Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXV Thường Niên Năm Lẻ
(23/09/2013) - (Lc 8, 16-18)
Thánh Piô Pietrelcina, Linh mục.

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

“Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.

Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.

Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”
________________________________

PHÂN TÍCH và CHIA SẺ

Bài Tin Mừng của Thánh sử Luca hôm nay chỉ vỏn vẹn có 3 câu nằm trong chương 8, nhưng nó đã nói lên ý nghĩa cách thức lãnh nhận và truyền giảng Lời Đức Giêsu. Đó là nhiệm vụ của người môn đệ theo Chúa Kitô, và thực hành bằng việc sống lời Thầy của mình trong cuộc sống hàng ngày. Bài Tin mừng này được nối tiếp với Dụ ngôn Người gieo giống (Lc 8, 4-13), như vậy sau khi Đức Giêsu nói xong Dụ ngôn người gieo giống, Ngài tiếp nối với Dụ ngôn cái đèn thắp sáng.

Mở đầu Bài Tin mừng Kinh thánh viết: _______ Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.

Cụm từ “Ánh sáng”

Chủ đề Ánh sáng được nói rất nhiều trong Kinh thánh. Thiên Chúa đã dựng nên ánh sáng vì chính Ngài là Ánh Sáng, như vậy ngay từ buổi ban đầu ánh sáng đã ngự trị trên toàn vũ trụ, con người và muôn loài sống trong ánh sáng sự sống. Nhưng từ khi Ông Bà Nguyên tổ phạm tội, ánh sáng bị đẩy lùi và bóng tối đã bao trùm lên tất cả, con người phải lần mò trong bóng tối sự chết.

Thiên Chúa không bỏ mặc con người, Ngài đã sai Con Một Ngài là Đức Giêsu, nhập thể và nhập thể để cứu chuộc nhân loại, Đức Giêsu là Ánh sáng muôn dân khi Ngài khẳng định: “Ta là Ánh sáng thế gian” (Ga 9,5). Như vậy, Ánh sáng lại được bừng lên trong vùng âm u sự chết, và Ánh sáng đó đang lan tỏa trên toàn thể vũ trụ.

Vấn đề đặt ra: Ánh sáng của Ngài có lan tỏa đến tận cùng trái đất không? Lan tỏa hay không, đó còn tùy mỗi người tin vào Ngài, có trở nên ánh sáng để tiếp nối, đưa ánh sáng của Ngài đi xa hơn nữa không? Đức Giêsu kêu gọi mỗi người tin theo Ngài, hãy trở nên ánh sáng thế gian để đưa ánh sáng của Ngài đến tận cùng trái đất.

Ngài ví mỗi người như một chiếc đèn được đốt lên, đặt trên giá cao để soi sáng chung quanh mình. Không ai đốt đèn lại lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, làm như vậy thì đốt đèn để làm gì! Đó là điều vô lý, nhưng thực tế cho thấy có rất nhiều người đang sống trong sự vô lý ấy.

Tại sao vậy?

Vì khi ví người tín hữu như một chiếc đèn được đốt lên, đặt trên giá cao để soi sáng chung quanh, ý Đức Giêsu muốn nói, những người tin vào Ngài hãy trở thành gương sáng cho người chung quanh noi theo. Trở thành gương sáng bằng cách nào? “Lời Chúa là ánh sáng soi bước con đi”, như vậy trở thành gương sáng chính là lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Khi người Kitô hữu thực hành lời Chúa, họ sẽ trở thành ánh sáng, mà bản chất của ánh sáng là chiếu sáng và lan tỏa, lan tỏa đi mãi. Nó giống như câu nói của cổ nhân: “Hữu xạ tự nhiên hương”, nghĩa là vật gì có mùi hương thì sẽ tự tỏa hương thơm.

Tính chất lan tỏa được hiểu như thế này: Mỗi Kitô hữu đã được hưởng ánh sáng Tin Mừng thì họ đừng giữ cho riêng mình, đừng dập tắt, trái lại phải tìm cách làm lan tỏa ánh sáng đó ra chung quanh. Như lời thánh Phaolô dạy: "Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời".

Còn người không sống và thực hành lời Chúa, người đó được ví như chiếc đèn được đốt lên, nhưng lấy hũ che lại, hoặc đặt nó dưới gầm giường. Ánh sáng đó chẳng có ích gì cho ai, vì nó đã bị mất hai đặc tính quan trọng, đó là chiếu sáng và lan tỏa. Lấy hũ che đèn lại hoặc đặt đèn dưới gầm giường là nghe Lời Chúa xong rồi quên đi, suốt ngày không nghĩ tới và không nói tới nữa. Nó cũng như Thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Vâng đúng như vậy, khi ánh sáng mất đi tính chất lan tỏa, ánh sáng đó sẽ tắt.
_______________________________

Kinh thánh viết tiếp: ________ Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.

Câu này có thể được hiểu theo hai cách.

(1) Cách hiểu thứ nhất:

Ngoài hai đặc tính: Chiếu sáng và lan tỏa, ánh sáng còn một đặc tính nữa, đó là phơi bày tất cả những gì trong bóng tối. Ánh sáng đi đến đâu, sự thật sẽ phơi bày đến đó. Người ta chỉ có thể lén lút, vụng trộm, âm mưu khi ở trong bóng tối, chứ không thể lén lút trong ánh sáng.

Đức Giêsu khẳng định về những hành vi được thực hiện trong bóng tối sẽ bị ánh sáng phơi bày. Khi ánh sáng đến, bóng tối sẽ lùi xa. Đây cũng được kể như việc Đức Giêsu đến trần gian. Ngài đến xoá tan mọi ngõ ngách của bóng tối, thanh tẩy trần gian bằng ánh sáng. Bóng tối đó là tội lỗi, là ma quỉ, là bệnh tật... đang đè nặng trên đời sống con người. Đức Giêsu là Ánh sáng thế gian, chính vì thế khi Ngài xuất hiện, tất cả những sự giả hình của đám kinh sư và Pharisêu đã bị phơi bày cho mọi người thấy, họ không thể che mắt dân chúng được nữa vì đã bị Ngài vạch mặt chỉ tên.

Ngày nay có rất nhiều người đang sống với não trạng Pharisêu, tức sống trong sự giả hình. Con người thật xấu xa bỉ ổi bên trong được che đậy bằng vẻ đạo đức bên ngoài, đó là chiếc mặt nạ đang che giấu bộ mặt thật của họ. Họ có thể đánh lừa được người khác, nhưng không thể đánh lừa được lương tâm mình và nhất là không thể đánh lừa được Thiên Chúa. Có thể họ vẫn bằng an vô sự, không bị bất kỳ sự trừng phạt nào, trái lại còn sung túc hơn, được mọi người kính trọng hơn. Thiên Chúa vẫn cho họ một thời gian vừa đủ để họ tự nhận ra mình và thay đổi.

Nếu họ nghe được lời Đức Giêsu nói hôm nay: “Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng”, họ nên suy nghĩ lại, vì có nhiều trường hợp phải mất 10, 20, 30 năm người ta mới khám phá ra sự thật, tưởng chừng như nó đã bị quên lãng. Sự thật vẫn là sự thật. Và ai sống trong sự thật, sống trong ánh sáng, họ sẽ mạnh dạn bước đi trong cuộc đời này và không sợ bất kỳ điều gì. Còn ai sống trong trong gian dối, sống trong sự giả hình lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, sợ một ngày nào đó sự thật sẽ được phơi bày, chiếc mặt nạ bị rớt xuống để hiện rõ một con người xấu xa bỉ ổi. Chính sự nơm nớp lo sợ này đã tố cáo họ.

Và ngay cả trường hợp khi kết thúc cuộc đời này, sự thật vẫn chưa được phơi bày vì họ là những con người đóng kịch siêu đẳng, thì ở đời sau mọi sự sẽ sáng tỏ vì sự thật vẫn luôn là sự thật, nó phải được phơi bày. Đó là đặc tính của ánh sáng và Đức Giêsu chính là Ánh sáng thế gian, Ngài sẽ phơi bày tất cả những gì bí ẩn ra ánh sáng.

(2) Cách hiểu thứ hai:

“Chẳng có gì bí ẩn mà không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che dấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng”. Những từ “gì” này nói đến các mầu nhiệm Nước Chúa.

Trong thời kỳ của Đức Giêsu các mầu nhiệm còn được che giấu, còn là bí ẩn. Nhưng đến thời các tông đồ và thời của Giáo Hội, chúng phải được loan truyền, tỏa lan rực rỡ như ánh sáng của ngọn đèn đặt trên nơi cao.

Đức Giêsu đã nói với các môn đệ trước khi bước vào Cuộc Khổ nạn: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16, 12-15)

Như vậy, không phải các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa che giấu không cho các môn đệ biết, nhưng vì các ông không thể hiểu nên chưa được thổ lộ. Chỉ khi nào Đức Giêsu về trời, Thần Khí Sự Thật đến, Ngài là Ánh Sáng sẽ dẫn các môn đệ tới Sự thật trọn vẹn và Ngài cũng soi sáng cho Giáo hội sau này, để Giáo hội có thể công bố các Tín điều,... Như vậy sự thật đã sáng tỏ trong Ánh sáng của Chúa Thánh Thần.
_______________________________

Cuối cùng Kinh thánh viết: ________ Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”

“Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe”, câu này có nghĩa gì?

Như ở phần đầu ta đã nói: Bài Tin mừng này được nối tiếp với Dụ ngôn Người gieo giống (Lc 8,4-13), như vậy câu này có nghĩa:

Đức Giêsu cảnh báo về cách nghe và đón nhận Lời Chúa, nó giống như hạt giống được gieo xuống nhiều mảnh đất khác nhau, tâm hồn chúng ta được ví như những mảnh đất ấy. Chúng ta có thể là những mảnh đất sỏi đá, hay vệ đường, hay là một bụi gai um tùm.... mà Lời Chúa không thể nào đâm chồi nẩy mầm được. Lời Chúa như sương sa, như mưa rơi...nhưng lòng chúng ta lại đóng kín, khô cằn nên Lời Chúa vẫn chỉ ở bên ngoài, không thấm nhập vào tâm hồn chúng ta được. Ấy là cách chúng ta nghe mà không được biến đổi. Chúng ta không muốn Lời Chúa biến đổi tâm hồn mình.

Kết quả của việc sinh hoa kết quả là do Lời Chúa được mỗi người đón nhận như thế nào? Cùng một loại hạt giống Lời Chúa, nhưng mảnh đất tâm hồn của chúng ta được vun xới, cày bừa khác nhau, nên hiệu quả cũng rất khác nhau.

“Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”

Trong Dụ ngôn ông chủ giao cho các đầy tớ những nén bạc để họ sinh lợi khi ông đi xa, người được giao 5 nén, người 2 nén, người 1 nén. Kết quả, người được giao 5, 2 nén thì làm lợi thêm 5, 2 nén khác, còn người được giao 1 nén thì lại đem chôn nén bạc của mình. Khi ông chủ về tính sổ với họ,.... , ông đã lấy nén bạc của người đem chôn, cho người đã sinh lợi.

Kết thúc Dụ ngôn, Đức Giêsu cũng nói: “Ai có thì được cho thêm, còn ai không có, thì những cái nó có cũng bị lấy đi”.

Hai câu có nghĩa hoàn toàn giống nhau, nó chỉ khác một chi tiết thú vị, đó là trong câu nói này có thêm từ “tưởng”, “ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất”. Những cái nó có và cả những cái nó tưởng tượng (= ảo) cũng bị lấy đi. Bị lấy đi tất cả cho dù là cái nằm trong trí tưởng tượng.

Câu này là một ngạn ngữ được Đức Giêsu mượn dùng. Một kinh nghiệm ở đời là kẻ đã giàu thì ngày càng giàu thêm, còn người đã nghèo lại cứ nghèo đi, bởi vì “vốn sinh lãi, nợ đẻ nợ”. Đức Giêsu mượn kinh nghiệm này để khuyến khích người ta chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa: càng thực thi Lời Chúa thì lại càng hiểu Lời Chúa nhiều hơn nữa.

Trong lãnh vực đức tin cũng thế, Đức Giêsu đã ví việc nghe và thực hành Lời Chúa như người xây nhà trên đá: Nếu cố gắng sống đức tin theo những gì Ngài dạy, thì đức tin mỗi ngày một lớn mạnh hơn, và có thể đứng vững trước những phong ba của cuộc đời; nhưng nếu lười biếng không chịu thực hành đức tin, thì đức tin sẽ mỗi ngày một tàn lụi đi, và sẽ bị bão táp cuốn đi như người xây nhà trên cát.

“Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Amen.
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét