Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên Năm Lẻ.
(28/09/2013) - (Lc 9, 43b-45)

Nguyên văn Bài Tin mừng:

Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, Người nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”

Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi cácông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.
_______________________________

Phân tích và Chia sẻ

Mở đầu Bài Tin mừng Kinh thánh viết: _______ Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, Người nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”

“Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm,”

Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu tiên báo lần thứ hai Cuộc Thương khó của Ngài. Lần tiên báo thứ nhất xảy ra sau khi Phêrô tuyên tín Đức Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Lần tiên báo thứ hai xảy ra sau khi các môn đệ chứng kiến 02 sự kiện:

+ Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor (Lc 9, 28-36)
+ Đức Giêsu chữa một đứa trẻ bị kinh phong (Lc 9, 37-42)

Có lẽ cái dư âm kinh ngạc về cảnh huy hoàng trên núi Tabor, mà Đức Giêsu tỏ hiện cho các môn đệ thấy vinh quang của Ngài còn đọng trong tâm trí các ông, vì các ông đã được chứng kiến tận mắt con người thật của Đức Giêsu, mà ngày thường nó bị che khuất bởi bản tính nhân loại. Kinh thánh mô tả “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa” (Lc 9, 29).

Cái dư âm kinh ngạc đó được tiếp nối một dư âm khác, dư âm đầy thán phục khi các ông chứng kiến Đức Giêsu chữa cho một em bé bị kinh phong do quỷ ám. Cũng như mọi trường hợp chữa bệnh, trục xuất quỷ khác, nhưng đặc biệt trong lần chữa bệnh này, cha mẹ em bé có đến nhờ môn đệ của Ngài chữa, nhưng các ông đã thất bại. Đức Giêsu chữa bệnh như thế nào? Kinh thánh nói rõ, “Đức Giê-su quát mắng tên quỷ ô uế, chữa đứa trẻ, và trao lại cho cha nó” (Lc 9, 42). Các môn đệ vô cùng thán phục, Ngài quát mắng tên quỷ ô uế như quát mắng một đứa trẻ và nó phải tuân lệnh.

Các môn đệ có thể thắc mắc: Tại sao Thầy đã ban cho các ông quyền năng trên các quỷ ô uế và chữa mọi bệnh tật, khi sai các ông đi rao giảng Tin mừng mới đây ta được nghe lại, mà bây giờ các ông phải chịu thất bại? Các ông không hiểu tại sao mình lại thất bại như vậy. Thánh sử Matthêu có nêu rõ lý do khi viết: “Người nói với các ông: "Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia!" nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17, 20).

Như vậy, hóa ra niềm tin của các ông vào Đức Giêsu còn yếu ớt, nó còn nhỏ hơn hạt cải, các ông phải coi lại mình. Sự thất bại đó, là dịp củng cố niềm tin của các ông, niềm tin đó còn phải chịu thử thách nhiều nữa mới hy vọng lớn bằng hạt cải. Hai sự kiện vừa mới xảy ra làm cho các ông càng xác tín lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Các ông tin chắc chắn, Thầy của mình là Đấng Cứu Thế, nhưng “Đấng Cứu Thế” phải được hiểu theo nghĩa nào, đó mới là điều quan trọng. Đấng Cứu Thế theo nghĩa dùng quyền năng của Thiên Chúa để giải thoát Israel khỏi ách đô hộ của Rôma, hay là Đấng Cứu Thế chịu khổ nạn để cứu nhân loại khỏi vòng tội lỗi?

Kinh thánh nói: “Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm”, có nghĩa là các ông đang sững sờ trước các sự kiện xảy ra thì Đức Giêsu lại tiên báo Cuộc Thương khó lần thứ hai.

“Người nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”

Ta để ý cụm từ “hãy lắng tai nghe cho kỹ”.

Đức Giêsu phải nói lời này để cho các ông chú ý, phải thật tỉnh táo nghe những lời Ngài sắp nói, vì lần trước, sau khi Phêrô tuyên tín “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”, Đức Giêsu có nói với các ông: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy." (Lc 9, 22), thì Phêrô, cũng vẫn là Phêrô, đã can ngăn Ngài, ông kéo riêng Ngài ra và bắt đầu trách: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" (Mt 16, 22). Lần đó, Đức Giêsu đã quở trách Phêrô nặng lời "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." (Mt 16, 23). Như vậy Ngài hiểu sự nhận thức về Đấng Cứu Thế nơi các môn đệ còn quá ẫu trí, chưa chấp nhận Đấng Cứu Thế phải chịu khổ nạn để cứu chuộc nhân loại. Chính vì vậy, Đức Giêsu mới yêu cầu các môn đệ hãy lắng tai mà nghe cho kỹ.

“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”

Đây là lần tiên báo thứ hai về cuộc Thương Khó mà Đức Giêsu sắp chịu. Ta thấy có sự khác biệt rất rõ so với lần tiên báo thứ nhất:

+ Lần tiên báo thứ nhất: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."

+ Lần tiên báo thứ hai: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”

Sự khác biệt giữa hai lời tiên báo này là gì? Xin thưa: ở lần tiên báo thứ nhất, Đức Giêsu xác định rõ 03 thành phần sẽ loại bỏ và giết chết người, đó là: các kỳ mục, thượng tế và kinh sư. Đây là 03 thành phần chủ chốt trong Do Thái Giáo. Ở lần tiên báo thứ hai, Đức Giêsu nói một cách tổng quát, Ngài sẽ bị nộp vào tay người đời, như vậy ngoài ba thành phần trên (Kỳ mục, thượng tế, kinh sư) còn nhiều loại người nữa, nói chung là người đời.

Để hiểu ý nghĩa sâu xa của lần tiên báo thứ hai, ta có thể hiểu Đức Giêsu muốn nói, Ngài chịu khổ hình và kẻ đóng đinh Ngài không những là người Do Thái đương thời, mà có cả nhân loại từ khai thiên lập địa cho đến tận thế. Chúng ta cũng góp một tay đóng đinh Ngài vào thập giá. Mỗi khi ta làm một điều bất chính, mỗi khi ta không yêu thương anh em, mỗi khi ta thù ghét anh em,... đó là ta đang đóng đinh Ngài vào thập giá. Không những ta đóng đinh Ngài một lần, mà còn đóng đinh Ngài suốt đời này. Cuộc thương khó của Đức Giêsu, hiểu theo ý nghĩa sâu xa, nó còn được tiếp tục cho đến tận thế, và cây Thánh Giá vẫn luôn hiện diện trong mỗi Nhà thờ, trong mỗi gia đình và trên ngực mỗi người, để nhắc ta biết rằng, vì yêu thương mà Đức Giêsu đã chịu khổ hình trên thập giá để cứu chuộc ta. Ta là kẻ đang đóng đinh Ngài vào thập giá.

Ta thử hỏi: Tại sao Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ cuộc Khổ nạn của Ngài? Không những tiên báo một lần, mà có tất cả ba lần (lần tiên báo thứ ba, ta sẽ gặp sau). Thưa vì:

+ Đức Giêsu muốn cho các môn đệ không thấy bỡ ngỡ, hụt hẫng khi cuộc Khổ Nạn xảy ra vì các ông đã được báo trước. Các ông sẽ ý thức dần dần, và khi điều này xảy đến, các ông không bị khủng hoảng đến độ mất đức tin vào Thầy của mình.

+ Đức Giêsu muốn uốn nắn dần dần cái nhận thức của các môn đệ về Đấng Cứu Thế đích thực, Ngài biết các ông đang giữ trong người sự nhận thức về Đấng Cứu Thế rất sai lầm và trần tục. Phải từng bước mạc khải cho các ông.
__________________________________

Cuối cùng Kinh thánh viết: _______ Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

“Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa”

Đức Giêsu tự xưng là 'Con Người'. Đó là nhân vật được ngôn sứ Đaniel tiên báo, nhân vật được Thiên Chúa trao cho mọi quyền, kể cả quyền làm phép lạ mà Đức Giêsu vừa thực hiện. Thế nhưng nhân vật toàn quyền như vậy mà bị nộp trong tay người phàm, vốn chẳng có quyền gì cả. Nghĩa là người của Thiên Chúa mà lại thua người phàm thì không thể chấp nhận được. Bởi đó các môn đệ không thể đón nhận lời này.

“Lời đó còn bí ẩn”, vâng Chương trình Cứu chuộc là một bí ẩn của Thiên Chúa, nó bí ẩn ở chỗ, Chương trình đó đã được vạch ngay từ ban đầu, chứ không phải bây giờ mới lên phương án. Ta phải đi ngược dòng lịch sử trở về thời ban đầu để hiểu tại sao có chương trình Cứu chuộc, mà Đức Giêsu đã mạc khải.

Từ khi Ông bà Nguyên tổ phạm tội, phá hỏng Chương trình Sáng tạo, Thiên Chúa không phá đổ những gì Ngài đã dựng lên, thay vì phá đổ Ngài đã vạch ra Chương trình Cứu chuộc để cứu chuộc nhân loại từ khai thiên lập địa cho đến tận thế. Như vậy Chương trình Cứu chuộc đã được vạch ngay từ buổi ban đầu. Sự Cứu Chuộc được diễn tiến như sau: Từ khi con người phạm tội, con người bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, mất ân nghĩa với Thiên Chúa, con người phải sống trong tội lỗi và sự chết. Tự sức con người không thể vươn lên với Thiên Chúa, vì con người đang nô lệ cho tội lỗi thì không thể tự mình ra khỏi nó, cho dù có hoài mong về thiên đàng nhưng cửa thiên đàng đã đóng lại. Sự Cứu Chuộc theo nghĩa Thiên Chúa xuống với con người để đưa con người lên với Ngài. Chính Thiên Chúa đã sai Con của Ngài là Đức Giêsu xuống với con người, xuống với con người theo nghĩa Ngài cũng trở thành một con người giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi. Cứu chuộc bằng cách dùng máu của mình, cái chết của mình để giao hòa con người với Thiên Chúa. Máu của Ngài sẽ xóa mọi tội lỗi của chúng ta và chính cái chết của Ngài mới là Hy tế trọn vẹn dâng lên Chúa Cha, mới có khả năng giao hòa.

Vấn đề các môn đệ không hiểu, đó là: Tại sao một Thiên Chúa vinh quang, một Thiên Chúa uy quyền trên cả quỉ thần và mọi bệnh tật, không chọn con đường mà họ đang mong muốn là dùng uy quyền và sức mạnh; mà lại chọn con đường gian khổ để cứu chuộc con người! Thiên Chúa có thể phán một lời để cứu chuộc con người được không? Cũng như từ thưở ban đầu Ngài đã phán một lời để có vũ trụ và muôn loài, tại sao Ngài không làm như vậy để cứu chuộc con người? Các ông không thể hiểu và đây là lần tiên báo thứ hai rồi mà các ông vẫn chưa hiểu. Và đến cả lần tiên báo thứ ba các ông cũng không hiểu, vì nó quá xa lạ với sự suy nghĩ của các ông.

Chính vì các ông không chấp lời của Đức Giêsu, nên khi cuộc Khổ nạn bắt đầu, các ông đã bị ngã gục, mất đức tin và tháo chạy. Như vậy, có thể nói chương trình huấn luyện môn đệ của Đức Giêsu đã thất bại hoàn toàn, phá sản hoàn toàn. Nhưng cũng trong sự thất bại này, Đức Giêsu lại thành công rực rỡ, vì sau khi Ngài phục sinh, lên trời và khi Chúa Thánh Thần hiện xuống các ông mới được hiểu biết tường tận, các ông mới nhận ra ý nghĩa đích thực cuộc Khổ nạn của Đức Giêsu.

Cuộc đời của ta cũng vậy, đâu phải cái gì ta cũng giải thích được, có vô số điều ta không hiểu, không thể cắt nghĩa. Có những đau khổ đang gánh chịu, ta không hiểu tại sao nó lại xảy đến. Các môn đệ khi nghe những lời Đức Giêsu tiên báo, các ông không hiểu được, và đứng trước đau khổ của mình ta cũng không thể hiểu, vì nó là một mầu nhiệm. Ta chỉ biết rằng, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đã chấp nhận và bước vào con đường đau khổ, sau đó Ngài được vinh quang, ta cũng hãy bắt chước theo Ngài, vác thánh đời mình đi theo Ngài, để thánh giá đời ta có ý nghĩa tròn đầy.

“Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.”

Các môn đệ không dám hỏi lại Người về lời ấy: Các ông không dám hỏi vì các ông sợ phải đương đầu với sự thật mà các ông không muốn chấp nhận. Các ông muốn Đức Giêsu theo sự khôn ngoan và cách thức cứu độ của các ông; chứ các ông không muốn theo sự khôn ngoan và đường lối cứu độ của Thiên Chúa. Điều này được dẫn chứng bằng thái độ của Phêrô, khi ông dẫn Đức Giêsu ra một nơi và khuyên Chúa: "Chớ gì những sự đó đừng xảy ra cho Thầy" (Mt 16, 22).

Ngày nay trong thực tế, có lẽ nhiều người tín hữu cũng không thể nào tin yêu Đức Kitô, nếu họ gặp Ngài dưới hình dạng một con người tầm thường như vậy. Cứ nhìn các ảnh tượng người ta đã vẽ, đã tạc thì thấy rõ là ai, ai cũng chỉ muốn tin nhận một Đức Kitô phi thường và siêu việt. Đức Kitô đối với nhiều người chỉ còn là Chúa, chứ không còn là người nữa.

Chúng ta tin vào một Đức Kitô toàn năng, một Đức Kitô chiến thắng, bởi vì chỉ có Đấng ấy mới có thể đáp ứng những đòi hỏi, những ước mơ không cùng của con người, bù trừ được những thiếu sót mà con người, tự sức riêng, không thể nào giải quyết nổi.

Thế nhưng, sự thật lại không phải như vậy. Đức Kitô đến không phải để được đề cao, để được tôn vinh, nhưng đến để cùng đi, cùng sống với loài người, trong thân phận của một con người, của một tôi tớ, của một nô lệ. Với trí khôn, chúng ta không thể nào hiểu biết, nhưng với tình yêu, chúng ta sẽ dễ dàng tin nhận.

Phải, chỉ có những người biết yêu thương như Đức Kitô đã yêu thương, mới có thể nhận biết Ngài là Đức Kitô của Thiên Chúa, bời vì Thiên Chúa là Tình yêu và con tim có những ly lẽ riêng của nó. Amen

0 nhận xét:

Đăng nhận xét