Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Bài của Nguyễn Văn Tâm
Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm C
(22/09/2013) - (Lc 16, 1-13)

Nguyên văn Bài Tin mừng:

Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!”

Người quản gia liền nghĩ bụng: ‘Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!’
Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’ Rồi anh ta hỏi người khác: ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một ngàn dạ lúa.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.’
Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

“Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.

Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”
_________________________________

Phân tích và Chia sẻ

Mở đầu Bài Tin mừng Kinh thánh viết: _______ Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!”

Bài Tin mừng được Đức Giêsu nói riêng với các môn đệ, là những người quản lý tương lai các ân sủng của Thiên Chúa. Ngài bắt đầu bằng một dụ ngôn, đó là Dụ ngôn NGƯỜI QUẢN LÝ BẤT LƯƠNG.

Có thể nói dụ ngôn này thuộc loại gai góc nhất trong Tin mừng, vì nó dễ gây ra hiểu lầm khi nghe ông chủ khen người quản lý. Chính vì thế cần phải phân tích thật kỹ việc làm của người này để rút ra bài học đúng đắn cho mình.

“Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!””

Nhà phú hộ nói ở đây là một ông chủ giàu có nhưng thường xuyên vắng nhà. Ông đã tín nhiệm một người và đặt người đó làm quản gia, quản lý tất cả tài sản của mình. Anh ta có toàn quyền thay mặt chủ để giao dịch làm ăn. Vì có toàn quyền thay mặt chủ, đứng trên mặt pháp lý, bất cứ việc làm nào của người này cũng có giá trị như chính ông đã làm. Nếu anh ta biển thủ, thì không có một hành vi pháp lý nào có thể giúp chủ thu hồi của cải; ông chủ chỉ có thể phạt bằng cách trách mắng, tiết lộ hành vi bất lương của anh ta để làm anh mất tiếng tốt, rồi thải hồi anh thôi.

Vậy người quản lý cần phải có những đức tính gì? Đó là 2 đức tính: TRUNG THÀNH và KHÔN NGOAN. Trung thành để bảo vệ tài sản cho chủ, sống chết với chủ, và Khôn ngoan để làm gia tăng tài sản cho chủ.

Ngay câu đầu tiên, Kinh thánh đã xác định trước người quản lý này thuộc loại bất lương, nhưng không cho biết trong quá khứ anh đã làm gì để gọi là bất lương? Ta chỉ biết, ông chủ ở phương xa nghe người ta báo cáo lại về những việc làm phung phí của người này. Nhưng cũng không xác định người quản lý đã phung phí của cải trong những chuyện gì.

Ta thắc mắc:

Tại sao ông chủ đã tín nhiệm người này, lại đi nghe lời của người khác? Tại sao ông không tự tìm hiểu vấn đề, mà đã vội cho gọi người quản lý đến để trách móc? Có lẽ tài sản của ông rất lớn, nên khi giao nó cho một người, ông vẫn có cơ chế để biết được những gì anh ta đã làm, cho dù mình không có mặt. Ta tạm loại bỏ trường hợp: người báo cáo lại có thù oán với anh ta, và cứ cho người báo cáo này là một người trung tín khác của chủ, và chấp nhận người quản lý có vấn đề.

“Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!”

Mặc dù biết tài sản mình bị mất, ông cũng phải chấp nhận, vì việc làm của anh ta có giá trị như việc làm của ông, nên không có chuyện bắt anh thu hồi lại, ông chỉ có thể có thể khiển trách hoặc cho thôi việc. Ông cho anh ta một thời gian để thu xếp việc quản lý, sau đó sẽ giao việc quản lý cho người khác.

Chính cái thời gian ngắn này, ta mới thấy được sự khôn ngoan của anh, và ta sẽ làm sáng tỏ vấn đề: ANH QUẢN LÝ NÀY CÓ BẤT LƯƠNG NHƯ MỌI NGƯỜI NGHĨ KHÔNG?
_______________________________

Kinh thánh viết tiếp: _______ Người quản gia liền nghĩ bụng: ‘Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!’Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’ Rồi anh ta hỏi người khác: ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một ngàn dạ lúa.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.’Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

Trước khi phân tích đoạn Tin mừng, ta sẽ nêu lên một số vấn đề sau đây:

1/ TIỀN LƯƠNG CỦA NGƯỜI QUẢN LÝ

Tại nước Do Thái thời Đức Giêsu, Người quản lý không được trả lương, nhưng anh toàn quyền thay mặt chủ để giao dịch làm ăn. Ta tự hỏi: Nếu không có lương thì người quản lý sẽ sống bằng gì? Còn gia đình anh ta thì sao? Đó là vấn đề thứ nhất mà ta sẽ trả lời ở phần sau.

2/. LUẬT MÔSÊ CẤM CHO VAY LẤY LÃI (Xh 22,25; Lc 25,36; Đnl 23,20-21). Luật này nhằm che chở những người túng cực khỏi bị bóc lột.

Nhưng Luật Môsê lại có một luật trừ: Nếu chứng minh được người vay mượn đã có một phần của cải anh muốn mượn, và phần vay mượn không là cấp bách, thì có thể lấy lãi.

Ví dụ: Ông (A) muốn vay mượn 10 lít dầu, người ta lý luận như thế này: chắc chắn trong nhà ông (A) đã có dầu, không ít thì nhiều, chẳng lẽ nhà ông (A) không có dầu để thắp một ngọn đèn hay sao? Và cũng lý luận thêm: 10 lít dầu kia cũng không cấp bách, tức ông (A) không có nó cũng chẳng chết. Như vậy, người cho vay 10 lít dầu có quyền lấy lãi mà vẫn hợp pháp.

NGƯỜI QUẢN LÝ SẼ SỐNG BẰNG CÁCH NÀO?

Trong hai ví dụ sau mà Tin mừng đưa ra: DẦU và LÚA (là những thứ được giải thích bằng luật trừ), người quản lý sẽ lấy lãi của người vay mượn, vì cũng cách lý luận trên anh ta được quyền lấy lãi. Như vậy, anh ta sẽ ghi phần lãi + phần vốn vào biên bản vay mượn. Phần lãi này được chủ cho phép và gọi là hoa hồng.

Vì không có lương, người quản lý thời Đức Giêsu, có quyền được hưởng hoa hồng trên mỗi giao dịch, luật pháp cho phép anh ta được hưởng từ 25-50%, và phần hoa hồng đó được cộng với vốn để ghi trên biên bản vay mượn.

Ví dụ: Giả sử người quản lý (A) cho ông (B) vay 10 thùng lúa. Phần hoa hồng được thương lượng giữa hai bên: (A) và (B) là 50%. (phần này là phần thương lượng giữa hai bên, nó có thể ít hơn 50%, nhưng không được dưới 20%, nếu đồng ý sẽ tiến hành việc vay mượn)

Vậy phần hoa hồng của (A) là: 10 x 50% = 5 thùng. Người quản lý (A) sẽ ghi vào biên bản vay mượn là: 10 + 5 = 15 thùng. Như vậy, ông (B) trên pháp lý đã vay của (A) là 15 thùng. Phần ông chủ 10 thùng, phần của người quản lý là 5 thùng.

Mặc dù, người quản lý trên nguyên tắc không được trả lương, nhưng cái phần hoa hồng này cũng khá hấp dẫn, nó hoàn toàn không đụng đến tài sản của chủ. Chính vì thế mới nảy sinh vấn đề lạm dụng.

Trở lại đoạn Tin mừng:

“Người quản gia liền nghĩ bụng: ‘Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!’”

Sau khi được chủ gọi lên để cho nghỉ việc, và chủ cũng cho một ít ngày để thanh toán sổ sách, anh ta biết rõ số phận của mình đã được an bài. Anh lo lắng cho tương lai của mình, vì ngoài nghề quản lý ra, anh không biết làm gì hết. Công việc trước đây chỉ là điều khiển người khác, bây giờ có làm gì hoặc là không làm nổi, hoặc xấu hổ. Trong lúc cùng đường, anh liền nghĩ ra một diệu kế, để sau này có người đón nhận mình sau khi thôi chức quản lý.

Anh gọi các con nợ đến, rồi hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu”. Người quản lý bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. Món nợ đã được giảm từ 100 thùng dầu ô-liu xuống còn 50 thùng, tương đương với tiền công nhật một năm. Giảm 50% (như vậy anh đã hưởng hoa hồng 50%, cái phần rút bớt lại chính là phần hoa hồng của anh)

Anh ta gọi người thứ hai đang mắc nợ một trăm bồ lúa, tức là khoảng 1000 dạ (kết quả thu hoạch của hơn 42 mẫu ruộng tốt). Nay món nợ của ông giảm xuống còn 800 dạ, tức giảm 25% (anh ta đã hưởng hoa hồng 25%, cái phần rút bớt lại cũng là phần hoa hồng của anh)

Như vậy, trên nguyên tắc ANH TA KHÔNG BẤT LƯƠNG, anh chỉ bỏ cái phần hoa hồng đáng lý anh được hưởng, và đã hoàn lại tài sản cho chủ. Cái khôn khéo của anh ở chỗ, dám chấp nhận mất hoa hồng, để biến những con nợ kia thành người chịu ơn anh. Và ông chủ đã phải khen “tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo”.

“Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại”

Điểm nhắm của dụ ngôn là: sự thông minh của một người khi nhìn đến tương lai của mình, hoặc nói bằng ngôn ngữ tôn giáo hơn, đó là chọn lựa thận trọng khi nhìn đến việc cứu độ bản thân.

Các môn đệ của Đức Giêsu cũng phải hành động với một sự minh mẫn và khôn ngoan như thế. Đức Giêsu bảo họ rằng, họ có thể học được nhiều nơi các con cái thế gian trong việc phân tích kỹ lưỡng hoàn cảnh, suy nghĩ chín chắn và có một cách ứng xử thích hợp.
______________________________________

Cuối cùng Kinh thánh viết: _______ “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”

“Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.”

Tạo lấy bạn bè! phát triển tình bạn! Đấy là lý lo của lời khen ngợi.

Ở trọng tâm của bài dụ ngôn, Đức Giêsu đem lại cho chúng ta một bài học quan trọng: Cách sử dụng tốt sự giàu có là dùng nó để tạo lấy bạn bè, đặt tình yêu thương vào các mối quan hệ. Đó còn là một quan niệm thật sự cách mạng về tiền bạc. Dùng tiền bạc như một phương tiện để chia sẻ và sống tình bằng hữu. Tiền bạc tự nó không xấu. Nó có thể tạo ra mềm vui cho những người khác, và do đó là niềm vui cho người nào đã góp phần vào niềm vui ấy khi “ban tặng”!

Luca trong Tin Mừng của Ngài đã nhấn mạnh đến Đấng Mêsia của những người nghèo, nhiều hơn các thánh sử khác. Nước Thiên Chúa hầu như thuộc về họ, đến nỗi những người giàu có chỉ vào được đó, nhờ sự bảo trợ và giới thiệu của những người nghèo mà những người giàu có sẽ làm bạn. Bài Tin Mừng cho những người giàu có biết rằng, mình có thể được cứu và bước vào “nơi ở vĩnh cửu” như thế nào, khi mà ở nơi đó tiền bạc của họ không còn nữa”.

“Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn, ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn”.

Để kết luận cho câu chuyện cụ thể này, đây là những châm ngôn về tiền bạc mang tính mạc khải cao cả của tư tưởng Đức Giêsu. Tiền bạc là một “việc nhỏ” khi so sánh với “việc lớn” là Nước Thiên Chúa vĩnh cửu.

“Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?”

Trong khẳng định thứ hai Đức Giêsu nói với chúng ta rằng, tiền bạc thì “bất lương”. Đó là một cái bẫy chỉ đem lại sự an toàn giả tạo. Không nên tin vào tiền bạc (I Timôthê 6,17). Tính từ “bất lương” trở đi trở lại năm lần trong trang này. Đức Giêsu đã chơi chữ. Người nói về “người quản gia bất lương” rồi giờ đây, Ngài nói về “tiền bạc’ bất lương”.

Từ này cũng thường được dịch là “người quản gia bất chính, bất hảo, bất công”… và “tiền bạc bất chính, bất hảo, bất công.. Trong linh hồn và trong ý thức, mỗi người được mời gọi để trả lời về tiền bạc của mình: Có bất hảo, bất công, bất chính không? Tiền bạc rất ích lợi, có thể được sử dụng một cách có lợi để tạo thành bạn bè cho mình, nhưng nó cũng có thể là một quyền lực của sự ác.

“Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?”

Khẳng định thứ ba, Đức Giêsu đã lên án sự “tha hóa” con Người: Tiền bạc không phải là điều tốt lành thật sự cho chúng ta. Sự giàu sang không làm cho một người nên tốt lành, thông minh, hạnh phúc. Giá trị thật sự ở chỗ khác. Tiền bạc làm “tha hóa” chúng ta, nếu chúng ta để nó “chiếm đoạt” chúng ta.

“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”

Chữ ‘Tiền Của’ viết với một chữ hoa ở đầu để dịch từ ‘Mam-mon’, một từ đáng khinh bỉ để chỉ một thần tượng, vì nó mà người ta trở thành nô lệ. Bạn có là tù nhân bị tiền bạc xiềng xích, chiếm đoạt, đánh đòn với những lo âu về công việc?

Đối với Đức Giêsu, không thể có bất kỳ thỏa hiệp nào: Hoặc là Thiên Chúa, hoặc là tiền bạc. Chúng ta hãy thú nhận chúng ta thường bị cám dỗ phục vụ luân phiên cả hai ông chủ: Thiên Chúa ngày Chúa nhật, cho phần rỗi của chúng ta và Thiên Chúa của các thương vụ, của hầu bao, lợi lộc sáu ngày còn lại trong tuần. Amen

0 nhận xét:

Đăng nhận xét