Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên Năm Lẻ. 
(26/09/2013) - (Lc 9, 7-9)

Nguyên văn Bài Tin mừng:

Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy.” Kẻ khác nói: “Ông Ê-li-a xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.”

Còn vua Hê-rô-đê thì nói: “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.
_______________________________

Phân tích và Chia sẻ

Mở đầu Bài Tin mừng Kinh thánh viết: _______ Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy.” Kẻ khác nói: “Ông Ê-li-a xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.”

Sơ lược vài nét về “Tiểu vương Hêrôđê”

Nước Do Thái trong thời Đức Giêsu bị đô hộ bởi Đế quốc Rôma. Để cai trị, Rôma đã chia nước Do Thái thành nhiều miền và trong mỗi miền Rôma đã đặt một người Do Thái nhưng trung thành với đế quốc làm vua. Như vậy, mặc dù là vua, nhưng thực chất chỉ là vua một miền nào đó, nên gọi cho đúng nghĩa, đó là một Tiểu vương.

Cách làm này của Rôma có nhiều mục đích: (1) Không cho người nào làm vua trên cả nước để tránh phản loạn, mỗi một ông vua chỉ làm vua một miền nào đó mà thôi. (2) Dùng chính người Do Thái cai trị người Do Thái, nhưng vẫn theo đường lối của Đế quốc. Với một đất nước Do Thái, từng nổi tiếng trong quá khứ với những chiến công oanh liệt, vì đây là dân được Chúa chọn, người Rôma vẫn có phần nào đó dè chừng, nên để cho yên ổn, họ dùng chính người Do Thái cai trị.

Dòng họ Hêrôđê có gắn bó mật thiết với cuộc đời Đức Giêsu, và cả trong thời kỳ Giáo hội sơ khai, ta có thể kể ra đây các tiểu vương Hêrôđê.

+ Vua Hêrôđê cai trị từ năm 37 trước Công nguyên cho đến năm 4 sau Công nguyên được gọi là Hêrôđê Cả. Chính vị vua này đã tìm cách giết Đức Giêsu khi ra lệnh tàn sát các trẻ em ở Bê-lem (Mt 2,1-18).

+ Còn vua Hêrôđê trong Bài Tin mừng hôm nay, là người đã chém đầu Gioan Tẩy Giả, người gặp Đức Giêsu khi Ngài bị điệu đi xử (Lc 23,8-12) là con của Hêrôđê Cả, cũng được gọi là Hêrôđê Antipa, là tiểu vương miền Galilê và Pêrê (Lc 3,1). Chính ông này đã cướp vợ của anh mình là bà Hêrôđia (Mt 14,1.3-6; Mc 6,14tt). Ông cai trị hơn 40 năm. Sau khi Đức Giêsu về trời, Hêrôđê Antipa bị Rôma truất phế và bị lưu đầy vì đã ruồng bỏ người vợ cũ để lấy bà Hêrôđia, người vợ cũ có liên hệ huyết thống với Hoàng đế Rôma.

Xin nói thêm về dòng họ Hêrôđê:

- Hêrôđê Philíp I, hay tên chính xác là Hêrôđê Boethos, là con của Vua Hêrôđê Cả (với bà Mariamne II), chồng bà Hêrôđia (Mt 14,3; Mc 6,17).

- Áckhêlaô, con của Hêrôđê Cả (với bà Manthakhê), anh của Hêrôđê Antipa, cai trị miền Giuđê, Samari (Mt 2,22).

- Hêrôđê Philíp II, con của Hêrôđê Cả (với bà Cléopâtre), chồng của bà Salômê, tiểu vương miền Iturê và Trakhônít (Lc 3,1).

- Hêrôđê Agrippa I, cháu của Hêrôđê Cả, đã bách hại cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên (Cv 12,1023).

- Hêrôđê Agrippa II, con của Hêrôđê Agrippa I, đã gặp thánh Phaolô (Cv 26,1tt).

“Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm.”

Bài tin mừng hôm nay được tiếp nối với sự kiện Đức Giêsu sai các tông đồ trong Nhóm Mười Hai đi truyền giáo (Lc 9, 1-6) mà ngày hôm qua ta đã phân tích. Sau khi đã ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Giả, vì Gioan dám can ngăn Hêrôđê không được lấy vợ của anh mình, bây giờ vua Hêrôđê lại nghe nói về Đức Giêsu, một người đã thực hiện những phép lạ cả thể, dân chúng đang đến với Ngài, lại thấy các môn đệ của ông Giêsu này hoạt động mạnh mẽ trong vùng Galilê, lãnh thổ do ông cai quản. Hêrôđê rất phân vân. Ông phân vân vì nhiều lẽ:

(1) Thứ nhất: Các hoạt động của Đức Giêsu và của các môn đệ được sai đi truyền giáo đang xảy ra tại Galilê, miền do Hêrôđê cai quản. Hiện tượng dân chúng đang đến với Đức Giêsu ngày một đông, khiến cho tình hình an ninh trật tự khó đảm bảo. Chắc chắn Rôma sẽ để mắt tới và Hêrôđê sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng nếu vì thế mà ra tay ngăn cấm, thì cũng không có lý do gì vì đây thuần túy là vấn đề tôn giáo, nhân đạo chứ không có dáng dấp chính trị. Ông còn nhớ sự kiện Gioan Tẩy Giả và ông rất hối hận khi chém đầu Gioan chỉ vì một lời hứa vu vơ, do đó ông rất thận trọng với Đức Giêsu, chỉ cho người âm thầm theo dõi.

(2) Thứ hai: Có người nói: “Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy.”

Hêrôđê rất sợ điều này, nếu Đức Giêsu là ông Gioan Tẩy Giả sống lại, chắc chắn ông sẽ bị hỏi tội. Bởi lẽ ông rất kính trọng Gioan, mặc dù giam Gioan trong ngục vì tội dám can ngăn ông không được lấy vợ của anh mình, nhưng Hêrôđê vẫn đối xử Gioan tử tế, vẫn chịu ngồi nghe Gioan giảng giải mặc dù không bằng lòng nhưng vẫn thích nghe, nay vì một lời hứa trong lúc cao hứng, ông đã ra lệnh chém đầu Gioan. Có lẽ ông rất ray rứt và hối hận về việc này, nay nghe nói Gioan sống lại thì ông hoảng sợ.

(3) Thứ ba: Kẻ khác nói: “Ông Ê-li-a xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.”

Vua Hêrôđê và người Do Thái đều tin ông Elia chưa chết và đã được đưa lên trời bằng cỗ xe lửa, sự xuất hiện của Đức Giêsu làm cho nhiều người nghĩ rằng đó là Tiên tri Êlia tái lâm. Trong sách Các Vua quyển 2 có viết:

Khi Elia đang trò chuyện với Êlisa, môn đệ của ông, trong những giây phút cuối cùng, các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc. Thấy thế, ông Ê-li-sa kêu lên: "Cha ơi! Cha ơi! Hỡi chiến xa và chiến mã của Ít-ra-en! " Rồi ông không thấy thầy mình nữa. Ông túm lấy áo mình và xé ra làm hai mảnh. Ông lượm lấy áo choàng của ông Ê-li-a rơi xuống. Ông trở về và đứng bên bờ sông Gio-đan. (2V 2, 11-13)

Nhưng dư luận cho Đức Giêsu là Êlia tái lâm hoàn toàn không có cơ sở, vì sự kiện Êlia lên trời cách nay cả hàng trăm năm và không thấy Kinh thánh nói gì về Êlia nữa.

Còn một dư luận nữa, người ta coi Đức Giêsu là một ngôn sứ thời xưa sống lại, mặc dù thời ngôn sứ đã chấm dứt. Họ tin như vậy vì qua lời giảng và lối sống của Đức Giêsu, người ta dễ thấy Ngài là một ngôn sứ. Ta thấy trong Tin mừng, sau khi Đức Giêsu cho con trai bà góa thành Naim sống lại, mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người". (Lc 7, 16-17)

Chính Đức Giêsu cũng nhận mình là ngôn sứ. Ta còn nhớ khi Đức Giêsu về quê hương của mình ở Nadarét, Ngài không được người đồng hương đón nhận, Ngài nói: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình (Lc 4, 24)

Trong dịp khác, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su: "Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông! " Người bảo họ: "Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: "Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.(Lc 13, 31-33).

Như vậy dư luận người ta nói Đức Giêsu là vị ngôn sứ thời xưa sống lại cũng có cơ sở, vì chính Ngài đã coi mình là Ngôn sứ.

Tất cả những dư luận đó đã bị Hêrôđê bác bỏ, vì mặc dù ông là người Do Thái nhưng lại chịu ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp, ông không tin vào việc sống lại, cho nên ông không nghĩ rằng Đức Giêsu là Gioan, Êlia hay bất cứ một ngôn sứ nào khác sống lại. Về điểm này, Hêrôđê rất gần với nhóm Sađóc, là nhóm không tin có sự sống lại.
________________________________

Cuối cùng Kinh thánh viết: _______ Còn vua Hê-rô-đê thì nói: “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.

“Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi!”

Vua Hêrôđê muốn nhắc cho mọi người biết, chính ông đã chém đầu Gioan Tẩy Giả, và ông là người không tin có sự sống lại, cho nên ông đã xác quyết 2 điều: (1) Gioan đã chết. (2) Không có chuyện Gioan sống lại. Như vậy Đức Giêsu không phải là Gioan. Có lẽ trong thâm tâm ông cũng mong cho Đức Giêsu không phải là Gioan, nếu không, ông còn phải đối diện với sự thật còn khủng khiếp hơn nữa, ông sẽ bị Gioan hạch tội.

“Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”

Đức Giêsu không phải là Gioan, không phải là Êlia, không phải là ngôn sứ ngày xưa sống lại, vậy thì Ngài là ai? Đức Giêsu là ai mà làm được những phép lạ cả thể, không có tiên tri hay ngôn sứ nào làm được? Đó là một câu hỏi làm cho Hêrôđê phải suy nghĩ, phải bận tâm bận trí.

“Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.”

Sự thật về Đức Giêsu là một thách đố đối với Hêrôđê. Ông phải tìm được câu trả lời chính xác, do đó ông tìm cách gặp Đức Giêsu. Sự kiện vua Hêrôđê tìm cách gặp Đức Giêsu có thể nảy sinh nhiều câu hỏi.

(1) Câu hỏi thứ nhất:

Tại sao Hêrôđê là một ông vua, quyền hành có trong tay, ông không thể ra lệnh cho Đức Giêsu vào triều đình gặp ông sao, mà phải mất công tìm cách này cách khác để gặp?

Xin thưa: Có lẽ đối với Đức Giêsu, Hêrôđê không thể đối xử như một người dân bình thường hay như một tên tội phạm, ông không thể ra lệnh cho Ngài phải vào triều đình để gặp ông, quyền hành trong trường hợp này không có giá trị gì hết, càng dùng đến quyền càng thất bại. Như ta thấy trong lịch sử có nhiều trường hợp, chính nhà vua phải đích thân đi gặp hiền sĩ chứ không thể ra lệnh cho hiền sĩ vào gặp. Đối với Đức Giêsu cũng vậy, Ngài còn vĩ đại hơn cả tiên tri hay ngôn sứ. Do đó ông phải nghĩ ra cách nào thích hợp nhất để gặp Đức Giêsu. Vả lại rút kinh nghiệm về trường hợp Gioan Tẩy Giả, nên ông rất thận trọng không được nóng vội. Cứ từ từ rồi sẽ có cách.

(2) Câu hỏi thứ hai:

Ông tìm gặp Đức Giêsu để làm gì? Có phải để biết sự thật về Ngài không?

Xin thưa: KHÔNG

Để chứng minh cho điều này, ta thấy Thiên Chúa đã chiều ý ông và ông đã gặp Đức Giêsu trong cuộc Khổ nạn của Ngài. Kinh thánh viết: Khi Đức Giêsu bị điệu đến quan Tổng trấn Philatô để xét xử, trước các lời vu cáo của các bậc đàn anh Do Thái giáo, chẳng hạn họ tố cáo: "Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa." (Lc 23, 2) Philatô không thấy Đức Giêsu có tội gì nên tìm cách tha, nhưng họ càng làm áp lực đối với quan. Sau khi quan Tổng trấn biết Đức Giêsu là người Galilê, thuộc thẩm quyền của vua Hêrôđê và biết Hêrôđê đang có mặt tại Giêrusalem trong thời gian này, nên quan đã cho người áp giải Đức Giêsu đến vua Hêrôđê.

Vua Hê-rô-đê thấy Đức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ. Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả. Các thượng tế và kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội. Vua Hê-rô-đê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Phi-la-tô. Ngày hôm ấy, vua Hê-rô-đê và tổng trấn Phi-la-tô bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù. (Lc 23, 8-12)

Vua Hêrôđê đã thất bại khi muốn tìm hiểu sự thật về Đức Giêsu. Ngài không thể chiều ý ông vì 2 lý do sau:

(1) Lý do thứ nhất: Hêrôđê là con người vô đạo đức, có đời sống vô luân. Một con người như thế không thể đối diện với Đấng Chân Thiện Mỹ.

(2) Lý do thứ hai: Ông muốn gặp Ngài chỉ vì muốn thỏa mãn trí tò mò, chứ không phải tìm kiếm chân lý. Ông muốn tận mắt chứng kiến một vài phép lạ như người ta đồn thổi, điều này có nghĩa ông đang xem Đức Giêsu như một nhà ảo thuật. Đức Giêsu không bao giờ chiều ý một con người như vậy. Phép lạ chỉ được thực hiện khi biểu lộ tình yêu Thiên Chúa trước nỗi đau khổ của con người, chứ không phải là cái để đem ra biểu diễn, làm trò.

Từ khi ông tìm cách gặp Đức Giêsu đến nay là một thời gian khá dài, ông vẫn không tìm ra cách nào để gặp, nhưng nay bỗng dưng được gặp, ông lại để cơ hội trôi đi một cách vô ích. Ông đã gặp cũng như không gặp, vì ông không thấy nơi Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, mà như một anh chàng khờ dại, ngu ngốc, im lặng trước lời tố cáo của người khác mà không một lời nói để biện hộ.

Nếu Hêrôđê không làm cuộc canh tân đời sống mình, thì cho dù có nhiều cơ hội nữa đưa đến ông vẫn không gặp được Đức Giêsu. Trong khi đó, ông Giakêu, một con người tội lỗi không kém, nhưng đã biết thay đổi, quay ngược lối sống mình, ông đã gặp được Ngài và từ cuộc gặp gỡ đó ông đã trở thành một con người mới. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét