Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên Năm Lẻ
(27/09/2013) - (Lc 9, 18-22)
Thánh Vinh Sơn Phaolô, linh mục.

Nguyên văn Bài Tin mừng:

Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”

Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
____________________________________

VÀI NÉT VỀ THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ, LINH MỤC

Hôm nay là ngày kính nhớ thánh Vinh Sơn đệ Phaolô. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 17, linh mục Vinh Sơn được cử đi làm tuyên úy cho các tù khổ sai bị trói vào những cột chèo lớn trên các thuyền buồm của đế quốc Pháp. Với bản chất nóng nảy, hiếu thắng, cục mịch... cộng với những phản ứng thô lỗ mà có lẽ vị linh mục tuyên úy đã bị tiêm nhiễm trong suốt thời kỳ ở với tù nhân, cha Vinh Sơn đã được một nữ bá tước ra mời làm trưởng nhóm của một số linh mục đang phục vụ như những thừa sai giữa giới nghèo trong khắp nước Pháp... Cha Vinh Sơn đã chấp thuận lời đề nghị.

Một khúc quanh lịch sử không những bắt đầu với cha mà còn cho cả Giáo Hội nữa: các linh mục dòng thánh Vinh Sơn đệ Phaolô mà chúng ta thường gọi là các cha Lazaristes đã ra đời từ đó. Ngoài ba nhân đức thông thường mà các tu sĩ phải khấn giữ, họ còn cam kết phục vụ hoàn toàn cho giới nghèo.

Thời gian sau, với sự cộng tác của chị Louise de Marillac, cha Vinh Sơn đã thiết lập dòng Nữ Tử Bác Ái cũng đeo đuổi cùng một mục đích: đó là phục vụ người nghèo... Cha Vinh Sơn đã định nghĩa dòng nữ này như sau: nhà dòng của họ là nhà thương, nhà nguyện của họ là nhà thờ giáo xứ, khu nội cấm của họ là các ngả đường phố xá.

Chúc thư và cũng là tinh thần của thánh Vinh Sơn đệ Phaolô được chứa đựng trong các lá thư của ngài. Chúng ta hãy đọc qua một đoạn sau đây: "Hãy cố gắng bằng lòng ngay giữa những điều làm cho chúng ta bất mãn. Hãy giải thoát tâm trí con khỏi những điều đang làm con giao động. Chúa sẽ lo liệu cho mọi sự... Cha van xin con, hãy tín thác nơi Chúa. Con sẽ có mọi sự tâm hồn con khao khát".

Chúa Giêsu đã bắt đầu bằng con số không: Ngài nghèo đến nỗi không có nơi gối đầu. Thế nhưng ngày nay, khi nhìn vào Giáo Hội, người ta nghĩ ngay đến quốc gia Vatican, với một bảo tàng viện phong phú nhất, với những vương cung thánh đường lộng lẫy, với những cuộc biểu dương rầm rộ. Người ta cũng có thể nhìn vào các tòa giám mục đồ sộ.

Các vị sáng lập dòng cũng thường bắt đầu với con số không. Nhưng ngày nay, có ai chối cãi được rằng những cơ sở lớn mà người ta thường thấy trong các đô thị lại thuộc về các hội dòng.

Giáo Hội và cách riêng các hội dòng có phục vụ người nghèo và có thuộc về người nghèo không?... Có lẽ, nhiều hội dòng mà mục đích nguyên thủy là phục vụ người nghèo và sống nghèo, cần phải đấm ngực tự thú rằng mình đã quá đi xa tinh thần của Ðấng sáng lập... Sống nghèo trước hết đó là sống tín thác vào Chúa quan phòng. Có thể nói đó là nhân đức trỗi vượt và cũng là mẫu số chung của các vị thánh: phó thác hoàn toàn vào Tình Yêu của Chúa.

Chúa kêu mời chúng ta chớ có lo lắng thái quá về ngày mai. Càng lo lắng, con người càng nuôi dưỡng sự tham lam và càng thiếu lòng tin tưởng vào Chúa. Lòng tin của chúng ta được đo lường bằng chính sự phó thác vào Chúa.

(Trích trong: “Lẽ Sống”, trang Web Tổng Giáo phận Huế)
______________________________________

Phân tích và Chia sẻ

Mở đầu Bài Tin mừng Kinh thánh viết: ________ Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”

“Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người”

Ta có thể chia cuộc đời rao giảng công khai của Đức Giêsu thành hai giai đoạn:

- GIAI ĐOẠN MỘT: Giảng đạo và thực hiện các phép lạ để chữa các bệnh tật, xua đuổi ma quỷ,... cho dân chúng với quyền năng của Thiên Chúa. Trong giai đoạn này uy tín, tiếng tăm của Đức Giêsu vang dội ra khắp miền, người ta đến với Ngài rất đông, họ xem Ngài là Đấng Cứu Thế mà toàn dân đang mong đợi.

- GIAI ĐOẠN HAI: Đức Giêsu bước vào Cuộc Thương khó để hoàn tất Công trình Cứu chuộc.

Hôm nay Đức Giêsu đang ở thời điểm giữa hai giai đoạn, nên Ngài cần thời gian để cầu nguyện, cảm tạ Chúa Cha về một nửa con đường Ngài đã đi, và dâng lên Chúa Cha phần đường còn lại để hoàn tất Công trình cứu chuộc. Như vậy, đây là giây phút quan trọng mà Ngài muốn hiệp thông với Chúa Cha, để kín múc nơi Cha nguồn sức mạnh để Ngài có thể bước vào giai đoạn cam go quyết liệt.

Các môn đệ cũng ở với Đức Giêsu để chia sẻ những tâm tư của Ngài. Mặc dù Đức Giêsu cầu nguyện một mình, không cầu nguyện chung với các môn đệ, nhưng việc các môn đệ ở chung với Ngài như để hiệp thông với Ngài vậy, vì các ông cũng sẽ đi vào con đường đó.

“Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?””

Kết thúc giai đoạn rao giảng và thực hiện các phép lạ chữa bệnh cho dân, bây giờ Đức Giêsu muốn xem người ta nghĩ gì về Ngài. Đức Giêsu có lý do muốn biết điều ấy, vì trong đám đông dân chúng đi theo, không phải ai cũng có chung một cảm nghĩ, và không phải ai cũng có chung mục đích theo Ngài.

Nếu họ xem Đức Giêsu là Đấng Kitô quyền phép, có thể cứu dân Israel khỏi ách đô hộ của Đế quốc Rôma, thì họ theo Ngài với mục đích để xin ơn này, ơn nọ và chắc chắn họ sẽ thối lui khi Ngài bước vào Cuộc Khổ nạn. Còn nếu người ta coi Ngài là Đấng Kitô sẽ chết trên Thập giá để cứu chuộc muôn dân, thì họ mới dám đi theo Ngài bước vào con đường khổ giá.

Ta tự hỏi: Tại sao Đức Giêsu lại hỏi các môn đệ “Dân chúng nói Thầy là ai?”. Ngài hỏi vậy nhắm mục đích gì?

Chắc chắn câu hỏi này Ngài không nhắm vào mình, Đức Giêsu biết rõ mình là ai. Ngài hỏi cũng không phải để được người ta tán dương ca tụng, vì những lời tán dương đó cũng chẳng thêm gì cho Ngài, chẳng làm cho Thiên Chúa vinh quang hơn hay kém vinh quang đi, vì vinh quang của Thiên Chúa luôn tròn đầy và viên mãn. Ngài hỏi ở đây là vì các ông. Vâng đúng như vậy, các ông cần biết dân chúng nghĩ gì về Ngài, và sau đó các ông cũng phải xác quyết mình nghĩ gì, như vậy các ông mới đủ can đảm theo Ngài lên núi sọ, vì phải biết Đức Giêsu là ai thì họ mới dám đi theo Ngài. Ta không thể theo một người khi chưa biết rõ về người ấy.

Ngày hôm nay Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Dân chúng nói Thầy là ai?”, nhưng chính Gioan Tẩy Giả đã hỏi Đức Giêsu cũng câu hỏi ấy, khi Gioan ở trong ngục, ông sai môn đệ đến hỏi: “Ngài có thật là Đấng phải đến không hay chúng tôi còn phải chờ Đấng khác?” (Lc 7, 19). Những khách dự tiệc ở nhà ông Simon biệt phái cũng hỏi như vậy: "Ông này là ai mà lại tha được tội?" (7,49). Các môn đệ cũng hỏi nhau khi thấy Đức Giêsu dẹp yên sóng gió: “Người này là ai mà ra lệnh cho cả sóng gió, và sóng gió phải tuân lệnh?” (8,25). Rồi chính vua Hêrôđê, người đã chém đầu Gioan Tẩy Giả cũng phải suy nghĩ: "Người này là ai mà ta nghe nói nhiều về ông như thế.” Và ông tìm cách gặp Người. (Lc 9, 9). Người ta hỏi Đức Giêsu, thì ngày hôm nay Ngài cũng hỏi các môn đệ.

“Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”

Nói chung dân chúng đánh giá cao Đức Giêsu, ví Ngài với Gioan Tẩy Giả, khi Ngài dám nói sự thật, giống như Gioan đã không sợ nguy hiểm khi can gián vua Hêrôđê không được lấy vợ anh mình. Ví Ngài với Êlia vì lời Ngài có đầy uy lực và Ngài đã thực hiện nhiều phép lạ như Êlia đã từng làm. Hoặc nếu không biết ví Đức Giêsu với ai, thì họ cũng cho Ngài là một ngôn sứ ngày xưa đã sống lại.

Thế nhưng, cho dù dân chúng có đánh giá cao về Đức Giêsu, nhưng tất cả những điều ấy vẫn không nói lên căn tính đích thực của Ngài.
________________________________

Kinh thánh viết tiếp: _______ Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

“Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Sau khi biết được dân chúng nghĩ gì, Đức Giêsu không thể hài lòng với những câu trả lời như vậy, vì nó chưa diễn tả đúng căn tính vốn có. Nhưng không sao, dân chúng trả lời như vậy cũng hay rồi, vì họ không được gần gũi, không được tiếp xúc, không được dạy dỗ như các môn đệ, nên sự hiểu biết hạn hẹp đó là điều dễ hiểu.

Nhưng với các môn đệ, Đức Giêsu muốn biết các ông nghĩ gì về Ngài, đó mới là điều quan trọng, vì các ông sẽ tham gia vào Sứ mệnh của Ngài, nên cần phải biết Ngài là ai.

Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.”

Ta thấy cả 3 Thánh sử Nhất lãm cùng tường thuật sự kiện này: Matthêu (Mt 16, 13-23); Marcô (Mc 8, 27-33) và Luca (Lc 9, 18-22). Qua câu trả lời của Phêrô, ta sẽ làm sáng tỏ các vấn đề sau:

(1) Vấn đề thứ nhất: Câu trả lời của Phêrô dựa trên cơ sở nào?

Cả 3 Thánh sử đều nhất trí, Phêrô đại diện Nhóm Mười Hai, trả lời một cách dứt khoát không một chút do dự. Đây là một câu hỏi khó chứ không phải đơn giản, đáng lý ra Phêrô phải suy nghĩ khá lâu mới có thể trả lời được, vì ngay trong câu trả lời của dân chúng, có vẻ Đức Giêsu chưa hài lòng mặc dù câu trả lời đó cũng đã quá hay rồi. Điều gì đã giúp Phêrô trả lời ngay được?

Chỉ có trong Thánh sử Matthêu mới giúp ta hiểu điều này. Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16, 17). Vâng chính Chúa Cha đã mạc khải cho Phêrô, như vậy Phêrô trả lời ngay được vì chính Chúa Cha đã mạc khải cho ông biết, chứ không phải tự bản thân ông.

(2) Vấn đề thứ hai: Xác định câu trả lời nào là của Phêrô?

Ta thấy có sự khác biệt trong câu trả lời của Phêrô ở 3 Thánh sử:

+ Ở Matthêu: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống." (Mt 16, 16)
+ Ở Marccô: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8, 29)
+ Ở Luca: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 8, 20).

Chính xác, Phêrô đã nói câu nào? Người ta không biết được. Tin Mừng không bao giờ là một bài tường thuật thuần túy vật chất. Ta có thể suy diễn như sau: Cả ba câu trả lời đều xác nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, tức Đấng được xức dầu, đó là điểm chung giữa ba câu trả lời, nhưng vì có sự thêm vào sau “Đấng Kitô” nên có sự khác biệt giữa 3 câu.

a/. Câu trả lời ở Matthêu, có khuynh hướng nói về Bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu nhiều hơn. Phêrô xác nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, ông cũng tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa, vì bao giờ Cha và Con cũng phải đồng Bản tính với nhau.

b/. Câu trả lời ở Luca, nghiêng về Sứ vụ.

Đối với các độc giả Hy Lạp, Luca thấy cần phải xác định rõ một từ Do Thái là từ Mêsia (bản dịch tiếng Hy Lạp là "Christos") và thêm vào: "Đấng Kitô của Thiên Chúa". Vả lại từ Christos có nghĩa là Đấng được xức dầu... Đấng được 'Thiên Chúa xức dầu, được Thiên Chúa thâm nhập, thấm nhuần!

Vậy Phêrô nhận ra nơi Đức Giêsu điều mà chính Ngài đã loan báo ngay trong diễn từ đầu tiên ở hội đường Nadarét: "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn" '(Lc 4,18 và Is 61,I).

c/. Câu trả lời ở Marcô không xét, vì không có gì thêm sau “Đấng Kitô”

Như vậy, dù câu trả lời nào của Thánh Phêrô, Đức Giêsu cũng hài lòng vì nó đã nói lên căn tính đích thực của Ngài, là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, là Con Thiên Chúa, câu trả lời này đã được chính Chúa Cha mặc khải cho Phêrô. Sự xức dầu của Thần khí, sự xâm nhập của Thần khí trên Đức Giêsu chúng ta không thể thấy được. Vì thế căn tính sâu xa của Ngài không phải là một điều gì có thể dùng lý trí mà suy diễn. Chúng ta chỉ có thể tiếp nhận dưới thể thức của sự mạc khải. Thực vậy, khi Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho các môn đệ cũng là dịp Chúa Giêsu muốn tỏ cho các ông biết Ngài là ai!

“Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai”.

Tại sao Đức Giêsu lại nghiêm cấm các môn đệ không được nói điều ấy với ai? Thưa: vì mọi người đang hy vọng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế có thể giải thoát họ khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, phục hưng một nước Do Thái hùng mạnh như xưa, đó là chưa kể đến việc thống trị cả thế giới. Với một quan niệm sai lầm như vậy về Đấng Cứu Thế, nếu các môn đệ nói cho mọi người biết Đức Giêsu là Đấng Cứu thế, là Đấng được xức dầu, nó sẽ đưa dân tộc Do Thái vào sự sai lầm không có lối thoát.

Chỉ có Phục sinh, dưới hai khía cạnh Thập Giá và vinh quang mới cho phép người ta hiểu được Đức Giêsu là ai. Còn giờ đây, các tông đồ được mời gọi không được nói ra căn tính của Đức Giêsu.
____________________________________

Cuối cùng Kinh thánh viết: ______ Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

Đối với nhóm Mười Hai, sự loan báo về cuộc khổ nạn đã xuất hiện như một gáo nước lạnh giội vào người. Trong cùng một cảnh tượng, hai Thánh sử Matthêu và Márcô ghi lại rằng Phêrô đã bị quở trách vì không hiểu được cuộc khổ nạn.

Đức Kitô thực sự là Đấng Cứu Thế, nhưng theo một nghĩa khác hẳn. Ngài là Tôi tớ Giavê như tiên tri Isaia loan báo, là Con Người đau khổ, là Con Chiên bị đem đi giết, là Người cơ cực phải gánh lấy gánh nặng thay cho dân và chuốc lấy mọi khổ đau. Đặc tính ấy của Đấng cứu thế chỉ mới được tỏ rõ khi Ngài tuyên bố cho các tông đồ lời lạ lùng này: ‘Con Người, phải chịu nhiều đau khổ’, như vậy, chẳng còn là vinh quang phàm tục, là vĩ đại thế trần, hay đời sống thoải mái tại thế. Con đường Ngài đi là con đường khổ cực, khiêm tốn và âm thầm. Đây không phải là cái đau khổ của một người với tư cách cá nhân mà là sự đau khổ của Đấng Messia nơi dân Ngài.

Vì ‘Ngài bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết’. Ba nhóm người có thế lực chính thức: các Thượng Tế, kinh sư và đại diện chính trị của mười hai chi tộc. Như vậy, tất cả những ai trong hội đồng cố vấn tối cao, quyền hành pháp và lập pháp của dân đều ghét bỏ Ngài. Chức vụ Cứu Thế của Ngài coi như chẳng còn gì đáng nói nữa: Ngài chẳng phải là người họ tuyển chọn mà bị họ sa thải. Ngài chuốc lấy sự nhục nhã của những người tội lỗi, của những người lìa xa Thiên Chúa với mục đích huỷ bỏ sự nhục nhã ấy và làm cho những kẻ hư hỏng thành những người được chọn.

Được Thiên Chúa sai đến, bị con người ghét bỏ, nhưng Ngài cũng sẽ chu toàn sứ mệnh và thực hiện được lời mời gọi con người để họ có thể theo Ngài và đến với Thiên Chúa.
_______________________________

Ngày xưa, Ðức Giêsu đã hỏi các môn đệ: Ngài là ai đối với họ. Chắc chắn hôm nay Ngài cũng đang đặt câu hỏi đó với mỗi người chúng ta. Chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta sẽ trả lời Ngài như thế nào? Chúng ta có tin rằng Ðức Giêsu là Thiên Chúa, là Ðấng làm chủ cuộc đời chúng ta không? Chúng ta có sẵn sàng sống cho Ngài và theo Ngài không? Ðức Giêsu có chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống của ta không? Hay chỉ có vật chất, lợi lộc, hưởng thụ mới là điều quan trọng?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét