chờ và đợi. "Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến" (Mc3,33)

Từ khi sinh ra đến lúc chết đi là cả một quãng thời gian để chờ đợi.

Khi mở mắt chào đời đứa bé đã sống sự chờ đợi: khát sữa, bé chờ mẹ cho bú. Khi bé đi nhà trẻ đến giờ về, bé mong chờ ba mẹ đến đón.

Khi đến tuổi đi học, sự chờ mong có gì đó thiết thật hơn, chờ mong được điểm cao, chờ mong được phần thưởng từ cha mẹ, thầy cô nhà trường.

Khi ra trường ta, đi phỏng vấn xin việc ta lại chờ đợi cho được gọi đi làm, đi làm thì chờ mong đến cuối tháng lãnh lương, hay thăng quang tiến chức.

Khi đến tuổi tìm hiểu người bạn đời ta lại chờ đợi, hẹn hò, chờ mong cho ngày thành hôn.

Khi đến tuổi già ta lại chờ đợi ngày ta ra đi được nhắm mặt xuôi tay an bình...

Đúng là cả cuộc đời là một sự chờ đợi, đợi chờ nào cũng có những cái giá phải trả cho kết quả ta ước mong, phải chờ trong sám hối, sám hối khi nhận mình đã gieo rắc bao gương mùa gương xấu, khiến khuôn mặt Đức Kitô trở nên méo mó và dị dạng trước mặt người đời. Sám hối là tự vấn lương tâm về những hành động gây chia rẽ trong gia đình, trong cộng đoàn, trong họ đạo. Sám hối là ăn năng về những củ chỉ thiếu khoan dung, về việc đôi khi ta áp lực người khác phải theo ý mình. Sám hối cũng là nhận những trách nhiệm trước sự bất công, trước sự ác, trước sự thiếu vắng tình thương torng thế giới hôm nay. Muốn sám hối, muốn chờ mong Chúa đế thì ta cần phải nhìn từ máng cỏ đến thập giá để học bài học tự hạ và tình yêu trao ban. Chính Lời Chúa với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta sống chờ đợi và tính thức cách tích cực hơn.

Để cho Mùa vọng này nối tiếp mùa vọng kia có một ý nghĩa thiết thực, ta cần phải triệt để lên đường, triệt để ra đi khỏi những tiện nghi, khỏi sự an toàn nơi ta ở, khỏi những đam mê làm ta cuốn theo. Muốn được như vậy ta cần phải canh thức.

Phải canh thức (Mc13,36): Trong nền văn chương Do Thái giáo, chủ đề “canh thức” được đề cập đến trong một viễn tượng quốc gia. Israel lúc đó đang bị các vương quốc của thế gian áp bức, chà đạp. Nhưng trong tương lai cánh chung, hoàn cảnh sẽ đảo ngược, Israel sẽ chiến thắng, sẽ nhận được danh dự và vinh quang. Đó là “ngày”.

Trong Tân Ước, giọng điệu ái quốc này không còn nữa. Nay người tín hữu phải chiến đấu “với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này” (Ep6,12). Thế gian đang nằm dưới quyền của thần dữ (1 Ga 5,19). Thế gian đã quay lưng lại với Ngài, là nguồn ánh sáng. Vì thế, thời gian hiện tại chính là thời kỳ của bóng tối và đêm khuya.

Vậy canh thức có phải là không ngủ? có thể cũng phần nào đúng, không ngủ trong tự mãn, tự tôn, tự ti. Không ngủ trong kiêu ngạo, kiêu căng. Không ngủ trong thành công cũng như thật bại.

Canh thức trong đêm tối để đón chờ Chúa đến như năm cô trinh nữ khôn ngoan (Mt 25, 1-13,) Chúa Giêsu có đến bất ngờ ta vẫn được Chúa đón.

Canh thức là sống trong niềm vui, trong bình an cho dẫu phong ba bão táp có giăng khắp chốn, khắp nơi. Sống trong niềm hy vọng vì trước mắt ta là con đường dẫn ta đến thế giới của tình yêu.

Lạy Chúa bước vào năm phụng vụ mới con ước mong được sống tốt sống vui sống trong tỉnh thức và cầu nguyện. Con ước mong con sống triết để hơn lời mời gọi của Chúa "Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến". Để vói Năm giáo hội dành đặt biệt cho đời sống Thánh Hiến, sống trọn ý nghĩa Năm Tân phúc âm hóa đời sống Thánh Hiến mà Đức Thánh Cha Phaxicô đã mở ra được diễn ta qua ý nghĩa logo

Một chim bồ cầu dùng một cánh để nâng đỡ một quả cầu, đang khi cánh kia bao bọc dòng nước, trổi lên ba ngôi sao.





Chim bồ câu: biểu hiệu Thánh Linh, nguồn sự sống và sự sáng tạo. Vào lúc khởi thuỷ, Thần khí Chúa bay là trên mặt nước (St 1,2), gợi lên tính sáng tạo mang lại sức sống cho nhân loại, cách riêng khi gợi lên những ơn gọi nên thánh dưới nhiều hình thức. Chim bồ câu cũng là biểu hiệu của hoà bình (x. St 8,8-14): các tu sĩ được mời gọi làm dấu chỉ hoà giải phổ quát trong Đức Kitô. Chim bồ câu cũng gợi lên sự thánh hiến của Đức Giêsu tại sông Giorđan.

Nước tượng trưng cho vũ trụ, nơi mà con người sinh sống. Các tu sĩ sống ở giữa đời, như những người phục vụ, trong tinh thần của Đức Kitô, ôm ấp và yêu thương nhân loại cũng như sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho Tin mừng.

Ba ngôi sao nhắc đến ba chiều kích của đời sống thánh hiến: thánh hiến, hiệp thông và sứ vụ. Trong truyền thống Byzantin, ba ngôi sao cũng nhắc nhớ Đức Maria (trinh khiết trước khi sinh, đang khi sinh, sau khi sinh). Đức Maria là mẫu gương của người môn đệ Đức Kitô

Quả cầu tượng trưng cho nhân loại, với nhiều nền văn hóa khác nhau. Các tu sĩ được Thánh Linh sai vào thế giới để mang sức sống thần linh đến cho họ.

Khẩu hiệu: Vita consecrata in Ecclesia hodie Evangelium, Prophetia, Spes (Đời sống thánh hiến hôm nay trong Giáo hội)

Evangelium: (Tin mừng). Tiêu chuẩn căn bản của đời sống thánh hiến là đi theo Đức Kitô dựa trên giáo huấn Tin mừng (PC 2a). Đời sống thánh hiến là ký ức sống động về lối sống và hành động của Chúa Giêsu (VC 22). Tin mừng mang lại sự khôn ngoan hướng dẫn cuộc đời, nhờ những lời khuyên mà Thầy đã dạy các môn đệ (x. LG 42).

Prophetia (Ngôn sứ). Đời sống thánh hiến là một hình thức thông dự vào tác vụ ngôn sứ của Đức Kitô, được Thần khí thông ban cho Hội thánh (VC 84) và được nuôi dưỡng nhờ Lời của Thiên Chúa. Vai trò ngôn sứ được thể hiện qua việc can đảm tố giác tội lỗi, đồng thời loan báo những cuộc “viếng thăm” của Thiên Chúa, và tìm những đường hướng giúp Tin mừng đi vào lịch sử.

Spes (Hy vọng): Đời sống thánh hiến nhắc nhở thế giới về niềm hy vọng cánh chung, nhờ sự hiện diện của Nước Thiên Chúa đang tăng trưởng ngay từ bây giờ (VC 27). Đời sống thánh hiến làm chứng cho niềm hy vọng qua việc sống gần gũi và mang tình thương đến cho người đồng loại.

Được thúc đẩy nhờ tình yêu mà Thánh Linh đổ xuống tâm hồn (Rm 5,5), những người thánh hiến ôm ấp toàn thể vũ trụ, trở thành ký ức của tình yêu Ba ngôi Thiên Chúa, sứ giả của hiệp thông và hợp nhất, những người lính canh đứng trên đỉnh núi lịch sử, liên đới với nhân loại trong những nhọc nhằn và trong việc lặng lẽ tìm kiếm Thánh Linh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét